Thứ Ba, 12 tháng 12, 2023

Góc nhìn của “Bên Thắng Cuộc” về Henry Kissinger

Bên Thắng Cuộc trong bài viết này là Trương Huy San (Osin Huy Đức), tác giả cuốn sách “Bên Thắng Cuộc” được xuất bản ngày 12/12/2012, tại Hoa Kỳ.

Khi Sài Gòn thất thủ năm 1975, Huy Đức chỉ mới 13 tuổi. Khi đó còn ở tít tận một vùng quê nghèo đói miền Bắc dưới Xã hội Chủ nghĩa. Huy Đức tâm sự trong “Mấy lời của tác giả” ngay phần đầu trang sách:

“Cuốn sách này bắt đầu bằng những câu chuyện xảy ra trong ngày 30-4-1975. Ngày mà tôi, một cậu bé mười ba, trước giờ học chiều, đang vật nhau ven đồi thì nghe loa phóng thanh truyền tin “Sài Gòn giải phóng”. Thay vì tiếp tục ăn thua, chúng tôi buông nhau ra.

“Miền Nam, theo như những bài học của chúng tôi, sẽ chấm dứt “hai mươi năm rên xiết lầm than”. Trong cái thời khắc lịch sử ấy, trong đầu tôi, một sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, xuất hiện ý nghĩ: phải nhanh chóng vào Nam để giáo dục các bạn thiếu niên lầm đường lạc lối”.

(hết trích)

Huy Đức cũng viết trên Facebook:

“Mình đặt tên sách là Bên Thắng Cuộc, lại còn đề dưới hai câu thơ của Nguyễn Duy, “Nghĩ cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh/Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”, vậy mà còn rất nhiều bạn xưng là “bên thắng cuộc”, nhiều bạn xưng là “bên thua cuộc”. Khi viết, tôi cứ tưởng các bạn là nhân dân”.

Cuộc chiến vừa qua để lại nhiều hậu quả khôn lường. Theo người viết bài này, quan trọng hơn cả, tàn tích của nó còn ảnh hưởng sâu đậm đến những thế hệ kế tiếp thuộc cả “bên thắng cuộc” lẫn “bên thua cuộc”. Không chỉ một thế hệ kế thừa mà còn cả những thế hệ tiếp nối sau đó. Điều này khiến người đọc rùng mình.

 

“Bên Thắng Cuộc” và những ý kiền nhận xét

 

Huy Đức, tên thật là Trương Huy San, sinh ngày 20/8/1962 tại Hà Tĩnh (về tuổi tác, tôi hơn anh đến gần 20 năm).  Anh nhận được Học bổng Nieman Fellowship tại Đại học Havard (Boston) và đã từng có 8 năm tham gia trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong đó hơn 3 năm ở Campuchia, thời kỳ chiến tranh biên giới Tây Nam với Khmer Đỏ.

Điều đáng nói, Huy Đức không được đào tạo qua trường lớp chuyên nghiệp về báo chí. Tất cả chỉ là mầy mò, học hỏi và tích lũy qua kinh nghiệm khi vào thực tế nghề báo. Đó cũng là điều người đọc cảm thấy “nể” khi đọc “Bên Thắng Cuộc”, một tổng hợp khối lượng thông tin và phỏng vấn khổng lồ trên trang sách.

Nhân ngày mất của Henry Kissinger (1923-2023), Ngoại trưởng Hoa Kỳ thứ 56 dưới thời Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford, Huy Đức đã có một bài viết trên Facebook với nhan đề “HENRY KISSINGER” để kỷ niệm ngày mất của nhà ngoại giao hưởng thọ 100 năm tuổi (29/11/2023).

Ngay từ đầu bài viết, tác giả Huy Đức nhắc lại cuộc phỏng vấn Kissinger ngày 10/3/2006 với nguyên văn như dưới đây:

“Ông có biết là từ mấy hôm nay, cộng đồng sinh viên vùng Boston, trong đó có cả những sinh viên đang học giáo trình ‘Ngoại Giao’ của ông, kêu gọi tổ chức biểu tình chống ông và gọi ông là ‘tội phạm chiến tranh’? Kissinger trả lời: “Tôi biết. Nhưng, liệu thế giới có như hiện nay nếu ngày ấy chúng tôi không làm như thế?”

 

Huy Đức và Kissinger. Hình chụp ngày 10-3-2006 (hình trên FB Truong Huy San)

 

Một trong những việc “làm thay đổi thế giới” của Henry Kissinger là tổ chức một cuộc gặp giữa Nixon và Mao Trạch Đông vào tháng 2/1972 tại Bắc Kinh . Sau buổi gặp gỡ, có một bữa tiệc chiêu đãi mà trong đó Trưởng phân xã Thông tấn Xã Việt Nam (TXVN) tại Bắc Kinh cũng được mời tham dự.

Tại Hà Nội, ông Lê Đức Thọ ra lệnh cho TTXVN làm “bản tự kiểm điểm” về việc tham dự buổi chiêu đãi. Huy Đức nhận xét:

“Đọc Bản Tự Kiểm mới thấy hết một thời ấu trĩ. Những hoạt động của các phóng viên TTXVN lúc ấy tại Bắc Kinh lẽ ra rất cần được khen thưởng vì nhờ những hoạt động như vậy mà những thông tin họ báo cáo về là rất có giá trị.”

 

Bản “Tự kiểm điểm” của TTXVN về viếc dự buổi chiêu đãi của Nixxon tại Bắc Kinh (hình trên FB Truong Huy San)

 

Theo ông Trần Phương, trợ lý ông Lê Duẩn, cho rằng “Lê Duẩn nói, chúng ta đã bị bán rẻ cho Mỹ để người Trung Quốc thay Đài Loan ngồi vào chiếc ghế ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”!

Hà Nội mong đợi Bắc Kinh giúp đỡ cuộc chiến của mình với “tinh thần quốc tế vô sản”, nhưng Bắc Kinh dùng cuộc chiến ấy để trả giá với người Mỹ. Washington không coi cuộc chiến ấy là “Chiến tranh Việt Nam” mà là xung đột giữa hai phe và bàn cờ mà họ chơi với Bắc Kinh là bàn cờ thế giới.

Ngay sau “Thông Cáo Thượng Hải”, ngày 27/2/1972 Thủ tướng Chu Ân Lai đến Hà Nội để giải thích chính sách mới của họ với người Mỹ. Nhưng theo Huy Đức, Lê Duẩn lại coi đó là việc “bán đứng Việt Nam”.

Ông nói: “Các đồng chí lấy xương máu của dân tộc Việt Nam để trả giá với Mỹ. Chúng tôi biết nhưng chúng tôi không sợ, chúng tôi sẽ đánh đến cùng và nhất định chúng tôi sẽ thắng”.

Huy Đức kể lại:

“Không chỉ phản ứng trong hội đàm, khi đưa tiễn Chu Ân Lai, thay vì đi cùng thầy trò Chu ra tận chân cầu thang máy bay, Lê Duẩn đã dừng lại ngay cửa nhà ga sân bay Gia Lâm. Các quan chức Việt Nam tất nhiên cũng phải đứng lại.

“Chu Ân Lai và người phiên dịch, Lương Phong, gần như phải lủi thủi bước lên máy bay đi về. Lương Phong, về sau nói với nhà ngoại giao Dương Danh Dy của Việt Nam rằng, hành động đó của ông Lê Duẩn là rất phản cảm”.

(hết trích)

“Thông Cáo Thượng Hải” là ví dụ điển hình trong cách hành xử của Bắc Kinh, “bất kể mèo trắng hay mèo đen”, nó đánh dấu một bước ngoặt giúp Trung Quốc bắt đầu những thập niên thịnh vượng.

“Trung Quốc mạnh lên càng khiến cho Kissinger bị chỉ trích. Trung Quốc mạnh lên không chỉ tăng khả năng “bá quyền” cho Bắc Kinh mà còn mang lại thịnh vượng cho người dân, thế giới bớt được 1,3 tỷ người nghèo khổ”, Huy Đức nhận xét.

Tác giả “Bên Thắng Cuộc” viết trong bài “HENRY KISSINGER” trên Facebook:

“Khi xung đột Bắc Kinh - Hà Nội bắt đầu hầm hập nóng trên báo chí, trên hệ thống loa phóng thanh, có một giai thoại bắt đầu lan ra: “Năm 1973, khi Kissinger tới Hà Nội, ông ta chỉ tay về phương Bắc, nói với Lê Đức Thọ, “Kẻ thù của Việt Nam ở phía này”.

Trở lại với cuộc phỏng vấn Kissinger ngày 10/3/2006, Huy Đức kể lại chuyện này và  hỏi Kissinger một câu khiến người được hỏi bật cười trả lời:

“Lê Đức Thọ dẫn tôi thăm Bảo tàng Lịch sử, ở đấy lúc đó có rất nhiều phần nói về cuộc chiến tranh của người Việt với người Trung Hoa, trong khi chưa có phần nào nói về cuộc chiến tranh với người Mỹ. Anh nghĩ, người Việt còn cần một lời khuyên từ tôi ư?”.

Nói xong, Kissinger hỏi Huy Đức "Are you from the North"… và sau đó kéo Huy Đức ra chụp ảnh!!!

 

rương Huy San phỏng vấn Kissinger tại Thư viện và Bảo tàng John F. Kennedy, ngày 10-3-2006 (hình trên FB Truong Huy San)

 

***

 

Phần thứ hai của bài viết “HENRY KISSINGER” có tựa đề “MÙA HÈ ĐỎ LỬA”, Phụ Lục Đánh & Đàm, BÊN THẮNG CUỘC, quyển II, Quyền Bính. Phần phụ lục này khá dài nên tác giả có lời khuyên “ai có thời gian thì hẵng đọc”.

Các bạn có thể tham khảo toàn bộ 2 phần của bài viết “HENRY KISSINGER” trên Facebook Truong Huy San tại:

https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/6730350180333439

 

***

 

* Tham khảo thêm “Đọc “Bên Thắng Cuộc” (1) – về tác giả Huy Đức” trên

http://chinhhoiuc.blogspot.com/.../oc-ben-thang-cuoc-1-ve...

  

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts