Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2021

Quần đảo ngục tù - Tầng đầu địa ngục

“Quần đảo ngục tù” (Ngọc Thứ Lang dịch từ “The Gulag Archipelago”, nhà xuất bản Trí Dũng, năm 1971), và hai năm sau lại xuất hiện “Tầng đầu địa ngục” (Hải Triều dịch từ bản tiếng Anh “The first circle”, Nxb Đất Mới, 1973).

Hai tác phẩm mang cùng một chủ đề về những người mang thân phận tù đầy tại nước Nga dưới thời Stalin đã chứng tỏ truyện của nhà văn, Alekxandr Isayevich Solzhenitsyn (1918-2008), rất… “ăn khách”.

Hơn thế nữa, còn rất nhiều truyện của ông được dịch sang tiếng Việt từ trước 1975 tại Sài Gòn, trong đó phải kể đến:

- “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich”, Thạch Chương - Trần Lương Ngọc dịch, Nxb Nguồn Sáng, 1970.

- “Vòng đầu địa ngục”, Thạch Chương - Thanh Tâm Tuyền dịch từ bản tiếng Pháp “Le 1er Cercle”

- “Bất ngờ tại nhà ga Krechetovka”, Lê Vũ dịch, Nxb Hành Trình, 1973




Alekxandr Isayevich Solzhenitsyn (1918-2008)



Những truyện Solzhenitsyn viết đều kể lại cuộc đời của ông tại các trại cải tạo vùng Siberia mà tiếng Việt ngày xưa gọi là Tây Bá Lợi Á. Tháng 7/1945 Solzhenitsyn bị kết án tù 8 năm vì một bức thư viết gửi bạn bày tỏ quan điểm chống lại Chủ nghĩa Stalin, mặc dù thời thanh niên ông đã vào Đoàn thanh niên Cộng sản Komsomol, đã nhập ngũ và được thưởng hai huân chương với quân hàm đại úy.

Năm 1952, Solzhenitsyn bị ung thư, phải mổ trong bệnh viện tại trại giam nhưng đã qua khỏi. Khi Stalin mất, ông được trở về sống ở Moskva để đi dạy học. Trong thời gian này, ông bắt đầu viết “Tầng đầu địa ngục” (1955-1968) và in truyện “Một ngày của Ivan Denisovich” (1958) cùng một số tác phẩm khác.

Những năm tháng trong lao tù, đi qua nhiều nơi trên đất nước Nga đã giúp ông sau này có được chất liệu sống thực cho những tác phẩm của mình về chế độ tù đày của nước Nga. Solzhenitsyn đã nhận được giải thưởng danh giá Nobel Văn học năm 1970.

Trong diễn văn nhận Giải Nobel (được đọc thay) vì ông không đến không đến Thụy Điển nhận lễ trao giải, Solzhenitsyn tuyên bố:

“Một khi dối trá bị lật tẩy, bạo lực trần trụi sẽ lộ nguyên bộ mặt thô bỉ của nó, và rồi bạo lực, khi ấy đã đuối sức, sẽ sụp đổ tan tành”




Solzhenitsyn trong bộ quần áo tù



Truyện “Quần đảo ngục tù” được bắt đầu vào mùa xuân năm 1938 với một chiếc tàu phá băng dẫn đầu, kéo theo một đoàn chở tàu tù, mỗi tàu chứa từ 3 đến 4 ngàn người trực chỉ Tây Bá Lợi Á.

Đến Kolyma mất hơn 1 tuần đường biển nên bánh mì mang đi thường mốc meo, khẩu phần hàng ngày đang trên dưới nửa ký bỗng rút đi còn một phần ba. Có cá khô, có thức nước uống “lờ lợ” nhưng ăn uống bao nhiêu thì say sóng bấy nhiêu khiến họ nôn mửa trên sàn tàu bằng hết!

Có lần đoàn tàu chạy ngang eo biển La Pérouse, chạy sát mấy hòn đảo của Nhật. Lập tức mấy ổ đại liên trên tàu được tháo xuống, lính hộ tống đổi thay thường phục, cửa xuống boong dưới đều khoá cứng. Nếu có chuyện, tàu nào cũng sẵn hồ sơ hải hành và văn kiện lập từ trước, để chứng minh tàu của hãng thầu chở “công nhân” ra công trường xây cất Kolyma.

Cũng năm 1938 ở địa điểm này đã xảy ra chuyện lộn xộn trên tàu Dzhurma. Tù nhân bẻ khoá lọt vô một kho thực phẩm trên tàu để cướp đồ ăn và gây hoả hoạn. Tàu tuần Nhật đề nghị lên tàu chữa cháy giùm nhưng thuyền trưởng tàu Dzhurma đã từ chối thẳng.

Những người bị kẹt dưới kho nằm co quắp chết ngộp vì khói. Sau khi chạy khỏi eo biển, thuyền trưởng điềm nhiên ra lệnh thảy xác người xuống biển. Kho thực phẩm trên tàu cháy rụi nhưng cái gì còn xài được vẫn chất lên đảo cho tù ăn sau.

Đoàn tàu chở tù tới hải phận đảo Magadan thì lâm nạn vì kẹt băng dù chiếc Krasin có bộ phận phá băng! Thời tiết Bắc cực mùa này còn quá sớm, băng chưa tan hết cho dù nhà nước Xô Viết có nôn nóng gởi “nhân công” ra Kolyma khai thác mỏ cũng chẳng chống lại nổi trời!

Thế là đoàn tù được lệnh đổ bộ lên Magadan, một nơi không cây, không cỏ và không một bóng sinh vật! Tất cả chỉ là băng tuyết trắng xoá và đồi đá mấp mô chào đón “những công dân Xô Viết lầm đường lạc lối” được nhà nước cho đi cải tạo để có dịp tự cải hoá bằng lao động sản xuất.

Thảm thương cho đám người dở sống dở chết từ Mạc Tư Khoa lê tấm thân tàn ra đây! Những người tù chính trị trên chiếc tàu đứng co ro ngơ ngác, nhiều người khỏe mạnh phải cõng người tê bại không đứng nổi chứ chưa nói gì đến chuyện đi lại!




Tác phẩm “Quần đảo ngục tù” - Ngọc Thứ Lang dịch



Solzhenitsyn viết về ngày đầu nhập trại:

“Đại khái là sau khi trình diện làm thủ tục xong thì lên xe cam nhông đi cả trăm cây số, xuống đi bộ thêm ít chục cây nữa là vừa đến trại mới. Nhập trại là lãnh công tác tức khắc. Ngủ sẽ ngủ lều vải, ăn thì có cá khô, bánh khô và uống thì trước mặt có cả núi tuyết.



Có thể kể thêm mục khám sức khoẻ trong nhà lều Magadan, cởi trần truồng để khám xem người ngợm có thích ứng với công tác không. Kết quả chẳng thằng tù nào là không đầy đủ sức khỏe! Sau đó đến mục tắm tập thể, tắm trần truồng nên những thứ gì không dính vào da là phải gởi nhà kho để cán bộ phụ trách “định liệu…”


(hết trích)



Chuyện “định liệu” về khoản áo quần, giày dép của tù cũng “thu hoạch” được cả núi những áo vét da, áo khoác da cừu nguyên tấm, áo lạnh dài tay, áo mặc trong nhà bằng nhung nõn, giầy bốt da láng, bốt da bên trong lót nhung tơ…

Xét về phương diện biết “ăn sung mặc sướng” thì đám tù Kolyma đầu xuân 1938 có lẽ vô địch Liên bang Xô Viết. Họ đâu phải bần cố nông “phản động” hay Kulak. Tất cả đã từng là con cưng của chế độ, thành phần có gốc Đảng, nào chủ bút, chủ nhiệm báo, nào giám đốc xí nghiệp, công ty quốc doanh, nào bí thư Đảng ủy Tỉnh, Miền, giáo sư Kinh tế, Chính trị…

Trong đám tù tắm truồng có người thắc mắc, “Này, mấy món đồ của tụi mình để lại đây ai coi nhỉ?”. Hắn lập tức bị cán bộ phụ trách chỉnh: “Cứ vất đại ra đấy, ai mà thèm!”. Có cán bộ hướng dẫn tắm còn bất mãn: “Đi tắm, đi mau! Ở đấy mà thắc mắc!”.

Tắm xong thì hết thắc mắc về quần áo còn hay mất! Lúc được hướng dẫn trở ra họ phải đi một ngả khác để đến nơi phát quần áo. Dĩ nhiên là trang phục nhà tù đúng tiêu chuẩn: quần áo vải đen, sơ mi lao động, áo vét nhồi bông gòn không có túi. Mỗi tên tù còn được phát một đôi giày “tứ thời… da heo”!

Tù giam trong khám đến “thở” và “nhìn” còn muốn quên luôn! Đột nhiên họ bị đẩy ra sân bắt sắp hàng và nhận lệnh: “Đi! Đi một mạch tới Abakan!”. Có 24 cây số đường đất mà 12 người ngã lăn ra chết dọc đường.

Hồi Lêningrad bị bao vây phải đưa tù đi một khoảng đường dài trước khi được nhét lên toa súc vật. Hồi đó chỉ tù đàn bà mới được phép đi gần tù binh Đức, mấy anh tù lớ quớ tới gần là có lưỡi lê xua qua ngay.

Nhưng đàn ông đàn bà bình đẳng ở chỗ mạng nào té gục, không gượng dậy nổi để bắt kịp theo đoàn là được lượm cấp kỳ để thảy lên chiếc cam nhông tà tà chạy đoạn hậu. Sống hay chết chưa cần biết, cứ thảy lên xe và giày dép bị… tịch thu.

Dọc đường đã có những trạm nghỉ tạm, nhà cửa của bọn Kulak bị đi đày bỏ lại... có điều chỉ còn trơ khung nhà. Ngược lại, thực phẩm dọc đường mới là mối lo chính. Có trục trặc dọc đường đành chịu: khẩu phần 2 ngày chia cho 3, hay 5… thiếu thốn là thường trực, thỉnh thoảng còn phải nhịn đói.

Đấy là tình trạng “đoàn công voa người” đi tới Chybyu. Tù đi Izhma tương đối còn dễ chịu hơn: cũng là rừng Taiga nhưng nơi đây thỉnh thoảng còn bắt gặp một vũng nước, một cái đìa có cá. Còn gì sung sướng hơn cho những anh tù chết đói? Những chiếc quần được cởi ra làm lưới và bắt được con cá nào là ăn sống con đó.




Tác phẩm “Tầng đầu địa ngục” - Hải Triều dịch



Solzhenitsyn tả lại trong “Tầng đầu địa ngục”:

“Năn 1948, 1950 còn thấy lác đác “công voa người”. Tôi không sao quên nổi hồi còn bé tí thấy những đoàn tù lặc lè đi dọc các đường phố Rostov. Có một khẩu lệnh thật tức cười nên tôi nhớ mãi: “Tụi bay đi lộn xộn là nổ súng khỏi cảnh cáo!”.

“Khốn nạn, thời ấy lính giải tù đi chỉ có gươm chớ lấy đâu ra súng mà nổ? Tuy nhiên có thằng nào đi lệch lạc, trật ra ngoài hàng lối là bị nạt: “Đi ngay vô, không chém cổ giờ!”. Với tâm hồn thơ dại ngày đó, tôi chỉ nghe dọa đã ớn: nổ súng, chém cổ. Nghe thấy ghê, một nhát gươm vung lên, dám một cái đầu rụng lắm!”


(hết trích)




Áp giải tù nhân



Kỹ sư Ans Bernsthein đang nằm trong một trại Cải tạo mạn Bắc bị trưng tập đặc biệt xuống miền Nam sông Volga để gia nhập phái đoàn… canh nông. Đi dọc đường cũng phải nghiến răng chịu đựng mọi sự hành hạ cực khổ, lính hộ tống chửi mắng đánh đập! Xuống ga xép Zenzevatka bỗng có một ông giám thị ra đón, hắn vừa che miệng ngáp vừa nói:

“Bây giờ tối rồi. Khuya nay ông ở tạm nhà tôi. Ông có thể đi dạo chơi quanh quanh ngoài phố, sáng mai tôi sẽ đưa vô trại.”

Còn gì sung sướng, bất ngờ bằng! Lãnh án đi đày 10 năm, cuộc đời kể như bỏ, suốt ngày chen chúc như chó trong toa xe tù Stolypin, sáng mai sẽ lại nhập trại, ai dám ước ao sẽ được đi dạo phố?

Ans Bernsthein hồi hộp bước ra ngoài mảnh vườn nho nhỏ của xếp ga, lắng nghe đàn gà về chuồng kêu ríu rít, đứng ngó mấy bà bạn hàng nhà quê thu dọn những hũ bơ, những trái dưa còn ế mang về nhà. Hắn ngơ ngẩn thử cất bước coi sao, một bước, hai bước, ba bước… Hắn bước đi tới bước thứ 5 mới dám tin là không bị lính gác kêu giật ngược.




Tổng thống Vladimir Putin gặp gỡ Alexander Solzhenitsyn tại Moscow, 20/9/2000



Trong “Quần đảo ngục tù” Solzhenitsyn viết:

“Anh em nên nghe tôi… Thà mình ăn bánh hẩm với nước lã mà lương tâm vẫn yên ổn hơn là ăn thịt mà hèn hạ”.

Đúng thế. Những cánh rừng hoang ở Tây Bá Lợi Á chờ đón họ, miền Oymyakon lạnh nhất trái đất và những mỏ đồng ở Dzhezkazan chờ đón họ, ở đó họ sẽ đói, sẽ chết. Nhưng trái tim họ được yên ổn. Trái tim họ tràn đầy cảm giác của những kẻ đã mất tất cả, sự vô úy này không tự nhiên mà có, người ta chỉ vô úy khi người ta chịu đựng.

“Quần đảo ngục tù” thuộc hệ thống Gulag trải rộng khắp Liên bang Xô Viết nhưng thưa dân hơn nhiều. Chẳng ai biết con số chắc chắn nhưng cam đoan không lúc nào dưới 12 triệu con người, xét vì một kẻ về với đất là một kẻ sẽ được Bộ Máy đưa vô trạm ngay tức khắc. Trong 12 triệu tù thì tù chính trị tối đa chỉ chiếm một nửa tức 6 triệu người.

Sáu triệu con người bị giam vì chính trị! Thụy Điển, Hy Lạp dân số cũng chỉ ngần ấy là cùng. Lạ một điều dân quần đảo đông thế mà thiếu gì người biết nhau. Nói tên ra là nhận quen liền. Chẳng hạn như trong xà lim khám tạm dọc đường, một anh vừa đặt chân vô thì sau một hồi thăm hỏi gần xa kể như chắc chắn sẽ lòi ra một kẻ từng quen biết một vài người bạn của anh.

Kulak trong tiếng Nga là từ ngữ có từ thế kỷ 19 được dùng để chỉ nông dân giàu có. Sang đến thế kỷ 20 nó trở thành một nghĩa xấu. Cuộc cách mạng Tháng Mười 1917 và trong khung cảnh tập thể hóa nông nghiệp từ 1928 tới 1933 dưới thời Josef Stalin nghĩa "Kulak" trong các cuộc khích động quần chúng của Bolshevik dần dần để chỉ những người nông dân tự lập.

Sau cuộc cách mạng Tháng Mười những người nông dân nghèo được nhận đất đai từ các Kulak. “Địa chủ” bị tước mất đặc quyền đặc lợi, nhiều Kulak phản ứng bằng cách ủng hộ quân Bạch Vệ và quân ngoại quốc can thiệp vào Nga.

Để đáp trả, những Kulak này và các thân nhân bị xem là “kẻ thù của giai cấp”, bị đưa đi các trại lao động hay bị xử bắn. Trong xà lim cũng có những tay dù tù tội nhưng vẫn trung kiên với nhà nước để lớn họng chửi:

“Bọn chó chết phản cách mạng tụi bây phải bị nắm đầu bằng hết là đúng quá còn gì? Thân xác tụi bây lịch sử sẽ nghiền nát làm phân bón!”

Ức quá nhiều người nạt lại: “Còn mày nữa, chính thân xác mày cũng đến phân bón chớ hơn chó gì.”

“Tao khác. Tao đâu có phản cách mạng. Tao oan, nhà nước chắc chắn sẽ xét lại…"

Thế là cả xà lim ồ lên một loạt chửi rủa để một gã tóc muối tiêu vốn là giáo sư Nga ngữ được dịp đứng phắt trên bục, xoạc chân giang tay ra làm như Đấng Christ: “Này, các con cái của ta, hãy thương yêu, hoà thuận cùng nhau, các con!”

Đấng “Cứu thế” vừa rao giảng là cả xà lim lại quay sang phía hắn ó ré om sòm. Một thằng tù hét lớn:

“Con cái mày ở rừng Bryansk kìa! Tụi tao cóc có làm con cái thằng nào hết. Tụi tao là con cái của quần đảo!”.


***

Chúng ta hãy nghe một nhà thơ trẻ trong số những người tù ở đảo tâm sự một cách hùng hồn, bất khuất:

“Ba mươi năm ròng nuôi dưỡng

Tình yêu đất nước quê hương

Thà chết không đòi ân xá

Van xin gì một chút tình thương!”




Solzhenitsyn từ giã cõi đời


“Quần đảo ngục tù” hay “Tầng đầu địa ngục” là thế đó!

***


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts