Thứ Tư, 24 tháng 7, 2019

Nhạc chế

Ông bạn tôi năm nay đã ngoài 80 kể lại câu chuyện xưa đại khái như sau:

“Số là tôi theo bà con giáo dân Phát Diệm lên tàu há mồm ra Vịnh Hạ Long, để lên chiếc hàng không mẫu hạm Arromanches ngày 15 tháng 7, trước khi hiệp định Giơ Neo ký kết…

“Trong một lần ai muốn thì được lên boong tàu hóng gió, tôi làm quen với một anh, lớn hơn tôi chừng hai ba tuổi. Anh kể chuyện anh cùng bà con chạy ra bãi biển, lên tàu chiến của Pháp khi Pháp bỏ Ninh Bình rút lui, cuộc tháo chạy gian nan thế nào... , nội dung câu chuyện bi hùng đó bây giờ tôi quên tiệt cả. Nhưng lời ca nhái anh hát để kết luận thì tôi nhớ đến tận bây giờ, 64 năm rồi.

“Ra đi không mang va li, quần áo rách nát cắp nách, chân mang xăng đan cao su, bước lên tàu chiến.. ". Lời hát trong bài gốc Hải (hay Thủy) quân Việt Nam như sau: “Ra đi không vương thê nhi / Miền Bắc núi tuyết rét mướt / Quen vui trong muôn phân ly / Sống trên ngàn trùng sóng...”.

(hết trích)

“Ra đi không mang va li, quần áo rách nát cắp nách, chân mang xăng đan cao su, bước lên tàu chiến…”

Năm 1945, nhạc sĩ Văn Cao có viết một bài ca về Hải quân Việt Nam, nguyên văn đoạn đầu như sau:

“Toán chiến sĩ thủy quân ra khơi hôm nay
Bờ nước Nam gió khơi nồng máu say
Ra đi không vương thê nhi
Miền Bắc núi tuyết rét mướt
Quen vui trong muôn phân ly
Sống trên ngàn trùng sóng
Thân phơi trên Nam Băng Dương
Nước xanh hồn Thái Bình Dương”

(Xem video clip về bài hát này tại https://www.youtube.com/watch?v=iuBLExJQlNU)

Ấy thế mà bản nhạc lại có một lời ca thứ hai được cải biên, hay nói theo ngôn ngữ ngày nay là “chế”, để thay “… không vương thê nhi” bằng “… không mang va li” thì quả là người nhạc sĩ bất đắc dĩ đã “tức cảnh sinh thời” một cách tuyệt vời.

Cũng bài hát này, tôi cũng đã có lần nghe câu “Miền Bắc núi tuyết rét nướt” được sửa thành… “Miệng hút điếu thuốc Mic mốc…”. Chắc các bạn trẻ ngày nay không biết đến thuốc lá Mic. Đó là sản phẩm của công ty “Manufacuture Indochinoise de Cigarettes”, gọi tắt là MIC, tiền thân của Công ty Thuốc lá Sài Gòn ngày nay (Vinataba).

Thuốc lá Mic

Lại nói thêm về nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995), tác giả của bài “Tiến quân ca” là quốc ca chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ông cũng là tác giả của bài “Không quân Việt Nam”, cũng được sáng tác năm 1945 như bài Hải quân Việt Nam. Điều oái oăm là khi đó các binh chủng này còn chưa được thành lập!

Bài Không quân Việt Nam có đoạn điệp khúc:

“Ðây đó hồn nước ơi !
Không quân Việt Nam vút trên ngàn mây gió
U... u... u... u... u... u...
Ôi phi công danh tiếng muôn đời
Nhìn xa phi trường Việt Nam
Không quân ra đi cánh bay rợp trời”

(Xem video clip bài hát Không quân Việt Nam tại https://www.youtube.com/watch?v=jdDZAGNQv4Y)

Ấy thế mà câu “Ðây đó hồn nước ơi! Không quân Việt Nam vút trên ngàn mây gió…” lại biến thành… “Đây đó làng nước ơi! Ông bô nhà tôi cháy râu vì đun bếp”. Nhạc chế là vậy. Luôn luôn có tính hài hước mà chủ yếu là “truyền khẩu” nhưng lại có sức hút đối với người bình dân.

Nhạc sĩ Văn Cao

Đôi khi nhạc chế lại có tính cách “dung tục”. Chẳng hạn như bài “Gạo trắng trăng thanh” của Hoàng Thi Thơ, bản nhạc này đã đưa đôi danh ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết nổi tiếng một thời.

Bài hát có những câu rất trữ tình như: “Ai đang đi, trên đường đê, tai lắng nghe muôn câu hò đê mê. Vô đây em, dù trời khuya anh sẽ đưa em về”. Thế nhưng, ai đó đã sửa lời thành… “Ai đang đi, trên Cầu Bông, rơi xuống sông ướt cái quần nylon. Vô đây em, đợi quần khô anh sẽ đưa em về”. (Xem “Gạo trắng trăng thanh” tại https://www.youtube.com/watch?v=_80_3T4w0-o

Bạn có biết câu hát “Cười lên đi cho răng vàng sáng chói. Hát lên đi để cho đời le lói…” có xuất xứ từ đâu không? Đó là bài “Khúc ca ngày mùa” của Lam Phương tả “trăng vàng” chứ không phải “răng vàng” đâu:

“Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát
Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác”

Còn nhiều “dị bản” của “Khúc ca ngày mùa”, chẳng hạn như “Kìa Na Tra với ông Tề đấu phép. Đấu bao nhiêu phép ông Tề thu hết” hoặc “Nhà bên kia có con gà trống gáy. Bắc nước sôi lên thì gà hết gáy”. Dĩ nhiên là các ca sĩ nhi đồng rất thích những lời ca này!

(Nghe “Khúc ca ngày mùa” qua giọng ca của Hoàng Oanh tại https://www.youtube.com/watch?v=Y1wmqx5Xjls)

Ngày xưa đến trường, trò nào cũng phải thuộc nằm lòng bài “Học Sinh Hành Khúc” của nhạc sĩ Lê Thương: “Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau / Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao…”. (Nghe bài hát này tại https://www.youtube.com/watch?v=5EiJ3k0q19A).

Ấy thế mà có những học trò “rắn mắt” dám sửa lời thành… “Học sinh cao bồi mặc áo sơ-mi ca-rô / Học sinh cao bồi hủ tiếu ăn hai ba tô”. Thật không hổ danh nhất quỷ, nhì ma và thứ ba là… học trò!

Nhạc ngoại quốc cũng bị cải biên thành nhạc “thuần Việt” với đầy đủ sinh hoạt đời thường ở Việt Nam. Điển hình là bài “Beautiful Sunday”, bản nhạc gốc mô tả một ngày Chủ nhật đẹp trời nhưng lại được cải biên sang tiếng Việt thành:

“Sáng ăn cơm sườn, chiều ăn nước tương
Tối leo lên giường , nằm nghe cải lương…”


***

Sau 30/4/1975 nhạc chế phát triển mạnh. Người ta cải biên cả những bản nhạc thịnh hành của Liên Xô như bài Kachiusa, một loại tên lửa trong Thế chiến thứ 2. Các bạn có thể nghe Kachiusa bằng tiếng Nga tại https://www.youtube.com/watch?v=VUp63mZeq2g và sau đó nghe lời cải biên bằng tiếng Việt tại https://youtu.be/Fxqh9vF5rg8:

“Đào vừa ra hoa người ta vẫn kêu là hoa đào,
Đào vừa ra bông người ta vẫn kêu bông đào
Đào đốt lên cháy ra than mới kêu là than đào
Mấy anh mà dê người ta vẫn kêu… cua đào”

Nhạc sĩ Hoàng Việt sáng tác bài “Nhạc rừng” đầy thơ mộng nhưng nhạc chế lại biến nó thành một vụ mặc cả cyclo ra vùng kinh tế mới:

“– Xích lô, xích lô đi vùng kinh tế mới
– Bao nhiêu ? Bao nhiêu ?
– 5 đồng thôi cô hai!
– Mắc qúa, mắc qúa! 3 đồng thui ông há!
– Hổng sao, hổng sao! Xin mời cô lên xe ….”

(Nghe “Nhạc rừng” do Thanh Lan hát hồi còn ở VN: https://www.youtube.com/watch?v=BcbJqbmo6Pk)

“Tình đất đỏ miền Đông” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn có lẽ là một trong những bài hát cách mạng được người Sài Gòn nghe nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông sau 75. Có lẽ cũng vì thế bản nhạc đã bị sửa lời với những lời lẽ thống thiết của người dân trong thời điêu linh:

“Ai đã ăn mì và khoai giá rẻ
Ăn mấy bữa thì mặt mũi xanh lè
Để heo ăn thì heo mau lớn
Cho người ăn thì … mau sớm vô nhà thương

Ai đã ăn mì và khoai giá rẻ
Ăn mấy bữa thì bị ghẻ tưng bừng
Ghẻ tới lưng rồi … chui qua mông … đít
Vô nhà thương ngồi … xin thuốc đem dzìa xoa

Tổ Quốc ơi, ăn khoai mì ngán quá !
Nhà nước ơi, sao ăn độn hoài hoài ?
Từ giải phóng vô đây, không thấy mặt hột cơm …”

(Nghe “Tình đất đỏ miền Đông” tại https://www.youtube.com/watch?v=1rvPwhW97mU)

***

Theo Wikipedia, “Nhạc chế đã có từ năm 1965, lấy ý tưởng từ bộ tiểu thuyết Ỷ Thiên Đồ Long ký của nhà văn Kim Dung. Ngày Tết, người Sài Gòn thường chơi bầu cua cá cọp để lấy may. Vậy là một ai đó đã chế ra một câu hát khá vui theo giai điệu một bài tình ca của một nhạc sĩ viết trước đó”.

Tôi không đồng tình với cách giải thích này. Nhạc chế không bắt đầu từ năm 1965 mà đã có từ trước đó lâu lắm rồi. Có lẽ phải lấy thời điểm năm 1954, năm có cuộc di cư vĩ đại của người Bắc vào Nam. Bằng chứng là câu chuyện của ông bạn tôi kể đã được nghe hát nhạc cải biên trên tàu Arromanches ngày 15/7/1954.

Còn vụ… Cô Gái Đồ Long lắc bầu cua… mãi tới năm 1965 mới xảy ra. Bài tình ca mà Wikipedia nói đến ở trên chính là bài “Tiếng hát quê hương” của nhạc sĩ Xuân Lôi có lời như sau:

“Có cô gái miền quê hát bài ca
Giữa hoa lá xanh tươi bên làn gió
Thôn xóm nhà khi nắng tà
Êm êm trong muôn câu hò…”

Đây có thể nói là trường hợp hãn hữu: bản nhạc chính thức lại ít người biết đến trong khi nhạc chế lại quá phổ biến. Nhiều người không để ý đến lời của nguyên tác vì họ chỉ nghe lời cải biên mô tả cô gái Đồ Long:

“Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua
Lắc ba cái ra ba con gà mái
Chung hết tiền, thua hết tiền...” 

(Xem video clip bài “Tiếng hát quê hương” tại https://www.youtube.com/watch?v=1BCk3iUxeoo)  

Tội nghiệp cháu bé… chắc thua hết tiền rồi!

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts