Ngày nay, các bạn trẻ hầu như là không hiểu “Bồn kèn”, hay có nói rõ hơn gọi là “Bùng binh Bồn kèn” cũng chẳng biết nó ở đâu. Đó chính là “vòng xoay” ở ngay trung tâm Sài Gòn tại Quận 1! Cụ thể hơn là một bồn hoa phun nước nằm ngay ngã tư Đại lộ Charner (Lê Lợi) và Bonard (Nguyễn Huệ).
“Bồn kèn” được xây dựng từ năm 1920 vào thời Pháp thuộc và cũng là công trình “vòng xoay giao thông” đầu tiên của Sài Gòn. Nhưng tại sao lại gọi là “bồn”? Ban đầu chỉ là một cái bệ cao, hình bát giác. Còn “kèn” là loại nhạc cụ các anh lính Tây trong ban quân nhạc cứ đến chiều Thứ Bảy đến đây biểu diễn kèn đồng!
Thế là nơi này chết tên “Bùng binh Bồn kèn” theo cách gọi của người bình dân. Dưới thời VNCH có xây dựng một đài phun nước với những cây liễu xung quanh nên còn được gọi là “Bùng binh Cây liễu”. Bây giờ thì bùng binh đã được “cải tạo” để trở thành bùng binh…hoa sen.
Người Sài Gòn đa số đều thích vẻ thướt tha của cây liễu hơn là cây sen! Kiến trúc xây dựng có thêm đèn LED, trông “vòng xoay” có vẻ “hiện đại” hơn về đêm nhưng đập bỏ “Bùng bình Cây liễu” để xây mới quả là một sự lãng phí trong tình hình đất nước có nợ công ngày càng chồng chất!
Cũng phải nói thêm, gần “Bồn kèn” ngày xưa còn có “Cửa hàng Charner” (Grands Magasins Charner – GMC) được xây dựng từ năm 1880. Tòa nhà GMC sau đó được đổi tên thành Thương xá TAX. Và đến nay thương xá đã được “hóa kiếp” để trở thành “Trung tâm Thương mại Dịch vụ Văn phòng Khách sạn Satra - Tax Plaza” cao 40 tầng và 6 tầng hầm nhưng… hãy còn nằm trên bản vẽ!
***
Sông Sài Gòn (xưa gọi là sông Thị Nghè) giáp với rạch Bến Nghé, tại chỗ giao nhau có một mũi đất nhô ra ngoài sông và năm 1865, người Pháp dựng tại đây một cột cờ có tên gọi "Cột cờ Thủ Ngữ", dịch từ tiếng Pháp “Mât des Signaux”.
Trên chót ngọn cờ có treo lá cờ vải hoặc một quả bóng sơn đen, ban đêm thì treo đèn màu trắng hoặc đỏ. Đó chính là những dấu hiệu báo tin cho tàu bè biết để tránh nguy hiểm khi ra hoặc vào sông Sài Gòn. Ta có thể hiểu đây là hình thức của một ngọn hải đăng thường thấy trên biển.
Sau đó, ngay tại đây còn có một quán rượu nổi tiếng. Dân nhậu thường là lính Pháp nên mới có tên “Pointe des Blagueurs “, xin tạm dịch là “Mũi đất của những kẻ tán dóc”! Địa điểm “Cột cờ Thủ Ngữ” nằm trên Bến Bạch Đằng, Quận 1, ngày nay.
Quả thật rất nhiều người Sài Gòn cứ tưởng “thủ ngữ” là một địa danh nên viết hoa, rất ít người hiểu đó chỉ là một hình thức biển báo giao thông đường thủy thô sơ từ thế kỷ thứ 19!
Trong “Sài Gòn năm xưa”, học giả Vương Hồng Sển
có kể một câu chuyện vui thời Pháp thuộc. Có một cặp vợ chồng chắp nối, vợ là
tay "dọn bàn" làm cho Tây, chồng là đầu bếp. Hai người nên duyên và
ngày ngày đôi vợ chồng thay phiên nhau gánh gồng từ đầu đường Catinat (Tự Do,
sau này đổi thành Đồng Khởi) ra tời mé sông chỗ cột cờ Thủ Ngữ.
Họ bán đồ ăn kiểu Tây như thịt bò bít-tết, trứng ốp-la và các món “hầm bà lằng, hổ lốn”. Dè đâu, khi cuộc làm ăn vừa khấm khá thì anh chồng đổi tính, mèo mỡ lăng nhăng, bỏ gánh lại cho một mình chị vợ đảm đương, cui cút. Chị ta buồn quá bèn cất tiếng rao hàng như sau:
"Thượng thơ, Phó Soái, Thủ Ngữ treo cờ, hò, hơ... Bu-don (bouillon), ỏm lết (omelette), bí tết (beaf steak), xạc xây (sacré)... Mũ ni (menu) đánh đạo, bây giờ mày bỏ tao ơ! Hớ hơ"
Bài hò kể lại lộ trình bán hàng của hai vợ chồng ngày nào: từ Dinh Thượng Thơ, qua Dinh Phó Soái và đến Cột cờ Thủ Ngữ. Chắc hẳn bây giờ người đọc đến tên các dinh này không hiểu chúng nằm ở đâu giữa Sài Gòn, Hòn ngọc Viễn Đông.
Thì đây:
Dinh Thượng Thơ, hình chữ U, nằm gần góc đường Catinat – Lagrandìere, được xây dựng vào năm 1860. Ngày nay, Dinh Thượng Thơ trở thành tòa nhà trụ sở Sở Thông tin & Truyền thông và Sở Công Thương, tại địa chỉ 59-61 Lý Tự Trọng, Quận 1.
Dinh Phó Soái được khởi công xây dựng vào năm 1885. Ngay sau khi xây xong, tòa nhà được Phó Toàn quyền Đông Dương Henri Éloi Danel (1850 - 1898) dùng làm tư dinh. Thời VNCH đổi tên là Dinh Gia Long và hiện nay là Bảo tàng TP. HCM. Địa chỉ: 65 Lý Tự Trọng, Quận 1.
***
Vấn đề đặt ra là liệu những công trình kiến trúc cổ xưa của người Pháp để lại trên đất Sài Gòn có cần được bảo tồn hay lại đập phá để xây những tòa nhà bê tông cốt thép “hoành tráng”, “hiện đại” như trường hợp của Thương xá TAX?
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét