Đó là trích dẫn câu
nói của một đồng nghiệp ngày xưa tại Trường Sinh ngữ Quân đội, anh Tôn Thất
Lan, năm nay vừa đúng 80. So với thời còn là giảng viên thì dĩ nhiên phải già lắm
nhưng bây giờ anh vẫn chưa chịu nhận là mình đã già!
Ngày xưa Trung úy Tôn Thất Lan là một “cây văn nghệ” của trường với cây đàn guitar đứng trên sân khấu trong những buổi ca nhạc “cây nhà, lá vườn”. Anh lại có tài soạn nhạc, loại nhạc tình thời chiến tranh.
Một hiện tượng hơi lạ khi biết anh là thành viên cùa một nhóm “du ca” trong màu áo lính. “Du ca” thường “có mùi” phản chiến, ngược lại với màu áo “treilli” xanh lá cây rừng! Nhưng cũng nhờ "du ca” mà nhạc sĩ Tôn Thất Lan có cơ hội giũ bỏ quần áo lính để biệt phái về làm giáo chức!
Anh kể con đường trở về “dân sự” của anh cũng “trầy da tróc vẩy” vì Chỉ huy trưởng trường không đồng ý cho đi. Thế là Tôn Thất Lan lại phải tìm “đường tắt” thông qua “du ca”, cụ thể là nhờ nhạc sĩ Phạm Duy! Thế mới biết, sức mạnh của nhạc sĩ: chỉ vài lời của PD cũng đủ để anh… giã từ vũ khí.
Mãi đến hôm nay tôi mới biết chuyện này, dù vẫn thấy anh sáng sáng qua lại quán cà phê tôi thường ngồi để mua bánh mì hoặc bánh cuốn! Dù ở gần nhau trong khu phố, hai người chỉ dơ tay chào nhau rồi anh lại lặng lẽ tiếp bước, chúng tôi gần như ít khi nào nói chuyện.
Chúng tôi “nhìn thấy nhau” được vài năm nay. Có lần gặp anh mua bánh mỳ, tôi mời anh uống cà phê để hàn huyên nhưng anh lại bảo mình đang bận về để sửa soạn đi dậy. Tôi lại nghĩ chắc tính anh “khép kín” nên không muốn tiếp xúc rộng rãi!
Mãi đến hôm nay tôi quyết định “chặn đường” và rủ anh ngồi uống cà phê. Anh đồng ý nhưng chỉ xin một ly trà chứ cà phê anh uống ở nhà rồi. Thôi cũng được, miễn sao chúng tôi có thì giờ hàn huyên bên ly trà.
Anh nói bây giờ thì anh đã nghỉ dậy học nhưng hàng tuần vẫn gặp mặt nhóm “du ca”. Có điều mấy tháng nay vì tình hình bệnh dịch nên phải ở nhà. Hỏi anh làm gì vào lúc này, anh bảo… “ngồi chơi, xơi nước” nhưng lại nói thêm “ngồi nhìn đời trôi đi trước mắt nhưng không buồn mà cũng chẳng vui”!
Anh lại còn chế ra một câu xưa như trái đất: “Đời, c’est la vie; Tình, c’est l’amour; Tiền, c’est l’argent… và đến lúc này thì chờ đoạn kết… c’est la mort!”. Giọng anh không bi quan chút nào mà trái lại, rất vui vì được dịp… “thổ lộ tâm can”.
Tôi hỏi anh, sau 30/4/75 cuộc sống của anh ra sao? Lúc đó anh đang dậy học tại Đà Nẵng vì qua giòng họ Tôn Thất người ta biết ngay anh có dòng máu hoàng tộc, gắn bó với miền Trung. Từ quân đội anh trở về hàng ngũ giáo chức nên chỉ học tập có một năm nhưng ngay sau đó trở lại Sài Gòn.
Ở Sài Gòn anh sống
một cuộc đời “ung dung, tự tại”, đi dậy
Anh văn những thì giờ rảnh rỗi cũng sáng tác nhạc, ca hát với nhóm du ca… lại
còn viết lách, chủ yếu là dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh! Kể cũng lạ, các dịch
giả thường chuyển ngữ từ Anh sang Việt còn anh thì lại chọn con đường ngược lại!
Nói chuyện với anh, tôi bỗng khám phá nhiều điều mới lạ. Nhìn anh, một ông già 80, với dáng người lọm khọm, đi đứng từ tốn nhưng đằng sau hình hài đó ẩn chứa một sức mạnh mà những người trẻ hơn chưa chắc gì đã có được!
Tôi thua anh tới 6 tuổi, vẫn thường “tự nhận” là mình già. Nhưng từ chính câu nói của một “ông già thứ thiệt” khiến tôi phải nghĩ lại:
“Già về tuổi tác nhưng vẫn chưa già trong tâm hồn, đó mới là triết lý ở đời”.
***
* Tham khảo thêm bài viết “Thầy Tôn Thất Lan – Cựu Giáo sư Trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng” tại http://pctdn71-75.blogspot.com/2013/11/thay-ton-that-lan-cuu-giao-su-trung-hoc.html
* Một số nhạc phẩm của nhạc sĩ Tôn Thất Lan: https://lyric.tkaraoke.com/1477/ton_that_lan/
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét