Thứ Hai, 8 tháng 7, 2019

Thuật xử thế của người xưa


Văn hào Đức, Hermann de Keyserling, kể lại một câu chuyện ngộ nghĩnh:

“Một mục sư kia nói với đứa con trai 15 tuổi của ông: Từ 15 đến 20 tuổi, cha cho con có quyền tin tưởng con thông minh hơn cha; Từ 20 đến 25 tuổi, cha cũng cho con có quyền tin tưởng con thông minh bằng cha; Nhưng, từ 25 đến 30 tuổi thì cha bắt buộc con phải nhìn nhận cha thông minh hơn con một cách tuyệt đối”.

Đó là những lời Thu Giang Nguyễn Duy Cần viết trong lời “Phi lộ” của cuốn sách “Thuật xử thế của người xưa”. Tôi còn giữ được bản in lần thứ hai của nhà xuất bản Phạm Văn Tươi, năm 1956, do ông cụ thân sinh để lại.

“Thuật xử thế của người xưa”, bản in năm 1956

Ngày xưa, tại Sài Gòn, Nhà xuất bản Phạm Văn Tươi, với châm ngôn “Nỗ lực rồi cậy trông”, đã in rất nhiều sách, được phân thành các loại như “Tuổi thơ”, “Học và Hiểu” và “Học làm Người”… rất bổ ích cho người đọc.

Ngoài các tác phẩm thuộc loại “Học làm Người” của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần như như “Cái dũng của thánh nhân” (1950); “Óc sáng suốt” (1951); “Thuật tư tưởng” (1952)… ông còn có “Thuật xử thế của người xưa”.

Ngày nay, các bạn trẻ có thể đọc “Thuật xử thế của người xưa” trên mạng nên bản in trên giấy chỉ còn là loại sách cổ, được giữ làm kỷ niệm văn hóa của một thời đã qua. Thời gian khiến bìa sách cũ có thể đã tả tơi, những trang sách đã ngả màu theo năm tháng… tất cả chỉ còn là kỷ niệm của một thời.

Tuy nhiên, đối với những người chơi sách cổ vẫn luôn là một đam mê, nhưng sự đam mê đó ngày một mai một với những người lớn tuổi, gần đất xa trời. Âu đó cũng là quy luật của cuộc sống, gói trọn trong 4 giai đoạn “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”.

Bìa sau “Thuật xử thế của người xưa”

Trở lại với Nguyễn Duy Cần trong “Thuật xử thế của người xưa”, tác giả tâm sự:

“Chưa kinh nghiệm mà nghe bàn đến cái khôn ngoan do kinh nghiệm mà có kia, làm sao tin được, làm sao không mỉm một nụ cười ngờ vực được...

“Tôi đã từng sống qua cái tâm sự của thanh niên, tôi cũng đã từng mỉm một nụ cười ngờ vực... Nhưng hôm nay, tôi không còn giữ được nụ cười ấy nữa... Cái hay của cổ nhân, cũng như cái dở của cổ nhân, đều có thể là những bài học thâm trầm cho ta tất cả...

(hết trích)

Thuật xử thế được Nguyễn Duy Cần viết dưới dạng những chủ đề như Lòng tự ái, Chữ Lễ của Á Đông, Có tài mà cậy chi tài, Ân và Oán, Đạo Cương Nhu, Biết… Sống, Tâm sự của Khuất Nguyên. Cái hay là tác giả luôn có những danh ngôn của người xưa về từng chủ đề được trình bày. Đây là bố cục giúp người đọc tìm ra được ý chính trước khi đọc những lời bàn.

Chẳng hạn như bàn về lòng tự ái, tác giả cho rằng dù là một kẻ tầm thường đến đâu chăng nữa, bao giờ cũng cho ý kiến mình là quan trọng và đúng hơn tất cả. Thế cho nên, “cái tôi” có phải là dễ ghét đâu theo như lời của Blaise Pascal (Le moi est haissable).

Trái lại, đó là cái chữ dễ yêu nhất trên đời. Nhưng, vì ta đã quá nâng niu chìu chuộng nó... mà thành ra cách xử thế đã gây không biết bao nhiêu sự vụng về, ân hận, đau khổ, tai ương. Và cũng chính vì thế mà Pascal mới thốt ra câu nói chua cay: "Cái tôi rất đáng ghét".

Theo tác giả, “cái tôi” chẳng những dễ yêu mà nó lại là trung tâm điểm của mọi chuyện, hay nói một cách khác, “cái rốn của vũ trụ” (nombrilisme). Bao nhiêu sự vật trong đời, chung quy đều quây quần theo cái cốt ấy, đó chính là… Bản ngã.

Nguyễn Duy Cần viết:

“Dùng cường lực, dùng uy thế mà bức người phải nghe theo mình, không bao giờ làm được; mà dầu có làm được đi nữa thì cũng chỉ là một việc làm có thể được tạm thời thôi.

“Ở đời không ai có thể chịu nhận mình là quấy cả. Dầu là tay đại gian, đại ác như Tào Tháo cũng không chịu nhận mình là gian ác. Tào Tháo thường xưng mình là vì dân vì nước, mà Lưu Bị cũng tin mình vì nước vì dân. Godse, người ám sát Gandhi mà thiên hạ phần đông nguyền rủa, vẫn tươi cười trước khi chịu tử hình.

“Bởi vậy, bàn cãi với người và muốn đem cái lẽ phải của mình ép buộc họ phải nghe theo thì chắc chắn không bao giờ được, lại còn gây thêm lắm điều không hay khác trong tình giao hảo hằng ngày.

(hết trích)

Tự ái khiến con người ra vẻ như sống chứ không thực sự hiện hữu. Những người tự ái thường mơ mộng về cuộc đời của mình hơn là sống thực. Lòng tự ái khiến cuộc đời chỉ là một ảo tưởng, người ta chỉ lừa dối nhau và tâng bốc lẫn nhau.

Đức Phật dạy: “Kẻ thù lớn nhất đời người là… chính mình”. Nói cách khác, đó là “chấp ngã”. Đức Phật đã phân tích sâu hơn vì “chấp ngã” mới là nguyên nhân của lòng tự ái.

“Kẻ thù lớn nhất đời người là… chính mình”

Bàn về Ân và Oán, Nguyễn Duy Cần cho rằng “Ân càng thâm thì oán càng sâu” bởi vì người ta bao giờ cũng thích người mình ban ân hơn là người mình thọ ân. Mới nghe qua cứ tưởng như một nghịch lý nhưng đó lại là điều nằm sâu kín trong tư tưởng của mỗi con người.

Đoạn kết của vở kịch “Cuộc hành trình của ông Perrichon” (Le Voyage de Monsieur Perrichon) đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Perrichon cùng vợ và con gái đi du lịch ở Thụy Sĩ. Tháp tùng trong chuyến đi còn có hai chàng trai trẻ Armand và Daniel, cả hai đều thích tiểu thơ Perrichon.

Armand được cái hân hạnh là cứu Perrichon ba lần: lần đầu ở tại Montauvert, khi Perrichon bị té ngựa. Lần thứ nhì Armand “dàn xếp” ổn thỏa khi Perrichon bị thưa về tội phỉ báng. Lần thứ ba, chàng lại cứu Perrichon khỏi cuộc so gươm với một võ quan.

Còn chàng Daniel, thay vì “thích ra ơn” lại “thích chịu ơn”. Chàng khôn khéo làm bộ té hố để Perrichon có dịp ra ơn cứu chàng... Bởi vậy, Perrichon thích chàng mà lại ghét Armand. Nên khi Armand hỏi cưới con gái, ông lại nhứt định gả cho Daniel.

Thật ra đây là một vở hài kịch cốt làm cho người ta cười... nhưng đó lại là bi kịch, cười ra nước mắt khi phân tích tâm lý con người. Tâm sự của Perrichon là tâm sự của mọi người. Nguyễn Duy Cần rút ra được một bài học về xử thế:

“Thọ ân người tức là chịu có người trên mình, còn ban ân cho người tức là được ở trên người. [Trong Hán tự] Chữ Ân là chữ đè trên chữ Tâm. Mà chữ nguyên tự là hình vẽ một người đứng giữa bốn vách tường, đồng với chữ Tù. Người Trung Hoa bày ra chữ Ân, thật là khám phá được tâm sự của con người vậy.

“Thi ân là làm nhục lòng tự ái của người; thường thường kẻ làm ân hay có khuynh hướng tự hào và ngạo nghễ... Thọ ân là bị nhục đến lòng tự ái, thường hay tìm cách để thoát khỏi cái nhục ấy bằng sự bội ân... Bội ân bằng đủ phương thế…

(hết trích)

Vở kịch “Le Voyage de Monsieur Perrichon” (1938)

Câu chuyện tôi tâm đắc nhất trong “Thuật xử thế của người xưa” là truyện về Khuất Nguyên và lão đánh cá. Tác giả kể:

“Khuất Nguyên làm quan cho vua Hoài Vương nước Sở, bị sàm báng mà bị phóng khí. Mặt mũi tiều tụy, hình dung khô héo, Khuất Nguyên vừa đi vừa hát ở bên bờ đầm. Có ông lão đánh cá trông thấy hỏi:

- Ông có phải là Tam lư đại phu đó không? Sao mà đến nỗi khốn khổ như vậy?

Khuất Nguyên nói:

- Cả đời đục, một mình ta trong; cả đời say một mình ta tỉnh, bởi vậy ta mới bị phóng khí.

Ông lão đánh cá nói:

- Thánh nhân không câu nệ việc gì, lại hay tùy thời. Có phải đời đục cả, sao ông không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục theo một thể? Loài người say cả, sao ông không biết ăn cả men, húp cả bã cho say theo một thể? Việc gì mà phải phòng xa nghĩ sâu cho đến nỗi phải bị phóng khí?

Khuất Nguyên nói:

- Tôi nghe: mới gội đầu tất phải chải mũ; mới tắm tất phải thay áo; có đâu lại chịu đem cái thân trong sạch mà để cho vật dơ bẩn dính vào mình được? Thà nhảy xuống sông Tương, vùi xác vào bụng cá, chớ sao đang trắng lôm lốp, lại chịu để vấy phải bụi dơ.

Ông lão đánh cá nghe nói tủm tỉm cười, quay chèo bơi đi và miệng hát:

“Sông Tương nước chảy trong veo,
Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta;
Sông Tương nước đục chảy ra,
Thì ta lội xuống để mà rửa chân...”

(hết trích)

Khuất Nguyên - Bậc đại phu bất đắc chí

Con người thường hay mắc phải chứng bệnh ham làm thầy đời, đó là cái bệnh… “thà làm đầu con gà hơn làm đít con trâu”. Bởi vậy, ta mong ước, ta tin tưởng “đời chỉ có một mình ta trong, chỉ có một mình ta tỉnh”, để ta có cơ hội lên mặt thầy đời, hiu hiu tự đắc: trí hơn người ngu, khôn hơn kẻ dại...

Một ngày nào đó cái bọn người ngu si mê muội kia biến mất, thì khi đó cái bọn thầy đời của chúng ta dựa vào đâu mà tồn tại! Thế mà ta lại muốn độ cho bọn ngu mê trong thiên hạ đều phải khôn ngoan sáng suốt như ta cả. Ta nào có dè ta lại làm một điều mâu thuẫn, ta đang phá hoại cái ngai vàng của ta.

Tài cao như Khuất Nguyên nhưng ứng xử kém thì chỉ có nước trầm mình xuống dòng sông Tương. Đó là cái chết tất nhiên, không còn gì để bàn cãi!


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts