Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2021

Hồi ức về một người bạn ngày xưa

Năm 1963, gia đình tôi rời Đà Lạt để đến Ban Mê Thuột vì công vụ của ông cụ thân sinh. Thị trấn heo hút miền cao nguyên còn có tên Buồn Muôn Thưở mà lại Bụi Mù Trời vì vùng đất đỏ bazan khi trời nắng lên thì bụi đỏ tràn ngập đường xá. Ấy vậy mà BMT trong mùa mưa thì lại ngập bùn đỏ giữ chân nên một thi sĩ nào đó đã phải thốt lên:

“Ban Mê đi dễ khó về

Trai đi có vợ, gái về có con”

Đúng quá với trường hợp của tôi, đứa con đầu lòng sinh ra tại vùng đất đỏ, xã Lạc Giao! Nhưng chuyện vợ con không nằm trong tựa đề này, tôi chỉ xin ghi lại hồi ức của mình về một người bạn thân xứ Ban Mê.

Từ Đà Lạt sang vùng đất mới, gia đình tôi ở ngay trên đường Lý Thường Kiệt, một trong những con đường chính của thị xã, nằm song song với đường Y Yút, con đường sầm uất nhất với những tiệm buôn và phía bên kia đường là chợ Ban Mê.

Nhà tôi ở gần tiệm hình “Pha-Ta-Si” và đi thêm ít bước nữa là nhà hàng Mỹ Cảnh ngay góc ngã tư Lý Thường Kiệt-Ama Trang Long. Tại ngã tư này có tới 3 tiệm bán đồ phụ tùng xe hơi, tiệm Lê Đức Viên (ngay góc đường), rồi đến Quảng Thành và cách đó mấy căn là Tô Hoa của một chủ người Hoa.

Kể cũng lạ, chủ nhân của Lê Đức Viên và Quảng Thành lại là chị em ruột kinh doanh cùng một nghề nhưng không vì vậy mà tình chị em bị ảnh hưởng. Quảng Thành lại nằm giữa 2 tiệm phụ tùng lớn nhưng vẫn mở cửa hàng ngày phục vụ khách quen, như vậy là đúng với câu “nước sông không phạm vào nước giếng”!

Ông bà chủ tiệm Quảng Thành có vóc dáng tương phản, ông thì gầy còm mà bà lại béo tốt. Vậy mà họ có tên trong khai sinh trùng nhau là Huệ, tôi biết chi tiết này là vì hồi đó học trò hay dùng tên của bố mẹ để gọi nhau, thay vì tên thật của mình.

Ông bà Huệ có người con trai độc nhất là Mai Tiến Thành, chen giữa một bà chị và một cô em gái. Thành ngồi cùng lớp với tôi từ năm Đệ Ngũ tại trường trung học thị xã, cậu con “quý tử” nổi bật trong lớp và cũng có thể nói là “nổi nhất trường” vì nhiều lý do.

Thứ nhất là dáng đi “khệnh khạng” nên bạn bè đặt cho hỗn danh “Thành Dẹo” thật đúng với dáng đi. Thứ nhì là Thành có khuôn mặt dài hơn bình thường nên lại có tên “Ferrnandel, giống y như diễn viên hài người Pháp nổi tiếng thời đó.

Fernandel “thứ thiệt” (1903-1971) có nụ cười rất được khán giả ưa thích! Còn nụ cười của Thành có thể nói là “một chín, một mười” nếu so với Fernandel. Cái miệng rộng nên khi cười là thấy ngay đó là nụ cười… “mở hết ga”! Đó cũng là những “thế mạnh” của Thành, cộng thêm với kiểu ăn nói “vô cùng… có duyên”.

Phải nói Thành là một người “hiếu động”, thích làm những chuyện không ai nghĩ đến. Từ trường về nhà phải qua một con dốc thoai thoải và tôi đã có lần chứng kiến một “màn xiếc” của Thành trên chiếc xe đạp.

Thành thả dốc, hai tay không cầm guidon xe đã là một chuyện lạ. Đến khi hắn đứng dậy, hai cánh tay duỗi ra lấy thăng bằng để xe tự trôi theo triền dốc thì đây quả là một màn biểu diễn nguy hiểm trước con mắt đầy thán phục của học trò trên đường về nhà!

Trong lớp, “chàng quý tử”, con nhà giàu nhưng lại “học không giỏi lắm”, có lẽ vì cái tật “ham chơi” hơn là cặm cụi đèn sách. Nhà Thành và nhà tôi gần như xéo góc, đối diện với nhau qua con đường Lý Thường Kiệt. Có lẽ vì thế mà chúng tôi chơi thân với nhau.

Ngoài thời gian tiếp xúc ở trong lớp, lúc ở nhà  tôi thường sang nhà Thành mới thấy cái anh chàng trông bề ngoài “ham vui”, “bất cần đời”… nhưng thật ra cũng mang nhiều tham vọng cho tương lai mai sau của mình.

Dạo đó, chúng tôi đang cố “gạo bài” cho kỳ thi Trung học, sang nhà Thành thấy ảnh một chiếc xe gắn máy Puch trước bàn học, tôi không khỏi ngạc nhiên, nên hỏi: “Sao lại có hình chiếc xe Puch ở đây?”.

Puch là loại xe gắn máy “thời thượng”, ra đời trước thời của Honda, nên thanh niên rất chuộng loại xe này. Thành đáp tỉnh bơ: “Ba tao hứa nếu đậu Trung học kỳ này sẽ mua cho một chiếc!”.

Năm đó cả hai đứa đều đậu Trung học nhưng chưa thấy xe Puch đâu thì Thành đã báo tin sẽ sang Đà Lạt học năm Đệ Tam. Tôi nghĩ thầm, ông bố chắc đã quá mệt mỏi với thành tích phá phách của cậu ấm nên mới cho cậu chuyển trường về Trần Hưng Đạo Đà Lạt để tránh tiếng.

Thật tình, suốt năm Đệ tứ ở BMT Thành đâu có dính dáng đến chuyện “quậy” đến nỗi phải bỏ xứ ra đi. Có chăng chỉ là những chuyện bốc đồng của tuổi trẻ “không giống ai” như đánh lộn, dù Thành không phải là người to con, hay động thủ.

Còn chuyện “tình ái” thì tôi thấy tuyệt nhiên hắn không có đến… “một mối tình vắt vai”! Các cô nghe hắn tán tỉnh vui thật nhưng hình như chẳng cô nào “chết mê” vì cái miệng dẻo quẹo của hắn!

Ấy thế mà vào kỳ nghỉ Tết cuối năm Đệ tam, Thành về lại BMT, trông có vẻ chững chạc hơn trước. Thành “thủ thỉ” với tôi: “Mày đến tiệm sách, chọn mua cho tao tất cả những bản nhạc có chữ “hoàng”…”.

Thơ thì tôi biết Thành thích sưu tầm các bài thơ tiền chiến và có chép cả một tập riêng những bài thơ của Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Tế Hanh…. Nhưng nhạc thì đây là lần đầu tiên tôi nghe Thành nói đến những bản nhạc có chữ “hoàng”!

Thì ra “người bạn ngày xưa” của tôi khi lên Đà Lạt đã trở thành nhân vật Minh trong “Vòng tay học trò” của cô giáo Trâm. Cô giáo đó lại là nhà văn Nguyễn Thị Hoàng! Và đó cũng là cuốn tiểu thuyết "bestseller" rất ăn khách!

Ở đời này quả là đầy dẫy bất ngờ, nhất là chuyện tình ái... 

*** 

* Tham khảo thêm một số bài viết về tác giả Nguyễn Thị Hoàng và tác phẩm “Vòng tay học trò”: 

·         Đọc lại Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng (1)

https://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/10/oc-lai-vong-tay-hoc-tro-cua-nguyen-thi.html 

·         Đọc lại Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng (2)

https://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/10/oc-lai-vong-tay-hoc-tro-cua-nguyen-thi_13.html 

·         Nhà văn nữ trước 1975: Nguyễn Thị Hoàng

https://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/11/nha-van-nu-truoc-1975-nguyen-thi-hoang.html 

·         Gặp lại tác giả “Vòng tay học trò”

https://chinhhoiuc.blogspot.com/2020/12/gap-lai-tac-gia-vong-tay-hoc-tro.html

 *** 


Đường Lý Thường Kiệt, Ban Mê Thuột


Đường Lý Thường Kiệt, chụp năm 2017


Nơi đây ngày xưa là Nhà hàng Mỹ Cảnh nay là Nhà thuốc tây. Hình chụp năm 2017 nên tên Ama Trang Long đã đổi thành Nơ Trang Long


Trường trung học Ban Mê Thuột


Một so sánh không thể nào đúng hơn giữa Fernandel và Mai Tiến Thành


Tác phẩm "Vòng tay học trò"


Cô giáo & Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng


Mai Tiến Thành mất ngày 10.12.2008 tại Hoa Kỳ

***













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts