Người già thường có những chuyện… “lẩm cẩm” mà chắc khi
còn trẻ chẳng ai để ý đến. Dưới đây là một trong những chuyện “lẩm cẩm” thuộc
loại vừa nói.
Sáng nào cũng vậy, cứ đến khoảng 6 giờ tôi bắt đầu cuộc
hành trình ra quán cà phê để ngồi uống một mình. Đoạn đường từ nhà ra quán chỉ
khoảng vài trăm bước chân thôi mà sao thấy có nhiều chuyện đáng ghi lại.
Cây dại bên đường ra cà phê
Tôi bắt đầu cuộc hành trình khi trong nhà con cháu hãy
còn say sưa với giấc ngủ vào sáng sớm. Thế cho nên, phải bấm khóa từ phía bên
trong, phòng khi trong nhà có ai cần ra có thể dùng chìa khóa khác để mở. Tôi
cũng có chìa khóa riêng nên an tâm đi uống cà phê.
Việc đầu tiên sau khi khóa cửa là tắt ngọn đèn ngoài cửa.
Công tắc của ngọn đèn này đặt bên ngoài cho nên những người hàng xóm có thể tắt
hay mở trong trường hợp chủ nhà vì một lý do nào đó mà quên bật hay tắt. Đây là
ngọn đèn cho cả xóm nên những người quan tâm có thể tắt hay mở tùy lúc thích hợp.
Ngọn đèn đường trước cửa nhà
Người đầu tiên tôi gặp khi khóa cửa xong thường một là một
bà bác, tuổi ngoài 80, nhưng vẫn còn khỏe mạnh với chiếc chổi xể quét con đường
nhỏ trong hẻm. Đây là việc làm tự nguyện và cũng là một cách tập thể dục cho
chân và tay! Chúng tôi sáng nào cũng chào hỏi nhau và thỉnh thoảng tôi còn biếu
tiền để bà… “ăn quà”.
Có những hôm tiếng chổi của bà dưới đường lại là tiếng
báo thức cho tôi những lúc ngủ quên. Đúng là một người hàng xóm tốt bụng! Gần
đó lại có một cô, trạc tuổi con gái tôi, cũng dậy rất sớm. Khi tôi chưa kịp tắt
ngọn đèn đường thế nào cô cũng… ra tay hoặc những khi trời chạng vạng chưa kịp
bật đèn thì thế nào đèn đường cũng sáng. Tất cả đều do một tay cô!
Ra khỏi nhà ít bước là qua một lò bánh mì điện mang tên
“Bánh mì cô Thúy”. Hồi tôi mới đến khu này, lò bánh mì do một ông cũng khá lớn
tuổi đứng làm chủ, chắc cô Thúy là tên của bà. Hơn một năm nay lò bánh được
giao lại cho cậu con trai, cô con dâu cũng có một xe bánh mì thịt ở gần đó. Sáu
giờ sáng là mẻ bánh đầu triên trong ngày, hôm nào thèm ăn bánh mì chỉ việc quá
bộ tới lò, nếu chưa dỡ bánh, cậu chủ đem đến tận nhà sau!
Thêm vài chục bước chân nữa là đã ra đến đường lớn. Ngay
đầu hẻm có quán cà phê rất xập xệ do một bà trạc 50 đứng bán và kiêm luôn chân
chạy bàn. Sáng nào bà cũng chào hỏi: “Hôm
nay anh đi tập thể dục sớm (hay trễ) dữ há!”. Thật tình, tôi không đi tập
mà chỉ đi uống cá phê, nhưng thôi, cứ để bà tưởng vậy sẽ an ủi cho việc không uống
cà phê của bà!
Mỗi buổi sáng trước khi ra khỏi nhà tôi phải xuống tổng cộng
57 bậc cầu thang. Một ngày ít nhất cũng phải trên 10 lượt đi lên đi xuống nên chắc
đó cách thể dục tốt nhất. Con hay cháu mỗi khi cần gặp tôi trên phòng thế nào
cũng thở phì phò vì phải leo cầu thang. Chỉ có ông già đã quen rồi nên coi đó
như một cách tập thể dục!
Quả thật, những người tôi gặp trên hành trình đến “cà phê
một mình” đều không rõ tên nên chỉ cười với nhau mỗi lần gặp gỡ, trao đổi với
nhau một hai câu bâng quơ nhưng sao thấy thân thiết như những người thân. Cả những
khách quen ngồi uống cà phê cũng vậy.
Khách quen có thể một cặp vợ chồng sáng nào cũng chở nhau
đi Honda đến uống. Ông chồng nói tiếng Việt với accent của người Hoa, chắc lớn
hơn tôi vài tuổi, có tật hay “càm ràm” bà vợ. Dạo gần đây bà phải chống gậy
nhưng hai người vẫn đến uống cà phê… “hai mình”! Ông có vẻ “gia trưởng”, thường
hay nói “Bà có hiểu tôi nói gì không?”,
“Bà để tôi nói hết đã…”, lâu lâu lại thêm câu “Ý tôi muốn nói là…”.
Tôi chỉ biết nghe họ nói chuyện và chưa một lần làm quen
vì “sợ” những cách vào đề quen thuộc của ông. Cũng có những người không nói lời
nào như ông xe ôm đầu ngõ. Chúng tôi chỉ chào nhau bằng nụ cười. Mà người ta
thường ca tụng… “một nụ cười bằng 10
thang thuốc bổ”!
Tôi thấy mình may mắn vì có những người quen “không tên”
nhưng ai cũng đều có nụ cười. Một thứ rẻ nhất vì không tốn tiền mua mà vẫn thấy
ấm lòng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét