Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

Rước đèn Trung thu

“Tết Trung thu rước đèn đi chơi

Em rước đèn đi khắp phố phường.

Lòng vui sướng với đèn trong tay.

Em múa ca trong ánh trăng rằm...”

Theo nhạc sĩ lão thành Hoàng Châu, tác giả bài hát “Rước đèn tháng Tám” là Văn Thanh và ông cho rằng tác giả đích thực phải là Vân Thanh (vì chữ “Vân” và “Văn” na ná nhau nên nhiều người lầm tưởng). Ông cũng tiết lộ thêm, chính ông và tác giả “Rước đèn tháng Tám” đã có một thời gian dài cộng tác với đài Phát thanh Pháp Á.

 

Nhạc sĩ Đức Quỳnh (1922 - 1994)

 

Ca khúc “Rước đèn tháng Tám” dù ra đời sau “Thằng Cuội” của nhạc sĩ Lê Thương nhưng cũng đã ngót nghét hơn nửa thế kỷ. Sau đó, để tránh nhầm lẫn giữa Văn Thanh và Vân Thanh, tác giả Vân Thanh đã đổi tên thành Đức Quỳnh!

Trước 1975, tên tuổi nhạc sĩ Đức Quỳnh (1922 - 1994) thật ra ít được công chúng yêu nhạc biết đến. Ông chỉ sáng tác khoảng trên dưới 20 tác phẩm, tiêu biểu như bản nhạc đầu tay Nhớ Ai (1947) rồi đến Hành Khúc Tuổi Trẻ (1948), Chim Chích Chòe (1951) và dĩ nhiên có cả… Rước đèn tháng tám.

Ngoài sáng tác, nhạc sĩ Đức Quỳnh còn là một ca sĩ nhưng có lẽ cái tên Đức Quỳnh đã trở nên quen thuộc hơn với giới lui tới phòng trà mang tên Đức Quỳnh trên đường Cao Thắng, gần rạp Việt Long. Tại Đức Quỳnh, người nghe nhạc có thể thưởng thức “Thương một người” qua giọng ca của cô ca sĩ “liêu trai” Thanh Thúy!

 



Nhà thơ Du Tử Lê đã có lần viết về “văn hóa phòng  trà” của dân Sài Gòn xưa, mà ông gọi đó là “những địa đạo văn hóa nghệ thuật”. Hồi đó, phong trào mở phòng trà nở rộ với những cái tên quen thuộc như Maxim, Đêm màu hồng, Hòa Bình, Khánh Ly…

Dĩ nhiên, bài hát “Rước đèn tháng tám” không bao giờ xuất hiện tại phòng trà Đức Quỳnh vì những lời ca của nhi đồng kể về các loại đèn vào dịp Trung thu như: 

“Đèn ông sao với đèn cá chép.

Đèn thiên nga với đèn bướm bướm.

Em rước đèn này đến cung trăng.

Đèn xanh lơ với đèn tím tím,

Đèn xanh xanh với đèn trắng trắng.

Trông ánh đèn rực rỡ muôn màu…”

 



Trong bài hát, ta lại còn được nghe tiếng trống phụ họa cho buổi rước đèn thêm phần sôi đọng:

“Tùng dinh dinh cắc tùng dính dính.

Tùng dinh dinh cắc tùng dính dính.

Em rước đèn này đến cung trăng.

Tùng dinh dinh cắc tùng dính dính.

Tùng dinh dinh cắc tùng dính dính.

Em rước đèn mừng đón chị Hằng”.

 



Bài hát được kết thúc bằng một cảnh “phá cỗ Trung thu” với các món “tủ” trong ngày Tết của thiếu nhi:

“Tết Trung thu bánh quà đầy mâm.

Em bé nhà ưa đứng quây quần.

Đòi hạt sen bánh dẻo đầy mâm.

Em muốn ăn bốn năm ba phần.

 

“Ngọt thơm như bánh dẻo bánh nướng.

Ngọt cay như mứt gừng mứt bí.

Ăn mát lòng lại thấy vui thêm.

Hạt dưa nghe cắn nổ lốp đốp.

Người vui hoan nói cười hấp tấp.

Bao tấm lòng mừng đón trăng rằm.”

 



“Rước đèn tháng tám” là một bài hát thiếu nhi đầy màu sắc, âm thanh và cả “ẩm thực” trong mùa Trung thu truyền thống của dân tộc ta

Chỉ tiếc một điều, bài hát đã trở thành “đồng dao” và rất ít người biết đến tác giả là Văn Thanh, thật ra là Vân Thanh, và rồi cuối cùng lại là… ông chủ Phòng trà Đức Quỳnh!

 


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts