Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

Mẹ tôi

Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam trước 1975, có một bài hát đã từng đi sâu vào lòng người mỗi khi ca tụng Mẹ. Nhạc sĩ Y Vân đã trải hết lòng mình qua ca khúc Lòng Mẹ với những câu:


“Lòng Mẹ bao la như biển Thái Ɓình rạt rào,

Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào,

Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.

Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ уêu.

 

“Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu.

Tình Mẹ уêu mến như làn gió đùa mặt hồ.

Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ.

Ɲắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ...”


(Mời nghe Lòng Mẹ qua tiếng hát Thái Thanh https://www.youtube.com/watch?v=Y2A1UqCU_TI)

 

Gia đình tôi vốn theo truyền thống của một số người miền Bắc nên dùng chữ Cậu thay cho Cha và Mợ thay cho Mẹ. Đến khi vào miền Nam, năm 1953 trước cuộc di cư chính thức mãi tới 1 năm sau, thói quen vẫn không thay đổi trong cách xưng hô với Cha Mẹ. 

Cũng như bao bà mẹ Việt Nam khác, Mẹ tôi chỉ là một người phụ nữ bình thường của thời tiền chiến. Sinh trưởng tại miền Bắc nên răng nhuộm đen theo “mốt”, đầu tóc thường vấn khăn, có đi đâu ra ngoài khi tiếp xúc với xã hội thì thêm một chuỗi hạt ngọc xanh lam trên cổ.

 

Mẹ tôi, một phụ nữ miền Bắc thời tiền chiến. Hình chụp tại Hà Nội

 

Bố tôi là một “quân nhân chuyên nghiệp”, xuất thân từ trường Thiếu sinh quân (Enfant de Troupe), rồi trải qua cả hai nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa. Một lý lịch tương đối “phức tạp” đối với Chính quyền Cách mạng nhưng cũng may, khi đó ông đã về hưu nên không bị “dính” vào chuyện Cải tạo!

 

Hình Bố Mẹ tôi chụp tại Hà Nội

 

Phải nói Mẹ tôi đúng là điển hình của phụ nữ miền Bắc với thói quen ăn trầu, mà bà thường gọi là “ăn giu”. Không đơn giản như chuyện hút thuốc ở đàn ông, việc ăn trầu của các bà rất “nhiêu khê” với các “phụ tùng” như lá trầu không, cau tươi hoặc khô, vôi trắng hoặc hồng...

Tất cả những thứ đó được đựng trong một cái mà Mẹ tôi gọi là “cơi trầu” kèm với một bình vôi nhỏ có nắp được gắn thêm một thanh nhọn gọi là “chìa vôi” để “têm trầu”. Ăn trầu phải nhả bã nên lại phải có “ống nhổ” để đựng.

Đã có lần tôi tò mò hỏi Mẹ rằng ăn trầu có gì vui? Bà trả lời, cũng tương tự như đàn ông hút thuốc, người nhai trầu cảm thấy cay cay và sau đó lại thấy hơi... say say!

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương chỉ trong 4 câu thơ trong bài Mời Trầu có thể tóm lược việc ăn trầu nhưng cũng không kém phần trách móc, dí dỏm:

 

“Quả cau nho nhỏ, miếng trầu ôi,

Này của Xuân Hương đã quệt rồi.

Có phải duyên nhau thì thắm lại,

Đừng xanh như lá bạc như vôi.”

 

“Bộ đồ nghề” ăn trầu của Mẹ tôi!

 

Công việc hàng ngày của Mẹ chỉ quanh quẩn bên đàn con 6 đứa nhưng chỉ còn giữ được 3 vì ông anh trưởng đã mất tại Mỹ, em trai tôi đã mất tại Hà Nội lúc 3 tuổi và thêm một lần Mẹ lại khóc cho cô con gái út ở Ban Mê Thuột khi mới ra đời!

Mãi cho đến khi gia đình theo bố vào Đà Lạt cùng đoàn Ngự lâm quân của Vua Bảo Đại mẹ tôi mới bắt đầu có một sạp nhỏ buôn bán mũ mỉ, loại mũ phớt (feutre) dành cho đàn ông rất thịnh hành trên xứ lạnh. Hồi đó chưa có Chợ Đà Lạt với tầng lầu đồ sộ như ngày nay mà chỉ mới có “Chợ Cây” tạm thời.

Việc buôn bán mặt hàng “mũ feutre” trên xứ lạnh phải nói là “một ý tưởng kinh doanh độc đáo” vì Đà Lạt chưa khai thác mảng kinh doanh này. Mũ được chở từ một cơ sở sản xuất ở tận Sài Gòn, khách mua hàng là các ông kéo tới mua rất đông.

 

Mặt hàng kinh doanh của Mẹ tôi - Mũ nỉ hay còn gọi là Mũ Feutre dành cho các ông

 

Tôi còn nhớ ngày xưa mẹ tôi rất tin vào việc bói Kiều, một hình thức giải quyết những thắc mắc, hồ nghi qua bói toán dựa vào Truyện Kiều. Đặc biệt, ngày đầu năm là dịp để bói Kiều với khởi đầu là lời khấn vái thành kính:

 

“Lạy vua Từ Hải

Lạy vãi Giác Duyên

Lạy tiên Thuý Kiều”

 

Miệng lâm râm khấn, tay cầm Truyện Kiều với ước nguyện điều mong mỏi. Hai ngón tay cái mở Truyện Kiều một cách ngẫu nhiên, ngón tay nằm ở dòng nào thì 4 câu Kiều trong truyện tương ứng với quẻ bói.

 

Truyện Thúy Kiều – Nguyễn Du

 

Một thú tiêu khiển có phần độc đáo của Mẹ tôi là... đánh chắn, một trò chơi bài nổi tiếng ở miền Bắc! Ngay từ hồi còn bé, Mẹ đã có nhiệm vụ chia bài cho các cụ chơi, bài chắn có tổng cộng 120 cây xếp theo hàng “Văn, Vạn, Sách” được chia thành 4 tựu và 1 tựu làm “nọc” để trên đĩa.

Người thắng cuộc là người có “bài ù” và không vi phạm luật, sau khi ù người chơi phải xướng các cước có trên bài để tính điểm. Việc xướng “bài ù” cũng rất nhiêu khê với các thật ngữ như “Thông, Tôm, Lèo...”. Xướng sai có thể bị “ù chèo đò” có nghĩa là... không ăn tiền!

Đúng là theo truyền thống gia đình, thoạt đầu tôi cũng giữ chân chia bài rồi sau này, khi “hội chắn thiếu chân” lại còn được ngồi cầm bài để chơi với bố mẹ và những người thân, hoàn toàn chỉ có tính cách giải trí chứ không ăn thua về tiền bạc.

 

Bộ bài Chắn

 

Ôi... những kỷ niệm về Mẹ bỗng nhiên cứ ùa về! Tôi bỗng thấy mình quá nhỏ bé bên mẹ dù đến nay trên đầu đã hai thứ tóc!


 *** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts