Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2021

Người già rụng răng!

Các cụ ngày xưa thường nói “cái răng, cái tóc là góc (vóc) con người” nhưng, theo tôi, đối với người già “cái răng” quan trọng hơn “cái tóc” rất nhiều.

Tóc thì có thể thay đổi theo tuổi tác từ màu đen sang màu bạc… nhưng khi về già, răng không thể nào tự mọc được, cho nên phải… làm răng giả để ăn!

Đã ngoài 70 cho nên tôi đã đến nha sĩ rất nhiều lần, không phải để làm đẹp mà là để nhổ nhũng chiếc lung lay và làm răng giả. Lúc trước, khi còn vững tay lái nên có thể đi xe gắn máy đến tận Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt trên đường Trần Hưng Đạo để làm răng tới hai lần.

Cũng vì có người quen làm bệnh viện nên đi xa một chút cũng không nề hà gì, miễn là được chăm sóc tận tình, chu đáo. Sau hơn 4 tháng lockdown đợt vừa rồi, răng tôi ngày một tệ, nha chu gần hết, ăn uống khó khăn nên ngày một gầy đét như một… “bộ xương cách trí”!

Hồi còn ngồi cà phê sáng một mình trên đường Hoa Sứ gần nhà có một phòng nha khoa bên kia đường nên tôi quyết định ghé để nha sĩ khám và tư vấn cách giải quyết hàm răng “vô trật tự” đang ngày một “xuống cấp”. Chỉ cần đi bộ vài phút chứ không phải đi xe lên tận bệnh viện.

Quả là một sự tình cờ hi hữu, phòng nha khoa mang tên Hoa Cười lại nằm trên đường Hoa Sứ! Chắc nha sĩ muốn “chơi chữ” với Hoa… và nhắc nhở khách hàng đến một địa chỉ dễ nhớ.


Nha khoa Hoa Cười


Thế là những ngày đầu tháng 11 tôi đi bộ đến Nha khoa Hoa Cười để hy vọng tìm lại được “nụ cười” đã từ lâu vắng bóng trên bờ môi của một người già “thất thập cổ lai hi”. Không phải là “nụ cười đẹp” mà chỉ cần một nụ cười rạng rỡ trước các món ăn hàng ngày!

Phòng khám tuy nhỏ nhưng rất lịch sự với những hình ảnh trang trí, dĩ nhiên là những bức hình mang chủ đề về răng. Tiếp tôi, ngoài một nha sĩ có tên của một nhạc sĩ trùng tên với Tuấn Khanh (một nhạc sĩ nổi tiếng trước năm 1975 với bản nhạc “Hoa soan bên thềm cũ”) còn có một trợ lý và một nhân viên tiếp tân.


Hình ảnh trang trí phòng khám


Nha sĩ Tuấn Khanh trạc độ trên dưới 50 với vóc dáng của một người ưa chuộng thể thao, anh lắng nghe những gì tôi trình bày và cuối cùng dẫn tôi vào phòng khám với những trang thiết bị chuyên môn, có cả máy chụp X-quang để quan sát những chiếc răng lâu nay đã “hành” tôi trong việc ăn uống.

Nha sĩ Tuấn Khanh đưa ra một kế hoạch điều trị theo từng bước. Trước mắt sẽ từ từ nhổ hết các răng hư, rồi làm “hàm tháo ráp”… sau đó, nếu thấy không ổn, sẽ phải cấy “implant” vào răng hàm dưới để giữ hàm cố định khi nhai.



Nha sĩ Tuấn Khanh

Implant là kỹ thuật tân tiến trong nha khoa nhưng khi nhìn vào hình ảnh bắt ốc vít vào lợi... người ta sẽ tưởng tượng sự đau đớn khi đặt chúng vào. Hơn nữa, đặt một con vít chi phí rất tốn kém, khoảng từ 1.500 đến 1.600 đô la cho mỗi cái!

Nha sĩ Tuấn Khanh trấn an, chỉ đặt implant trong trường hợp “chẳng đặng đừng”. Thật ra thì tiền bạc không thành vấn đề vì chi phí do các con đài thọ, nhưng tôi nghĩ thầm trong bụng, chỉ nhổ và làm hai hàm giả để hàng ngày có thể nhai “trệu trạo”, được tới đâu hay tới đó!

Thế là tôi bắt đầu thực hiện hai kế hoạch: nhổ và làm hàm giả. Nha sĩ Tuấn Anh là người rất tình cảm, anh kể lại chuyện anh đã làm răng cho bố anh cách đây gần 10 năm và ông cụ nay đã 86 tuổi mà ăn uống vẫn bình thường.

Theo kế hoạch, tôi bắt đầu đến Hoa Cười để nhổ răng, mỗi lần 2 chiếc, cách nhau vài ngày vì theo lời Tuấn Khanh, điều kiện sức khỏe của người cao tuổi không cho phép nhổ nhiều cái một lần.

Khi viết bài này, tôi đang chuẩn bị bước vào giai đoạn làm hàm răng giả và trong thời gian từ một đến hai tháng bác sĩ sẽ theo dõi sự vận hành của hàm răng mới. Tuấn Khanh nói một cách chân tình:

“Cháu hoàn toàn không mong gì chú phải bước vào giai đoạn implant vì sức khỏe của người già không ổn định… Chỉ mong sao chú có thể ăn uống được bình thường là tốt lắm rồi!”

Tôi rất xúc động vì câu nói đó. Thời buổi này đa số người ta kinh doanh vì lợi nhuận trước mắt, rất ít có người nghĩ đến yếu tố “tình cảm” giữa người và người. Nha sĩ Tuấn Anh thuộc số ít những người vừa mở phòng khám nhưng cũng vẫn giữ được tình người!

Cô Trợ lý (và cũng là người bạn đời của nha sĩ) cũng rất “tâm lý”. Cô gửi tin nhắn một ngày trước những cái hẹn để nhắc nhở khách hàng mỗi khi đến làm răng. Điều này khiến “bệnh nhân cao tuổi” cảm thấy được chăm sóc một cách “tận tình”…



Nha sĩ Tuấn Khanh và “người bạn đời” Trợ lý Huyền Thu (hình trên FB)


Tôi tự nhủ sẽ viết một bài về chuyện “Người già rụng răng” để nói lên những suy nghĩ của mình về trường hợp này. Kết thúc bài viết, xin ghi lại nơi đây những dòng “tự giới thiệu” của Nha khoa Hoa Cười để bạn đọc tham khảo thêm:

“Được thành lập năm 2004 đến nay, Nha khoa Hoa Cười tuy không phải là một trung tâm nha khoa lớn nhưng lại là một trung tâm nha khoa chuyên sâu về chất lượng điều trị cũng như đáp ứng được những nhu cầu đều trị chuyên sâu khác.



“Nha khoa Hoa Cười cung cấp các dịch vụ về răng như khám, tư vấn và chụp phim (miễn phí), cạo vôi, phủ Composite Nano, chỉnh nha, niềng răng, trám răng thẩm mỹ, điều trị tủy răng, bệnh nha chu và cắm ghép Implant”.


(hết trích)



Brochure của Nha khoa Hoa Cười


P/S:

* Địa chỉ Nha khoa Hoa Cười: 35 Hoa Sứ, Phường 7, Quận Phú Nhuận.

* Facebook của Nha sĩ Tuấn Khanh: https://www.facebook.com/khanh.tuan.5209

* Facebook của Trợ lý Huyền Thu và cũng là người bạn đời của Nha sĩ: https://www.facebook.com/profile.php?id=100010967711690


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts