Thường
thì chính quyền hay tổ chức kỷ niệm những ngày lễ lớn một cách “hoành tráng” vào
những năm tròn như 10, 20, 30 hoặc 40 năm. Năm nay, kỷ niệm ngày 30/4 không nằm
vào chu kỳ đó nhưng đối với tôi (có thể là với một số những công dân bình thường
khác), kỷ niệm 30/4 năm nay mang ý nghĩa đặc biệt của sự “Bất An”.
Lướt
trên Facebook, cái cảm giác “bất an” lại càng rõ nét. Tại Sài Gòn, mới đây một
anh Thượng sĩ Công an dùng đòn hiểm quật ngã một anh bán hàng rong tại quận 6 đến
độ chấn thương sọ não. Đó chỉ là giọt nước mới nhất… nhỏ vào cái ly đang chực
tràn.
Trước
đó có biết bao nhiêu trường hợp người dân chết trong đồn công an chỉ vì những
nguyên do “lãng xẹt” như… rửa bát không sạch, hay bị “ăn đòn” chỉ vì… chạy xe làm tung bụi đường... Chỉ một năm
nay thôi, không biết có đến biết bao nhiêu vụ người dân chết trong đồn!
“Bất
an” đến độ ngồi trong nhà cũng phải cảnh giác, đề phòng kẻ lạ. Hắn có thể giật
iPad, iPhone của bạn ngay trong nhà bạn. Một lúc nào đó, chiếc xe để trong nhà
tưởng an toàn tuyệt đối bỗng… không cánh mà bay.
“Bất
an” mỗi khi bước ra khỏi nhà. Biết đâu nạn nhân bị cướp xe, chặt tay… kế tiếp lại
rơi đúng vào mình? Rõ ràng người bị cướp giật ngoài đường không còn là một trường
hợp hiếm hoi chỉ xảy ra đối với du khách nước ngoài khi đến Việt Nam. Không những
chỉ là chuyện giật dây chuyền, điện thoại vẫn xảy ra hàng ngày mà
còn “cướp” đất đai và mạng sống có thể xảy ra bất cứ lúc nào trên khắp tỉnh thành
của cả nước.
Chưa
bao giờ chữ “cướp” lại được nhắc đến trên cửa miệng người dân nhiều đến vậy. Năm
1945, người ta cũng dùng chữ “cướp” nhưng hiện tượng này, dạo đó, được tô hồng,
nâng lên một quan điểm để trở thành cụm từ được “thi-vị-hóa-chính-trị” là “Cướp
Chính Quyền”!
Sự
“bất an” ngoài những biểu hiện trong cuộc sống hàng ngày còn một nguyên nhân sâu
xa hơn là mối đe dọa từ anh bạn láng giềng phương Bắc. Người láng giềng “4 tốt,
16 chữ vàng” đang như một vết dầu loang từ ngoài Biển Đông vào đất liền. Ải Nam
Quan đã mất, vấn đề Hoàng Sa & Trường Sa chỉ còn là thời gian. “Bất An” thật
rồi!
Đó
là một thực tế không thể phủ nhận. Ngày nay, trẻ con khi cầm trong tay những món
đồ chơi hay cả những thức ăn đưa vào mồm cũng cảm thấy mình bị đầu độc bởi những
hàng hóa “Made in China”. Huống chi là người lớn!
Chỉ
những người nắm quyền sinh sát vận mệnh dân tộc trong tay, dù thấy rõ nhưng vẫn
làm ngơ. Họ vẫn bỏ ra hàng tỷ đồng để xây tượng đài trong khi trẻ em không có cơm
ăn, áo mặc. Họ vẫn tiến hành trò chơi dân chủ nửa vời “Đảng cử, dân bầu”, vẫn
ca tụng thể chế chính trị “Dân chủ đến thế
là cùng!”.
Năm
nay, chúng ta “kỷ niệm 41 năm” trong “bất an”. Đó là điều mọi người dân đa số đều
cảm nhận được sự “bất an” từ chính trị-văn hóa-xã hội cho đến cuộc sống thiết
thực hàng ngày quanh quẩn trong vòng “cơm, áo, gạo, tiền”.
Kỷ niệm 10 năm ngày 30/4
***
Ngày 30/4/1975 tại miền Bắc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đó
là ngày đến trong hào quang chiến thắng sau một cuộc chiến được mệnh danh "Vì độc lập, vì tự do, đánh cho Mỹ cút
đánh cho ngụy nhào". Người dân miền Bắc “hồ hởi, phấn khởi” vì miền Nam được hoàn toàn “giải phóng”.
Ngày đó, Huy Đức, tác giả cuốn sách “Bên Thắng cuộc” [1], đang sống ở một vùng quê nghèo đói tại miền Bắc. Anh mở đầu tác phẩm với
những dòng tâm sự:
“Cuốn sách này bắt đầu bằng những câu chuyện xảy ra trong ngày 30-4-1975.
Ngày mà tôi, một cậu bé mười ba, trước giờ học chiều, đang vật nhau ven đồi thì
nghe loa phóng thanh truyền tin “Sài Gòn giải phóng”. Thay vì tiếp tục ăn thua,
chúng tôi buông nhau ra.
Miền Nam, theo như những bài học của chúng tôi, sẽ chấm dứt “hai mươi năm
rên xiết lầm than”. Trong cái thời khắc lịch sử ấy, trong đầu tôi, một sản phẩm
của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, xuất hiện ý nghĩ: phải nhanh chóng vào Nam để
giáo dục các bạn thiếu niên lầm đường lạc lối”.
“… hình ảnh miền Nam đến với tôi trước cả khi tôi có cơ hội rời làng quê
nghèo đói của mình. Trên quốc lộ Một bắt đầu xuất hiện những chiếc xe khách hiệu
Phi Long thỉnh thoảng tấp lại bên những làng xóm xác xơ. Một anh chàng tóc
ngang vai, quần loe, nhảy xuống đỡ khách rồi đu ngoài cánh cửa gần như chỉ
trong một giây trước khi chiếc xe rú ga vọt đi”.
***
Nhiều tuổi hơn Huy Đức, nhà văn Dương Thu Hương, thuộc thế hệ “xẻ Trường Sơn đi đánh Mỹ” từ năm 1968,
đã có lần công khai bầy tỏ rằng ngày 30/4/1975 bà đã ngồi trên lề đường của Sài
Gòn ôm mặt khóc vì khám phá ra rằng, “chế
độ chiến thắng trong cuộc chiến, chẳng qua chỉ là một thể
chế man rợ”.
Phóng viên Sam Korsmoe, người đã
từng ở Việt Nam hơn 10 năm, sau khi về Hoa Kỳ năm 2006, anh viết cuốn “Saigon
Stories” [2]. Sam phỏng vấn một gia đình từ miền Bắc
vào Nam
sau năm 1975 gồm 2 vợ chồng và 3 người con gái. Phan Xuân Giáp (bác sĩ thú y,
sinh năm 1945) và vợ là Nguyễn Thị Vinh (giáo viên tại Vĩnh Phú), Cô giáo Vinh kể lại cảm tưởng vào sáng
ngày 30/4/1975:
“Tôi đang dạy trong lớp thì có tiếng người
báo: ‘Giải phóng rồi! Thống nhất rồi!’ thế là cả trường hò reo. Hồi đó người
dân đa số chưa có đài, mọi người phải nghe tin qua loa phóng
thanh gắn trên cây trong sân trường. Chúng tôi ai cũng hồ hởi. Cả nước hồ hởi.
Miền Bắc hồ hởi. Mừng vì không còn chiến tranh, không còn chết chóc!”
Cũng như Huy Đức, cô giáo Vinh có những suy nghĩ của kẻ
chiến thắng. Vợ chồng
Giáp-Vinh di dân vào miền Nam
rất sớm trong năm 1975. Khởi đầu là cô giáo Vinh, tình nguyện vào dạy học tại
Sài Gòn vào tháng 12/1975 vì, theo chính quyền Hà Nội lúc đó, “miền Nam rất cần
giáo viên”.
“Chúng tôi phải học chính trị trong suốt 2
tháng trước khi vào Nam .
Chúng tôi được hướng dẫn cách dậy học khi vào trong đó, học cả tâm lý của học
sinh Sài Gòn, học cách làm gương vì chúng tôi sẽ là những đại diện của miền Bắc
tại vùng mới giải phóng…”
Và đây là cảm
tưởng đầu tiên của cô khi bước chân vào Sài Gòn, tháng 12/1975:
“Sài Gòn đẹp quá. Khi xe vào đến cầu Sài Gòn
thì trời đã nhá nhem tối nhưng hai bên đường đèn sáng rực. Cả đời tôi chưa bao
giờ thấy nhiều đèn đến như vậy. Tôi thấy thích thành phố này…”
Còn rất nhiều suy
nghĩ của người dân miền Bắc trong ngày 30/4/1975. Nói chung là rất lạc quan trước
viễn ảnh một nước Việt Nam thống nhất.
Nhưng có một cái gì đó nghẹn ngào khi “quân-cán-chính” chế độ cũ lần lượt đi cải
tạo.
Người Sài Gòn
ở lại sau những đợt đổi tiền, cải tạo công thương nghiệp được khuyến khích, có
nơi thậm chí còn bị cưỡng bức, đi “kinh tế mới” để thực hiện chính sách “giãn dân”,
nhường chỗ cho đợt “di dân” của cán bộ, đảng viên từ miền Bắc vào Nam.
“Sài Gòn đẹp lắn, Sài Gòn
ơi, Sài Gòn ơi…”
Nhìn từ một góc
độ khác, một góc độ “trung lập” của những người thuộc “phe thứ ba” tại miền Nam.
Họ là những người không “cộng sản” nhưng cũng không “cộng hòa” mà Sam Korsmoe mô
tả là… “Những người ái quốc miền Nam”.
Đại diện cho
những người này là Lý Quý Chung, Bộ trưởng Thông tin trong “nội-các-3-ngày” của
Tổng thống Dương Văn Minh. Ông Chung còn được biết đến như một nhà báo với bút
hiệu Chánh Trinh.
Vào “giờ thứ
25” của cuộc chiến, ông tham gia nội các “hòa
bình & hòa giải dân tộc” ngày 26/4/1975, nội các này chỉ có 4 người: Dương
Văn Minh (Tổng thống), Nguyễn Văn Huyền (Phó tổng thống), Vũ Văn Mẫu (Thủ
tướng) và Lý Quý Chung (Bộ trưởng Thông tin).
Theo lời ông Chung
kể lại trong “Saigon Stories”, buổi lễ bàn giao chức vụ Tổng thống từ Trần Văn Hương sang Dương Văn Minh được diễn ra ngày 27/4 nhưng tướng Minh không
trực tiếp điều hành ngay lập tức, ông dự tính sẽ bắt đầu vào ngày 30/4. Cũng
theo giải thích của ông Chung, tướng Minh là người rất tin dị đoan và ngày 30/4
mới là “ngày tốt” đối với ông.
Gặp tướng
Minh trong ngày 29/4, ông Chung đề nghị sẽ tuyên bố Sài Gòn là ‘thành
phố bỏ ngỏ’ và tự nguyện chuyển giao quyền lực cho Mặt trận Giải phóng miền
Nam. Tướng Minh đồng ý và liên lạc với Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền để soạn
thảo bản thông báo. Khi đó đã vào buổi tối nên thông báo của chính phủ sẽ được
công bố ngày hôm sau, 30/4. Ông Chung kể lại với Sam Korsmoe:
“Khoảng 11g ngày 30/4, một chiếc xe tăng xuất
hiện trên đường Thống nhất, cách dinh Độc Lập khoảng 500m. Xe tăng nổ súng,
theo tôi, họ bắn chỉ thiên để phô trương sức mạnh chứ không nhắm vào dinh Độc
Lập. Mọi người hốt hoảng rút vào trong dinh. Đến khi bộ đội vào dinh, chúng tôi
khoảng từ 30 đến 40 người giơ tay đầu hàng…
“Ba người chúng tôi [Minh, Mẫu, Chung] bước tới phía trước, họ ra lệnh: ‘Buông súng
xuống! Giơ tay lên!’… Một thoáng suy nghĩ trong đầu óc tôi, ‘Mình tranh đấu cho
hòa bình và kết quả như thế này sao? Kết cuộc không hợp lý chút nào!’… Một vài
phóng viên, trong đó có Nguyễn Bá Thành, ôm chầm lấy tôi, họ reo vui ‘Chúng ta
thắng rồi! Chúng ta thắng rồi!’…
“Saigon Stories”, Sam
Korsmoe, 2006
Góc
nhìn từ bên ngoài vào cuộc chiến tại Việt Nam cũng đa dạng. Tuy nhiên, có thể nói,
thế giới báo chí quốc tế gồm 3 hướng đưa tin chính: (1) ủng hộ cuộc chiến hay
còn gọi là “diều hâu”; (2) phản chiến hay “bồ câu” và (3) trung lập.
Theo
tôi, một trong những bài viết về những ngày cuối cùng của Sài Gòn đầy đủ nhất
và nhiều chi tiết thú vị nhất là của John Pilger [3]. Không giống như các phóng
viên Mỹ, Pilger là người Úc thuộc nhóm phóng viên “quốc-tịch-thứ-ba” tham gia cuộc chiến Việt Nam đến ngày cuối cùng và viết
bài cho báo Anh.
Pilger
đã hai lần đạt được danh hiệu “Phóng viên
của năm” (Journalist of the Year), giải thưởng hằng năm cao quý nhất của
báo chí Anh. Với tựa đề “The Fall of
Saigon 1975: An Eyewitness Report”, Pilger đã đưa người đọc trở về với những
ngày định mệnh vào cuối tháng 4/75. Pilger viết:
“Sài Gòn đang sụp đổ
trước mắt, một Sài Gòn được người Mỹ hậu thuẫn, một thành phố được coi là “thủ
đô tiêu dùng” nhưng chẳng hề sản xuất một mặt hàng nào ngoài chiến tranh. Trong
hàng ngũ của quân đội lớn thứ tư thế giới vào thời điểm đó, binh lính đang đào
ngũ với tốc độ cả nghìn người trong một ngày…”
Pilger
tả lại quang cảnh đường phố Sài Gòn:
“Lệnh giới nghiêm
24/24 giờ được áp dụng, nhưng vẫn có người trên đường phố trong đó có cả lính của
Sư đoàn 18 thuộc vùng 4 chiến thuật. Tôi nghĩ họ nổi giận khi thấy người Mỹ sắp
ra đi. Họ xuất hiện ở trung tâm thành phố để nhìn những người nước ngoài, hoặc
đe doạ hoặc bắn chỉ thiên để giải toả nỗi tức giận.
“Công trường Lam Sơn trống
trải, chỉ có vài người lính đi lại với vẻ chán chường. Một người trong số này
đi nhanh về hướng đại lộ Tự Do, thét vào mặt tôi. Hình như anh ta say. Anh ta lấy
súng lục, ngắm bắn, chọn mục tiêu và bóp cò. Viên đạn sượt qua đầu trong khi
tôi chạy…”
Tình
hình ngày càng rối ren, bất ổn… người Việt tìm đường rời khỏi đất nước khiến Đại
sứ Mỹ Graham Martin phải xuất hiện trên truyền hình với lời cam kết long trọng:
“Nước Mỹ sẽ không rút khỏi Việt Nam”.
Ông tuyên bố:
"Tôi, Đại sứ Mỹ,
sẽ không chạy trốn lúc nửa đêm. Bất kỳ ai cũng có thể tới nhà tôi và chứng kiến
tôi chưa sắp xếp hành lý" (I, the American Ambassador, am not going to
run away in the middle of the night. Any of you can come to my home and see for
yourselves that I have not packed my bags).
Theo
Pilger, Đại sứ Martin vẫn khẳng định với Washington rằng miền Nam có thể tồn tại
với "vành đai thép" (iron ring) bao quanh Sài Gòn và những máy bay
B-52 lúc nào cũng sẵn sàng yểm trợ. Tuy nhiên, trong thâm tâm ông Đại sứ luôn
giữ trong lòng một vết thương khó phai khi mất đi người con trai tại vùng đất
này 9 năm về trước.
Ông
Martin có lý do để lạc quan: Ngoại trưởng Henry Kissinger cho biết Đại sứ Nga tại
Washington, Anatoly Dobrynin, hứa sẽ chuyển thông điệp muốn đàm phán của VNCH tới
Hà Nội. Mọi chuyện không lạc quan như ông Đại sứ Mỹ nghĩ.
10g43
ngày 29/4/1975: Lệnh tiến hành “Option Four” được đưa ra. Tuy nhiên, Đại sứ
Martin vẫn tin rằng “còn thời gian” để đàm phán để có một “giải pháp danh dự”. Một
đám đông chen lấn ở trước cửa sứ quán Mỹ, có người còn cố trèo tường để vào bên
trong. Một số người có mặt ở đây chỉ vì tò mò; một số khác vừa ôm chặt cánh cổng
sắt vừa nài nỉ thủy quân lục chiến Mỹ.
3g15
chiều 29/4/1975: Chiếc Cadillac chở Đại sứ Martin không thể rời cổng phụ sứ
quán. Chiếc xe dừng lại và ông tuyên bố: “Một
lần nữa, tôi sẽ đi bộ về nhà của mình, tôi sẽ đi bộ một cách thoải mái trong
thành phố này. Tôi sẽ rời Việt Nam khi Tổng thống bảo tôi phải làm như vậy”.
2g30
sáng 30/4/1975: Kissinger gọi điện cho Martin và yêu cầu ông kết thúc kế hoạch
di tản lúc 3g45 sáng. Nửa tiếng sau, Martin xuất hiện cùng một chiếc cặp da, một
túi xách tài liệu và lá cờ Sao & Sọc của Hoa Kỳ. Ông im lặng đi lên tầng 6,
nơi một chiếc trực thăng đang đợi.
Những
người lính Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ cuối cùng rút lên sân thượng, họ bắn lựu
đạn cay xuống cầu thang trong tâm trạng hoang mang của những người lính cuối
cùng rời khỏi Việt Nam… Ngày 2/5/1975 vị Đại sứ Hoa Kỳ 61 tuổi với vẻ mệt mỏi
đã tuyên bố ngắn gọn với các phóng viên có mặt trên Đệ thất Hạm đội:
“Với tư cách một quốc
gia, nếu chúng ta đã làm những gì mà tôi nghĩ là chúng ta đã nói thì chúng ta
nên làm – nếu chúng ta giữ những cam kết đó - thì chúng ta đã không phải di tản”.
John Pilger, 1970
Nhà văn Việt
kiều, Nguyễn Thanh Việt, hiện là một giáo sư tại University of Southern
California, có thể nói là đại diện cho thế hệ thứ hai của người Việt tị nạn tại
Hoa Kỳ vừa đoạt giải Pulitzer về tiểu thuyết năm 2016. Đó là tác phẩm “The
Sympathizer”, nếu dịch cho đầy đủ ý nghĩa sẽ có cái tên “Kẻ Nằm Vùng” chứ không
phải là “Cảm Tình Viên” như BBC tiếng Việt đã đưa tin.
Tiểu thuyết bắt
đầu từ những ngày cuối tháng 4/1975. Người kể chuyện là một gián điệp được cộng
sản cài vào trong ngành cảnh sát VNCH với vai trò trợ lý cho một ông tướng. Anh
ta xưng “tôi” trong suốt chuyện kể về hoạt động của mình trong lúc giao thời và
sau đó được lệnh di tản sang Hoa Kỳ để tiếp tục công tác.
Chi tiết này
cũng giống như chuyện đời thực của Phạm Xuân Ẩn, “nằm vùng” trong lãnh vực báo
chí tại miền Nam, cũng được “tổ chức” giao cho nhiệm vụ sang Mỹ và đã chuẩn bị
cho gia đình đi trước. Cuối cùng, “điệp viên hoàn hảo” đó gặp nhiều “trục trặc”
từ phía chính quyền mới chỉ vì anh đã bị “Mỹ hóa”… nên phải chấm dứt mọi hoạt động
và gia đình phải trở về Việt Nam theo con đường lòng vòng.
Vì khuôn khổ
của bài viết này, tôi không thể phân tích góc nhìn của thế hệ người Việt thứ
hai tại hải ngoại. Tuy vậy, nhìn chung, GS Nguyễn Thanh Việt rời Việt Nam năm
1975 khi mới 5 tuổi.
Đó là điểm yếu
của người viết về giai đoạn 30/4/1975, thiếu hẳn kinh nghiệm sống của những bậc
cha chú đã từng trải qua trong thực tế. Dẫu biết rằng sự thiếu sót đó có thể bù
đắp qua nghiên cứu sách vở, tài liệu nhưng, ông cha ta thường nói, “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”!
Trở
về với hiện tại của năm 2016. Sau 41 năm, không ít thì nhiều, những người có liên
quan đến biến cố 30/4/1975 sẽ có những cái nhìn khác nhau, tùy theo chính kiến,
vùng miền. Nói rộng ra, tùy theo ý thức hệ chính trị, để có sự so sánh đối chếu
giữa quá khứ và hiện tại.
Như
đã viết ở phần mở đầu, riêng tôi, cái cảm giác “Bất An” ngày càng đè nặng trong
lần kỷ niệm thứ 41 của “Tháng Tư Đen”.
***
Chú thích:
[1] Đọc “Bên Thắng Cuộc (1) - về tác giả Huy Đức”
[2] Đọc “Saigon Stories: Hồi ức của các nhân vật”
[3] Đọc “Cuộc chiến Việt Nam nhìn từ truyền thông nước
ngoài”
***
Cháu rất thích lịch sử giai đoạn này, Cảm ơn Bác vì những bài rất hay cả về lịch sử lẫn cuộc sống
Trả lờiXóa