* Chuyện xưa…
Năm 1967, tôi bước vào đời, hiểu theo nghĩa lần đầu tiên kiếm
được đồng tiền cho mình. Cái cảm giác vào đời, làm ra tiền thật khó tả và cũng
thật khó quên. Món tiền lương kiếm được tôi để dành và “tậu” một chiếc xe Honda
SS67 khoảng 36.000 đồng để hàng ngày đi làm!
Cho đến bây giờ, ngồi viết lại vẫn cảm thấy dòng hồi ức
cách đây hơn nửa thế kỷ hình như còn y nguyên. Những đồng tiền đầu tiên kiếm được
nhờ công sức của chính mình thật nhiều ý nghĩa đối với tuổi 20. Lại còn có xe
đi làm và thấy mình chững chạc hơn các bạn đồng trang lứa!
Năm đó, chúng tôi 3 người bạn đồng môn tại trường Trung học
Ban Mê Thuột rủ nhau đến trụ sở USAID (United States Aid) để xin làm “thông dịch
viên” cho toán nhân viên quân y Hoa Kỳ đến công tác tại Dân y viện Ban Mê Thuột.
Toán quân y có tên MILPHAP (Military Provincial Health
Assistance Program) gồm 4 bác sĩ, một số quân nhân trợ y và có cả nhân viên
hành chánh. Họ có nhiệm vụ đến dân y viện của tỉnh để hỗ trợ về y tế và chương
trình do Cơ quan Viện trợ Hoa Kỳ tài trợ.
Dân y viện Ban Mê Thuột
Ba người bạn đồng môn gồm tôi và hai anh em Nguyễn Đăng
Hoàn, Nguyễn Đăng Đĩnh đều là những thanh niên lần đầu tiên bước vào đời với một
nghề không ngờ… “thông ngôn”.
Ngoài 3 thông dịch viên là bạn học cùng trường còn có một
người nữa tên Duy nhưng anh này chỉ làm việc một thời gian ngắn. Sau không biết
vì lý do gì anh đã xin nghỉ. Cuộc đời của chúng tôi gắn bó với nhau suốt hai
năm 1967-1968 tại Dân y viện BMT.
Về sau, chúng tôi tạm biệt nhà thương, mỗi người bước vào
đời theo mỗi ngã riêng. Hoàn vào không quân, lái C-130; Đĩnh đi Thủ Đức, về dạy
tại trường Thiếu sinh quân Vũng Tàu còn tôi về Trường Sinh ngữ Quân đội.
Nguyễn Đăng Hoàn là một “cây văn nghệ” của trường, anh
chơi đàn guitar và cả guitar Hawaii, chúng tôi thường chơi trong ban nhạc nhà
trường mỗi khi có văn nghệ. Hiện nay Hoàn định cư tại Hoa Kỳ còn người em, Nguyễn
Đăng Đĩnh, sau khi đi học tập về lại chọn cái chết bằng hình thức… tự tử! R.I.P.
Đĩnh!
Ba thanh niên bước vào đời làm thông dịch tại
Dân y viện BMT
(Hình do Nguyễn Đăng Hoàn cung cấp)
Hồi còn làm ở nhà thương, công việc của chúng tôi là chiếc
cầu nối giữa bác sĩ và nhân viên y tế người Mỹ với bệnh nhân người Việt, trong
đó có cả người dân tộc thiểu số, hay còn gọi là “người Thượng”.
Thật tình mà nói, chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều
trong thời gian tại bệnh viện. Dĩ nhiên là ngoài trình độ tiếng Anh ngày được
nâng cao còn có cả những kiến thức về y tế được… “học lỏm” từ phía các bác sĩ Mỹ.
Trình độ tiếng Rhadé cũng được bổ xung qua những lần tiếp
xúc với bệnh nhân người Thượng. Tôi học được lõm bõm một số tiếng Thượng có
liên quan đến việc khám bệnh như “đrọa”
(đau), “đrọa cọ” (đau đầu), “đrọa ten” (đau bụng), “sang êadrao” (nhà thương)…
Trong vụ Tết Mậu Thân 1968, tôi còn “dám cả gan” truyền
máu cho những người bị thương khi bệnh nhân nhập viện ngày một đông, nhân viên
chuyên môn làm không xuể. Nói là “truyền máu” cho oai chứ thật tình tôi chỉ lấy
kim chích vào “ven” người bệnh trong lúc cần truyền máu cấp cứu!
Toán “dân sự vụ” có tên là “MILPHAP Team 734” ngoài giờ
làm việc tại nhà thương họ đều về ăn ngủ tại khu Bungalow của MACV Vietnam, đó
là ba căn nhà gỗ rất đẹp vừa gần bệnh viện lại gần sân vận động BMT. MACV là
phái bộ quân sự Mỹ bên cạnh Sư đoàn 23 Bộ binh, thuộc quân lực VNCH.
Bungalow tại BMT
Các bác sĩ người Mỹ đều mang cấp bậc Đại úy, đáng chú ý
nhất là Dr Lawrence Climo, phụ trách khu vực Ngoại chẩn, sinh trưởng tại New
Haven, Connecticut. Ông vóc người cao lớn, đầu hói, tính tình cởi mở và luôn tỏ
ra thân thiện với đám thông dịch viên chúng tôi.
Bác sĩ Lawrence Climo
(hình chụp tại khu Ngoại chẩn, Bệnh viện
BMT)
Nói chung, lứa bác sĩ đến BMT chỉ hơn chúng tôi khoảng 6
hay 7 tuổi vì họ vừa tốt nghiệp trường quân y. Năm 1965, Climo bị động viên vào
quân đội và hai năm sau ông tình nguyện sang Việt Nam, phục vụ trong đoàn
MILPHAP trong 2 năm 1967-1968.
BS Climo trong một chuyến công tác “dân sự vụ”
Người thứ hai mà tôi muốn nói đến là BS Donald Horsburgh
chuyên về nội khoa, tốt nghiệp University of Buenos Aires, Argentina, năm 1965.
Tình ông rất hiền hòa, nói trôi chảy cả tiếng Anh lẫn tiếng Tây Ban Nha.
Horsburgh đối xử với chúng tôi như anh em nhưng đối với bệnh nhân lại rất
nghiêm nghị và có phần… “rếch-lô”.
Bác sĩ Donald Horsburgh (hình chụp tại
Bungalow BMT)
* Chuyện nay…
Đầu năm 2013 tôi nhận được điện thoại của BS Climo. Rất
ngạc nhiên khi ông gọi từ… Sài Gòn. Climo cho biết ông và vợ hiện đang du lịch
Việt Nam nhân dịp Tết cổ truyền của người Việt.
Họ bắt đầu chuyến đi từ Hà Nội, rồi Huế, Hội An và cả “chốn
xưa” Ban Mê Thuột. Sài Gòn là nơi cuối cùng và Hoàn cho ông số điện thoại của
tôi. Ông cho biết ngày hôm sau sẽ rời Việt Nam nên thế nào chúng tôi cũng phải…
hội ngộ.
Chúng tôi gặp nhau trong bữa ăn tối kéo dài tưởng chừng
như vô tận tại khách sạn. BS Climo và Diane (vợ ông) chào đón tôi như một người
thân lâu ngày không gặp. Chúng tôi nói chuyện xưa đến độ nhiều lúc… quên cả ăn!
Mà cũng đúng thôi, bây giờ cả ba đều đã lớn tuổi nên chuyện ăn uống đâu còn cần
thiết!
Bây giờ tôi mới biết ngoài nghề tay phải là bác sĩ, Climo
còn là tác giả của nhiều tác phẩm nghiên cứu tâm sinh lý của con người nhìn từ
y học. Tuy nhiên, trong số những tác phẩn khoa học lại có một cuốn dưới dạng hồi
ký về những năm tháng làm việc tại Dân y viện Ban Mê Thuột.
Đó là cuốn “The
Patient Was Vietcong” (tạm dịch: “Bệnh nhân là VC”). Sách được xuất bản
tháng 12 năm 2013, tác giả kể lại thời gian phục vụ trong ngành y tế Việt Nam,
từ năm 1966 đến 1967.
“The Patient Was Vietcong”
Với cách nhìn của một bác sĩ chuyên về tâm lý, Climo đã
đưa ra những nhận xét “tương đồng”
cũng như “tương phản” của người Việt
từ hai phía Quốc gia và Cộng sản, trong đó có cả những người dân tộc thiểu số
sinh sống tại BMT.
Ngoài những điều tai nghe, mắt thấy được trình bày dưới mắt
một nhà khoa học, cuốn sách còn đưa ra những nhận xét về phong tục, tập quán của
người Việt. Đặc biệt là những người sống tại cao nguyên BMT, còn có tên “Buồn Muôn Thuở”.
BS Climo những ngày về hưu với chiếc “xà gạt”
của người Thượng
(hình chụp tại Hoa Kỳ)
Thêm một bất ngờ thú vị nữa: tôi vừa nhận được lời mời kết
bạn trên Facebook của BS Donald Horsburgh. Người “móc nối” chắc chắn là Nguyễn
Đăng Hoàn. Thế là một MILPHAP Team “mini” đã được hình thành với các thành viên
là những người một thời đã sống và làm việc tại Dân y viện BMT ngày nào.
Trao đổi qua Messenger, chúng tôi nhớ tới đâu viết tới
đó, ấy vậy mà cứ viết miên man, tưởng chừng như “vô tận” về những kỷ niệm của một
thời đã qua tại xứ Ban Mê. Cũng qua Facebook của BS Horsburgh tôi có dịp nhìn lại
một số hình ảnh xa xưa, tất cả bỗng chốc hiện về ngay trước mắt.
BS Donald Horburgh ngày mới ra trường
BS Horsburgh với cái nỏ của người Thượng
(Hình chụp tại Bungalow BMT)
Hai vợ chồng BS Horsburgh ngày về hưu
Người ta thường nói Facebook là mạng “ảo” trên Internet.
Nhưng đối với trường hợp của chúng tôi, đây cũng là cầu nối “thật” của những
người đã từng sống và làm việc cùng nhau tại một vùng đất xa xôi… cách đây hơn
nửa thế kỷ!
Nói một cách thực tế hơn, Facebook tuy “ảo” mà lại… “thật”!
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét