Một trong những niềm tự hào trên kệ sách của tôi là những
cuốn sách xưa đã “thoát” khỏi đại nạn “Đốt sách” sau khi Sài Gòn đổi chủ qua
chiến dịch “Bài trừ Văn hóa Đồi trụy – Phản
động”’.
Chuyện đốt sách là phổ biến tại Trung Hoa và có lịch sử từ
thời Tần Thủy Hoàng, được thực hiện từ năm 213 trước Công nguyên. Với chủ
trương “Đốt sách, Chôn nho” (Phần
thư, Khanh nho) được thực hiện từ năm 213 trước Công nguyên. Qua đó, tất cả những
kinh điển từ thời Chư tử Bách gia (trừ sách Pháp gia, trường phái của Lý Tư) đều
bị đốt sạch.
Sau này, cuộc Cách mạng Văn hóa tại Trung Hoa từ năm 1953
đến 1966 cũng đã gây nhiều ảnh hưởng đến miền Bắc dưới chế độ Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa. Do đó, xét về mặt lịch sử, Việt Nam đã trải qua rất nhiều thời kỳ
sách vở bị tiêu hủy cho phù hợp với những thay đổi qua các giai đoạn chính trị.
Trên thực tế, tại miền Bắc, ngay sau khi tiếp quản Hà Nội,
việc kiểm duyệt sách báo trước khi phổ biến ra công chúng đã được thực hiện
ngay từ năm 1954. Đối với các loại sách báo đã in ra từ trước 1954 dưới thời
Pháp thuộc cũng đã bị đốt. Thế cho nên, việc đốt sách tại miền Nam năm 1975 chỉ
là rập khuôn của chính sách cũ năm 1954. (*)
***
Thế nhưng, tại Sài Gòn hồi đó, vẫn còn một số sách “thoát
nạn” mặc dù chúng “vô tội” vì chỉ là loại sách thuần túy về khoa học, giáo dục
và văn chương. Nói không phải để “khoe khoang”, tôi cũng thuộc vào nhóm người
có “may mắn” khi còn giữ được một số sách cũ viết bằng tiếng Việt, tiếng Anh và
tiếng Pháp.
Riêng trong bài viết này, tôi muốn nói đến bộ “World Masterpieces”, gồm 2 quyển, Volume
1 dài 1.600 trang và quyển sau hơn 1.700 trang. Bộ sách đồ sộ này đến với tôi
năm 1969, khi hãy còn là Chuẩn úy tại trường Sinh ngữ Quân đội.
Cũng nhờ ở trong quân đội nên Tổ chức Asia Foundation (Cơ
quan Viện trợ Văn hóa Á châu) có chương trình tặng sách hoàn toàn miễn phí cho
quân nhân và công chức, cứ mỗi 3 tháng một lần, với số lượng 5 quyển, bất kể độ
dày của sách. “World Masterpieces” đến
với kệ sách của tôi như thế đó.
Như tựa đề của bộ sách, “World Masterpieces” (WM) trong quyển 1, tổng hợp những tác phẩm và
bài viết của Thế giới Cổ đại. Cuộc hành trình bắt đầu từ Kinh Thánh, được sử dụng trong các giáo phái khác nhau, bao gồm Kinh Cựu Ước (The Old Testament) và Kinh Tân Ước (The New Testament).
Kinh thánh là bộ sách gây ảnh hưởng sâu đậm nhất đến cuộc
sống tâm linh của loài người, đặc biệt là trong thế giới Phương Tây. Cho đến
nay, ước tính có khoảng hơn 5 tỉ ấn bản Kinh
Thánh được xuất bản và trở thành sách bán chạy nhất trong mọi thời đại.
Tiếp đến, WM giới thiệu về các tác giả và tác phẩm theo
thứ tự như sau.
* Trước tiên là nhà thơ Hy Lạp, Homer, được coi là tác giả
xuất sắc nhất với hai tác phẩm “The
Iliad” và “The Odyssey” trong thời
cổ đại. Truyền thuyết kể lại, ông vốn là một người khiếm thị và cũng là một người
hát rong! Ảnh hưởng của các thiên anh hùng ca Homer trong việc hình thành văn
hóa Hy Lạp đã được công nhận rộng rãi, và Homer được mô tả như là người thầy của
Hy Lạp
* Aeschylus (524?-456 B.C.) là một nhà soạn kịch Hy Lạp cổ
đại, cha đẻ của bi kịch hiện đại. Cùng với Sophocles và Euripides các tác phẩm
của Aeschylus vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Trong số khoảng 70 vở kịch của
Aeschylus về chuộc chiến tranh Ba Tư-Hy Lạp, có 7 tác phẩm vẫn còn được giới kịch
nghệ nhắc đến.
* Triết gia người Hy Lạp, Plato (429?-347 B.C.) là người đã
từng bị bán làm nô lệ và cũng là người sáng lập Akademia, được coi là trường đại
học đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Plato phổ biến một loạt các đối thoại triết
học trong đó nhân vật chính luôn luôn là Socrates, người mà ông đánh giá là giỏi
nhất, minh triết nhất và chính trực nhất trong tất cả mọi người.
* Aristotle (384-322 B.C.), người Hy Lạp, được xem là người
đặt nền móng cho môn luận lý học và được mệnh danh là cha đẻ của môn Khoa học Chính
trị. Nhà của Aristotle được Plato gọi là “nhà đọc sách”, đó là một lời khen
nhưng cũng có thể là một lời chê, ám chỉ đến tinh thần quá chú trọng vào sách vở
của ông.
* Cicero (106-43 B.C.) là một triết gia, nhà hùng biện,
chính khách, nhà lý luận chính trị La Mã. Ông giải thích, nền tảng cho sự tồn tại
và vận hành của chính quyền chính là Công lý. Bản chất tự nhiên của con người
là bất công: lớn thắng nhỏ, mạnh thắng yếu. Chính Công lý mới đem lại tiến bộ,
bởi Công lý là một phẩm chất mà con người phải xây dựng.
* Virgil (70-19 B.C.) nhà thơ lớn của La Mã cổ đại, người
sáng tạo ra thể loại thơ sử thi. Các thời đại sau tôn sùng ông như một nhân vật
huyền thoại, một nhà hiền triết, một bậc tiên tri. Từ thời Cổ đại, tác phẩm của
ông đã được giảng dạy ở nhà trường và đã được dịch sang tiếng Hy Lạp cổ.
***
Bước sang văn học thời Trung cổ, WM lần lượt giới thiệu
tên tuổi nổi bật như Dante Alichiery (1265-1321), một nhà thơ lớn người Ý vào giai
đoạn Hậu Trung Cổ. Tác phẩm “La Divina
Commedia” (Thần khúc) của ông được coi là tập thơ quan trọng nhất và là tác
phẩm văn học vĩ đại nhất bằng tiếng Ý.
* Geofrey Chaucer (1340?-1400) nhà thơ, nhà triết học,
công chức, quan tòa và nhà ngoại giao người Anh. Tác phẩm được biết đến nhiều
nhất của ông là tập truyện dài “The
Canterbury Tales”, đôi khi Chaucer được hậu thế tôn vinh là “cha đẻ của nền
văn học Anh”.
***
Sang đến thời Phục hưng, ta có Francis Petrarch
(1304-1374), nhà thơ Ý và được xem như “ông tổ của thơ mới châu Âu”. Sáng tác của
Petrarch được chia làm hai phần: phần thơ ca viết bằng tiếng Ý và phần những
sáng tác khác viết bằng tiếng Latin. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Canzoniere” gồm 366 bài sonetto (loại
thơ 14 câu) và nhiều bài thơ khác.
* Niccola Machiavelli (1469-1527) là một nhà ngoại giao,
nhà triết học chính trị, nhà thơ, nhà soạn kịch người Ý. Ông được xem là một
trong những người đi tiên phong trong lý thuyết về khoa học chính trị hiện đại.
Tác phẩm nổi tiếng của Machiavelli là cuốn “The
Prince” (Quân vương) bàn về chủ nghĩa hiện thực chính trị.
* Francois Rabelais (1494?-1553) là một nhà văn Pháp thời
Phục hưng theo chủ nghĩa nhân văn. Tác phẩm của Rabelais thấm nhuần tư tưởng
nhân văn, ông dùng tiếng cười để diễu cợt, lên án các giáo sĩ và đả kích vua
chúa tham lam, độc ác. Ông đả phá xã hội phong kiến và để xuất ý kiến xây dựng
xã hội mới.
* Michel De Montaigne (1533-1592) là một trong những nhà
văn có ảnh hưởng nhất trong thời kỳ Phục Hưng Pháp. Montaigne được xem là người
đã đưa tiểu luận (essay) thành một thể loại văn học. Tác phẩm lớn nhất trong sự
nghiệp của ông là 107 bài tiểu luận về xã hội, chính trị, y học, nghệ thuật.
* Miguel De Cervantes (1547-1616) là tiểu thuyết gia, nhà
thơ và nhà soạn kịch người Tây Ban Nha. Ông được biết đến nhiều nhất với cuốn
tiểu thuyết hai tập “Don Quixote de la
Mancha”, được coi như tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của châu Âu và là một
trong những tác phẩm vĩ đại nhất trong văn học phương Tây.
* William Shakespeare (1564-1616) là nhà văn và nhà viết
kịch người Anh. Ông được coi là nhà văn vĩ đại nhất của Anh và là nhà viết kịch
đi trước thời đại. Những tác phẩm nổi tiếng của Shakespeare là các vở “Hamlet”, “King Lear”, “Othello”, “Macbeth” và “Prince of Demmark”.
World Masterpieces, Volume 1
* John Milton (1608-1674) là một nhà thơ, soạn giả, nhà bình luận văn học người Anh. Những tác phẩm nổi tiếng của Milton phải kể đến “Paradise Lost” (Thiên đường đã mất) và “Paradise Regained” (Thiên đường tìm lại). Có nhiều người coi “Paradise Regained” là phần kế tiếp của “Paradise Lost”. Thực ra, đây là hai tác phẩm độc lập, không hề có mối liên hệ gì với nhau.
* Jean-Baptiste Poquelin Moliere (1622-1673) là một nhà viết kịch, diễn viên và nhà thơ người Pháp, được coi là một trong những nhà văn vĩ đại nhất trong ngôn ngữ Pháp. Tác phẩm của ông đề cập đến nhiều vấn đề của đời sống đương thời như quan hệ của cha mẹ và con cái, hôn nhân và gia đình, giáo dục, đạo đức xã hội (thói hiếu danh, kiêu ngạo, giả nhân giả nghĩa…).
* Jean Racine (1639-1699) là một nhà viết kịch nổi tiếng của sân khấu Pháp, thế kỷ thứ 17. Với rất nhiều vở bi kịch xuất sắc, Racine cùng với Pierre Corneille được coi là hai kịch tác gia cổ điển vĩ đại nhất nước Pháp. Racine liên tiếp thành công với các vở “Britannicus”, “Bérénice”, “Bajazet”, “Mithridate”, “Iphigénie” và “Phèdre”.
* Alexander Pope (1688-1744) được coi là nhà thơ tiếng Anh vĩ đại nhất trong thời đại của ông vào đầu thế kỷ 18. Ông nổi tiếng với những bài thơ châm biếm và gây nhiều tranh cãi, bao gồm “The Rape of the Lock”, “The Dunciad” và “An Essay on Criticism”, cũng như bản dịch Homer của ông.
* Francoise-Marie Arouet De Voltaire (1694-1778) là nhà văn, sử gia và triết gia Pháp thời Khai sáng (Enlightenment). Ông nổi bật về sự trào phúng và cứng rắn đả kích Giáo hội Công giáo đồng thời cổ súy tự do tôn giáo, tự do ngôn luận. Danh ngôn để đời của Voltaire: “Thà để sót một kẻ có tội còn hơn là bắt nhầm một người vô tội” (Il vaut mieux hasarder de sauver un coupable que de condamner un innocent).
***
Trong thời kỳ Lãng mạn, WM đưa ra một số nhân vật nổi tiếng. Trong đó có Jean-Jacques Russeau (1712-1778), một nhà triết học thuộc trào lưu Khai sáng có ảnh hưởng lớn tới Cách mạng Pháp 1789. Ông quan niệm: “Tôi thích tự do trong nguy hiểm hơn là hòa bình trong nô lệ” (I prefer liberty with danger than peace with slavery).
* Johann Wolfgang Von Goethe (1749-1832) là nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia, nhà khoa học, họa sĩ người Đức. Tác phẩm nổi tiếng của ông là kịch thơ “Faust”, một trong những đỉnh cao của nền văn chương thế giới. Ông cho rằng “Bị bạn bè lừa gạt vẫn tốt hơn đi lừa gạt bạn bè” (It is better to be deceived by one's friends than to deceive them).
* Lord Byron (1788-1824) là nhà thơ lãng mạn nước Anh được biết đến với lối sống tai tiếng về tình ái. Lòng say mê mãnh liệt, tính trữ tình sâu sắc, sự bạo dạn về ý tưởng là những nét khiến Byron trở thành một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất ở châu Âu thế kỷ 19. Ông cũng mở ra một kỷ nguyên mới trong thơ với tên gọi “Chủ nghĩa Byron”.
* William Wordsworth (1770-1850) là nhà thơ lãng mạn Anh, nổi tiếng với với tác phẩm “Lyrical Ballads” (Thơ trữ tình) năm 1798. Trong làng thi ca Anh, ông được xếp ngồi chiếu trên, cùng mâm với William Shakespeare và John Milton. Wordsworth được bầu làm Nhà thơ Hoàng gia (Poet Laureate) của Anh từ năm 1843 cho đến khi ông qua đời vào năm 1850.
* John Keats (1795-1821), nhà thơ Anh, người cùng thời với Percy Bysshe Shelley và Lord Byron. Cuộc đời của Keats thật ngắn ngủi nhưng sự nghiệp thơ ca mà ông để lại cho đời là vô giá. Keats nổi tiếng là nhà thơ ca ngợi cái đẹp: “Cái đẹp là chân lý, chân lý là cái đẹp, thế thôi, đấy là tất cả những gì ta biết và ta cần biết”.
* Lord Tennyson (1809-1892), nhà thơ Anh, người thể hiện thế giới quan đa cảm và bảo thủ của thời đại Victoria. Ông là người được phong “Nam tước Tennyson Đệ nhất” (1st Baron Tennyson) hoặc Lord Tennyson. Đại hội Olympic London năm 2012 đã chọn câu thơ “To strive, to seek, to find, and not to yield” (Để phấn đấu, để tìm kiếm, để tìm thấy và không chịu lép vế) làm khẩu hiệu cho Thế vận hội.
* Edgar Allan Poe (1809-1849) là nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà thơ Mỹ. Poe là ông tổ của thể loại truyện trinh thám và hình sự, ông có tầm ảnh hưởng đến Charles Baudelaire, Fyodor Dostoevsky, Sir Arthur Conan Doyle. “Tuyển tập Edgar Allan Poe”, dày 716 trang bao gồm phần lớn truyện ngắn của ông, được xuất bản tại Hà Nội, năm 2002.
* Alexander Pushkin (1799-1837) là một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng người Nga. Được tôn vinh là đại thi hào, “Mặt trời thi ca Nga”, ông đã có những đóng góp to lớn trong việc phát triển ngôn ngữ văn học Nga hiện đại và là biểu tượng của dòng văn học lãng mạn Nga thế kỷ 19.
***
Đến thời kỳ Chủ nghĩa Hiện thực và Tự nhiên trong văn chương, lần lượt ta có:
* Honore De Balzac (1799-1850) là nhà văn Hiện thực người Pháp, nổi tiếng vào nửa đầu thế kỷ 19. Balzac đã viết về nhiều đề tài theo nhiều phong cách khác nhau. Từ trữ tình, châm biếm, triết lý và dần dần thiết lập một hệ thống cho các sáng tác của mình. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là “La Comédie Humaine” (Tấn trò đời).
* Gustave Flaubert (1821-1880) là một nhà văn người Pháp, ông được coi là một trong những tiểu thuyết gia lớn nhất của Phương Tây và cũng là… “nhà văn buồn nhất thế kỷ”. Flaubert đã từng nói: “Trong tôi có hai con người, một bị lóa mắt trước những khoa trương văn vẻ trữ tình… con người thứ hai thì đào bới, lục lọi sự thật, anh ta lên án những điều nhỏ bé một cách mạnh mẽ”.
* Fyodore Dostoesky (1821-1881): Cùng với Lev Tolstoy, Dostoevsky được xem là một trong hai nhà văn Nga vĩ đại của thế kỷ 19. Các tác phẩm nổi tiếng của ông phải kể đến “The Brothers Karamazov” (Anh em nhà Karamazov) và “Crime and Punishment” (Tội ác và hình phạt) đã khai thác tâm lý con người trong bối cảnh chính trị, xã hội và tinh thần của xã hội Nga.
* Leo Tolstoy (1828-1910) là một tiểu thuyết gia người Nga, nhà triết học, người theo chủ nghĩa hoà bình, nhà cải cách giáo dục, người theo chủ nghĩa vô chính phủ và cũng là… người ăn chay. Hai kiệt tác “War and Peace” (Chiến tranh và hoà bình) và “Anna Karenina” đã nói lên sự phóng khoáng và hiện thực của cuộc sống Nga.
***
Cuối cùng là những nhân vật đương đại, không ít thì nhiều, các bạn cũng đã từng nghe qua tên tuổi của họ.
* T. S. Eliot (1888-1965), nhà thơ, nhà viết kịch, nhà phê bình văn học Anh gốc Hoa Kỳ đã đoạt giải Nobel Văn học năm 1948. Tác phẩm đầu tay của ông “The Love Song of J. Alfred Prufrock” (Bản tình ca của J. Alfred Prufrock) được coi là một kiệt tác của phong trào “thơ tự do” vì sự cách tân trong ngôn ngữ thơ và thi pháp, thoát khỏi khuôn sáo của thơ đương thời.
* Thomas Mann (1875-1955) là nhà văn Đức đã đoạt giải Nobel Văn học năm 1929 và Giải Goethe năm 1949. Từ những năm 1930, Thomas Mann tích cực tham gia các hoạt động chính trị, chống chủ nghĩa phát xít. Mặc dầu sách vở của ông không bị đụng tới trong chiến dịch đốt sách báo ở Đức nhưng ông đã quyết định bỏ nước ra đi.
* Franz Kafka (1883-1924), nhà văn lớn viết truyện ngắn và tiểu thuyết bằng tiếng Đức. Kafka chịu ảnh hưởng mạnh của chủ nghĩa hiện sinh. Các tác phẩm của ông, như “The Metamorphosis” (Hóa thân), “The Trial” (Vụ án) và “The Castle” (Lâu đài) khai thác về sự ghẻ lạnh, mâu thuẫn cha-con, sự tàn bạo về thể xác và tinh thần.
* Marcel Proust (1871-1922) là nhà văn người Pháp được biết đến nhiều nhất với tác phẩm “Remembrance of the Things Past” (Đi tìm thời gian đã mất). Proust được đánh giá là nhà văn vĩ đại nhất thể kỷ 20, cũng như Tolstoy trong thế kỷ 19. Tầm ảnh hưởng của ông tác động đến những nhà văn sinh ra vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
* D. H. Lawrence (1885-1930), người Anh, là một tiểu thuyết gia, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà phê bình văn chương và cũng là một họa sĩ. Những tác phẩm của ông đã phản ánh mặt trái vô nhân tính của thời kỳ hiện đại và công nghiệp hóa, nổi bật nhất là “Lady Chatterley's Lover” (Người tình của phu nhân Chatterley).
* Jean-Paul Sartre (1905-1980) là nhà triết học hiện sinh, nhà soạn kịch, nhà biên kịch, tiểu thuyết gia và là nhà hoạt động chính trị người Pháp. Ông cũng là một trong những nhân vật có ảnh hưởng đến chủ nghĩa Marx. Một nhà phê bình đã nhận xét: “Có hai ông Sartre. Một người là một người tốt… lo lắng về quyền tự do. Người thứ hai, một côn đồ, muốn cải tiến nhân loại, và vì vậy trở nên một đầy tớ của chế độ toàn trị”.
* Albert Camus (1913-1960) là một nhà văn, triết gia, nhà viết kịch người Pháp. Cùng với Jean-Paul Sartre, Camus là đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa hiện sinh. Ông là tác giả của các tiểu thuyết nổi tiếng “L'Étranger” (Người xa lạ) và “La Peste” (Bệnh dịch hạch).
* William Faulkner (1897-1962) tiểu thuyết gia người Mỹ. Đoạt Giải Nobel Văn học năm 1949, và hai giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1955 và 1963. Faulkner để lại một câu nói bất hủ: “Perhaps they were right in putting love into books... Perhaps it could not live anywhere else” (Có lẽ người ta đã đúng khi để tình yêu vào các trang sách… Có lẽ vì nó không thể sống ở bất cứ nơi nào khác).
World Masterpieces, Volume 2
Trên đây chỉ là tóm lược bộ
sách “World Masterpieces”, những danh
tác của thế giới. Chúng tôi hy vọng sẽ còn có những bài viết chi tiết hơn về từng
tác giả và tác phẩm trong WM vào một dịp khác.
***
(*) Tham khảo thêm bài viết: “Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Đốt sách”
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét