“Ngán thay cái mũi vô duyên,
Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An”
Thi ca và nước mắm tưởng chừng như chẳng bao giờ gặp nhau. Một đằng là những gì tinh túy nhất của văn chương chữ nghĩa cao sang… còn một đằng thì bình dân trần tục, thường xuất hiện trong bữa ăn truyền thống của gia đình người Việt!
Ấy thế mà thi ca và nước mắm lại kết hợp với nhau, nhuần nhuyễn qua tài nghệ của một nhà thơ “sinh bất phùng thời” Cao Bá Quát. Họ Cao phải bịt mũi mỗi khi “bị” nghe thơ của thi văn đoàn do các ông Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương thành lập và ông đưa ra câu ví von, thơ chẳng khác gì những con thuyền chở nước mắm của xứ Nghệ An!
Bài viết này không bàn về thơ hay hoặc thơ dở mà chỉ bàn về nước mắm qua thi ca Việt Nam từ ngàn xưa tới giờ. Trước hết, chúng ta đi vào kho tàng ca dao:
“Nạ dòng vớ được trai tơ
Đêm nằm hí hửng như vơ được vàng
Trai tơ vớ phải nạ dòng
Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu”
Đối với những người “nghiện” nước mắm thì đây là thứ nước chấm “tuyệt vời”, nhất là còn pha thêm chanh ớt, đường tỏi. Mỗi móm ăn lại có loại nước mắm riêng, để ăn bánh bột lọc miền Trung thì phải làm nước mắm mặn nhưng bánh hỏi của miền Nam lại phải có nước mắm ngọt. Nhà nghèo thì dùng nước mắm kho quẹt đến độ con cá gỗ dầm trong nước mắm chỉ để… mút cá mà vẫn thấy ngon!
Nhưng không phài chỉ người Việt mới dùng nước mắm vì loại nước chấm này còn được sử dụng ở Thái Lan với tên gọi là “nam pả”, ở Phi Luật Tân là “patis”, Nam Dương là “kecap ikan”, Triều Tiên là “yeotagal”, miền Nam Trung Hoa là “yu lu” còn Nhật Bản là “shottsuru”.
Nước mắm được dịch là “fishsauce” trong tiếng Anh, “la saumure” trong tiếng Pháp nhưng thực ra chỉ có một số ít người Phương Tây chịu nổi “cái mùi thum thủm” của nước mắm. Chẳng qua là vì nước mắm có mùi rất nặng nên nhiều người nước ngoài không thích.
Nhưng vẫn có những
“ông Tây, ông Mỹ” sau một thời gian ở Việt Nam, lấy vợ người bản xứ, đã nghiện nước
mắm và trờ thành “Tây Nước Mắm”. Chẳng hạn như nhà thơ Mỹ, Bruce Weigl, từng đi
quân dịch ở Việt Nam đã tự nhận mình là… “đại
sứ nước mắm“.
Bruce Weigl thường cho nước mắm vào món ăn và được bạn bè khen ngon! Khi trở về Mỹ, ông thèm nước mắm quá, lúc đó nước mắm Việt Nam chưa được xuất khẩu nên loay hoay tự làm nước mắm trong sân. Mùi nước mắm đã làm cảnh sát sục đến nhà vì hàng xóm báo có mùi… “kỳ lạ”.
Ông Didier Corlou, từng là đầu bếp chính của khách sạn Sofitel Metropole Hanoi, đã từng tuyên bố: “Nước mắm, một loại gia vị thần kỳ, sợi dây xuyên suốt nền ẩm thực Việt Nam từ Bắc vào Nam, đó là tinh túy của biển”.
Nhà hàng hải người Anh, William Dampier, trong chuyến ghé Đàng Ngoài năm 1688 có ghi lại cách sản xuất nước mắm khi ngư dân trộn cá với muối và nước rồi nén trong hũ đậy kín. Sau một thời gian, xác cá nhừ nát ra thì người Việt gạn ra phần nước dùng, gọi là “nuke-mum” (nước mắm).
Christophoro Borri, nhà truyền giáo Phương Tây đến xứ An Nam và viết một bản tường trình năm 1621 gửi về La Mã. Ông viết:
“Đàng Trong có bờ biển dài nên dân chúng đánh cá quanh năm. Họ còn đánh cá để làm nước mắm dùng cho bữa ăn. Họ dự trữ nước mắm trong nhà như người phương Tây trữ rượu vang trong hầm lạnh.
“Họ chuyên chú đánh cá chủ yếu là vì thứ nước cá này dùng một mình thì không nuốt được, nhưng được dùng để gợi lên hương vị và kích thích tì vị để ăn cơm vốn nhạt nhẽo và không có mùi vị nếu không có thứ nước đó…”.
Dĩ nhiên nước mắm làm từ cá nhưng nhiều loại cá khác nhau. Trờ lại với ca dao, ta có nhiều loại cá để làm nước mắm:
“Nước mắm ngon dầm con cá liệt
Em có chồng nói thiệt anh hay”
“Nước mắm ngon dầm con cá trắng
Thấy em làm dang nắng anh thương”
“Nước mắm ngon dầm con cá bẹ
Anh biểu em rình, lén mẹ qua đây”
“Nước mắm ngon dầm con cá đối
Em biểu anh chờ để tối em qua”
Ngưới ta còn ca tụng
nước mắm và xem đó là món “quốc hồn, quốc túy”:
“Đã là đân Việt ở đời
Không ăn nước mắm không đời nào khôn
Đến Võ Đang ở Côn Lôn
Còn ăn nước mắm múa côn múa quyền”
Nhà thơ Đỗ Trung
Quân, “Quê hương là chùm khế ngọt”,
đã thổ lộ hết tấm chân tình đối với món… “nước
mắm quê hương”:
“Đời ta chẳng thể đi xa
Nơi không nước mắm là ta đi về
Bảo nhà quê - thì nhà quê
Nơi không nước mắm ta về nhà ta
Chân trời lạ - chân trời xa
Để người trẻ tuổi thay cha đi giùm
Mẹ ta những rạ cùng rơm
Thơ ta vắt giọt cá cơm mà thành...”
Trong nghề làm nước
mắm, người ta có những tên gọi riêng để phân biệt: “Nước đục” là nước từ cá chảy
ra trong ngày đầu tiên muối cá, còn đục máu cá, được đổ lại vào thùng ướp cá. “Nước
bổi” là các lượt chất lỏng được tạo thành do sự phân hủy cá, chảy ra trong thời
gian đầu mới muối, chưa phải là nước mắm, cũng được đổ lại thùng cá.
Cuối cùng mới ra nước mắm nhỉ, nước mắm kéo lù, nước mắm cốt: đó là loại nước mắm được hứng từ các giọt đầu tiên nhỉ ra từ lỗ thông nằm gần sát đáy thùng chứa. Khi những giọt nước mắm này rỉ ra thì người ta biết nước mắm đã thành.
Nước mắm nhỉ có độ đạm cao, vị mặn nhẹ, màu vàng trong, mùi thơm đặc biệt, được các nhà sản xuất để giành một ít dùng riêng. Đặc biệt nước mắm nhỉ nguyên chất này dù không có chất bảo quản, cũng có thề để lâu cả chục năm mà không hề hấn gì, màu chỉ sậm đi và mùi thơm không còn bốc như lúc mới nhỉ.
Muốn chở được nước
mắm đi khắp Việt Nam từ hồi xa xưa, người Phan Thiết đã chế ra “cái tĩn” bằng đất
sét trên có nắp đậy, rồi hàn lại bằng thứ keo gồm đặc biệt, mỗi tĩn nặng 3,7
lít, bên ngoài buộc dây lá để xách hoặc khiêng...
Chủ các hãng nước mắm
thường thuê các cô mười tám, đôi mươi, khỏe mạnh, dẻo dai để gánh một lúc từ 6 -
10 tĩn lên ghe. Các cô mặc áo bà ba, quần lãnh đen, khi gánh nặng, mồ hôi làm ướt
áo quần, dán vào đôi trái đào tơ mơn mởn khiến các chàng trai trên ghe mê mẩn.
Thế mới có câu:
"Nước mắm ngon còn dầm con cá đối,
Em chữa có chồng nói dối làm chi!"
Hiện nay có gần
3.000 cơ sở lớn nhỏ trong cả nước làm nước mắm theo cách “ủ chượp”: rửa sạch
cá, ướp muối, rồi bỏ vào trong những cái vại bằng đất. Đó là chưa kể nước mắm tại
gia mà mấy bà nội trợ ở Sài Gòn ra chợ mua cá, nhét vô lu chượp muối. Làm một
lu nước mắm, ăn cả năm không hết, vừa ngon lại vừa an toàn vì không có chất phụ
gia.
Gân đây có xảy ra
cuộc chiến giữa “nước mắm truyền thống”
và “nước mắm công nghiệp”. Bà cựu chủ
tịch Hội nước mắm Phú Quốc vốn hiền lành và ỏn ẻn kiểu nhà quê, nhưng trong một
buổi hội thảo về nước mắm bà đã lên tiếng bênh vực mước mắm truyền thống trước
luận điệu xuyên tạc… “nước mắm thạch
tín”.
Để kết thúc bài viết
này, xin mời các bạn thưởng thức một bài thơ mà chúng tôi không biết tên tác giả.
Thơ rằng:
“Cuối cùng chốt thế này luôn
Đã ăn nước mắm phải yêu nước nhà
Hãy nhớ lời của ông bà
Cá không ra mắm thì là… cá ươn!”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét