Thứ Ba, 17 tháng 12, 2019

Ngôn ngữ qua văn chương – Phương ngữ Nam bộ

Tiếp tục cuộc hành trình ngôn ngữ qua văn chương, chúng ta xuống miền Nam mang đặc thù của vùng sông nước Cửu Long để tạo một sắc thái riêng biệt. Tạm gọi đó là Phương ngữ Nam bộ với các tác phẩm được sáng tác từ những năm 1910.

Một số nhà bình luận văn học thường coi tác phẩm “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách, ra đời tại miền Bắc năm 1922, là khởi thủy của tiểu thuyết hiện thực Việt Nam nhưng thật ra miền Nam đã đi tiên phong trong lãnh vực này với nhà văn Hồ Biểu Chánh (1885-1958) qua tác phẩm “Ai làm được” xuất bản năm 1912.


Cốt truyện “Ai làm được” xảy ra tại Cà Mau năm 1894. Ông Bạch Khiếu Nhàn là người giàu có, tuổi đã quá lục tuần, sanh được một cô con gái và gả cho Tri phủ sở tại. Sau khi sanh cháu ngoại Bạch Tuyết, con gái ông lại qua đời một cách bí ẩn.

Từ khi con gái ông bất hạnh, ông tủi phận “thon von” (theo phương ngữ Nam bộ là đơn chiếc, cô đơn) nên ít muốn đi chơi, cứ “lui cui” ở nhà hoặc sửa “kiểng” (cây cảnh) xem hoa, hoặc uống trà đọc sách.

Một buổi chiều năm 1894 ông “thủng thẳng” đi dọc theo mé sông Cà Mau hóng mát và ghé vào một quán nước. Tại đây, ông Bạch Khiếu Nhàn gặp một người trai, theo mô tả của Hồ Biểu Chánh:

“… trạc chừng mười bảy, mười tám tuổi, đương ngồi tại bàn gần cửa mà viết. Ông thấy người miệng rộng, môi dầy, vai ngang, trán chợt, tóc hớt cụt, mắt rạng ngời, tư cách nghiêm trang, mặt mày sáng rỡ, tuy y phục tầm thường mà hình dung không phải như người thường...”

Đó là Phan Chí Ðại, từ Vĩnh Long xuống kiếm việc làm. Thấy chàng là người hiếu nghĩa nên Bạch Khiếu Nhàn mời về ở nhà mình. Ông gọi Chí Đại một cách thân mật là “trò em” với ngụ ý cậu em học trò. Hai người thường hay bàn luận văn chương, chữ nghĩa cũng như chuyện nhân tình thế sự. “Trò em” đã có lần tâm sự tâm sự cùng ân nhân:

“Chẳng giấu chi bác, khi ông thân cháu khuất rồi, nhà nghèo, mẹ góa con thơ, gian truân nhiều nỗi. Ông Nhiêu Lang là anh em bạn thiết của ông thân cháu thấy vậy động lòng, mới cho lúa cho mẹ con cháu ăn rồi giúp tiền cho mẹ cháu làm vốn mua bán trầu cau đặng kiếm lời độ nhựt.

“Khi cháu được bảy tuổi ông đem cháu về mà dạy học chữ nho, cháu học tới 12 tuổi thuộc hết bộ Minh Tâm và bộ Tứ Thơ, rồi ông nói với cháu, đời nầy chữ nho để mà lập chí, không phải để lập thân, ông mới đem cháu mà gởi ở nhà người quen của ông là Hội Ðồng Viễn tại Vĩnh long, đặng cháu vào trường nhà nước mà học chữ Tây.

“Ông Hội Ðồng Viễn giàu có lớn, nên cháu ở đậu ông không ăn tiền ăn. Ông lại nói ông có một đứa con mà thôi, nó cũng học tại trường tỉnh nếu có cháu ở thì đi học với con ông cho có bạn. Phận cháu nghèo khổ, nghe ông Nhiêu Lang nói “phải học chữ Tây lập thân mới đặng”, thì cháu quyết rán mà học, dầu khó nhọc cho mấy cháu cũng chẳng nệ. Tới giờ thì cháu đi học, mãn giờ về thì cháu phải giúp việc trong nhà hoặc lấy trầu cho khách ăn, hoặc nấu nước cho ông Hội Ðồng.

“Cháu ở đó trọn năm năm, thiệt là cực khổ: đi học phải ôm sách vở cho cậu Hai Khanh là con ông Hội Ðồng, về nhà thì giặt áo quần cho cậu, ăn cơm thì ăn chung với mấy đứa ở, ngủ thì ngủ dưới nhà sau. Tuy cực khổ mà cháu không buồn; cháu có lo một điều là lo cho bà thân cháu ở nhà không biết ấm lạnh no đói thế nào.

“Lâu lâu ông Nhiêu lên Vĩnh Long bổ thuốc một lần, mà lần nào ông cũng ghé thăm cháu và cho đôi ba cắc bạc ăn bánh. Bây giờ nhắc lại cháu còn cảm thương ông Nhiêu, ông cho cháu hai cắc bạc, cháu vui mừng cũng bằng thiên hạ họ được hai trăm đồng.

(hết trích)

Hồ Biểu Chánh diễn tả sự tốt bụng của ông phú hộ qua những câu nói đầy tình người khi biết Chí Ðại là trai “có hiếu, có nghĩa, có chí, có nết” nên đem lòng thương:

“Tôi thấy trò em côi cút, đã có khiếu thông minh, mà lại cò lòng trung hậu nên tôi thương. Tôi tính như vậy là muốn cho trò em có chỗ làm ăn đặng gần gũi với tôi chơi cho vui. Thôi, trò em nghỉ đi, để sáng mai tôi cho trẻ ra quán xách đồ hành lý đem vô đây mà ở. Học trò mà ở quán xá như vậy, đã cực khổ mà lại khó coi lắm.”

Ông Bạch Khiếu Nhàn còn xin cho chàng làm “thầy ký bạ điền” (chức thư ký lo về hồ sơ ruộng đất) tại dinh Tri phủ, vốn là con rể của ông. Chí Đại đã thông mình mà lại còn biết tiếng “Lang Sa” (tiếng Pháp) nên được quan Tri phủ trọng dụng.

Quan Phủ mới vừa bốn mươi bốn nhưng vì có hút thuốc phiện nên hình vóc gầy mòn, “nước da huỳnh đản, bộ coi như người già năm mươi lăm tuổi”. Vợ trước ông là con gái Bạch Khiếu Nhàn, chết để lại một đứa con gái tên là Lê Bạch Tuyết, năm nay đã được mười bảy tuổi.

Bà vợ sau tên là Nguyễn Thị Phường, vốn con của một ông Hương Thân ở Ðầm Dơi, mới hai mươi bảy tuổi, dung nhan đẹp đẽ, ăn nói khôn lanh… nhưng lại là người tham lam, bà ta biết nếu ông chết thì Bạch Tuyết là người cháu ngoại duy nhứt sẽ hưởng trọn gia tài nên bèn nghĩ kế gả nàng cho cháu ruột của bà.

Bạch Tuyết vốn nghi ngờ dì ghẻ đã giết mẹ nàng để giựt chồng và lại, Bạch Tuyết cũng “thầm yêu” Chí Ðại, nên bà mẹ ghẻ không bằng lòng. Bà còn tìm cách nói quan Phủ đuổi Chí Ðại đi khỏi Cà Mau để chia rẽ.

Trong thời gian ông ngọai đi về miền Trung, Bạch Tuyết bỏ nhà trốn theo Chí Ðại và nuôi chí báo thù cho mẹ. Hai người lên Sài Gòn ở khu vực Cầu Kiệu tìm việc làm nhưng cuộc sống gặp nhiều khó khăn, đứa con sanh ra vì không đủ tiền mua thuốc phải chết oan ức.


Rất nhiều tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh đã đi vào điện ảnh

Những mảnh đời của người Lục Tỉnh trôi dạt lên Sài Gòn được Hồ Biểu Chánh mô tả rất kỹ và rất thực. Ta hãy nghe Bạch Tuyết nói chuyện với một cô gái Lục Tỉnh tên Băng Tâm “ngơ ngơ, ngáo ngáo” lên Sài Gòn “hoa lệ”  tìm người quen. Ông viết với phương ngữ Nam bộ:

“Chẳng giấu cô làm chi, tôi cũng là người Lục tỉnh lưu lạc lên trên nầy ở đậu nhà bà Sáu bán cháo đậu đây mà may mướn, chớ không phải tôi là người Sài Gòn đâu. Cô đừng ngại chi hết. Tôi thấy cô bợ ngợ cũng như tôi lúc mới lên lần đầu, nên tôi thương tôi biểu giùm cho, chớ không phải có ý chi khác. Ở đất nầy điếm đàng lung lắm. Không hại gì mai cô đi kiếm không được, trở lại đây mà nghỉ. Cô đừng có tin người ta mà lầm chết đa!”

“Tới lễ Chánh Chung [lễ cách mạng Pháp, ngày 14 tháng 7], hai chị em nghe lời bà Sáu nói việc “diễn binh“ ngộ lắm, mới năn nỉ bà nghỉ bán một bữa đặng dắt giùm hai chị em đi coi.

“Hai chị em đi coi với bà Sáu lên tới Nhà Thờ, thì gặp một chú mái chín cứ theo chọc ghẹo hoài. [mãi tấn hay mãi tiến đọc theo âm Triều Châu thành mái chíng, sau khi Việt hóa viết thành mái chín, nghĩa tương đương với mãi biện đọc theo giọng Quảng Đông thành mại pál, sau Việt hóa viết thành mại bản, tức người quản lý mua bán hàng hóa, người quản lý việc chở hàng, chở khách trên tàu thủy]. Hai chị em mắc cỡ, muốn dắt nhau trở về. Bà Sáu nói họ chọc mặc họ, mình đi chơi thì đi, chuyện gì phải sợ mà về.

“Hai chị em dằn lòng đi nữa, chẳng dè chú mái chín cứ đi theo, kiếm lời chọc ghẹo hoài. Hai chị em không thèm trả lời, lên tới “ba hình” nắm tay nhau đứng dựa lề đường, chờ lính tới mà coi. Chú mái chín theo chọc nữa, lại thừa dịp đông người, chú chen vô đứng khít một bên Băng Tâm rồi làm bộ bị họ lấn, té đụng mình hai chị em chơi. Bạch Tuyết thấy chú chệc vô lễ, giận câm gan, song dằn lòng nhịn thua dắt bà Sáu với Băng Tâm đi tìm chỗ khác mà đứng.

“Cách chừng ít phút đồng hồ, chú mái chín theo nữa. Chú đứng làm bộ bị họ lấn nên té ôm ngang mình Băng Tâm. Băng Tâm với Bạch Tuyết mắc cỡ, vừa muốn chen mà ra, bỗng nghe một cái bốp, rồi thấy chú mái chín té sấp dưới đất, trên đầu máu chảy đỏ lòm.

“Hai chị em thất kinh, lật đật kéo bà Sáu mà chạy về, không dám coi diễn binh nữa, mà cũng không biết ai đánh chú mái chín lỗ đầu.


(hết trích)

Như đã nói, cuốn tiểu thuyết quốc ngữ mang tính hư cấu đầu tiên của Việt Nam “Ai làm được” do Hồ Biểu Chánh viết năm 1912 với phong thái phương ngữ bình dân Nam bộ, trong khi “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách xuất hiện 10 năm sau đó tại miền Bắc dành cho độc giả thuộc tầng lớp trung lưu.

Tựa đề “Ai làm được” lẽ ra phải có dấu chấm hỏi (?) theo sau vì đúng ra đó là một câu hỏi. Theo dõi hết cuốn truyện, người đọc tự nhiên thấy tác giả đưa ra nhiều nghi vấn bí mật về các nhân vật thuộc hai thái cực: Chính & Tà. Nói khác đi, đó là cuộc đối đầu giữ Thiện và Ác.

Lẽ ra tên sách “Ai làm được” phải có dấu chấm hỏi

Nho học ngày xưa đã khẳng định: những người nhân hậu sau bao phen thăng trầm, khổ ải vẫn đi đến đoạn kết “có hậu”, ở chiều ngược lại, những kẻ làm ác, dù đã một thời vinh hoa sung sướng vẫn đi đến cái kết… “vô hậu”.

Hồ Biểu Chánh là một nhà nho nhưng đồng thời ông lại còn theo học trường  Chasseloup Laubat của Pháp tại Sài Gòn. Cũng vì thế, có thể nói, tiểu thuyết của ông mang hình thức Tây phương lồng trong một tâm hồn Đông phương. Ông lại còn dùng lối hành văn bình dân của miền sông nước nên dễ đi vào lòng người đọc.

Điều đáng chú ý là tiểu thuyết thuộc mảng lấy ý từ các tác phẩm nổi tiếng thế giới cũng được Hồ Biểu Chánh khai thác một cách sáng tạo. Chẳng hạn như “Ngọn cỏ gió đùa” (1926) phóng tác theo truyện “Những người khốn khổ” của Victor Hugo“ hoặc tác phẩm “Cay đắng mùi đời” (1923) được phỏng theo tiểu thuyết “Không gia đình” của Hector Malot.

Trong “Cay đắng mùi đời”, Hồ Biểu Chánh đã đưa người đọc về với Gò Công, quê ông, bằng những lời văn “rặc chất Nam bộ”:

“Ai đi đường Chợ Lớn xuống Gò Công hễ qua đò Bao Ngược rồi lên xe chạy ra khỏi chợ Mỹ Lợi tới khúc quanh, thì sẽ thấy bên phía tay trái cách lộ chừng ít trăm thước có một xóm đông, kêu là xóm Tre nhà ở chật, cái trở cửa lên, cái day cửa xuống, tre xanh kịch bao trùm kín mít, ngoài vuông tre thì ruộng bằng trang sấp liền từ giây. Qua mùa mưa cây đượm màu, ruộng nổi nước, thì trông ra chẳng khác nào cù lao nằm giữa sông lớn.

“Dưới cuối xóm, phía mặt trời lặn, có một cái nhà lá đã nhỏ mà lại thấp, muốn vô nhà qua cửa phải cúi đầu. Dựa bên nhà có một cái chuồng vịt, tuy xấu nhưng mà sạch, nên không hôi cho lắm. Trước sân thì ướt át có một đám rau đắng đất không trồng mà mọc, dường như tỏ dấu người ở trong nhà chẳng biết ngọt bùi. Còn sau hè thì có hai hàng chuối xơ rơ, chớ không có một bụi tre, bởi vậy ở một xóm mà khác mấy nhà trong xóm.

“Trong nhà im lìm vắng vẻ, chỉ có mấy con gà giò kiếm ăn chéo chéo dưới dàn, với một con chó vàng ốm, nằm dựa xó cửa lim dim như buồn ngủ. Cách một lát con chó vùng đứng dậy ngoắt đuôi, mấy con gà giật mình chớp cánh chạy vô buồng, còn ngoài bờ có một đứa trai nhỏ, chừng tám chín tuổi, trần truồng, thủng thẳng lùa một bầy vịt vô sân, sau lưng có một con heo đen ột ệt đi theo lấm luốc”.

(hết trích)

Gò Công ngày nay

Nói đến phương ngữ Nam bộ người đọc không thể nào quên Hố Biểu Chánh, người tiên phong trong lãnh vực tiểu thuyết của Việt Nam. Ông tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên.

Ông để lại hơn 100 tác phẩm gồm 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn và truyện kể, 12 vở hài kịch và ca kịch, 5 tập thơ và truyện thơ, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu-phê bình. Ngoài ra, còn có các bài diễn thuyết và 2 tác phẩm dịch.


Một số tiểu thuyết tiêu biểu của Hồ Biểu Chánh 
(tựa sách xếp theo mẫu tự)

* Ai làm được (Cà Mau – 1912)
* Bỏ chồng (Vĩnh Hội – 1938)
* Bỏ vợ (Vĩnh Hội – 1938)
* Cay đắng mùi đời (Sài Gòn - 1923, phỏng theo “Không gia đình” của Hector Malot)
* Chúa tàu Kim Qui (Sài Gòn - 1923, phỏng theo “Bá tước Monte Cristo” của Alexandre Dumas)
* Con nhà giàu (Càn Long – 1931)
* Con nhà nghèo (Càn Long – 1930)
* Cười gượng (Sài Gòn – 1935)
* Dây oan (Sài Gòn – 1935)
* Đoạn tình (Vĩnh Hội –1940)
* Hai chồng (Sài Gòn – 1955)
* Hai vợ (Sài Gòn – 1955)
* Hạnh phúc lối nào (Phú Nhuận – 1957)
* Mẹ ghẻ con ghẻ (Vĩnh Hội – 1943)
* Một đời tài sắc (Sài Gòn – 1935)
* Nợ đời (Vĩnh Hội – 1936)
* Ngọn cỏ gió đùa (Sài Gòn – 1926, phỏng theo “Những người khốn khổ” của Victor Hugo)
* Người thất chí (Vĩnh Hội –1938, phỏng theo “Tội ác và hình phạt” của Fyodor Mikhailovich Dostoevsky)
* Tắt lửa lòng (Phú Nhuận – 1957)
* Thầy thông ngôn (Sài Gòn – 1926)
* Tiền bạc, bạc tiền (Sài Gòn – 1925)
* Vợ già chồng trẻ (Phú Nhuận – 1957)
* Ý và tình (Vĩnh Hội – 1938 – 1942) 



***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts