Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

Quá tam ba bận!

Ngày 5/8/2021, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với vaccine Moderna phòng Covid-19. Hơn một tháng sau, được chích mũi thứ 2, vaccine Pfizer. Bẵng đi một thời gian, giữa tháng 12 tổ dân phố phát mẫu đơn “xin đăng ký” để được chích mũi thứ 3 dành cho những người cao tuổi.

Lần chích thứ 3 có phần “nhiêu khê” hơn 2 lần trước. Ngoài việc làm đơn xin còn phải chịu 2 lần “ngoáy mũi” cách nhau 1 ngày để làm test. Lần test thứ nhất, nhân viên y tế “chọc” que vào mũi sâu quá khiến tôi phải phản ứng bằng các nhăn mặt… Theo anh nhân viên, phải chuyển sang… "ngoáy mũi khác để có kết quả trung thực!"



Tại thời điểm thực hiện test PCR trước khi được tiêm mũi vaccine thứ 3 đang rộ lên vụ lùm xùm về bộ xét nghiệm của Công ty Việt Á. Chuyện bắt đầu từ ngày 26/4/2020 Bộ Khoa học & Công nghệ ra thông báo cho hay, WHO đã chấp thuận bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam, giao cho Học viện Quân Y và công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất.

Sau đó bộ xét nhiệm được cấp phép đăng ký lưu hành và sản phẩm đã được đưa vào sử dụng, cung ứng hàng triệu bộ cho khắp cả nước, đạt doanh thu gần 4.000 tỉ đồng với giá bán được thổi tới 470.000 đồng/kit qua việc nâng khống giá thiết bị, và chi phí nguyên vật liệu sản xuất.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21/12/2021 vừa gửi thông cáo báo chí về kit xét nghiệm covid-19 của Việt Á. Theo đó, bộ kit mang mã số EUL 0524-210-00 được kết luận là đã không cung cấp được bằng chứng bằng văn bản về an toàn, hiệu suất và hệ thống quản lý chất lượng thiết bị y tế như yêu cầu.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: “Theo báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO, kết quả thẩm định với bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Á là "Not Accepted" (không được chấp nhận)”

Bộ xét nghiệm của Việt Á bị truy cứu trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân liên quan tại nhiều tỉnh thành thông qua các cuộc đầu thầu khiến dư luận hiện rất quan tâm và lên án. Vấn đề không chỉ đơn thuần là tham nhũng, tác hại sâu xa hơn là sức khỏe của người dân.

Bộ xét nghiệm của Công ty Việt Á


Cuối cùng, ngày 21/12 tôi được chích mũi thứ 3, lần này là vaccine của Pfizer. Cả 3 lần đều diễn ra tại những địa điểm khác nhau nhưng được cái đều nằm trên phạm vi của quận. Người đến chích là dân cùng các tổ dân phố trong phường nên chỉ mất trên dưới 1 tiếng.

Mũi chích thứ 3 không biết gọi là gì cho đúng thuật ngữ chuyên môn? Phải chăng là “mũi tăng cường”, “liều tiêm nhắc lại” (booster dose), “liều thay thế" (mix and match) hay “liều tiêm bổ sung” (additional dose)?

Với liều bổ sung, nguyên tắc thực hành chuẩn là tiêm cùng loại. Nhưng theo WHO, trong trường hợp hạn chế nguồn cung cùng loại vaccine, các loại khác công nghệ trong danh sách sử dụng khẩn cấp có thể được cân nhắc. Cụ thể là trong trường hợp của tôi: tiêm hai loại Moderna và Pfizer.

Hướng dẫn tiêm liều bổ sung

Đọc báo chí nước ngoài thấy ngày 20/12/2021 có đăng tin Moderna vừa nhận được phép của FDA Mỹ (Food and Drug Administration - Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm) trong việc thử nghiệm “liều tăng cường” trước tình hình biến thể Omicron ngày càng lan mạnh.

Theo Moderna, họ đã thử nghiệm trên hai nhóm, mỗi nhóm 20 người: một nhóm gồm những người đã nhận 2 đợt chích vaccine với liều lượng 50mg và nhóm kia với 100mg. Kết quả cho thấy, sau một tháng nhóm nhận được 50mg có khả năng trung hòa gấp 37 lần so với nhóm thứ hai gấp 83 lần.

Hướng dẫn tiêm liều nhắc lại


Chuyện về con virus Corona chắc vẫn còn dài dài với các biến thể cũng như các cách chữa trị và phòng chống. Thế cho nên câu nói của người xưa “Quá tam ba bận” sẽ không còn đúng nữa.

Có lẽ chúng ta nên sửa lại thành: “Quá tam… vô số bận”.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts