Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

Thế Uyên và “những người từ Tuyệt Tình Cốc”

Tháng 9/2012 tôi có một bài viết trên Blogspot với nhan đề “Ngôn ngữ Sài Gòn xưa: Lính tráng (2)” (xin xem tại https://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/ngon-ngu-sai-gon-xua-linh-trang-2.html).

Bài viết nói về các nhà văn quân đội VNCH, trong đó có Nguyễn Xuân Vinh (với “Đời phi công” và Thế Uyên với nhiều tác phẩm xoay quanh đời lính như “Mười ngày phép của một người lính”, “Tiền đồn”, “Đoạn đường chiến binh”, “Nỗi Chết Không Rời”... Trong bài có đoạn viết về Thế Uyên:

“Tôi biết Thế Uyên khi còn học tại Ban Mê Thuột. Khi đó ông lưu lạc đến cao nguyên đất đỏ trong vai trò một giáo sư dạy môn Công dân Giáo dục và Triết trước khi bị động viên vào khoá 14 Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, cùng một lượt với nhà thơ Thanh Tâm Tuyền.

“Thầy trò chỉ hơn nhau có 11 tuổi nhưng, đối với tôi, thầy Dũng mang dáng dấp của một người từng trải với điếu thuốc lúc nào cũng gắn trên môi. Thế Uyên, bút hiệu của thầy Nguyễn Kim Dũng, sinh năm 1935 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống văn học. Mẹ ông là em ruột nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, bà cũng là chị nhà văn Thạch Lam.

“Sau 1975, cũng như hàng trăm ngàn sĩ quan của miền Nam, ông bị đi tù cải tạo một thời gian, trước khi đến định cư tại Mỹ. Cách đây vài năm ông bị “stroke”, tê bại một nửa người, phải ngồi trên xe lăn để di chuyển trong nhà. Tuy nhiên, bằng một nghị lực phi thường, ông đã tập viết lại bằng tay trái, và đã viết bài cho các tạp chí văn học hải ngoại.

(hết trích)

 

Nhà văn Thế Uyên (1935-2013) qua nét vẽ của Đinh Cường

 

Mới đây, tôi gặp lại một bài viết của Thế Uyên trên trang “Sáng Tạo” có tựa đề “Những người từ Tuyệt Tình Cốc” trong đó tác giả kể lại cuộc gặp gỡ nhà văn nữ Túy Hồng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Hoàng Phủ Ngọc Tường, một trong những lãnh tụ sinh viên tranh đấu.

Thế Uyên và Hoàng Phủ Ngọc Tường quen nhau khi bắt đầu học ban Cử nhân Triết và ban Việt Hán năm thứ hai. Vóc người Tường nhỏ nhắn, đầy sức sống, thích tranh luận và dĩ nhiên là tràn đầy lý tưởng, muốn đóng góp tối đa cho dân tộc.

Cả hai thường bị các giáo sư “không ưa”, nhất là giáo sư Nghiêm Toản. Thầy Toản “trụ trì cửa ải bắt buộc phải đi qua” là chứng chỉ Văn chương Việt Nam tại Văn khoa. Không có chứng chỉ này, dù có đỗ tới đâu, cũng không được cấp bằng cử nhân.

Quan điểm văn học của giáo sư Nghiêm Toản quá cổ điển, quá khuôn sáo, đường mòn, có lẽ chỉ hợp với một thời “thái bình thịnh trị”. Dĩ nhiên là những thanh niên khó có thể ép mình vào khuôn sáo đó.

Sau khi ra trường, Tường trở về Huế dạy học, còn Thế Uyên đi con đường riêng với nhiều sóng gió để trở thành một người lính viết văn, hay là một nhà văn đi lính thì cũng thế.

Thời đó thế hệ thanh niên đều mê kiếm hiệp Kim Dung, đến độ không thiếu người cầm bút đã mượn tên các nhân vật của Kim Dung làm bút hiệu, và các bạn Huế mở một quán cà phê nhỏ, cũng đặt tên là Doanh Doanh. Gặp nhau tại “Tuyệt Tình Cốc”, một cái tên từ truyện của Kim Dung, Thế Uyên kể lại buổi gặp gỡ tại Huế: 

“Tuyệt Tình Cốc là một căn nhà tranh vách gỗ giản dị nằm sau một sân rộng. Cả ba gian nhà đã đầy người dưới các ánh nến chập chờn. Hầu hết là thanh niên, ngoại trừ ba người là nữ. Và người nữ lớn tuổi nhất nơi đây được Tường giới thiệu dưới cái tên Tuý Hồng.

“Tuý Hồng thì tôi biết vì mới đọc vài truyện ngắn đầu tiên của cô đăng trên Bách Khoa. Lối viết mạnh bạo, nhất là về địa hạt tình dục của cô gái này làm tôi thích thú – tôi vẫn nghĩ từ lâu tình yêu bao giờ cũng bao gồm cả tình cảm lẫn thân xác, viết văn mà chỉ lãng mạn nhìn nhau qua hoa lá cỏ cây thôi không đủ. Phải nhìn thấy và thèm muốn thân thể nhau nữa…

...

“Tường giới thiệu với tôi người bạn trẻ, nhỏ và gầy, đôi mắt dịu dàng sau làn kính cận, hầu như không nói gì từ lúc bắt đầu dù anh ngồi đối diện tôi. Đó là Trịnh Công Sơn.

“Lúc ấy nhạc của anh chưa được in ra, ở miền Nam chưa ai biết tới anh, kể cả tôi. Từ hôm tới Huế, Tường đã vài lần nhắc tới Trịnh Công Sơn và khen rất nhiều tài năng của người nhạc sĩ trẻ này. Tôi đã chỉ ừ à cho phải phép. Nhưng đêm nay, ngay sau khi Sơn ôm đàn hát lên một bài của mình về một vết lăn trầm, tôi đã thấy ma lực của lời cũng như nhạc...

(hết trích)

 

Chân dung Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Nhà văn Túy Hồng và Nhà văn Thế Uyên

 

Buổi gặp mặt “đầy sóng gió vì những bất đồng”, nhất là về sự tham chiến của quân đội Mỹ. Những người bạn xứ Huế đều ghét Mỹ, có thể nói ngửi thấy mùi Mỹ, trông thấy người Mỹ là họ “nổi gai”!. Khi đó, những người lính Mỹ muốn đến thăm Huế đã phải mặc thường phục theo yêu cầu của thượng cấp để khỏi chọc giận thanh niên nơi này. Thế Uyên viết:

“Tôi trình bày thẳng thắn là tôi và các bạn ở Sài Gòn cũng có chống Mỹ, nhưng là chống chính sách Mỹ đang áp đặt cho Việt Nam. Nói kiểu bây giờ, là chống cái policy của chính quyền Mỹ đang theo đuổi trong chiến tranh Việt Nam – thứ policy chắc chắn sẽ đưa miền Nam đến thảm bại trong tương lai. Cuộc chiến tranh này là của chúng ta mà, người Mỹ lúc này có mục tiêu tạm thời trùng hợp với Việt Nam Cộng Hoà, thì họ mang quân tới giúp mà thôi!”

Với tư cách bạn cũ, Thế Uyên đã hết sức khuyên Tường đừng phát động cuộc đấu tranh, bởi vì dù có lật đổ được tướng lãnh, đâu có thay đổi được tình hình. Ông cũng e ngại rằng sau khi thất bại, Tường và các bạn sẽ không còn đường chạy nào khác là ra ngoài mật khu với Mặt trận Giải phóng Miền Nam…

Thế Uyên cũng thuyết phục Tường nên tách thầy Trí Quang ra khỏi phong trào bởi vì trong những vị sư lãnh đạo thời đó, ông tuy có uy tín, có tài lãnh đạo, nhưng lại không có một chính sách nào đáng kể và dài hạn cho miền Nam. Về điểm này, Tường cương quyết lắc đầu vì anh cho rằng không có thầy Trí Quang, anh và các bạn trẻ sẽ không đủ sức phát động cuộc đấu tranh như mong muốn.

 

Hoàng Phủ Ngọc Tường

 

Sau 30/4/1975, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã cùng một số bạn sống sót trở về trong hàng ngũ của kẻ chiến thắng. Không rõ anh giữ những chức vụ gì ở ngoài Huế, chỉ thỉnh thoảng người ta đọc một vài ký sự hay truyện ngắn anh đăng trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội.

Và dĩ nhiên anh chẳng bao giờ liên lạc hay tới thăm Thế Uyên. Cái tệ của chủ nghĩa Mác Lê là ở chỗ đó. Đã không cùng một lý tưởng, thì cha mẹ anh em bạn bè cố tri cũng đều có thể coi như kẻ thù. Có hai nhân vật được Thế Uyên nói đến nhiếu nhất sau 30/4/1975:

“Trong những người từ “Tuyệt Tình Cốc” đêm đó đi ra, có hai người sau này danh tiếng lẫy lừng. Người thứ nhất là Tuý Hồng đã bỏ Huế vào Sài Gòn lập nghiệp, nhưng có một nếp sinh hoạt khác nên thỉnh thoảng tôi mới gặp lại ở các toà soạn báo Văn hay Bách Khoa.

“Người thứ hai là Trịnh Công Sơn. Sơn nổi tiếng nhanh không kém và danh tiếng phổ biến khắp quần chúng. Nhưng dù nổi tiếng như thế, tác phong anh vẫn giản dị như xưa. Tôi thỉnh thoảng gặp anh ở khu nhà tiền chế trong khuôn viên của trường Đại học Văn Khoa.

“Vẫn xềnh xoàng với chiếc áo sơ mi kaki hay trắng ngắn tay với chiếc quần không mấy khi thẳng. Sau này anh có thuê một căn gác nhỏ và khi tôi tới chơi đúng hôm trời mưa, thì mái dột tứ tung. Chủ và khách cứ việc thoải mái xê dịch sao mưa khỏi rơi trúng đầu là được.

“Tôi không biết các nhà xuất bản in nhạc anh, các nhà thu băng…có trả tác quyền anh khá không, chứ phần tôi, chưa bao giờ thấy anh có tiền nhiều một chút. Có thể nói anh không quan tâm đến tiền bạc, ngay chuyện tác quyền, anh cũng để các em đứng ra thay thế.

(Hết trích)

 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001)

 

Chỉ sau ngày Sài Gòn sụp đổ có vài hôm, Thế Uyên gặp Trịnh Công Sơn tại vỉa hè gần ngã tư Phan Thanh Giản-Lê Văn Duyệt. Hai người tay bắt, mặt mừng và Thế Uyên kể lại:

“Sơn than với tôi là anh đến Quận 3 để xin về Huế thì bị ban Quân Quản ốp, đòi xuất trình giấy tờ chứng tỏ là ngụy quân ngụy quyền. Mấy bộ đội nơi đây lý luận rằng ở hạng tuổi Sơn, nếu không đi làm công chức thì chắc chắn phải đi lính. Sơn đã giải thích rằng anh đã trốn lính và lần này bị ốp nặng hơn: “Giấy chứng nhận trốn lính của anh đâu?”.

Thế Uyên cũng có hỏi anh về vụ anh hát bài “Nối Vòng Tay Lớn” trên đài phát thanh những giờ đầu tiên miền Nam đổi chủ, anh cho biết là bạn bè ngoài khu về kiếm ra anh ngay, kéo lên xe đưa đến đài phát thanh. Không kịp về nhà lấy đàn, nên anh phải hát tay không...

Có một lần, Sơn đã tâm sự với Thế Uyên, giọng buồn rầu: “Đứa em chót của tôi vượt biên và đã tới Mỹ. Anh có biết nó viết thư cho tôi thế nào không, khi nó là đứa em gái tôi thương nhất. Nó bảo rằng anh Sơn ơi, từ giờ khỏi lo nhé. Bọn em kiếm dư tiền gửi về nuôi anh no đủ để tha hồ mà sáng tác cho đảng!” Nghe lời than này, tôi chỉ cười vì không biết nói sao”.

Thế Uyên hỏi đùa Sơn:

“Trước 75 anh bảo là anh đi trong bóng đêm, sau 75 vài năm thì anh bảo anh đi dưới ánh sáng mặt trời, vậy thì bây giờ anh đang đi dưới ánh sáng gì? Sơn nhìn tôi với đôi mắt vẫn hiền lành sau làn kính cận, không trả lời, quay lưng bỏ đi không một lời giã từ

Đó là lần cuối cùng Thế Uyên gặp Trịnh Công Sơn, một con người ra đi từ “Tuyệt Tình Cốc” năm xưa.

 

*** 

* Nguồn: https://sangtao.org/2016/07/14/nhung-nguoi-tu-tuyet-tinh-coc/


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts