Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2022

Món nợ văn chương với nhà thơ Du Tử Lê

Nhà văn Mai Thảo đã chọn Du Tử Lê (1942-2019) là một trong “Bảy vì sao Bắc đẩu” của nửa sau thế kỷ 20 trong thi ca miền Nam. Ông nói, nhà thơ họ Lê xứng đáng ngồi cùng Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên.

Du Tử Lê, tên thật là Lê Cự Phách, cũng là người cuối cùng trong bẩy “vì sao băng” đã trở về với cát bụi ngày 07/10/2019 tại Hoa Kỳ với nguyện ước lúc còn sinh thời:

“Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

Đời lưu vong không cả một nấm mồ

Vùi đất lạ thịt xương e khó rã

Hồn không đi sao trở lại quê nhà”

 

Du Tử Lê (1942-2019)

 

Ngày 17/4/1975, Du Tử Lê cùng với Mai Thảo và Phạm Duy bị kết án tử hình vắng mặt trên đài phát thanh của Mặt trận giải phóng Miền Nam vì có thái độ chống cộng quyết liệt. Sau sự kiện 30/4/1975, anh sang tỵ nạn bên Hoa Kỳ.

Khi anh trở về Việt Nam giao lưu với độc giả năm 2014, thì tuyển tập thơ của anh đã được xuất bản trong nước. Lúc đó, dư luận người Việt tại hải ngoại có nhiều chỉ trích và tranh cãi về anh. Nhiều người nhận định anh có xu hướng hòa hợp và hòa giải bằng việc giới thiệu các bài thơ của các thi sĩ trong nước…

 

Cáo phó

 

Riêng đối với tôi, có “một món nợ văn chương” qua bài anh viết giới thiệu cuốn sách đầu tiên tôi xuất bản tại Hoa Kỳ. Trong đó, Du Tử Lê có nhắc đến Pleiku, nơi anh gặp gỡ cô giáo người Huế mà sau này là người vợ của anh… và dĩ nhiên có cả cao nguyên đất đỏ xứ Ban Mê của tôi:

“Nếu trong quá khứ, tôi từng ghi nhận rằng “Vũ Hữu Định, người đội vương miện cho Pleiku” thì, hôm nay, tôi nghĩ, tôi không thể không viết xuống: “Nguyễn Ngọc Chính, người tháp linh hồn cho Ban Mê”.

Đó là đoạn trích trong Lời Giới Thiệu cuốn sách “Hồi ức Ban Mê”, xuất bản vào tháng 9/2014 tai Califonia, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường Trung học Ban Mê Thuột. Tôi vẫn coi đây là “món nợ không trả được” vì anh đã ra đi bất ngờ, nhẹ nhàng, thanh thản trong giấc ngủ.

 

“Hồi ức Ban Mê”

 

Chị Phan Hạnh Tuyền, một cô gái Huế và cũng là vợ nhà thơ, viết trên Facebook: “Anh ra đi khoảng 8 giờ tối Thứ Hai, ngày 7 Tháng Mười, 2019, tại nhà riêng ở Garden Grove, California trong giấc ngủ tại căn phòng của anh ở tuổi 77 với 77 tác phẩm…”

Con gái anh, Orchid Lâm Quỳnh, cũng viết về bố Du Tử Lê: “Bố tôi ở nhà và ông Du Tử Lê ngoài đường là hai người khác hẳn nhau, khác đến nổi, khó tin những bài thơ của ông Du Tử Lê là do Bố tôi… làm!? Sao chữ nghĩa hay ho, những câu thơ cao siêu và huyền bí đến thế, có thể đi ra từ một người hồn nhiên, ngây ngô, dại khờ và trẻ thơ đến như vậy”.

 

Bài giới thiệu của Du Tử Lê trên “Hồi ức Ban Mê”

 

Dưới đây là “món nợ” mà anh Du Tử Lê đã “dành” cho tôi qua Lời Giới Thiệu cuốn sách “Hồi ức Ban Mê”:

“Hồi Ức Ban Mê”, tác phẩm như một Ấn-chứng-văn-chương-Nguyễn-Ngọc-Chính

“Nhiều người quan niệm, một khi đã là nhà văn, y có thể cùng lúc, đánh ra nhiều đường gươm văn chương lấp lánh - - Tựa những cao thủ thuần thục “thập bát ban võ nghệ”. Sự thực, không phải vậy.

“Tôi muốn nói, không phải nhà văn nào, cũng có khả năng hóa thân từ hiện thực tới siêu thực, từ truyện ký qua nghiên cứu văn học... Lịch sử văn học Việt cho thấy, không ít nhà văn từng chứng tỏ khả năng “phân thân” của mình. Nhưng, số người thành công, trên thực tế, lại chẳng bao nhiêu. Nếu không muốn nói là, chính sự ôm đồm kia, đã khiến nhiều nhà văn tự hủy mình trong nhà tù “ảo tưởng” đó.

“Có nhiều nguyên nhân lý giải cho thất bại vừa nói.

“Theo tôi, một trong những nguyên nhân dẫn tới thất bại, là sự thiếu vắng những rung động ngây ngấy, hay những ngọn lửa đam mê cháy bỏng - - Tựa ngọn hải đăng dẫn đường cho những con tầu phiêu du về bến.

“Trong số rất ít những nhà văn đánh ra, cùng lúc, nhiều đường gươm văn chương lấp lánh, thành công, hôm nay, theo tôi có Nguyễn Ngọc Chính.

“Họ Nguyễn không chỉ thành công khi hồi ức nhà văn của ông, mở vào thế giới tuổi thơ, tuổi học trò, tình nghĩa, huyết thống... khiến người đọc không khỏi bùi ngùi, cảm động - - Hay hồi ức về nơi chốn ông đã sống với, đã dừng lại, đã đi qua... (Mà,) họ Nguyễn còn thành công ở cả lãnh vực ông gọi là du ký - - Như “Du ký xứ... Miệt Dưới”, “Một tháng ở Melbourne” ... Hoặc những hồi ức râm ran nỗi ngậm ngùi, liu điu thất thổ... khi ông viết “Không chốn dung thân”!...

“Theo tôi, trong số những đường gươm văn chương lấp lánh, đánh ra, của Nguyễn Ngọc Chính, còn có những soi sáng từ góc nhìn nhân bản (rất nhân bản), khi ông đề cập tới những sự kiện văn học của trên nửa thế kỷ văn chương Việt Nam. Cụ thể, qua vụ án văn học “Nhân Văn-Giai Phẩm” (mà,) bi kịch tiêu biểu, là nhà văn Thụy An; tới hành trình văn chương hư ảo và, đời riêng gập ghềnh nắng, xót, của một Nguyễn Thị Hoàng, xuyên qua tác phẩm “Vòng tay học trò”...

“Vẫn theo tôi, họ Nguyễn còn thành công ở cả những ghi nhận đời thường, khi trái tim nhà văn của ông mở vào những biểu tượng như: “Ngôn ngữ Saigon xưa: Lính tráng”, hay, “Cà phê Saigon Xưa & Nay”, “Những cái tên bình dị về Núi & Đèo”...

“Tóm lại, nếu chúng ta cần tìm một nhà văn có khả năng thực sự đến được cùng lúc, nhiều lãnh vực của cuộc đời ố, kỵ, của định mệnh bất nhân, (thì,) người đó, không ai khác hơn Nguyễn Ngọc Chính.

“Nếu trong quá khứ, tôi từng ghi nhận rằng “Vũ Hữu Định, người đội vương miện cho Pleiku” thì, hôm nay, tôi nghĩ, tôi không thể không viết xuống: “Nguyễn Ngọc Chính, người tháp linh hồn cho Ban Mê”.

“Và tôi, chính là một trong những người cảm-thụ được phần “linh hồn” tháp cho Ban Mê đó, của họ Nguyễn vậy.

Du Tử Lê,

(Calif. Sept. 2014)

 

Du Tử Lê (Tranh của họa sĩ Lê Sa Long)

 

Tôi không phải là thi sĩ như anh nhưng với tất cả tấm lòng của một người em kém anh 4 tuổi, xin tặng anh những “câu thơ lạc vận” may ra có được phần nào gọi là “trả nợ” những điều anh đã viết về tôi:


“Tôi còn nợ anh một món quà văn nghệ

Kiếp này không trả được, xin hẹn kiếp sau

Cũng như anh, tôi chỉ mong khi chết

Đem tôi ra biển lớn mới toại lòng!

Tại đó mình gặp nhau cho thỏa chí

Nề hà gì, câu tử biệt sinh ly!


***

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts