Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

Thú đau thương… và hơn thế nữa!

Là một trong những người tiên phong của Phong trào Thơ mới, những bài thơ của Lưu Trọng Lư là tiếng lòng thổn thức đã góp phần khẳng định vị thế của Thơ mới. Người ta biết nhiều về Lưu Trọng Lư với hình ảnh “con nai vàng ngơ ngác”...


“Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức?

Em không nghe rạo rực

Hình ảnh kẻ chinh phu

Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu,

Lá thu kêu xào xạc,

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp lên lá vàng khô?”


(Tiếng thu)


Trong tập thơ “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư (1911-1991), gồm 52 bài và được xuất bản năm 1939, người ta còn chú ý đến bài “Thú đau thương” có thể vì lần đầu tiên trong lịch sử văn thơ Việt Nam một thi sĩ đã dùng một “cụm từ” lạ lẫm: đau thương cũng là một cái thú!

“Tình đã len trong màu nắng mới,

Lòng anh buồn vời vợi, em ơi!

Niềm yêu rung động đôi môi

Tình đầy khôn lựa được lời thắm tươi.

Đã héo lắm nụ cười trong mộng

Đã mờ mờ lắm, bóng thân yêu,

Đã lam tím cả cánh chiều

Trong hồn lặng đã hiu hiu mộng tàn.

Xin để gối nằm im chỗ cũ,

Hãy lịm người trong thú đau thương,

Giờ đây ta đốt nén hương

Trên tay ta buộc dải tang cho tình.


(Thú đau thương – Lưu Trọng Lư)



Lưu Trọng Lư (1911-1991)

Thơ Lưu Trọng Lư thật thà, bộc trực như bản tính của của người Quảng Bình. Ông cũng có cái lý của mình khi xem những trạng thái của tâm hồn như Đau đớn, Buồn tủi hay Sầu thảm cũng là một “cái thú”.

Cũng nhờ những giây phút “lịm người trong thú đau thương” ấy mà thi sĩ đã viết ra những vần thơ tuyệt diệu làm lay động trái tim người đọc.



Chân dung Lưu Trọng Lư


Từ lâu trên thế giới, những nhà phân tâm học hay nói cụ thể hơn, những bác sĩ nghiên cứu về “tình dục”, đã dành thời gian và công sức để nghiên cứu, tìm hiểu cặn kẽ về những hiện tượng đặc thù về tính dục của con người.

Sigmund Freud (1856 –1939) là một bác sĩ về thần kinh và là nhà tâm lý học người Áo. Ông là người đặt nền móng và phát triển học thuyết phân tâm học. Cho đến ngày nay, mặc dù lý thuyết phân tâm học của ông còn gây nhiều tranh cãi nhưng cũng phải thừa nhận rằng ông là một nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ XX.



Sigmund Freud (1856 –1939)


Chúng ta có những thuật ngữ để chỉ những “biến thể trong tình dục” như “sadism” (bạo dâm), người bị bệnh này lại thích gây đau đớn về thể xác cho người tình yêu dấu. Người bạo dâm (sadist) chỉ tìm thấy “hạnh phúc” khi người tình của mình bị hành hạ.

Trong khi ngược lại, “masochism” (tạm dịch là “khổ dâm”) lại là hiện tượng người ta chỉ tìm thấy sự thỏa mãn qua việc bị người tình hành hạ! Coi đó là “niềm vui” khi bị trải qua những hành hạ cả về tinh thần lẫn thể xác từ người yêu dấu.

Thuật ngữ “sadism” được đặt tên theo Donatien Alphonse François (1740 – 1814), hay còn gọi là “Marquis de Sade” (Hầu tước Sade). Ông là nhà quý tộc, nhà văn và nhà cách mạng người Pháp với các tác phẩm bao gồm nhiều thể loại, từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến kịch... mang tính khổ dâm và bạo dâm.

Truyện của ông mô tả những cảnh tình dục mang tính tàn bạo trong đó nhân vật bị tra tấn, hành hạ đau đớn; đặc biệt lồng ghép nội dung khiêu dâm với các chủ đề triết lý, xã hội, đả kích nhà thờ.

Ông theo chủ nghĩa tự do quá khích: con người không bị ràng buộc bởi các phạm trù đạo đức, luân lý hay tôn giáo. Trong những năm cuối đời, ông bị chính quyền bắt giam nhiều lần và bị giữ trong nhà thương tâm thần cho đến khi mất.

Những tác phẩm của ông, vốn bị cấm đoán, kiểm duyệt trong suốt thế kỷ 19, đã được nghiên cứu, phục hồi bởi công chúng vào thế kỷ 20. Phong trào Siêu thực đầu thế kỷ 20 từng coi Sade là một trong những người tiên phong trên “mặt trận bạo dâm”.


Chân dung Donatien Alphonse François de Sade (1740-1814)


“Masochism” bắt nguồn từ tên của một văn sĩ người Áo, Sacher Masoch (1836-1895). Trong các tác phẩm của mình, ông đã mô tả các hoạt động tình dục không bình thường mang đặc điểm của hành vi khổ dâm, do vậy mà về sau người ta đã lấy tên ông để đặt tên cho hội chứng này.

Có những phụ nữ và cả nam giới chỉ cảm thấy “sung sướng” khi bị người tình dùng roi “đánh đòn” hay thậm chí hạ bộ còn bị vùi dập dã man. Tuy nhiên, họ tìm thấy trong các hành động đó một sự “thỏa mãn tột cùng”.


Sacher Masoch (1836-1895)


Dĩ nhiên “sadism” hay “masochism” đều là những hình thức quan hệ tình dục có tính chất bất thường hay nói khác đi thuộc nhóm “biến thái về tình dục, vật chất”. Nếu so với “thú đau thương” của Lưu Trọng Lư chỉ thuần túy là những “niềm vui” về tinh thần mang nhiều thi vị.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts