Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021

Đèn không hắt bóng

“Đèn không hắt bóng” là gì? Đó là đèn nhiều bóng đèn phụ gắn quanh bóng đèn chính, khi được bật sáng thì những bóng phụ có nhiệm vụ làm sáng những phần tối do bóng chính gây ra. Nếu chỉ có một bóng đèn chính mà không có các đèn phụ thì bàn tay bác sĩ đưa vào vùng mổ, cái bóng của bàn tay sẽ khiến họ không thấy rõ và gây khó khăn trong việc mổ xẻ.



Đèn không hắt bóng trong phòng phẫu thuật



Tác phẩm “Đèn không hắt bóng” được nhà văn người Nhật, Junichi Watanabe, sáng tác vào năm 1971, mang chủ đề về bệnh viện với những chi tiết sinh động về mối quan hệ giữa bác sĩ, y tá và bệnh nhân.

Trong “Đèn không hắt bóng” chỉ có một sự thật trần trụi tựa như thân thể con người dưới ngọn đèn không hắt bóng của phòng mổ diễn ra tại Bệnh viện Oriental nhưng người đọc có thể bắt gặp ở bất kỳ một bệnh viện nào khác trên hành tinh này!

Trong cái xã hội thu nhỏ đó không hề có những giá trị y đức hão huyền, không có những hành động cao thượng như người ta thường thêu dệt. Trái lại, tác phẩm mang đậm nét về sự cô đơn và phản kháng của con người về đạo đức, về lòng tốt. Những nhân vật thường mang trong mình những tâm lý nặng nề, đầy mâu thuẫn và trăn trở.



Không có vùng tối dưới ánh đèn mổ



Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là bác sĩ Naoe, 37 tuổi, được mô tả có phần nào “cường điệu”. Ngay từ đầu câu chuyện, tác giả mô tả tính cách khác thường của Naoe:

“… có dáng cao và gầy, gương mặt mệt mỏi, xanh xao. Trong những đường nét cân đối, sắc gọn như đẽo của gương mặt ấy có một cái gì băng giá khiến người ta phải rùng mình. Trong cái vẻ điềm đạm của đôi mắt lạnh lùng ấy có một cái gì thật ghê sợ...”.

Bác sĩ Naoe có nhiều tật xấu. Ngay từ đầu truyện, anh đã bỏ đi uống rượu ngay trong phiên trực. Khi xe cấp cứu chở một tên du đãng thương tích nặng nề đến bệnh viện, nhân viên phải gọi điện thoại đến quán rượu để mời bác sĩ về. Naoe quyết định “nhốt” tên du đãng trong nhà vệ sinh và chỉ đợi đến khi nào hắn hết la lối mới ra tay cứu chữa!

Qua bản dịch của Cao Xuân Hạo, vụ “nhốt bệnh nhân trong toilet” đã được giải quyết:

“Ba mươi phút sau mọi việc đã xong xuôi. Phải khâu lại rồi đưa lên tầng ba, tầng của các phòng bệnh nhân hạng ba. Hắn vẫn còn say nên hoàn toàn không đau đớn gì. Khi khâu mũi cuối cùng, thậm chí hắn cũng không hề nhúc nhích…”

Lại nữa, với sự đồng ý của bác sĩ trưởng Bệnh viện Oriental, Naoe còn thực hiện những ca mổ “để đời”. Bệnh nhân già Ishikura bị ung thư nhưng bệnh viện nói với ông cụ rằng đó chẳng qua là bệnh loét dạ dày. Rồi sau đó, khi đã thấy rõ là di căn đã phát triển quá xa họ nói với ông cụ cần phải mổ.

Phải che giấu sự thật khủng khiếp, để mặc cho bệnh nhân chết một cái chết kéo dài như vậy thật không dễ chút nào. Những năm gần đây người ta thường chữa ung thư bằng phẫu thuật, và bây giờ cái việc “đọc kinh cầu hồn” đã được giao lại cho các bác sĩ phẫu thuật!

Naoe đề nghị với bác sĩ trưởng một cuộc giải phẫu cho có lệ: rạch da bụng mà chuyên môn gọi là Laparotomie. Chỉ cần rạch lớp da bên ngoài bụng là đủ và làm như vậy sẽ không ảnh hưởng gì đến thể trạng của bệnh nhân. Ngược lại, ông cụ Ishikura sẽ yên tâm vì tưởng rằng người ta đã tiến hành một phẫu thuật thực sự cho mình!

Naoe ít khi mở miệng nói gì, nhưng khi đã nói thì chỉ đi vào cốt lõi của những điều cần nói. Các bệnh nhân, kể cả những người không biết gì về cái quá khứ vẻ vang của anh ở trường đại học, cũng đều đánh giá được rất nhanh những phẩm chất ưu tú của người bác sĩ phẫu thuật.




Trong phòng mổ



Chậm rãi và nhẹ nhàng, ngòi bút của nhà văn Watanabe đã giúp người đọc khám phá những góc tối trong cuộc đời Naoe khi anh một mình chống chọi với bệnh ung thư, từ đó làm nổi bật hình ảnh của một người thầy thuốc cô độc, không dám đối diện với con người thật của chính mình.

Naoe đã tạo nên một “vỏ bọc hoàn hảo” để không ai thấy được tình trạng sức khỏe của mình. Anh mắc phải căn bệnh ung thư xương vô phương cứu chữa và một mình đối mặt với những đau đớn về thể xác. Thậm chí còn phải dùng ma túy để làm dịu những cơn đau.

Chỉ vì sử dụng morphine mỗi lần lên cơn đau mà vẻ bề ngoài của Naoe ngày một tàn tạ, đôi lúc mọi người thấy anh rất mệt mỏi và thường xuyên đi làm trễ. Mọi người chỉ nghĩ rằng vị bác sĩ ấy kiệt sức do công việc quá nhiều nên ít ai dám gần gũi để tâm sự.




Tác phẩm “Đèn không hắt bóng”



Bên cạnh người thầy thuốc vừa cứu giúp bệnh nhân lại vừa một mình chống lại bệnh tật của bản thân là hình ảnh của cô y tá Noriko Shimura, mới 24 tuổi, nhưng đầy vị tha, chân thành, đầy kiên nhẫn và đầy lòng hy sinh.

Có một cái gì nhẫn nhục quá đáng làm cho người đọc nhiều lúc phải bực mình vì Noriko! Mối tình giữa cô và bác sĩ Naoe quả là đặc biệt. Trong khi Noriko tỏ ra quan tâm săn sóc Naoe bao nhiêu thì vị bác sĩ này hờ hững, lạnh lùng bấy nhiêu. Ta hãy nghe đối thoại giữa hai người:

- Alô? - Giọng buồn ngủ của Naoe đáp lại.

- Em đây, - Noriko nói khe khẽ như thể sợ có ai nghe thấy. - Chúng em vừa ăn tối xong, xin cám ơn bác sĩ về món sushi.

- Không có gì.

- Hãy còn đây. Anh không ăn nữa à?

- Không.

- Ăn một tí thôi nhé.

- Tôi đã bảo là không.

- Vâng, em quên mất... khi anh đi chưa về có bốn bệnh nhân đến: hai người đến thay băng, hai người đến tiêm. Chúng em đã làm đúng như đã dặn.

- Tốt.



- Anh rỗi vào ngày mai hay ngày kia?

- Mai thì không rỗi, có việc.

- Thế còn ngày kia? Hay một ngày nào khác...

- Có lẽ ngày kia...

- Thế thì ngày kia, ở chỗ cũ nhé?

- Được. Lúc sáu giờ. Này, em đang ở đâu đấy?

- Ở phòng cấp cứu. Chỉ có mình em.


(hết trích)



Sẽ là điều rất bình thường, chưa có lần nào anh đến trước giờ hẹn với Noriko tại quán cà phê Phoenix. Nơi đây họ bắt đầu hẹn hò chỉ một tháng sau khi anh đến làm việc ở bệnh viện. Hai người đã trở thành gần gũi ngay từ buổi hẹn đầu tiên.

Từ quán cà phê họ đưa nhau đến quán ăn, rồi về khách sạn. Nhìn từ bên ngoài, mọi sự có vẻ như thể Naoe lôi cuốn và quyến rũ Noriko, nhưng thật ra, mặc dầu anh không ngờ, anh chỉ “lăn theo đường ray” do Noriko đặt sẵn.

Noriko không còn là một cô gái ngây thơ, thiếu kinh nghiệm. Ba năm trước đây, khi cô mới tốt nghiệp trường y tá, Noriko có quen với một thanh niên hơn cô năm tuổi. Hai người gặp nhau hoàn toàn do sự tình cờ: Noriko gặp anh ta vào một hôm anh đến khám bệnh. Và vào một ngày đẹp trời anh ta dùng sức chiếm đoạt Noriko một cách thô bạo.

Cuộc dan díu của họ kéo dài nửa năm, rồi sau đó những quan hệ giữa hai người bị đứt đoạn. Nói chung, ngay từ đầu đã có thể thấy rõ rằng đối với anh ta, đây chẳng qua là một trò giải trí, và Noriko thề với bản thân là từ nay đến chết sẽ không bao giờ dan díu gì với đàn ông nữa.

Thế nhưng bây giờ cô không sao tưởng tượng là mình có thể thiếu Naoe được. Ngay cả sự chờ đợi khắc khoải những khi Naoe trễ hẹn - mà đối với Naoe thì đó là chuyện thường xuyên - cô cũng vui lòng chịu đựng.

Ban đầu, Noriko thấy Naoe khô khan và rất khó gần. Một ông thầy thuốc lạnh lùng, gần như không cảm xúc với các bệnh nhân cũng như y tá. Naoe ít khi nói chuyện, có chăng cũng chỉ nói về những điều cần thiết nhất khiến thái độ lãnh đạm của anh nhiều khi gần như thô lỗ.

Nhưng ngay từ tuần đầu cô đã có dịp phụ mổ cho Naoe và cô đã phải kinh ngạc trước trước sự tinh vi và chính xác trong cách làm việc của anh dưới anh đèn không hắt bóng. Cắt ruột thừa là một phẫu thuật tối đơn giản, chẳng có gì khó khăn đối với bất kỳ một bác sĩ phẫu thuật nào, huống hồ đối với một phó giáo sư trong bệnh viện của trường đại học.

Tài ba của Naoe không phải ở chỗ đường khâu nhỏ và gọn gàng, và thậm chí cũng không phải ở chỗ toàn bộ cuộc phẫu thuật được hoàn thành đúng trong vài phút: ở đây không có một động tác thừa, không bao giờ con dao mổ ấn xuống một cách ngập ngừng, không bao giờ một động tác đã bắt đầu lại ngừng lại ở giữa chừng.

Những ngón tay dài và thon của Naoe bao giờ cũng đặt đúng vào nơi cần thiết. Noriko là một nữ y tá chuyên phụ mổ, cô đã được chứng kiến không ít những ca phẫu thuật, nhưng chưa bao giờ cô được trông thấy một sự hoàn mỹ như vậy.



Tác phẩm “Đèn không hắt bóng” – Bản dịch của Cao Xuân Hạo



Thế rồi, cái chết của Naoe được nhà văn Watanabe thuật lại:

“Thân hình của Naoe từ từ chìm xuống sát vực sâu lạnh lẽo... Một cách lặng lẽ, không một tiếng động. Hai cánh tay anh quờ quạng trong làn nước trong, tìm một nơi bấu víu... Đầu anh ngả ra phía sau... Mỗi lúc một xa, mỗi lúc một sâu hơn... Từ đáy hồ những cành cây vươn lên đón anh... Chúng đan vào nhau thành vòm trên thân thể anh: Naoe nay là tù nhân của nước và cây cối…”

Và đây là “bức thư tuyệt mệnh” của Naoe để trong một chiếc phong bì có dòng chữ: “Kính gửi tiểu thư Noriko Shimura”.

“Chúng ta sẽ không còn gặp nhau nữa. Anh chưa biết việc ấy sẽ diễn ra như thế nào, nhưng anh đã quyết định chết ở hồ Shikotsu.

“Tại sao lại phải đúng ở chỗ này? Cũng không có lý do gì đặc biệt. Chẳng qua anh muốn chết ở vùng bắc, để đừng ai cản trở anh. Ngoài ra thi thể anh sẽ không bao giờ nổi trên mặt nước. Anh muốn rằng cái thân thể mục nát của anh sẽ vĩnh viễn ở lại dưới ấy, ở đáy hồ, giữa những cây cối đã chìm xuống dưới ấy từ xưa.

“Anh chắc em đã hiểu rằng anh có bệnh. Anh bị bệnh ung thư xương. Tên gọi chính xác của bệnh anh là micloma. Anh biết mình có bệnh này cách đây hai năm. Hiện nay y học còn bất lực trước bệnh này, không thể cứu anh được. Thật ra cũng có mấy phương pháp điều trị, nhưng tất cả đều chỉ có thể giảm bớt những nỗi đau khổ của anh, chứ không thể cứu chữa khỏi bệnh được. Anh đã nghiên cứu bệnh này từ lâu, thế rồi vì một sự mỉa mai độc ác của số phận, chính anh đã mắc bệnh ấy. Thời hạn sống của anh chỉ còn được ba tháng. Bây giờ u ác tính đã hiện rõ ở chân phải: một tháng sau anh sẽ không còn đi được nữa.

“Ổ bệnh trong cột sống đã phát sinh cách đây tám tháng. Em cũng biết là ở đấy có rất nhiều trung tâm thần kinh, cho nên thỉnh thoảng anh lại bị những cơn đau không tài nào chịu nổi, chính vì thế mà anh phải uống rượu nhiều và tiêm ma túy.

“Anh rời bỏ trường đại học ra đi vì hiểu rằng mình không còn đủ sức làm việc tiếp được nữa. Tốt hơn là nên nhường lối cho lớp trẻ. Ngoài ra, anh lại nhận ma túy của bệnh viện trường đại học, cho nên anh càng phải ra khỏi đó.

“Anh biết em rất khổ tâm khi nghĩ rằng anh lạm dụng cương vị của mình để lấy trộm ma túy trong bệnh viện. Em đừng phiền lòng nữa, không phải thế đâu. Chỉ hạn hữu khi nào ở trường đại học lâu quá không gửi cho anh, anh mới vay tạm của bệnh viện Oriental.

“Anh đã gây nên nhiều buồn khổ. Nhất là cho em. Anh thấy rằng anh chỉ đem lại cho em những nỗi đau mà thôi. Nhưng ngược lại, anh được thấy rõ em nhân hậu đối với anh như thế nào. Vậy thì tại sao anh lại làm khổ em? Anh sẽ cố trả lời thật ngắn gọn: chỉ vì cái chết đang theo sát gót anh.

“Có một điều kỳ lạ là trên ngưỡng cửa của cái chết, anh đã học được cách nhìn đúng thực chất của những con người, anh đã biết nhìn ra họ không có những lớp sơn bên ngoài. Anh đã vứt bỏ cái chủ nghĩa lý tưởng và niềm tin vào sự công bằng của anh trước đây. Anh đã kiên trì cố gắng nhìn qua cái vỏ ngoài màu mè của những con người để nhận ra cái thiện và cái ác nguyên sơ của họ.



“Không ai có thể biết rõ hơn chính bản thân anh, người thầy thuốc, bao giờ cái chết sẽ đến với anh. Cái chết không biết nghỉ ngơi. Anh không tin rằng anh sẽ hóa thân vào đức Phật, anh không tin vào sự bất tử của linh hồn. Sẽ không còn gì hết. Thổi một dúm tro bay khỏi lòng bàn tay - thế là hết. Cái chết là như vậy đấy.

“Mấy tháng gần đây anh khao khát đi tìm phụ nữ. Nhưng không phải vì bản chất anh như vậy. Không, anh cần họ để quên lãng. Có vẻ như anh đang tự thanh minh, nhưng dù sao chỉ có họ và ma túy là có thể giúp anh đừng nghĩ đến cái chết. Chỉ với họ, anh mới cảm thấy mình thuộc về mình, còn tất cả những lúc khác anh đều là sở hữu của sự hư vô...

“Anh muốn để lại phía sau anh một kỷ niệm - những đứa con. Anh mơ ước làm sao khi đã chết đi anh vẫn còn để lại thật nhiều con. Điều này có thể tưởng chừng như ngược đời, nhưng cái chết càng đến gần thì nguyện vọng ấy càng da diết hơn.

“Vì chẳng bao lâu nữa anh đã phải tan biến trong hư vô...

“Trong thư này anh muốn xin em tha thứ cho anh, vì không có ai bị anh làm khổ như em. Và thêm một điều này nữa. Có lẽ em sẽ sinh cho anh một đứa con - than ôi, điều đó sẽ xảy ra sau khi anh chết.

“Em hãy lấy cuốn sổ phiếu ngân hàng ở ngăn kéo bên phải bàn viết. Tiền bạc của anh không có nhiều - chỉ năm sáu triệu, nhưng dù sao... Em có thể sử dụng nó ngay cả trong trường hợp em muốn thoát khỏi đứa con.

“Và còn việc này nữa. Trong cái tủ chìm, ở góc bên trái có ba cái hộp các tông với những tấm phim chụp X quang và những điều ghi chép về diễn biến của bệnh. Anh nghĩ rằng đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào chi tiết hơn và khách quan hơn về bệnh u tủy sống. Anh xin em chuyển mấy cái hộp đó cho phó giáo sư Sanda ở khoa phẫu thuật của bệnh viện trường đại học. Ông là người duy nhất đã hai năm nay biết về bệnh trạng của anh, và chính ông đã gửi ma túy cho anh dùng.



“Kể cho đến phút này anh đã lừa dối em, và em đã thật thà tin anh. Anh xin lợi dụng lòng tin của em một lần cuối cùng. Anh hy vọng rằng em sẽ là người bạn cuối cùng của anh.

“Kyosuke Naoe


(hết trích)




“Đèn không hắt bóng”… trên sân khấu



* Đôi dòng về nhà văn Junichi Watanabe:

Ông sinh năm 1933 trong một gia đình giáo chức. Năm 1958 ông tốt nghiệp đại học Y khoa ở Sapporo, ở lại giảng dạy tại trường và nghiên cứu về Khoa phẫu thuật tạo hình. Ông là tiến sĩ y khoa về chuyên ngành ghép mô xương.




Chân dung nhà văn Watanabe Dzunichi



Bắt đầu từ năm 1969, ông về Tokyo, thôi làm nghề y và hoàn toàn chuyên tâm viết văn. Từ tháng 1/1971, ông khởi đăng tiểu thuyết “Đèn không hắt bóng” trên tờ Sunday Mainichi.

Bên cạnh “Đèn không hắt bóng”, Junichi Watanabe còn có một số tác phẩm như “Thiên đường đã mất”, “Ánh sáng và chiếc bóng”... đều được độc giả yêu thích. Ông nhận được giải thưởng Naoki năm 1970.



Nhà văn Watanabe Dzunichi

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts