Thứ Tư, 18 tháng 1, 2023

“Quái kiệt” Trần Văn Trạch và “Chuyến xe lửa mùng năm”


“Mùng năm, mười bốn, hăm ba

Đi chơi cũng lỗ, lọ là đi buôn”


Đối với những người tin dị đoan, những ngày 5, 14, 23 Âm lịch, nhất là vào dịp Tết, đã đã trờ thành “tối kỵ, xui xẻo”. Cũng tựa như người Phương Tây xem ngày “Thứ Sáu 13” là ngày... “không thể xấu hơn”!

Thuờng thì người buôn bán sau khi ăn Tết sẽ chọn ngày mùng 4 hoặc mùng 6 để khai trương năm mới, ít có người dám mở cửa hàng vào ngày mùng 5 Tết chỉ vì ngày đó... “đi chơi cũng lỗ, huống chi là... đi buôn”!

Thế cho nên, vào năm 1952, Trần Văn Trạch đã sáng tác một bản nhạc hài hước ở phần đầu nhưng lại đầy nước mắt vào đoạn kết. Bài hát mang tên “Chuyến xe lửa mùng năm” kể lại chuyện một chàng trai trẻ được nghỉ Tết 3 ngày, từ Sài Gòn đáp chuyến xe lửa về Nha Trang thăm mẹ sau 3 năm xa cách.

 

Chân dung Trần Văn Trạch qua nét bút của họa sĩ Nguyễn Nhật Tân (1989)

 

Cuộc hành trình ngày mùng năm Tết qủa thật là đầy những chuyện khôi hài, dí dỏm. Đến sân ga, anh chàng phải chạy hụt hơi vì lo “lỡ tầu”. Đến lúc lên tầu mới vỡ lẽ đây là chuyến tầu vừa đến ga chứ không phải... chuyến khởi hành!

Phải công nhận Trần Văn Trạch có tài bắt chiếc những tiếng động của xe lửa... y như thật. Lúc thì ì ạch khi lên dốc, lúc thì dồn dập khi xuống dốc. Đi vào ngày mùng 5 Tết nên gặp toàn chuyện xui xẻo, bất ngờ.

Dọc theo đường tầu có những con bò gặm cỏ, chân đeo lục lạc leng keng, nhìn sang bên cạnh có cô hành khách cũng đeo trang sức là chiếc lục lạc. Chàng thanh niên bất giác hỏi: “Cô à... cô có thấy cô khác với con bò ở chỗ nào không?”.

Còn đang ngạc nhiên chưa kịp trả lời, chàng thanh niên đã mau miệng: “Con bò nó đeo lục lạc dưới chân còn cô lại đeo trên tay...”.

Cô gái giận quá nên đốp chát: “Còn anh có thấy mình với con bò giống nhau ở chỗ nào không?”. Chàng trai tình thật trả lời không thấy, cô gái tiếp lời: “Tôi cũng không thấy vì... anh với con bò giống hệt nhau!”.

Truyện trên tầu, có hai ông khách trong toa hỏi nhau: “Anh ơi... bây giờ... là là... mấy giờ rồi?”. Lập lại câu hỏi tới 2 lần mà không có tiếng trả lời, chàng thanh niên lấy làm lạ nên khi người hỏi giờ bỏ đi chỗ khác anh mới hỏi lý do tại sao không trả lời thì được đáp lại:

“Tui... tui... mà trả lời... thì nó... nó oánh... thấy mẹ... tui!”. Hóa ra cả hai ông đều... cà lăm!

 

Trần Văn Trạch (1924-1994)

 

Ngồi trên tầu không có chuyện gì làm, chàng thanh niên giết thì giờ bằng cách đếm thử xem từ Sài Gòn đến Nha Trang có bao nhiêu cột giây thép... “một, hai, ba, bốn...”. Bà ngồi bên cạnh chắc cũng buồn nên cất tiếng hỏi: “Thằng Hai... mày đi đâu vậy Hai?” Chàng trai vừa trả lời vừa đếm: “Dạ thưa tôi đi... 31, về Nha Trang 32, 33, 34...”

Bà nghĩ thằng nhỏ này ăn nói kỳ cục. Bà hỏi tiếp “Nhà em ở Nha Trang hay trên núi?”. Sợ bỏ sót cột điện nên chàng trai trả lời: “Nhà tôi ở 42, 43... miền núi 44, 45...”. Bà kết luận thằng nhỏ này chắc điên rồi... thôi mình đi chỗ khác ngồi!

Xe lửa đang ngon trớn bỗng dừng lại trong khi chưa đến ga, hành khách nhốn nháo hỏi anh thợ máy: “Sao chưa đến nơi mà đã ngừng dọc đường?”. Anh thợ máy đi ngược lại phía sau, tay ôm một... con rùa và trả lời: “Thưa quý vị, tôi có nuôi một con rùa, chắc hôm nay nó nhớ tui nên nó rượt theo xe lửa...”

Hành khách chê anh chạy chậm nên anh mở hết tốc độ rồi bỗng nhiên nghe tiếng rầm... xe lửa lật hai ba tua. Ngày phép nghỉ Tết, ông chủ chỉ cho có 3 ngày: ngày đi, ngày thăm mẹ rồi một ngày về! Thế cho nên, vì muốn gặp mẹ nên chàng thanh niên ráng... “tranh thủ” lội bộ về nhà!

“Cầm dù trên vai, anh em hay coi chừng đi nào... Hãy ráng chứ không còn xa đâu... Hai một, hai một hai... Hết đi rồi đến chạy, hết chạy rồi lại đi... Con nhờ mẹ quá mẹ ơi... Hết đi rồi đến bò... Mẹ già đừng vì con thêm lo... Má ơi, con về rồi nè má...”

Cười cợt ban đầu hóa ra lại biến thành... bi kịch ở đoạn cuối. Chúng tôi nhường lời kể chuyện cho Trần Văn Trạch về “Chuyến xe lửa mùng năm”. Mời các bạn vào Youtube tại https://youtu.be/556LyLiLyK4  để theo dõi tiếp...

 

Trần Văn Trạch cùng một số nghệ sĩ Miền Nam (Từ trái sang phải: Thanh Thúy, Trúc Mai, Thanh Lan, Nguyễn Long, Trần Văn Trạch, Xuân Thu, NS Lê Văn Thiện, Kim Tuyến, Lưu Hồng)

 

Trần Văn Trạch là một ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên. Ông cũng là người đứng đầu ban nhạc Sầm Giang và lại là người đầu tiên tổ chức hình thức “đại nhạc hội”, một tổng hợp các màn trình diễn ca vũ nhạc kịch, xiếc và ảo thuật trên sân khấu.

Không những thế, ông là một nghệ sĩ đa tài, thuộc loại “thập bát ban võ nghệ” với một giọng ca trầm ấm, truyền cảm theo giọng người miền Nam, kèm một kiểu tóc để dài rất ư là... nghệ sĩ.

Những ca khúc hài hước do chính ông sáng tác như Chiếc Đồng Hồ Tay, Tai Nạn Téléphone, Chuyến Xe Lửa Mồng Năm... đã để lại trong lòng người hâm mộ sự cảm phục. Đó là lý do ông được người nghe “tôn vinh” là... “Quái kiệt”!

Và đặc biệt hơn nữa, ông đã sáng tác và trình bày bài “Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia”:

 

“Kiến thiết quốc gia

Giúp đồng bào ta

Xây đắp muôn người

Được nên cửa nhà

 

“Tô điểm giang san

Qua bao lầm than

Ta thề kiến thiết

Trong giấc mộng vàng

 

“Triệu phú đến nơi

Chỉ mười đồng thôi

Mua lấy xe nhà

Giàu sang mấy hồi...

 

Cứ vào mỗi chiều Thứ Ba hàng tuần, suốt từ năm 1952 cho đến tháng 4/1975, đài phát thanh Sài Gòn đều phát bài hát này trong chương trình “xổ số kiến thiết quốc gia”. Ngay cả những chú bé chưa một lần mua vé số cũng nghêu ngao quảng cáo cho... vé số.

Trần Văn Trạch không chỉ sáng tác nhạc hài hước mà đôi khi trong nhạc của ông cũng pha lẫn chút triết lý, như bài "Khi người ta yêu nhau":

 

“Khi người ta yêu nhau

Yêu trong lúc bảy mươi tuổi đầu

Thì không phải vì tiền đâu

Nhưng mà chẳng còn bao lâu...

 

Khai thác giọng ca truyền cảm của mình, Trần Văn Trạch đã đưa ca khúc “Chiều Mưa Biên Giới” của Nguyễn Văn Đông trở thành nổi tiếng tại nước ngoài. Năm 1961, ông đã được đài Europe No.1 và đài Truyền hình Pháp thu âm vả thu hình, ca khúc này đã gây được tiếng vang lớn tại Pháp và Mỹ.

 

Trần Văn Trạch đã có công giới thiệu bài hát "Chiều mưa biên giới" của Nguyễn Văn Đông ra nước ngoài

 

Trần Văn Trạch (Trần Quang Trạch, 1924-1994) sinh tại Mỹ Tho trong gia đình ông Trần Quang Chiêu (Bảy Triều, 1897-1931), vốn là một nghệ nhân nổi tiếng trong ban nhạc cung đình Huế.

Ông có người anh là Trần Văn Khê, tiến sĩ ngành âm nhạc học người Việt Nam đầu tiên tại Pháp và từng là giáo sư tại Đại học Sorbonne, thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc Quốc tế, UNESCO.

Phát hiện được khả năng hài tiềm ẩn trong con người ông Trạch, nên nhạc sĩ Lê Thương viết thử nghiệm một bài ca hài cho ông trình diễn. Đó là bài "Hòa bình 48" (1948) hát nhái tiếng đại bác, tiếng máy bay ném bom...

Lê Thương viết tiếp bài "Liên Hợp Quốc" bằng tiếng Pháp, Anh, Nga, Hoa. Bài "Làng báo Sài Gòn" cũng do ông hát mấy lần thì bị nhà cầm quyền lúc bấy giờ ra lệnh cấm.

 

Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch và Lê Thương tại Sài Gòn năm 1949

 

Trần Văn Trạch sống với người vợ Pháp và có một đứa con. Cũng vì thế, ông bị những người theo Việt Minh kết tội là Việt gian. May mắn được anh ruột Trần Văn Khê kịp nhờ người bảo lãnh, nên ông Trạch mới được tha nhưng phải gia nhập vào ban nhạc quân đội của Việt Minh, rồi cùng với anh đi lưu diễn khắp miền Tây Nam Bộ.

Khoảng năm 1946-1947, Trần Văn Trạch không theo ban nhạc nữa mà về Sài Gòn, cùng em gái là Trần Ngọc Sương mở quán giải khát tại khu Bàn Cờ. Nhằm câu khách, đôi khi ông Trạch hát những bài nhạc Pháp cho lính Pháp nghe, nên ông được bạn bè đặt cho anh một cái tên rất "Tây" là Tracco.

Năm 1960, Trần Văn Trạch sang Pháp và thường xuyên hát tại nhà hàng La Table du Mandarin, Quận 1, Paris. Tháng 12/1977, Trần Văn Trạch rời Sài Gòn sang định cư ở Pháp.

Ông cũng đi diễn cho cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ năm 1983 và 1986, ở Úc châu năm 1984. Tháng 2/1994, ông trở về Paris và nằm chữa bệnh ung thư gan tại bệnh viên Tenon.

 

Nhạc sĩ Hoài Linh cùng “Quái Kiệt” Trần Văn Trạch và Nhạc Sĩ Mạnh Phát

 

Trần Văn Trạch mất ngày 12/4/1994, hưởng thọ 70 tuổi. Ông được an táng tại nghĩa trang Cimetière Intercommunal ở Valenton, ngoại ô Paris.


 *** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts