Thứ Năm, 10 tháng 9, 2020

Viết tiếp chuyện… “vẫn chưa già”

Thật bất ngờ, bài viết “… vẫn chưa gìà… “ (https://chinhhoiuc.blogspot.com/2020/08/van-chua-gia.html) về đồng ngũ và đồng nghiệp Tôn Thất Lan được nhiều yêu thích đến như vậy.

Khi viết, tôi chỉ đơn giản nghĩ đến một câu chuyện kể về người bạn xa xưa nhưng thực tế cho thấy anh bạn của tôi có rất nhiều học trò rải rác từ miền Trung vào đến Sài Gòn. Có rất nhiều lời bình luận về anh, nhắc đến anh như một người thầy cũ.

Vì anh Lan không có account trên Fb nên tôi chỉ đưa anh xem bài viết trên smartphone. Anh tỏ ra rất cảm động khi đọc bài viết và những lời bình luận của người đọc. Có lẽ cũng vì thế hôm nay gặp lại, anh gom một số “gia tài văn nghệ” mà anh đã tạo dựng từ thời còn trẻ. Anh nói đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu tặng tôi để làm tư liệu.

Trước hết là một tuyển tập những ca khúc anh phổ từ những bài thơ từ thời tiền chiến. Cứ mỗi bài hát lại có chân dung của tác giả do chính anh tự vẽ. Trong số đó có chân dung Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Bích Khê, Vũ Đình Liên, Chế Lan Viên, Quang Dũng, Huy Cận, Phùng Quán, Thâm Tâm… 

Một tập nhạc có tên “Tếu K” (những bài ca vui). Nổi bật có bài “Du Cơ” (du ca) với những câu rất tếu như “… Này bé sao không mặc quần, để gió đong đưa củ tiều. Làn gió mơn man da thịt làm xốn xang cả người bình tâm…”. Hay nhạc chế từ bài hát “60 năm cuộc đời” của Y Vân: “Em ơi biết cho anh, sáu mươi năm để dành, khi yêu em rồi, anh rút hết ra thôi…”.

Lại có một tập phổ nhạc với tựa đề tiếng Anh “Life must go on” với những câu thơ do anh sáng tác:

“No origin are we to know

But step by step permeated with deep grief

And then tomorrow where to go

Just only feel the lodge unevenly brief”.

Và tác giả tự dịch sang tiếng Việt:

“Xưa ta đâu biết ngọn nguồn

Giờ thì lại thấm giọt buồn tình sâu

Mai rồi chẳng biết về đâu

Chỉ nghe chấp chới mái lầu chênh vênh”

Chưa hết, anh còn tặng tôi cuốn sách “Những tâm hồn lạc” (The lost souls) thuộc loại “Hạt giống tâm hồn”. Đây là một tuyển tập 16 truyện ngắn của các tác giả người Việt được dịch sang tiếng Anh với lối chuyển ngữ gần gũi với người đọc nước ngoài khiến ta có cảm giác không còn là chuyện dịch!

Chẳng hạn như truyện ngắn “Tàu đi Hòn Gai” của Ngô Thị Kim Cúc, được dịch thành “On a ship tp Hòn Gai”. Nguyên tác có đoạn “… Giờ đây, khi đã bị mù, tôi mới biết là mình đã nhầm. Người mù nhìn thấy mọi thứ trong bóng đêm!”… (Now, I am blind and I understand that I was wrong; though they are engulfed in darkness, the blind see everything!).

Cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, là một tuyển tập gồm 12 truyện ngắn của Tôn Thất Lan. Truyện ngắn “Người, Xa lạ” là một kịch bản 2 màn, nhân vật gồm Người kể chuyện, Người chồng, Người vợ và Hắn (người máy giúp việc trong gia đình).

Thời gian của vở kịch là năm 2085, tức là một năm nào đó trong tương lai giả tưởng. Luận đề của kịch là Con người và Máy móc. Theo lời Người kể chuyện thì:

“Con người say sưa sung sướng tận hưởng những tiện nghi từ máy móc mà họ sử dụng, sai khiến những đầy tớ rất đỗi trung thành mà không hề ý thức rằng (có lẽ vì họ đã mất dần ý thức và suy tư) chính họ - Con người - lại dần dần biến thành nô lệ của những máy móc, tiện nghi mà họ sử dụng, sai khiến: Chính họ đã bị máy móc hóa, mất dần nhân tính và có thể tự thấy xa lạ với chính mình”.

Kịch có nét bàng bạc khiến ta liên tưởng đến “1984” mà George Orwell viết từ năm 1948 để vẽ ra một thế giới chính trị vào năm 1984. Kịch của Tôn Thất Lan viết năm 2008 nhưng lại đề cập đến một xã hội của năm 2085. Hai tác phẩm nói chung đều thuộc loại giả tưởng khiến người đọc không thể nào không khỏi suy nghĩ! 

***

Tôi sung sướng vì những món quà mà anh Tôn Thất Lan “gửi gấm” cho mình. Thật không ngờ, một người bạn ngày nào đã có những tác phẩm văn-thơ-nhạc-kịch “để đời” cho hậu thế. Và tôi cũng muốn nhắc lại câu nói của anh:

“Tuy mình già rồi nhưng vẫn còn cảm thấy... trẻ trung trong tâm hồn!”

Cuộc đời của chúng ta luôn thăng trầm, buồn vui lẫn lộn, họa phúc đan xen như chuyện “Tái ông thất mã”. Điều khó nhất là làm sao giữ được trạng thái “ung dung, tự tại” để chứng kiến cái mà người Phương Tây thường nói “What goes up must come down”!

***

Bên những tác phẩm

Trầm tư

Tập ca khúc phổ từ thơ tiền chiến

Giới thiệu tác phẩm

"Trắng nợ trần gian" với chân dung nhà thơ Phùng Quán và chữ ký

:Bài ca hoa lan" và chân dung Chế Lan Viên

Nhấm nháp ly cà phê sáng

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts