Xin cảm ơn quý đồng môn Trung học Banmêthuột: Nguyễn Ngọc Chính (tác giả) và Nguyễn Xuân Duẩn (Chủ biên và ấn hành) đã gửi tặng tôi 30 cuốn “Hồi ức thời Điêu Linh”, do tôi có hân hạnh được viết “Đôi điều giới thiệu tác giả và tác phẩm”.
Tuy nhiên, tôi chỉ xin nhận một cuốn, còn lại 29 cuốn bạn Duẩn gửi cho tôi phân phối cho độc giả nào cần để lấy tiền gây quỹ hậu sự cho anh chị em đồng môn. Tôi cũng xin gửi góp vào quỹ này 50 dollar.
Một lần nữa cảm ơn các bạn Nguyễn Xuân Duẩn và Nguyễn Ngọc Chính. Chúc hai bạn và tất cả các bạn đồng môn Banmêthuột cùng gia đình sức khỏe, hạnh phúc và mọi điều tốt lành trong cuộc sống.
Houston, ngày 28-7-2020
Thân kính
Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng
***
* Xin gửi kèm “Đôi điều giới thiệu tác giả và tác phẩm Hồi ức một thời điêu linh” của Nguyễn Ngọc Chính.
***
ĐÔI ĐIỀU GIỚI THIỆU TÁC GIẢ TÁC PHẨM “HỒI ỨC THỜI ĐIÊU LINH”.
Nếu theo tự điển Hán-Việt của học giả Đào Duy Anh, thì nhà văn là “người văn học”. Theo Wikipedia, định nghĩa hẹp thì “Nhà văn là người chuyên sáng tác ra các tác phẩm văn học, đã có tác phẩm được công bố và ít nhiều được độc giả thừa nhận giá trị của một số tác phẩm”.
Còn theo nghĩa rộng thì “Dựa trên khuynh hướng sáng tác, thể loại sáng tác của từng tác giả văn học, nhà văn có thể được xếp vào các vị trí khác nhau như nhà thơ, tiểu thuyết gia, nhà soạn nhạc kịch, sử gia, ký giả, nhà báo, nhà viết kịch bản phim...” .
Tổng hợp các ý nghĩa trên, thì người bạn đồng môn trung học ngày nào, nay xứng đáng được gọi là nhà văn. Vì ngoài việc viết báo (Anh ngữ) của một nhà báo, Nguyễn Ngọc Chính đã cho ra đời hai tuyển tập “Hồi ức Ban Mê” và “Hồi ức Saigon” đã “ít nhiều được độc giả thừa nhận giá trị của một số tác phẩm”.
Và tác phẩm thứ ba “Hồi ức thời điêu linh” được tác giả cho ấn hành năm nay (2020) chúng tôi thêm “giá trị mang tính hiện thực xã hội một thời, là thời điêu linh và sau đó…”.
Thế nhưng theo chúng tôi, Nguyễn Ngọc Chính nếu được gọi là nhà văn, thì chỉ là một nhà văn do thời thế “Thế thời phải thế” tạo nên, chứ không phải do sự lựa chọn như một nghề nghiệp, xuất phát từ năng khiếu và sự đam mê.
Một nhà văn điển hình như nhiều người được gọi là nhà văn sau biến cố đổi đời 30-4-1975, trong đó có cá nhân chúng tôi, cũng được gọi là nhà văn, bút hiệu Thiện Ý. Vì trước năm 1975 Nguyễn Ngọc Chính, từng là Giảng viên trường Sinh ngữ Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, còn Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng thì hành nghề luật sư tại Saigon. Cả hai chúng tôi đều chỉ viết văn, viết báo, ra sách sau ngày 30-4-1975.
Thật vậy, Nguyễn Ngọc Chính, nguyên là một sĩ quan cấp úy được tuyển chọn làm giảng viên trường Sinh ngữ Quân đội trong chế độ cũ, được gửi tu nghiệp hai lần tại Hoa Kỳ. Sau biến cố 30-4-1975 tác giả cũng bị tập trung cải tạo như bao người cùng cảnh ngộ, theo chủ trương chính sách của chế độ mới.
Sau ít năm được tha về, Nguyễn Ngọc Chính đã phải mưu sinh cho gia đình bằng đủ mọi nghề, trong đó có nghề buôn bán chợ trời vào thời mà tác giả gọi là “Thời Điêu Linh” (1975-1995), rồi nghề dạy học Anh ngữ cho nhiều người “Thời Mở Cửa” (sau 1995) cho đến khi gặp cơ may được mời phụ trách tờ Vietnam Investment Review (VIR). Một tờ báo tiếng Anh ở Sài Gòn, song song với tờ Đầu Tư bằng Việt Ngữ ở Hà Nội.
Tác giả viết: “Đúng như tên gọi, Đầu Tư và VIR là những tờ báo kinh tế được hình thành qua sự hợp tác giữa tập đoàn truyền thông ACP (Australian Cosolidated Press) và Cơ quan Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, sau này đổi thành Bộ Kế hoạch và Đầu tư.” (Trích bài viết 25, “Nguyễn Lưu ‘không thể tung hô’ Phạm Duy”)
Thế là từ đó người bạn đồng môn Nguyễn Ngọc Chính của chúng tôi nghiễm nhiên trở thành một nhà văn viết báo như một nghề chuyên môn để kiếm sống. Và cũng nhờ đó đời sống gia đình của nhà báo, nhà văn Nguyễn Ngọc Chính, ngày một được cải thiện, nâng cao, xa dần cảnh sống chật vậy, thiếu thốn “thời điêu linh”, nhờ lương bổng của một Chủ bút (Editor) được tính theo tiêu chuẩn nước ngoài nên khá cao.
Thế rồi, trong những thời khoảng khác nhau, qua những trải nghiệm bản thân trong cuộc sống, Nguyễn Ngọc Chính đã có cảm hứng ghi lại các sự kiện và suy tư của một thời đã qua. Những sự kiện và cảm nghĩ ấy đã trở thành hai tuyển tập (1) “Hồi ức Ban Mê” của một thời niên thiếu sống và đi học tại Trung học công lập Ban Mê Thuột, một tỉnh nhỏ trên cao nguyên Trung phần Việt Nam; (2) “Hồi ức Saigon” của thời sống, học tập và làm việc tại Saigon.
Và bây giờ in thêm một tuyển tập thứ ba “Hồi ức thời điêu linh”. Toàn tập gồm 30 bài, nhưng không phải tất cả 30 đều viết về các sự kiện và suy tư của tác giả trong thời điêu linh (1975-1995). Vì có đến hai phần ba số lượng bài in trong tuyển tập tác giả viết về một số sự kiện và suy tư trong thời hậu điêu linh, gọi là “Thời mở cửa” (1995-2020) tiếp sau thời kỳ “Đổi mới” (1985-1995).
Đó là thời kỳ khởi đi từ sau khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt nam, tạo tiền đề thuận lợi cho Việt Nam thực hiện triệt để chủ trương, chính sách “Mở cửa” làm ăn với các nước tư bản, theo con đường “Kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” như nhà cầm quyền nói.
Từ đó và nhờ đó Việt Nam mới phát triển nhiều mặt để có dáng vẻ phồn vinh hiện nay, tương phản với bộ mặt “héo rụng, suy bại, rời rã” (nghĩa từ ngữ “điêu linh” theo Hán-Việt tự điển của Đào Duy Anh) của “thời điêu linh” đã qua.
Theo suy đoán của chúng tôi, sở dĩ tuyển tập mang tên “Hồi ức thời điêu linh” có lẽ là vì tác giả muốn coi đó là bối cảnh khởi đầu dẫn đến nhiều sự kiện không thể nào quên đã được tác giả ghi lại trong thời “Mở cửa”, thường có liên quan nhân quả với “Thời điêu linh”.
Vì thế trong “Hồi ức thời điêu linh”, trước hết tác giả đã viết về các sự kiện đặc trưng của “Thời điều linh” liên tiếp trong 8 bài đầu: (1) Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Bao cấp, (2) Chợ trời, (3) Cải tạo Công thương nghiệp, (4) Kinh tế mới, (5) Đổi tiền, (6) Đốt sách, (7) Tập trung cải tạo, (8) Chuyện những người bạn trong thời điêu linh… và kết thúc ở bài cuối cùng số (30) “Tản mạn về thời điêu linh”.
Trong 21 bài còn lại từ bài (9) đến (29), tác giả đã đề cập đến các sự kiện và suy tư xẩy ra trong thời kỳ “Mở cửa” nhưng có liên quan ít nhiều đến “Thời điêu linh”. Chẳng hạn như bài (9) ”Bất đáo Chí Hòa phi hảo hán”, tác giả viết về chuyến vượt biên bán chính thức bị bắt giám vào khám Chí Hòa… xuất phát từ những bức bách của “Thời điêu linh” muốn vượt thoát tìm một cuộc sống mới tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình, nhưng thất bại, nên có dịp sống trong và viết về nhà tù nổi tiếng này củng kinh nghiệm vượt biên “bán chính thức”.
Hay các bài (10 &11) “Saigon Stories” là cuốn truyện Anh ngữ của Sam Korsmoe, bạn làm báo của tác giả, viết về Sài Gòn trước và sau 1975. Theo tác giả Nguyễn Ngọc Chính, “Saigon Stories” dày 288 trang, bao gồm 12 chương, xoay quanh 5 gia đình, trong đó có gia đình tác giả, thuộc các thành phần xã hội - chính trị khác nhau, nhưng tất cả đều đang sinh sống tại Sài Gòn.
Các bài (12, 13,14 và 15) viết về Huy Đức một nhà văn Miền Bắc XHCN, tác giả cuốn “Bên Thắng Cuộc”. Khi Sài Gòn thất thủ, Huy Đức chỉ mới 13 tuổi, lúc đó còn ở tít tận một vùng quê nghèo đói miền Bắc dưới thời Xã hội Chủ nghĩa.
Dường như tác giả “Thời điêu linh” muốn qua Huy Đức và tác phẩm “Bên thắng cuộc” để thể hiện thay một số nhận thức của mình cũng như nhiều người dân về cuộc chiến hôm qua và sau đó, mà không thể hay không muốn nói ra.
Huy Đức một nhà văn Miền Bắc sinh ra lớn lên, được giáo dục học tập trong môi trường xã hội chủ nghĩa thì có tư thế để nói lên nhiều sự thật trong tác phẩm “Bên Thắng Cuộc”. Tác giả “Thời diêu linh” nhận định trong bài viết (12) về Huy Đức rằng:
“Theo ý tôi, tựa đề Bên Thắng Cuộc vẫn mang chút mỉa mai không thể chối cãi. Càng đọc ta càng thấy tính cách mỉa mai ngày càng đậm nét và điều đó cũng khiến người đọc, nhất là những người thuộc “bên thua cuộc”, thấy tính hấp dẫn của từng trang sách. Và đó cũng là lý do khiến sách bị các nhà xuất bản ở Việt Nam từ chối…”.
Nhìn chung, những bài viết trong tuyển tập “Thời điêu linh”, với nhiều chủ đề xuất phát từ cuộc sống, được viết trong các thời gian, không gian khác nhau. Trong nhiều bài viết, có kèm tư liệu chính xác và hình ảnh sống thực, chứng tỏ tác giả đã không chỉ viết bằng chất liệu tư duy mà đã bỏ nhiều thời gian, công sức sưu tầm bằng chứng, tạo sự khả tín “người thật, việc thật” trong các bài viết.
Đồng thời với lối viết văn giản dị, trong sáng, tư nhiên như kể chuyện, bằng ngôn ngữ đời thường, sự sắp xếp các bài viết theo trình tự hợp lý, mỗi bài viết độ dài vừa phải… Tất cả đã tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn, vì như thấy thấp thoáng đâu đó hình ảnh, trải nghiệm sống, nhận thức, suy tư của mình, làm sống lại những hiện thực xã hội một thời trong tâm tư những bạn đọc sống cùng “Thời điêu linh" với tác giả, vừa là chứng nhân, vừa là nạn nhân của lịch sử.
Những bạn đọc hậu sinh cũng có dịp biết và cảm nghiệm được cảnh sống, suy tư của các thế hệ tiền nhân của một thời đã qua, song có nhiều chủ đề vẫn mang tính thời sự của thời nay (như các bài (17) Đầu năm nói chuyện tham nhũng, (18) Hối lộ thần thánh, (20) Con cháu chúng ta giỏi thật, (21) Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch…)
Có thể nói, hầu hết các bài viết trong “Thời điêu linh”, tác giả Nguyễn Ngọc Chính chỉ bày tỏ quan điểm, nhận thức cá nhân mờ nhạt, dè dặt, chừng mực, do cá tính cẩn thận, ôn hòa, trung dung, hơn là sợ hệ lụy.
Dường như tác giả chỉ muốn qua đó cho người đọc biết các sự thật khách quan để tự nhận xét, phán đoán đúng sai, phải trái, thật giả của các sự kiện, hiện tượng chính trị, văn hóa, giáo dục, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, mê tín dị đoan… còn nhiều bất đồng nhận thức, quan điểm trái chiều của nhiều người dân trong nước.
Những sự kiện khách quan đó được tác giả ghi lại trong “Hồi ức thời điêu linh” đều có liên quan ít nhiều từ quá khứ (cuộc chiến tranh Quốc-Cộng hôm qua) và những gì thể hiện hôm nay như sự bất công, bất bình, bất hòa, kệch cỡm, sai trái trong các mối tương quan chính trị (giữa nhân dân và nhà cầm quyền), quan hệ xã hội (giữa các tầng lớp nhân dân mỗi miền và giữa hai miền Bắc-Nam…) xẩy ra sau ngày 30-4-1975.
Trân trọng giới thiệu đến Bạn đọc và chia sẻ niềm vui với bạn đồng môn Nguyễn Ngọc Chính, về sự cho ra đời đứa con tinh thần thứ ba “Hồi ức thời điêu linh”, với ước mong sẽ được độc giả khắp nơi, nhất là các bạn đồng môn Banmê và thân hữu, đón đọc nồng nhiệt như từng dành cho hai đứa con tinh thần ra đời trước đây, “Hồi ức Ban Mê” và “Hồi ức Saigon”.
Houston, một ngày cuối xuân 2020.
Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng
***
Mục lục "Hồi ức thời điêu linh"
1. Góp nhặt buồn vui thời điêu linh - Bao cấp
2. Góp nhặt buồn vui thời điêu linh - Chợ trời
4. Buồn vui thời điêu linh - Kinh tế mới
5 Góp nhặt buồn vui thời điêu linh - Đổi tiền
6. Góp nhặt buồn vui thời điêu linh - Đốt sách
7. Góp nhặt buồn vui thời cải tạo
8. Chuyện những người bạn trong thời điêu linh
9. Bất đáo Chí Hòa phi hảo hán
10. Saigon Stories
11. Saigon Stories - Hồi ức của các nhân vật
12. Về tác giả Huy Đức - Bên Thắng Cuộc
13. Bên Thắng Cuộc - Tướng Giáp
14. Bên Thắng Cuộc - Lê Khả Phiêu & Bill Clinton
15. Bên Thắng Cuộc - Chuyện bên lề
16. “Mở Miệng - Giấy Vụn” và những hệ lụy
17. Đầu năm nói chuyện… tham nhũng & hối lộ
18. Hối lộ thần thánh thời @
19. Kỹ năng sống
20. Con cháu chúng ta “giỏi” thật!
21. Cá cần nước sạch – Dân cần minh bạch
22. Người Trung Quốc Xấu Xí
23 Từ Ha Long Bay, Cam Ranh Bay đến… Cam Dai Bay
24. Từ văn hóa “xí xổm”… đến văn hóa “xí bệt”
25. Nguyễn Lưu ‘không thể tung hô’ Phạm Duy
26. Tiếng còi tầu thời thơ ấu
27. Từ tương lai trở về hiện tại
28. Chữ & Nghĩa... thời nay
29. Tản mạn về thời điêu linh
30. Nhìn lại một thời điêu linh
***
Tôi thich đọc các bài viêt của anh. Tất cả đều thú vị. Xin hỏi sách của anh có bán ở nhà sách nào tại tp HCM , V hỏi để ghé mua. Cám ơn anh đã viêt rất nhiều vài hay. V tìm thấy fb của anh roi. V sẽ để theo dõi fb của anh. Le Van
Trả lờiXóa