Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

Quách Đàm và Chợ Bình Tây

Ra khỏi trại cải tạo, tôi bắt đầu cuộc “đổi đời” lần thứ hai. Trong khi chưa kiếm được việc làm ổn định thì một bà chị họ có sạp bán hàng trong chợ Bình Tây gọi ra giúp bà trông hàng. Đó là nghề mới, hoàn toàn xa lạ đối với một “sĩ quan Ngụy”.

 

Chợ Bình Tây ngày nay


Hàng ngày, tôi ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trước sạp để “trông hàng”, giá cả các mặt hàng hoàn toàn không biết, khách mua có hỏi thì chỉ biết hỏi lại bà chị. Việc trông hàng cũng không có lương nhưng mỗi buổi chiều bà chị đi chợ và chia xẻ bớt thức ăn để đem về nhà!

Thỉnh thoảng bà chị lại nói, “Chú Chính đem về cho các cháu... Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo...”. Thật đúng là cảnh “Lá rách đùm... lá nát”! Nói vậy chứ có hôm bà mua cả thịt, một thứ thuộc loại “xa xỉ” trong thời điêu linh.

Trong suốt thời gian ngồi trông hàng ngoài chợ tôi phải đi hai chuyến xe buýt mỗi ngày. Từ nhà đi xe Lăng Cha Cả - Sài Gòn, đến bến xe đối diện với chợ Bến Thành lại đổi xe Sài Gòn - Chợ Lớn mới tới được Chợ Bình Tây.

 

Chợ Bình Tây trên tấm bưu thiếp vào thập niên 1960

 

Chợ Bình Tây còn có tên bình dân là Chợ Quách Đàm, tên của một thương gia người Hoa (郭琰, 1863-1927), người bỏ tiền ra xây Chợ Lớn Mới khi chợ cũ (ở chỗ Bưu điện quận 5 ngày nay) bị hỏa hoạn thiêu rụi.

 

Chợ Lớn Cũ trước khi chợ Bình Tây được xây dựng. Vị trí khu chợ này hiện tại là Bưu điện Chợ Lớn


Chợ được xây xi măng cốt thép theo kỹ thuật phương Tây trong 3 năm, từ 1928 đến 1930, mới khánh thành. Chợ cũng mang đậm nét kiến trúc Tàu, mặt tiền có tháp chính giữa với 4 mặt đồng hồ, lại có cả “lưỡng long chầu châu”.

Mái chợ lợp bằng ngói âm dương, riêng mái ở các góc có nét uốn lượn theo kiểu chùa chiền Phương Đông. Chính giữa chợ có khoảng sân trời rộng rãi, thoáng mát được gọi là nhà lồng chợ, có đặt một bức tượng đồng Quách Đàm mặc bộ triều phục thời Mãn Thanh, đầu thắt bím và trên tay cầm bản đồ.

 

Tượng Quách Đàm, người sáng lập chợ Bình Tây

 

Tượng có 4 con giao long bằng đồng phun nước nhưng sau 30/4/1975 bức tượng Quách Đàm đã được dời về Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố. Thay vào đó là tượng bán thân của ông, có cả lư hương vì các chủ sạp thường đến lễ bái để cầu mua may bán đắt!

 

Ngày nay chỉ còn tượng bán thân Quách Đàm trong Chợ Bình Tây

 

Có điều bất ngờ là Quách Đàm lại xuất thân từ người buôn bán ve chai nghèo khổ, ngày ngày rong ruổi khắp đường phố, trên vai gánh hai chiếc giỏ tre. Có hôm Đàm còn bị phu vác lúa “móc túi” lấy giấy “thuế thân” để đòi tiền chuộc.

Người ta kể lại, sau này khi làm ăn khá giả, Đàm tìm bằng được kẻ đã móc túi mình, không phải để trả thù mà để mời về làm “cặp rằn”, tức là xếp nhóm phu vác lúa tại “chành” gạo.

Quách Đàm hút thuốc phiện cả đêm lẫn ngày khi đã làm ăn khấm khá nhưng có lẽ cũng nhờ thời gian nằm bên bàn đèn mà ông tính toán chuyện kinh doanh của mình. Ông chuyển từ nghề buôn bán ve chai sang nghề buôn da trâu, vi cá rồi lại mở “chành” gạo, giao thương với Tân Gia Ba (Singapore). Đàm còn mua đất vùng Bình Tây để dựng nhà lầu theo kiểu phố buôn bán.

Nhà buôn của Quách Đàm lập bảng hiệu "Thông Hiệp", trụ sở trên đường Quai de Gaudot, nay là đại lộ Khổng Tử. Sở dĩ có tên Thông Hiệp là do một ông thày Tàu cho 8 chữ “Thông thương sơn hải / Hiệp cán càn khôn”. Đàm lấy hai chữ đầu họp thành Thông Hiệp.

 

Tượng Quách Đàm sau 1975 được đem về Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố

 

Về sau, Đàm giàu quá, xoay ra đứng bảo lãnh cho các con nợ nhà băng. Mỗi lần xin chữ ký bảo chứng, phải chịu cho Đàm một phần huê hồng đã định trước. Gặp năm kinh tế khủng hoảng, các nhà buôn vỡ nợ không đủ sức trả tiền vay, nhà băng phát mãi tài sản, kéo nhà họ Quách sụp đổ theo.

Như đã nói ở trên, Quách Đàm qua đời năm 1927 khi mọi thiết kế về ngôi chợ Bình Tây phải đến một năm sau mới được tiến hành. Có thể nói, đám ma Quách Đàm lớn chưa từng có trong Chợ Lớn với đủ các ban nhạc Tây, Ta, Tàu và Miên. Khách đi đưa được chiêu đãi nước dừa hay bia, khi về lại còn được tặng một tờ “ngẫu”, tức 5 đồng bạc thời bấy giờ.

 

Khu Chợ Bình Tây chụp từ trên cao

 

Cũng là một duyên may, “được” ngồi trông hàng cho bà chị họ trong chợ Bình Tây mà tôi có dịp biết đến chuyện đời của Quách Đàm qua lời kể của các bạn hàng.

 

Bình Tây cho đến nay vẫn còn là một “chợ đầu mối”, bán theo giá sỉ và người mua thường đóng hàng từng kiện để chở về lục tỉnh.

 

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts