Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

“Triệu người vui… triệu người buồn…”

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2008), bí danh Sáu Dân, khi nhắc lại ngày 30/4/1975, đã nói nguyên văn như sau:

“Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.

Tờ lịch ngày 30/4/1975

Ông Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, sinh năm 1922 tại ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Từ ngày 8/8/1991 cho đến ngày 25/9/1997 ông là Thủ tướng Chính phủ thứ tư của Việt Nam sau 1975.

Từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001, ông không còn giữ các chức danh trong chính phủ nhưng vẫn được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể nói, ông Sáu Dân là người được nhiều đồng bào Miền Nam yêu mến vì đã đẩy mạnh công cuộc Đổi Mới và cải cách chính sách ở Việt Nam kể từ năm 1986.

Võ Văn Kiệt (1922-2008)

Hãy trở lại thời điểm cuối năm 2004 có một cuộc họp giữa ông cố vấn Võ Văn Kiệt với những chuyên gia nghiên cứu chính sách đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao, có sự tham gia của đại diện báo Quốc Tế do ông Nguyễn Vĩnh khi đó là Tổng biên tập.

Theo ông Vĩnh, sau buổi gặp, tờ Quốc Tế có ý định soạn một bài viết dưới dạng phỏng vấn nhằm hướng tới số đặc biệt Tết Ất Dậu năm 2005. Tuy nhiên, đó cũng là bài báo có số phận của đủ cung bậc thăng trầm.

Nguyễn Vĩnh, nguyên Tổng Biên tập báo Quốc Tế

Thứ nhất, tòa soạn báo đã nhận được chỉ đạo của “cấp trên” qua điện thoại là phải bóc hết một “tay in” 8 trang để thay vào đó là một bài khác. Dù khi thực hiện bài phỏng vấn đặc biệt này tờ báo đã báo cáo với cơ quan chủ quản của báo là Bộ Ngoại giao.

Cũng theo ông Vĩnh, khi bài viết hoàn thành, báo gửi nguyên văn bản thảo cho nguyên Thủ tướng duyệt và ông Kiệt có phê vào là “đồng ý cho đăng”. Dĩ nhiên, ông Sáu Dân không hài lòng khi bài viết bị “cấp trên” từ chối.

Nguyên Thủ tướng còn viết thư riêng gửi cho một lãnh đạo cao cấp yêu cầu giải thích về việc này. Cuối cùng bài báo đó cũng được đăng với tựa đề khác: “Những đòi hỏi mới của thời cuộc”.

Bài báo “Những đòi hỏi mới của thời cuộc”

Điều oái ăm là khi đó nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại không đồng ý để bài được đăng nữa. Việc này vượt ra ngoài tầm của Ban Biên tập nên đích thân ông Nguyễn Phú Bình, lúc đó là thứ trưởng Bộ Ngoại giao, vất vả lắm mới nhận được “cái gật đầu” của ông Sáu Dân. 

Bài báo đã được in vào ngày 30/3/2005 trên báo Quốc Tế với câu  “… triệu người vui, triệu người buồn…” của ông Kiệt khi nhắc đến ngày 30/4/1975 đúng 20 năm về trước. Dư luận cả trong lẫn ngoài nước có phản rất tích cực với bài báo vì có nội dung và tư tưởng mới lạ trong tình hình ngày càng phân hóa về lòng người tại Việt Nam, nhất là giữa Miền Bắc và Miền Nam.

Mãi đến 20 năm sau, tức là năm 2005, một quan chức cao cấp mới đề cập đến vấn đề tế nhị này. Nói như ông Sáu Dân, cần có sự thông cảm giữa người Việt với nhau, dù trước đây trong chiến tranh “nồi da, sáo thịt” kéo dài 20 năm hai luồng ý thức hệ đã đối đầu với nhau đến độ “một mất, một còn”.

“Bên thắng cuộc” đã say men chiến thắng trong khi “Bên thua cuộc” gậm nhấm một nỗi buồn ngày càng khắc khoải. Cứ kéo dài như vậy chỉ làm hố ngăn cách ngày một sâu thêm vì không nghĩ đến chuyện hòa giải. Trong khi đó, những bài học về chiến tranh tại những nơi khác hầu như không được khảo sát để… rút kinh nghiệm.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong ngày hoàn thành đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam năm 1994

Lịch sử thế giới đã ghi lại cuộc nội chiến Nam – Bắc tại Hoa Kỳ trong khoảng thời gian 1861–1865 là một cuộc chiến đẫm máu. Có đến khoảng 750.000 binh sĩ bị hy sinh và một số lượng thương vong dân sự không xác định. Trong đó, số người chết chiếm 10% toàn bộ nam giới miền Bắc và 30% đàn ông da trắng miền Nam trong độ tuổi từ 18-40.

Thế nhưng, khi cuộc chiến đẫm máu chấm dứt với phần thắng nghiêng về miền Bắc với số nô lệ miền Nam được giải phóng, nước Mỹ bắt đầu ngay thời kỳ tái thiết với việc mở mang đường sắt, điện báo, tàu hơi nước và vũ khí sản xuất hàng loạt đã được sử dụng một cách rộng rãi.

Cựu Tổng thống Abraham Lincoln nói về cuộc nội chiến Nam-Bắc tại Hoa Kỳ

Gần đây nhất là chuyện Đông Đức – Tây Đức, một cuộc chiến không súng đạn mà chỉ vì thuần túy về ý thức hệ. Thống nhất nước Đức là quá trình được khởi xướng bởi cuộc cách mạng hòa bình tại Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1989 để nước này gia nhập Cộng hòa Liên bang Đức vào ngày 3/10/1990.

Cuộc thương lượng giữa Đông Đức và Tây Đức đưa đến Hiệp định Thống nhất. Và cuối cùng, Cộng hoà Dân chủ Đức đã xóa bỏ chủ nghĩa xã hội để xáp nhập chủ nghĩa tư bản của Công hòa Liên bang Đức. Cuộc thay đổi thể chế chính trị diễn ra không có tiếng súng khi “bức tường ô nhục” Bá Linh biến mất!  

Việc cưu mang Đông Đức có nếp sống thấp so với Tây Đức phải nói là một gánh nặng kinh tế cho toàn thể nước Đức. Nhưng, người dân Tây Đức đã hoàn toàn chấp nhận và không than thở khi được thấy một nước Đức thống nhất. Đó cũng là một bài học về hòa giải dân tộc mà người Việt cần học hỏi.

Bức tường Bá Linh sụp đổ

Vết thương chung của dân tộc Việt Nam cần được “giữ lành thay vì tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Và muốn để mọi người Việt Nam cùng chung tay hàn gắn vết thương đó thì chúng ta, gồm cả bên thắng cuộc lẫn bên thua cuộc, “phải thực tâm khoan dung và hòa hợp”.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts