Thứ Ba, 12 tháng 11, 2019

“Song kiếm hợp bích”

Tôi không phải là độc giả trung thành của tiểu thuyết kếm hiệp Kim Dung. Tuy nhiên cũng đã đọc qua một vái tác phẩm của ông như “Cô gái đồ long”, “Lộc đỉnh ký” và nhất là “Thần điêu đại hiệp”.

Hai nhân vật nổi bật trong “Thần điêu đại hiệp” là cặp uyên ương Dương Quá và Tiểu Long Nữ với kiếm pháp “Song kiếm hợp bích” một thời lừng lẫy trên giang hồ. Nhưng bài viết này không bàn về võ thuật, võ công… mà chỉ mượn cái tên “Song kiếm hợp bích” của Kim Dung để viết về một cặp uyên ương thời nay.

Chàng là Nguyễn Ngọc Hoa và nàng là Nguyễn Thị Minh Ngọc, cả hai đang sống tại North Dakota, Hoa Kỳ. Hoa là bạn học từ thời trung học với tôi tại Ban Mê Thuột, chính anh đã gắn cho Ban Mê Thuột một cái tên ngộ nghĩnh: “Bé Mà Thương”. Về Sài Gòn, Hoa theo học Trường Kỹ thuật Phú Thọ và tốt nghiệp kỹ sư điện.

Anh rời Sài Gòn năm 1975 và mãi sau này tôi mới biết ngoài “nghề tay phải” là một nhà khoa học, Hoa còn là một nhà văn với khá nhiều tác phẩm đã xuất bản tại Hoa Kỳ. Tôi đã giới thiệu anh trên Blogspot qua bài “Tha hương ngộ cố tri” (https://chinhhoiuc.blogspot.com/2018/05/tha-huong-ngo-co-tri.html) và “Người giữ hồn ngôn ngữ Huế” (https://chinhhoiuc.blogspot.com/2018/04/nguoi-giu-hon-ngon-ngu-hue.html)


Những tác phẩm của Hoa lấy cùng một tựa đề “Tập truyện Nguyễn Ngọc Hoa” gồm 3 cuốn 1, 2, 3… đã ra mắt người đọc năm 2016-2017.

Tập truyện ngắn Nguyễn Ngọc Hoa (I)


Tập truyện ngắn Nguyễn Ngọc Hoa (II)


Tập truyện ngắn Nguyễn Ngọc Hoa (III)

Cuốn thứ 4 mang tên “Nhìn từ trong tháp ngà” do nhà xuất bản Biển Ngọc ở Bismarck, North Dakota phát hành là cuốn tôi mới nhận được và sẽ giới thiệu với bạn đọc trong bài viết này. Trong lời tựa cuốn sách, tác giả viết:

“Chuyện làm văn chương của chúng tôi giới hạn trong việc viết để kể lại cho bạn bè nghe những mẫu chuyện của một quãng đời xa xưa và trau dồi Việt ngữ sau những năm dài sống xa quê hương…

“Xin lưu ý – một lần nữa – tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng “tôi” không phải là chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời…”

(hết trích)

Ngoài 24 truyện ngắn dàn trải trên hơn 200 trang sách, tác giả còn có thêm phần phụ lục “Viết đúng chính tả” gồm 7 trang liệt kê những chữ thường viết sai, thường là những chữ “mới được đặt ra sau năm 1975 ở bên nhà”.  

Tác giả còn giới thệu cuốn sách thứ 5 sẽ ra mắt bạn đọc nay mai với nhan đề “Những tích tắc của số phận”, các bạn có thể vào xem tại http://thdlvnhn.net/btol/truyendai/NNH_BuocDoiDoi/MucLuc-BuocDoiDoi.html.

Tập truyện ngắn Nguyễn Ngọc Hoa  (V)

Cũng trong Lời tựa cuốn 4, “Nhìn từ trong tháp ngà”, Nguyễn Ngọc Hoa không quên “tri ân người bạn đời”:

“Cuối cùng, xin cám ơn nhà tôi là kịch tác gia, nhà văn, và đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc đã đọc bản thảo các truyện ngắn và đề nghị tựa truyện vừa thích hợp với chuyện kể vừa lôi kéo sự chú ý của độc giả…”

Phần tôi cũng phải cám ơn chị Minh Ngọc (Pearl Nguyen) vì nếu chị không về Việt Nam lần này thì không biết đền bao giờ tôi mới nhận thêm được cuốn sách thứ 4 của Hoa. Ba cuốn trước cũng do một tay chị đem về nhưng lần này tôi lại có thêm một “bonus”: chị tặng tôi một cuốn sách của chị, in tại Việt Nam, Phương Nam Book phát hành. Sách trình bày trang nhã, bìa chữ nổi thật đẹp, không thua gì sách nước ngoài.

Cuốn sách được dịch sang tiếng Anh với tựa đề “Pearls of the Far East” qua sự biên tập của Tim Doling, một nhà nghiên cứu di sản Sài Gòn khá nổi tiếng trên Facebook. Tim là người Anh và cũng là “friend” của tôi trên FB.

“Những viên ngọc Viễn Đông” là chuyện của những cô gái Việt thuộc nhiều số phận khác nhau mà chúng ta có thể gặp trong đời thường. Có 10 câu chuyện: “Blood Moon” (Trăng huyết), “The Cam Le Packet” (Gói Cẩn Lệ), “The Plum” (Trái bồ quân), “Later, if there ever be” (Mai sau dù có bao giờ), “Ringing for My Soul” (Gọi hồn ta đó), “The Motel” (Quán trọ), “Hai Nguyet” (Hải Nguyệt), “Beyond the Truth” (Nằm ngoài sự thật), “Sharp” (Dấu sắc) và “When We’re One” (Khi ta là một).

“Pearls of the Far East”

Sách có tựa mang chữ Pearls… (những viên ngọc), phải chăng vì tác giả mang tên Minh Ngọc? Hoa khi còn đi học có tên thật là Nguyễn Văn Hoa khi viết văn anh lại đổi thành Nguyễn Ngọc Hoa. Quả thật rất “tình tứ” qua chữ Ngọc của cả hai người!

Tôi không nghĩ đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Đôi uyên ương này chắc cũng không phải là vô tình đều dùng Ngọc trong tên!

Cũng vì thế, bài viết này có tựa “Song kiếm hợp bích” mượn từ Kim Dung trong truyện “Thần điêu đại hiệp” để chỉ một cặp tình nhân “tung hoành” trong giới võ lâm!

Nguyễn Ngọc Hoa và Nguyễn Thị Minh Ngọc rất xứng đáng với cái tên “Song kiếm hợp bích” trong văn chương, nghệ thuật.

“Song kiếm hợp bích”

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts