Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2022

Nói & Nghe… Tuổi Già

Người ta thường nói: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Bài viết này chỉ xin đề cập đến vế thứ nhất: người già Nói và Nghe những gì?

Tôi là người già, sinh năm 1946, nhưng lại không phải là bác sĩ nên câu chuyện của tôi chẳng có tính cách khoa học chút nào mà chỉ dựa vào kinh nghiệm của bản thân. Nếu có gì không phải xin quý vị niệm tình, người già thường… “ăn nói không đâu vào đâu”!

 



Hồi còn trẻ, có đôi khi ta nghĩ về cha mẹ, ông bà “già rồi nên đâm ra lẩm cẩm”. Nghĩ thôi chứ ít khi nói ra vì còn ngại câu “kính lão đắc thọ”.

Bây giờ cũng thuộc nhóm “đắc thọ” lại đâm ra thắc mắc… không biết mình có nghĩ điều gì sai không mà con cháu có vẻ như “phớt lờ” ông bà cụ, nhiều khi nói chẳng đứa nào nghe, tựa như… nước đổ đầu vịt!

Tuy nhiên, khi người già nói, người trẻ vẫn nghe nhưng điều quan trọng là có thực hành hay không. Trẻ có tính “ngang bướng”, thích làm theo ý của mình nên đến khi trưởng thành ít khi làm theo ý người khác, dù đó là bậc cha mẹ hay thậm chí là cả ông bà.

 



Tôi biết có những gia đình không chấp nhận cuộc hôn nhân của con cháu nhưng ở vào thời buổi này, lấy vợ lấy chồng hoàn toàn tùy thuộc vào các cô, các cậu. Mà nghĩ cho cùng, hạnh phúc là của riêng vợ chồng chứ làm gì có chuyện “áo mặc không qua khỏi đầu”, lấy người theo ý “bề trên”?

Nói như vậy không phải là khẳng định ý kiến của người già bao giờ cũng đúng, nhưng có điều phải công nhận: người già đều có ý tốt khi khuyên con cháu, ít ai lại “xúi bậy” để rồi được thấy con cháu phải khổ vì làm theo ý của mình. “Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi” và đó là đạo lý muôn đời, không bao giờ thay đối!

 



Bây giờ lại nói sang chuyện “nghe”. Không phải là cứ lớn tuổi là không cần nghe những ý kiến của người nhỏ tuổi. “Nhân vô thập toàn” nên không ai có thể tự nhận mình là người hoàn hảo. Trong trường hợp này, tuổi tác chỉ đóng một vai trò rất nhỏ trước những ý kiến xây dựng.

Người già thường có ý bảo thủ, cho rằng mình luôn luôn đúng. Con khuyên cha nên uống nhiều nước để tăng cường sức khỏe lúc về già, đó là điều hợp lý. Bố mẹ già cũng nên coi đó là lời khuyên mang tính cách xây dựng chứ không phải mang ý nghĩa... “dậy khôn”.

Phải “biết nghe” dù trên đầu đã hai thứ tóc. Đừng bao giờ nghĩ lời khuyên của con cháu là “trứng khôn hơn vịt”, trái lại phải biết trân trọng ý tốt của chúng. Có như thế, cuộc sống của người già sẽ thêm niềm vui vì biết rằng con cháu luôn săn sóc đến từng miếng ăn, giấc ngủ cho mình!

 



Mỗi người đều có một cuộc sống riêng nhưng không thể tách rời cuộc sống của mình với những người thân xung quanh. Tuổi già chẳng khác gì một ngọn đèn leo lét. Chừng nào còn dầu, hãy giữ cho ngọn đèn đó tỏa sáng bên những người thân.

Rồi một ngày nào đó, chúng ta sẽ ra đi trong thanh thản… để lại sau lưng cuộc sống vô thường!

 *** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts