Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Tin vui Tháng Bảy !!!

Chỉ còn ít ngày nữa Tháng 7/2020 sẽ trôi qua, tuy vẫn còn để lại những chuyện buồn về COVID-19, “Black Lives Matter”… Đang trong nỗi buồn đó, tôi vừa nhận được một bài viết của anh Nhung Le với nhan đề GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: "HỒI ỨC THỜI ĐIÊU LINH".

Anh Nhung Le là một trong 4 người viết Lời Tựa “Hồi ức thời Điêu linh”, cuốn sách thứ 3 được xuất bản tại Hoa Kỳ, sau hai cuốn “Hồi ức Ban MꔓHồi ức Sài Gòn”. Dĩ nhiên, được nhìn thấy “đứa con tinh thần” ra chào đời tác giả nào lại không vui?

Cả ba cuốn sách nói trên đều được xuất bản tại hải ngoại, không vì mục đích kinh tế mà chỉ dành cho bạn bè, thân hữu và lớp hậu duệ để cùng chia sẻ những dòng hồi ức của một thời đã qua.

Đó là món quà tinh thần mà tác giả xin gửi đến người đọc trong thời buổi sách đang mất đi ưu thế trước trào lưu của thời đại “online”. Cũng vì thế, hầu hết nội dung của sách trước đó đã được đăng trên Facebook và trang Blogspot (chinhhoiuc.blogspot.com).

*** 

“Hồi ức thời điêu linh” gồm 30 bài viết trải dài từ biến cố lịch sử ngày 30/4/1975 đến tản mạn về những chuyện đã xảy ra sau đó. Dĩ nhiên sự việc được mô tả theo cái nhìn “chủ quan” của người viết nhưng ít ra cũng là những cảm nhận của số đông người Sài Gòn. 

Bìa sách “Hồi ức thời điêu linh” (2020)

 Công đầu trong việc ra sách phải kể đến những đồng môn trường Trung học Ban Mê Thuột ngày nào, các văn hữu quen biết và nhất là những người đọc âm thầm thưởng thức. Chúng tôi sẽ nêu lên trong bài viết này những “ân nhân” của cả 3 bộ sách: 

* Anh Nguyễn Xuân Duẩn: trong vai trò “chủ xị” đứng ra lo việc in ấn, phát hành và cả công sức tài trợ. Anh hiện ở miền Trung Tây Hoa Kỳ. 

* Anh Nguyễn Ngọc Thiệp: trong vai trò phát hành tại vùng California. 

* Anh Phạm Văn Thành: trong vai trò nhà tài trợ và phát hành tại Montreal, Canada. 

***

Về những Lời Tựa & Giới thiệu cuốn sách, ngoài anh Phạm Văn Thành, còn có sự tham gia của: 

* Anh Phan Ni Tấn tại Canada 

* Anh Nhung Lê tại Hoa Kỳ 

* Anh Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng tại Hoa Kỳ 

Sau cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, là bìa sách được trình bày qua bàn tay của Nguyen KB. Người “designer” này cũng là tác giả của bìa sách “Hồi ức Sài Gòn” qua sự giới thiệu của Mạnh Kim, một cây bút hiện đang ở Hoa Kỳ.

Bìa sách “Hồi ức thời điêu linh”

Xin niệm tình tha thứ vì có thể trong danh sách “tri ân” còn có phần thiếu sót. Mong quý vị bỏ qua. 

***

Mục lục "Hồi ức thời điêu linh"

1. Góp nhặt buồn vui thời điêu linh - Bao cấp
2. Góp nhặt buồn vui thời điêu linh - Chợ trời
4. Buồn vui thời điêu linh - Kinh tế mới
5 Góp nhặt buồn vui thời điêu linh - Đổi tiền
6. Góp nhặt buồn vui thời điêu linh - Đốt sách
7. Góp nhặt buồn vui thời cải tạo
8. Chuyện những người bạn trong thời điêu linh
9. Bất đáo Chí Hòa phi hảo hán
10. Saigon Stories
11. Saigon Stories - Hồi ức của các nhân vật
12. Về tác giả Huy Đức - Bên Thắng Cuộc
13. Bên Thắng Cuộc - Tướng Giáp
14. Bên Thắng Cuộc - Lê Khả Phiêu & Bill Clinton
15. Bên Thắng Cuộc - Chuyện bên lề
16. “Mở Miệng - Giấy Vụn” và những hệ lụy
17. Đầu năm nói chuyện… tham nhũng & hối lộ
18. Hối lộ thần thánh thời @
19. Kỹ năng sống
20. Con cháu chúng ta “giỏi” thật!
21. Cá cần nước sạch – Dân cần minh bạch
22. Người Trung Quốc Xấu Xí
23 Từ Ha Long Bay, Cam Ranh Bay đến… Cam Dai Bay
24. Từ văn hóa “xí xổm”… đến văn hóa “xí bệt”
25. Nguyễn Lưu ‘không thể tung hô’ Phạm Duy
26. Tiếng còi tầu thời thơ ấu
27. Từ tương lai trở về hiện tại
28. Chữ & Nghĩa... thời nay
29. Tản mạn về thời điêu linh
30. Nhìn lại một thời điêu linh

***
--> Read more..

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

"Cái răng cái tóc là góc con người"

Tôi rất ít khi làm thơ. Thứ nhất, vì không có tài làm thơ! Thứ nhì, không rành lắm về niêm luật. Thứ ba, đôi lúc cũng ti toe một vài vần thơ “con cóc” để diễn tả tâm trạng khắc khoải của những người Đã, Đang và… Hết Yêu Nhau!

Kết hợp 3 yếu tố trên, tôi đã làm bài “Chuyện kể về mái tóc” trong một phút… ngẫu hứng. Không nhất thiết phải là tâm trạng của kẻ đã từng Thương, Yêu, Hận… nhưng cũng ráng bắt chiếc các thi sĩ nói lên nỗi lòng của những người trẻ yêu nhau… cho dù mình đã gần kề miệng lỗ. 



Chuyện kể về mái tóc

THƯƠNG anh em để tóc dài,
Kéo dài năm tháng cùng ai với mình.
Rồi đây một cuộc tử sinh,
Biết ra sao nữa cuộc tình đôi ta.

YÊU anh em để tóc dài,
Giữ cho trọn vẹn cùng ai hỡi người.
Dài theo năm tháng, khóc cười,
Buồn vui hòa điệu bên trời mộng mơ.

HẬN anh tóc vẫn còn dài,
Trách ai sao nỡ nhạt phai cuộc tình.
Đời sao gian dối với mình,
Tình sao hờ hững, bòng hình rời xa.


Giờ em tóc chẳng còn dài,
Mà dài chi nữa chẳng ai thèm nhìn.
Dài chi cho cuộc tình buồn?
Em về cắt tóc, cắt luôn cuộc đời.


Tóc em giờ thả ngang vai,
Thề không yêu nữa… lấy ai bạn cùng!


***

--> Read more..

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

Viết về nhà văn nữ Túy Hồng và xứ Huế

Năm 2016 tôi có viết một bài về Túy Hồng, một trong 5 “nữ hổ tướng” của nền văn học Miền Nam, bên cạnh các nhà văn Nhã Ca, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng và Trùng Dương. Bài viết này có nhan đề “Những mối tình của nhà văn nữ Túy Hồng” (*) khi bà còn sinh thời.

Chỉ mới đây thôi, ngày 19/7/2020, bà đã qua đời tại Hoa Kỳ, hưởng thọ 82 tuổi. Nhà văn nữ Túy Hồng đả bỏ lại sau lưng tất cả: một gia tài văn học với hàng loạt những chuyện ngắn sáng tác tại Việt Nam và Hoa Kỳ để theo chân người chồng là nhà văn Thanh Nam, qua đời năm 1985 tại Mỹ.

Túy Hồng có 9 tác phẩm đã xuất bản ở miền Nam Việt Nam trước 1975, và 5 tác phẩm xuất bản ở hải ngoại. Bà cũng là nhà văn nữ đầu tiên trong “5 nữ hổ tướng của văn học Miền Nam” đã lìa đời.

Nhà văn Túy Hồng (qua nét vẽ của họa sĩ Tạ Tỵ)

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn nói đến quá khứ của một người con gái Huế, gĩa từ miền Trung để vào Sài Gòn, vùng đất đã tạo cơ hội cho việc thăng hoa về văn chương với hàng loạt tác phẩm đã đem đến một chỗ đứng trong sự nghiệp văn chương của Miền Nam.

Nét đặc sắc trong văn của Túy Hồng là lúc nào cũng bàng bạc một xứ Huế mộng mơ. Trong “Tôi nhìn tôi trên vách” (1970), Túy Hồng kể:

“Huế là quê hương tôi, quê hương đang có vô số nhà cửa cần bán rẻ để người Huế vào Saigon tìm một chỗ ở cuối cùng. Tôi đã ở Huế từ trong bụng mẹ đến năm thứ hai mươi tám của cuộc đời. Huế đã mang thai tôi, đẻ ra tôi, cho đến khi tôi đi lạc vào Saigon này.

“Từ hai năm nay tôi ở nhà thuê, nói tiếng Bắc, ăn chả giò, ăn bún riêu, canh chua cá giấm, thịt bò vò viên, mía ghim và có một người yêu. Tôi vào Saigon không phải là một cuộc tháo thân vì không biết biết trước rằng trong tương lai Huế sẽ phải trải qua vụ đổ huyết bao la rợn gáy lịch sử là cái biến cố của sự chết năm Mậu Thân, Huế của tôi đã xích lại quá gần lịch sử!

“Bỏ Huế mà đi lòng tôi nhớ trời, nhớ khoảng thiên nhiên. Tôi không yêu một thứ vẻ đẹp cấm cung, một thứ vẻ đẹp hạn hẹp, mà yêu thênh thang cả một khoảng thiên nhiên. Huế đẹp từ một vũng nước đọng bên đường đến lượng cả con Hương giang, từ cọng rau muống bờ hồ đến cây phượng già xanh lục, có nhiều hôm đi xe đạp lên cầu ga nhìn dãy núi lam phía sau cầu Bạch Hổ mịt mịt mùng mùng mà tưởng cái phần hồn của từng kiếp người cũng có thể giăng dài, kéo dãy như vậy!

“Những đêm mùa đông, những con “ệnh oạng” kê mõm khắc khoải kêu than từ những ao rau muống… kêu chi mà khổ mà trầm thống! Thêm vào đó, tiếng rao hàng dài lê lết: Mua trứng lộn! Mua trứng lộn!… Trời ơi! Tiếng kêu của miếng ăn sao mà buồn đến thế!

“Nhức xương buốt tủy mất! Tưởng tượng mở cửa kêu vào chắc mình phải ôm cô hàng trứng mà khóc ngất! Rồi cái quán cơm, quán cơm cũng mang tên Âm Phủ ăn dưới ngọn đèn tù mù… và con đường Âm Hồn, tiếng chuông chùa Diệu Đế… Cực lòng quá, Huế ơi! Tôi đi… ở với Huế buồn lắm… vào Saigon họa may có một nụ cười, vào Saigon họa may có một người yêu!”

(hết trích)

Tác phẩm “Tôi nhìn tôi trên vách”

Cho dù đang ở xứ Mỹ từ năm 1975, bà luôn nhớ đến Huế như trong truyện “Rau răm cay hoài ngàn năm”:

“Đêm qua tôi nằm ngủ ở Mỹ để mà nghe Huế mưa. Huế rơi từng sợi sương, Huế rớt từng sợi tơ vương, Huế rụng từng sợi chỉ ướt trước khi mưa đổ nước đầy sông Hương. Giữa khuya, tôi nhớ tới hai câu thơ cũ của Paul Verlaine:

“Il pleure dans mon coeur,
Come il pleut sur la ville.

“Mưa rơi trong tim tôi
Như mưa rơi trên thành phố.

“Tôi không biết mỗi năm có bao nhiêu ngày Huế mưa và Huế lụt; nhưng ở đây, thành phố Portland trung bình thì chừng 152 ngày trời ướt…”

(hết trích)

Túy Hồng viết trong đoạn kết “Vô đề” (2008), kể về người tình Việt Nam tên Lương và người chồng Mỹ Jeffrey. Hai hình ảnh người đàn ông trong đời cô Tâm nổi lên tương phản với nhau và phần thắng lại về người chồng gặp sau này trên “đất khách quê người” chứ không phải người tình đã quen nhau từ trước: 

“Lương quay người, kéo Tâm vào bụng mình rồi cúi xuống hôn miệng nàng. Tâm gạt ra, bảo:

"Tôi biết thế nào rồi cũng có cái màn này. Một nhà tâm lý nói: Vợ chồng là hai người bị Trời lấy dây trói lại bắt sống với nhau, vợ chồng phải giữ hoà khí, không gây chiến, hai bên tương kính, không la hét nhau. Jeffrey và tôi chung sống trên ba mươi năm đầm ấm, hắn nói với tôi những lời tốt, những lời hiền…

“Lương, gặp lại Lương, tôi yếu mềm thương mến Lương, nhưng trước giờ phút cám dỗ này… tôi xét lại cái tình nghĩa giữa tôi và Jeffrey: giữa hai vợ chồng tôi, không có một lần nào gây lộn, không nói với nhau một lời xấu; cho đến giờ này, giữa chúng tôi, chỉ thấy những kỷ niệm tốt hiện ra… chỉ thấy cái đẹp hiện ra…


“Nếu, nếu một hình ảnh xấu nào hiện ra… thì… thì lúc này, tôi thuộc về Lương”.

(hết trích)

Đám cưới Thanh Nam - Túy Hồng: 
Nhà văn Mạc Thu đứng cạnh chú rể Thanh Nam cầm ly rượu và Thanh Tâm Tuyền bìa phải cạnh cô dâu Túy Hồng.

Phải chăng đó cũng là thứ triết lý mang sắc thái “Huế… Rặc” dù đã bôn ba sang tận đất Mỹ vốn nổi tiếng là “văn minh, vật chất”. Càng đọc Túy Hồng người ta càng thấy cái tình cảm “chân quê” của vùng sông Hương, núi Ngự vẫn còn đâu đó trong tâm hồn một “cô gái Huế”. 

Bài viết này thay cho lời giã biệt một nhà văn nhân ngày… người con gái Huế ấy đã đi xa! 

19/7/2020

***

(*) Tham khảo thêm bài viết “Những mối tình của nhà văn nữ Túy Hồng” tại: https://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/11/nha-van-nu-truoc-1975-tuy-hong.html



***
--> Read more..

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

Bác sĩ… ngụy


Có những câu nói sẽ thay đổi theo từng ngữ cảnh, theo từng thời gian và thậm chí còn đi ngược lại ý nghĩa ban đầu, chẳng hạn như chữ “ngụy”. Khi “bên thắng cuộc” vào Miền Nam năm 1975, người Sài Gòn thường nhíu mày, khó chịu khi nghe đến chữ “ngụy”.

Ấy thế mà 45 năm sau, đôi khi lập lại cũng từ ngữ đó người ta lại cảm thấy “ngụy” không còn là cách nói miệt thị, không phải cứ “ngụy” là xấu mà trái lại nó tượng trưng cho điều gì đó tốt đẹp. Bằng chứng cụ thể, ngày nay có nhiều người ca ngợi… Bác sĩ Ngụy!

Chỉ mới đây thôi, một cuộc giải phẫu tách rời hai trẻ sơ sinh dính liền nhau từ trong bụng mẹ đã được dư luận, kể cả lề trái lẫn lề phải, bàn tán xôn xao. Có đến gần 100 y bác sĩ tham gia cuộc mổ mà trong đó người đứng đầu ê-kíp lại là một bác sĩ tuổi đã ngoài 70, được đào tạo từ thời còn “mồ ma” VNCH!

Cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi cùng bố mẹ trước khi mổ tách rời

Cũng vị bác sĩ quân y này năm 1988 đã là "nhạc trưởng" vì ông giữ vai trò phẫu thuật viên chính ca mổ tách cặp song sinh dính liền Nguyễn Việt - Nguyễn Đức với sự hỗ trợ thiết bị của Nhật Bản. Sự thành công của ông vang danh thế giới và được ghi tên vào Sách kỷ lục Guinness Thế giới năm 1991.

Cặp song sinh Việt - Đức trên báo Nhật Bản

Hơn 30 năm sau ông lại là một trong 9 bác sĩ ngoại viện chủ chốt, tham vấn cho kíp mổ tách rời hai cháu Trúc Nhi – Diệu Nhi, lúc này ông đã ở vào tuổi 79. Đó là Bác sĩ Trần Đông A, ông tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn theo diện tình nguyện nhập ngũ để sẽ phục vụ ngành quân y trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa

Sau khi ra trường, ông phục vụ trong Binh chủng Nhảy dù, từng tham gia Trận Làng Vây và Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh với tư cách là một Bác sĩ Quân y. Ông được khen thưởng nhiều huy chương trong đó có anh dũng bội tinh, kể cả một huân chương của Sư đoàn Không kỵ Hoa Kỳ.

BS Đông A đã  từng được gửi đi tu nghiệp phẫu thuật tại Texas, Hoa Kỳ. Năm 1975, ông là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Quân y, Sư đoàn Nhảy dù Quân lực VNCH, với cấp bậc Thiếu tá. Sau 2 năm học tập cải tạo tại Suối Máu, ông được phân công về công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Bác sĩ Trần Đông A sau ca mổ song sinh ngày 15/7/2020

VNCH đào tạo sĩ quan quân y ra sao? 

Trong bài viết “Khóa 21 Sinh viên Sĩ quan Quân y Hiện dịch” của Bạch Thế Thức & Phạm Anh Dũng chúng ta được biết nhiều thông tin về việc huấn luyện “bác sĩ khoác áo lính” trong quân lực VNCH:

“Đa số họ gia nhập Quân y khi còn là sinh viên y khoa năm thứ 1 hay thứ 2. Học qua hết học trình Y Khoa, các năm thứ 3, năm thứ 4, năm thứ 5 và năm thứ 6. Sau khi ra trường, chúng tôi có một thời gian ngắn học Hành Chánh ở trường Quân Y và thêm về Cấp cứu Hồi sinh ở Tổng Y Viện Cộng Hòa rồi cuối cùng ra đơn vị… Thời gian khi là sinh viên quân y của chúng tôi ít nhất là 5 năm hay 6 năm hoặc có vài trường hợp 7, 8 năm nếu là những người học lớp trước bị ở lại…”

Trường Quân Y là một trong ba trường “sĩ quan hiện dịch” của Quân Lực VNCH, các trường kia là Võ bị Quốc gia Đà Lạt và trường Chiến tranh Chính trị. Những trường Sĩ quan Hải quân và Sĩ quan Không Quân đào tạo “sĩ quan trừ bị”, giống như trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức.

Tân sinh viên Quân y ngoài việc “huấn nhục” thể xác và tinh thần, họ vẫn còn thêm sự lo lắng như những sinh viên Y Nha Dược ngoài dân sự, vẫn phải đi học, vẫn phải “gạo” bài. Nếu không thi đỗ thì bị ở lại lớp hay "ra trường sớm" tức là bị loại khỏi trường nếu thi trượt hai lần.

Trong sáu tuần lễ huấn nhục, ngày nào cũng vậy, sáng dậy sớm tập thể dục một giờ rồi mới đi đến trường Y Khoa học và buổi chiều về lại học thêm môn cơ bản thao diễn. Buổi tối lại còn có những lớp "đặc biệt", xếp hàng học căn bản quân sự. Có nghĩa là học bù đầu, từ sáng sớm cho đến tối.

Huấn nhục tại Trường Quân Y
(Tranh của Y Sĩ Đại Úy Nguyễn Hữu Thường thuộc Tiểu Đoàn 1 Quân y Nhảy dù)

Suốt cuộc đời sinh viên quân y, ngoại trừ lúc có lý do như ốm đau, đi nghỉ phép... mỗi sáng Thứ Hai phải mặc quân phục, đeo khăn đỏ, đi sớm vào trường Quân Y để làm lễ chào cờ hàng tuần và nhận chỉ thị. Quên lễ chào cờ sẽ bị phạt trọng cấm.

Riêng việc huấn luyện quân sự, vào mùa hè sinh viên phải đi đến các trường huấn luyện, mỗi kỳ kéo dài 6 tuần lễ. Có khóa được gửi về Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt nhưng cũng có khóa đến Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức và Trung tâm Huấn luyện Quang Trung.

Lễ mãn khóa Quân y VNCH

Trong thời gian “học tập cải tạo” tôi đã có dịp tiếp xúc và sinh hoạt với nhiều “bác sĩ ngụy”. Chúng tôi được đưa đến Trảng Lớn, Tây Ninh, trại cải tạo mang bí số L1T5, hòm thơ 7590. Nơi đây đã nảy sinh nột thứ tình bạn “chân chính” giữa những người cùng cảnh ngộ trong thời “điêu linh”.

Cũng là điều may mắn khi bạn “ăn cùng thau cơm” với những bác sĩ quân y. Thật tình trước khi vào đây họ chỉ là những người mà công việc thường ngày là thuốc men nhưng vẫn bị coi là “có nợ máu với nhân dân”. Họ chỉ biết “truyền máu” chứ làm sao có thể “hút máu” người bệnh?

Bác sĩ Lâm thường được anh em gọi là “Lâm Bột” chỉ vì anh trắng như bột trong vóc dáng thư sinh. Bs Như là “một cây văn nghệ” thường giúp vui anh em bằng những bản “nhạc vàng” trong những buổi tối vắng bóng quản giáo, vệ binh. Anh tên Như nhưng lại có biệt danh là “Nhôn Lừ”, một cái tên xuất phát từ lối nói lái!

Bác sĩ Sơn là dân trường Tây nên thỉnh thoảng vẫn xưng “toa, moa” với bạn bè. Anh có dáng người to con nhưng lúc nào cũng hòa nhã trong giao tế. Chúng tôi còn có “Tý Điệu” đặt tên theo truyện tranh “Xì Trum” (Schtroumpf) của Pháp. Bác sĩ “Tý Điệu” là người nhỏ tuổi nhất trong nhóm nhưng lại có tài “xủi” (khắc) những thanh nhôm săn nhặt được ở phi trường L19 bỏ hoang trong căn cứ.

Người lớn tuổi nhất là trong nhóm là Đại úy Quân y, Bác sĩ Phạm Kỳ Nam, trước khi “tan hàng” anh phục vụ tại Quân y viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Nam thuộc tuýp người “ăn to, nói lớn” lại còn có tác phong “lãnh đạo” nên trong những buổi lao động anh đứng ra điều khiển cả nhóm.

Anh cũng có máu “tiếu lâm” nên thường kể cho anh em nghe những chuyện vui để quên ngày tháng “các chậu, chim lồng”. Cũng có những lúc buồn cho tương lai của mình anh lại than thở: “Không biết mai này sẽ ra sao… chẳng lẽ lại cưới một cô bộ đội cái, đít to như cái lu?”.

Đại úy Nam là người được ra trại sớm nhất trong bọn tôi sau hơn 2 năm ở trong trại. Anh được về Nông trường Phú Mỹ, Củ Chi, rồi sau chuyển về Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, trước đây là Bện viện Sùng Chính ở quận 5. Cuộc đời của anh thăng tiến trong ngành y cũng chẳng kém gì Bác sĩ Trần Đông A, có khác chăng là ở lý tưởng chính trị.

Bác sĩ Đông A sau này dấn thân vào chính trị, con cưng của nhà nước, được chính phủ tặng Huân chương Lao động và danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân. Ông còn là đại biểu Quốc hội khóa XI và XII, đại diện cho Thành phố Hồ Chí Minh. Lại còn nghe đồn ông là… đảng viên!

Trong khi đó, Bác sĩ Nam chỉ hoạt động thuần túy trong lãnh vực y tế nhưng cũng đã thành công trên lãnh vực tình cảm với việc kết hôn với ca sĩ Phương Hồng Quế, “TV chi bảo”, vì cô thường xuất hiện trên đài truyền hình trước năm 1975 với những bản nhạc ca tụng chiến sĩ VNCH.

Cặp “bác sĩ – nghệ sĩ” có với nhau 2 đứa con, một trai một gái, nay cả hai cháu đã đều thành đạt. Chỉ tiếc một điều “Nam Già” (còn được gọi là “Nam Đầu Bạc”) đã bỏ lại sau lưng tất cả để về cõi vĩnh hằng năm 2012.

R.I.P. Bác sĩ Phạm Kỳ Nam, người bạn đồng cam cộng khổ!

Bác sĩ Phạm Kỳ Nam với người thân tại Sài Gòn

Với chủ đề “Bác sĩ Ngụy”, chúng tôi qua bài viết này muốn vẽ lại bức tranh của các bác sĩ đã được đào tạo từ thời VNCH. Bức tranh có những nét chấm phá, chỗ sáng – chỗ tối, khi đậm khi lạt, kể cả lúc đúng lúc sai.

Phần nhận xét và phê bình còn tùy thuộc vào chính kiến của người đọc.

***

--> Read more..

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2020

Những vần thơ… ít chữ


Hồi xưa, ngày còn ngồi ở lớp tiểu học, những “cụ ông, cụ bà” chắc hẳn vẫn còn nhớ những bài học thuộc lòng bên cạnh những bài tập đọc. Tập đọc thì dài nên ít ai nhớ nhưng bài học thuộc lòng thì đến giờ đã đi vào tâm trí của những người hiện đang bước vào tuổi gần đất xa trời.

Bài học thuộc lòng thuờng được soạn thành những đoản thơ có vần điệu nên dễ đi vào trí nhớ non nớt của học trò. Chẳng hạn như bài về chữ quốc ngữ, chỉ là những vần thơ đơn giản với từng ba chữ một câu:

“Sách quốc ngữ,
Chữ nước ta.
Con cái nhà,
Đều phải học.

Miệng thì đọc,
Tai thì nghe.
Đừng ngủ nhè,
Chớ láu táu…”

Ít ai biết đó là bài “Lên sáu” của thi sĩ Tản Đà, được viết từ năm 1919. “Bài thơ ba chữ” rất dài nhưng học trò chỉ cần thuộc lòng những câu mở đầu là đủ biết tầm quan trọng của chữ quốc ngữ. Giáo dục ngày xưa là vậy: không cần đưa ra những triết lý trừu tượng, khó hiểu.

Ngay đến cả con chó, một con vật thân thiết với cuộc sống hàng ngày cũng được đưa vào “kho tàng” của những bài học thuộc lòng. Bài này cũng được viết theo thể loại ba chữ, đơn giản và cũng dễ thuộc:

“Nghe tiếng động.
Con chó vàng,
Đã sủa vang,
Tai rất thính”

Sang đến loại “thơ 4 chữ”, chúng tôi còn nhớ mình đã thuộc nằm lòng một bài mang phong cách đồng dao. Bài rất dài nhưng chỉ cần thuộc mấy câu đầu cũng là một sự thành công trong việc dạy trẻ:

“Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp…”

Còn rất nhiều thứ để “lấy” như lấy nếp, lấy vôi, lấy rá, lấy dao… Tuy nhiên, thiết thực nhất khi trời mưa xuống là để lấy nước uống, lấy ruộng cầy, lấy bát cơm đầy và lấy rơm để đun bếp. Thực tế đó rất dễ đi vào lòng con trẻ khi còn ê a trên ghế nhà trường.

Thời cận đại câu thơ dài hơn với 5 chữ như bài “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư:

“Em không nghe mù thu,
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực,
Hình ảnh kẻ chinh phu,
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc:
Con nai vàng ngơ ngác,
Đạp trên lá vàng khô?”

Nổi bật hơn cả là bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên được sáng tác giữa bối cảnh giao thời giữ Nho học và Tây học. Ông là một trong những nhà thơ lớp đầu tiên của phong trào Thơ mới, với ý mang  thơ mang niềm hoài cổ. Bài thơ “Ông Đồ” được xem là một trong mười bài thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ Mới.

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua…”

Kể lại xuất xứ bài thơ, chính nhà thơ cho hay: khi ấy ở phố Hàng Bồ, Hà Nội có một ông đồ ngồi viết thuê chữ, câu đối cho khách. Hàng Bồ là phố bán hàng xén, có giấy, bút mực. Ông đồ nghèo không có sẵn giấy, chờ lúc khách đến mua chữ, mua câu đối, ông mới vào trong mua giấy.

Mẹ vợ của nhà thơ Vũ Đình Liên có một cửa hàng tạp hóa ở đó và chính vợ ông từng trực tiếp bán giấy cho ông đồ nghèo. Trong hồi tưởng, Vũ Đình Liên cũng hồn nhiên nói rằng nhiều lúc ông nghĩ, nếu ông không “tán tỉnh” và yêu cô hàng xén – về sau trở thành vợ ông – thì chắc gì ông đã để lại cho hậu thế thi phẩm “Ông Đồ” bất hủ!

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu.

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay…”

Trong tác phẩm “Thi Nhân Việt Nam”, Hoài Thanh nhận định về Vũ Đình Liên: “Theo đuổi nghề văn, mà làm được một bài thơ như thế cũng đủ – nghĩa là đủ để lưu danh, đủ với người đời”. Người đọc cũng có thể thấy, dù không mang chủ đề tình ái, bài thơ “Ông Đồ” còn lãng mạn hơn cả rất nhiều vần thơ vinh danh ngợi ca ái tình.

Ông đồ ngày nay

Để chấm dứt bài viết về “Những vần thơ… ít chữ”, chúng ta không thể nào bỏ qua một nhà thơ đương thời chuyên về thể loại thơ “năm chữ”. Đó là một nhà thơ sinh trưởng tại Nghệ An, xứ sở của các “ông đồ xứ Nghệ ngày nào”.

Ông trước đây đã từng là “con cưng của chế độ”, được đi học tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ Matscova, Liên Xô từ năm 1967 đến 1974. Về nước, ông dạy tiếng Anh tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội và sau đó làm biên tập viên nhà xuất bản Lao Động.

Ông còn là Phó chủ tịch Hội đồng Văn học Nước ngoài và là Ủy viên Ban Đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam. Sinh năm 1949, ông về hưu rất sớm nhưng vẫn hoạt động trong lãnh vực văn chương và giáo dục. Người ta biết đến ông qua những “bài thơ năm chữ”, ký tên thật là Thái Bá Tân.

Nhà thơ “năm chữ” Thái Bá Tân

Năm 2012 tôi đã có một bài viết về Thái Bá Tân (*) nên nhân bàn về chuyện thơ thẩn chỉ xin trích dẫn một bài thơ mới của ông với nhan đề “Phạm Quỳnh, Phạm Tuyên”. Bài thơ có đoạn mở đầu như sau:

“Phạm Quỳnh là tên bố
Tên con là Phạm Tuyên
Phạm Quỳnh bị đảng giết
Phạm Tuyên là đảng viên.

Phạm Quỳnh, trí thức lớn
Thượng thư, một quan to
Phạm Tuyên là nhạc sĩ
Viết “Như có Bác Hồ…”.

Phạm Quỳnh (1892-1945) là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu.

Một câu nói nổi tiếng của ông đến ngày nay vẫn còn được truyền tụng: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”. Ông cũng là người sáng lập và là Tổng Thư ký Hội Khai trí Tiến Đức tại Hà Nội.

Ông bị Việt Minh bắt giam ngày 23/8/1945 và giam ở lao Thừa Phủ, Huế. Sau đó ông bị giết cùng với nguyên Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi (anh ruột Ngô Đình Diệm) và Ngô Đình Huân (con trai của Ngô Đình Khôi).

Phạm Quỳnh (1892-1945)

Con ruột của ông Phạm Quỳnh là nhạc sĩ Phạm Tuyên, sinh năm 1930. Ông là cựu Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, và cũng là tác giả của bài hát "Như có Bác trong ngày đại thắng".

Nhạc sĩ Phạm Tuyên

Nhà thơ Thái Bá Tân phân tích:

“Mỗi người một nhân cách
Quyền của họ - nhưng tôi
Nếu có bố bị giết
Tôi sẽ thù suốt đời.

Hèn yếu, không dám chống
Thì ở ẩn, lặng thinh
Chứ không chịu hợp tác
Với kẻ giết cha mình.

Lại càng không viết nhạc
Ca ngợi kiểu bốc đồng
Không thèm nhận giải thưởng
Thế đấy, dứt khoát không!”

Bài thơ “Phạm Quỳnh, Phạm Tuyên” được tác giả kết thúc bằng một đoạn “ngũ ngôn tứ tuyệt”:

“Là con dân Đại Việt
Tôi tu thân, tề gia
Quyết không để lý tưởng
Xếp cao hơn mẹ cha.”

***

Chú thích:

(*) Tham khảo thêm bài viết Thái Bá Tân và những vần thơ năm chữ tại


***

--> Read more..

Popular posts