Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

Chơi “lấy tiếng” hay “mang tiếng”?

Dân gian ta có câu nói “chơi lấy tiếng”, nôm na là tự khoe mình trước mọi người. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp “chịu chơi quá mức” lại hóa ra “lấy tiếng” chẳng thấy đâu mà chỉ đem lại điều... “mang tiếng”!

Thế giới hiện đang nổi lên một cuộc chơi lớn trong lãnh vực thể thao, đó là Thế vận hội mùa đông năm 2022 tại Trung Quốc. Dĩ nhiên, nước chủ nhà phải nhân cơ hội này để quảng bá cho một nước đang trên đường tiến lên cùng với các cường quốc về cả chính trị và xã hội, kể cả thể thao.

 

Beijing 2022

 

Trong lễ khai mạc “Beijing 2022”, hai nhà lãnh đạo vốn thân thiết với nhau là ông Tập Cận Bình và ông Vladimir Putin đã thân mật nắm tay nhau. Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế, Thomas Bach, đã ca ngợi đây là "lễ hội của hòa bình”.

Ông Tập hiện đang là “đối tượng” mà các nước Phương Tây đặt vấn đề về nhân quyền ở Tân Cương và các nơi khác. Trong khi đó ông Vladimir Putin lại là đề tài của cuộc khủng hoảng giữa nước Nga và Ukraine!

 

Tranh biếm họa Putin và Tập

 

Hoa Kỳ và một số nước Phương Tây như Úc, Canada, Anh... cùng nhiều nước Châu Âu đã "tẩy chay ngoại giao" (diplomatic boycott) để phản đối tình hình diễn ra với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Trong khi bộ máy truyền thông Trung Quốc lại cho rằng Mỹ đang cố gắng làm suy yếu Trung Quốc bằng cách “chính trị hóa thể thao”.

“Tẩy chay ngoại giao” là sẽ không có các viên chức quốc gia tham dự các buổi lễ khai mạc cũng như bế mạc. Chẳng hạn như Ấn Độ là quốc gia cử một vận động viên duy nhất tham gia thế vận lần này, cuối cùng lại tuyên bố không dự Lễ khai mạc khi phát hiện Thượng tá Kỳ Phát Bảo, người chỉ huy cuộc xung đột với Ấn ở biên giới năm 2020, có mặt trong đoàn cầm đuốc!

 

Kỳ Phát Bảo, người chỉ huy trận đành biên giới Trung-Án năm 2021, đã tham gia trong đoàn cần đuốc Beijing 2022

 

Lễ khai mạc Beijing 2022 diễn ra “khiêm tốn” hơn so với năm 2008 với khoảng 3.000 vận động viên biểu diễn trên một phông nền đầy màu sắc của đèn laser so với 15.000 người vào năm 2008. Nhưng không phải chỉ có vậy vì còn nhiều chuyện “mang tiếng” đã xảy ra.

 

Đêm khai mạc Beijing 2022

 

Hai tấm Huy chương vàng của đoàn Trung Quốc ở môn trượt băng tốc độ cự ly ngắn đã gây tranh cãi lớn. Ở nội dung đội tuyển tiếp sức 2000m, Trung Quốc vượt qua vòng bán kết sau tranh cãi với 2 đội Mỹ và Nga.

Cả ba đội tuyển có những va chạm trên đường đua nhưng cuối cùng trọng tài chỉ quyết định loại 2 đội Mỹ và Nga. Ở vòng chung kết, đội Trung Quốc về đích nhanh hơn đội Italia chỉ 0,016 giây và giành tấm HCV.

 

Huy chương Beijing 2022

 

Sang đến nội dung 1000m đơn nam, những vụ việc gây tranh cãi lớn hơn đã xảy ra. Hwang Dae-heon, niềm hi vọng vàng của Hàn Quốc và là người giữ kỷ lục Olympic lẫn thế giới, bị loại tại vòng đua bán kết.

Theo thông báo từ tổ trọng tài, Hwang Dae-heon đã mắc lỗi “vượt muộn trái phép dẫn đến va chạm”. Đoạn băng quay chậm cho thấy tay của VĐV Trung Quốc và chân của Hwang Dae-heon đã va quệt với nhau trong quá trình thi đấu.

Cũng vẫn chuyện Hàn Quốc: Trong lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh hôm 4/2, một cô gái mang cờ Trung Quốc mặc bộ váy màu hồng và trắng giống hanbok, trang phục truyền thống của Hàn Quốc, xuất hiện cùng nhóm nghệ sĩ biểu diễn đại diện 56 dân tộc của Trung Quốc. Hình ảnh này khiến các chính trị gia, nhà hoạt động và công chúng Hàn Quốc tức giận.

 

Cô gái mặc trang phục giống hanbok của Hàn Quốc trong lễ khai mạc Beijing 2022

 

Chuyện ăn uống của các vận động viên cũng bị “săm soi” rất kỹ, nhất là tại các khu vực cách ly. Nói chung họ than thở là “thiếu ăn”, khẩu phần ăn không đủ chất dinh dưỡng cho việc thi đấu. Một số đoàn còn phải kêu gọi “cứu đói” từ nước của mình để thêm năng lượng cho các cuộc tranh tài!

 

Một phần ăn dành cho các vận động viên tham dự Beijing 2022

 

Ngay cả chuyện “thâm cung bí sử” của vận động viên cũng được dân mạng bàn tán rôm rả. Điển hình là trường hợp vận động viên trượt băng nghệ thuật của Trung Quốc tên Zhu Zi thật ra là cô gái có tên Beverly Zhu, sinh trưởng tại California, đã được nước Mỹ đào tạo trước đó nhưng rồi đến năm 2018 lại nhập quốc tịch Trung Quốc!

Chưa hết, chuyện của Zhu Zi được kết thúc với màn “giấc mơ được nổi tiếng tại Hoa Lục với hơn 1 tỉ 4 người đã tan thành mây khói” khi cô bị té mấy lần trên sân băng khiến cho điểm số của đội Trung Quốc bị xuống thấp.

Quả là một hiện tượng "ăn cây táo Mỹ, rào cây táo Tàu”... Gạch đá của dân Hoa Lục ném tới tấp về phía cô gái 19 tuổi Zhu Zi mà có người gọi là... “ăn cháo đá bát”.

 

Vận động viên trượt băng nghệ thuật Zhu Zi (Beverly Zhu) ngã trong khi thi đấu

 

Beijing 2022 khai mạc ngày 4/2 và đến ngày 20/2 mới bế mạc với sự tham gia của khoảng gần 2.900 vận động viên đại diện cho 85 quốc gia. Từ đây đến ngày bế mạc cũng còn lâu nên không biết còn chuyện gì sẽ xảy ra.

Mong rằng chuyện “chơi lấy tiếng” của anh bạn láng giềng “4 Tốt và 12 chữ Vàng” của chúng ta sẽ không biến thành “chuyện mang tiếng” trong lãnh vực thể thao nữa!

Mong lắm thay!

 

Bảng tổng sắp 10 quốc gia đạt huy chương cao nhất tại Beijing 2022

 ***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts