Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

Quyền lực “mềm” của thế giới “phẳng”

Giữa tháng 4/2017 cộng đồng mạng trên toàn thế giới râm ran bàn chuyện một ông bác sĩ người Mỹ gốc Việt, David Dao, bị lực lượng an ninh kéo lê ra khỏi chuyến bay 3411 của hãng United Airlines vì lý do hãng đã “bán quá số ghế thực tế”. Một hành động phải nói là “thô bạo”, “bất nhẫn” đối với một hành khách thuộc loại cao tuổi phải rời máy bay với một khuôn mặt đầy máu!

Bác sĩ người Mỹ gốc Việt David Dao với khuôn mặt đầy máu trên chuyến bay 3411 của hãng United Airlines

Trước hết, tôi không nghĩ đây là một sự “kỳ thị mầu da” vì hành khách bị chọn phải rời máy bay được tiến hành một cách ngẫu nhiên (random) qua hệ thống máy tính của United. Hành khách của United, dù da trắng hay da mầu, không phải là yếu tố quyết định để phải rời máy bay vì họ hoàn toàn không có lỗi trong sự cố này. Tuy nhiên, đến khi nhân viên an ninh ra tay, người ta tự hỏi phải chăng đã có sự phân biệt đối xử?

Hình ảnh cắt từ video clip của hành khách trên chuyến bay

Nếu bảo Bác sĩ David Dao có hành động “thái quá” cũng không đúng khi một ông già 69 tuổi chỉ phản ứng bằng cách cố ngồi yên tại chỗ với giải thích là mình không rời máy bay vì sợ trễ hẹn với bệnh nhân. Lý do hoàn toàn có thể chấp nhận được vì có tính nhân đạo.

Nếu đồng ý với những lập luận ở trên, ta có thể quy hết lỗi về phía United và những nhân viên an ninh tại phi trường ở Chicago. Người đáng trách hơn cả là CEO của United Airlines, Oscar Munoz. Ông là người đã không giải quyết vụ “khủng hoảng” này một cách khôn khéo để nó biến thành một vụ “Khủng hoảng Truyền thông” khiến chứng khoán của công ty này chỉ trong một ngày đã bị “bốc hơi” 1 tỷ USD. Đó là chưa kể một chiến dịch tẩy chay United và Thư thỉnh nguyện đòi Oscar Munoz phải từ chức.

Oscar Munoz, Giám đốc Điều hành United Airlines

Trong quá khứ, United Airlines đã phải đương đầu với một cuộc “khủng hoảng truyền thông” khi hãng này làm gãy một cây đàn của nhạc sĩ người Canada, Dave Carroll, mà không chịu bồi thường thỏa đáng khi ông cùng ban nhạc “Sons of Maxwell” thực hiện chuyến lưu diễn 1 tuần từ Halifax đến Omaha, Nebraska ghé thành phố Chicago vào năm 2008.

Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Dave Carroll

Ngày 17/8/2009 trên YouTube xuất hiện bài hát "United Breaks Guitars" theo loại nhạc đồng quê do ban nhạc của Dave Carroll kể lại. Tại phi trường O’Hare, cũng từ thành phố Chicago, đến Nebraska, Carroll phải gửi chiếc đàn guitar hiệu Taylor trị giá 3.500 USD vì không được coi là hành lý xách tay. Chiếc đàn đã bị gãy cần và United từ chối bồi thường vì Carroll không khiếu nại trong vòng 24g.

Dave Carroll và ban nhạc “Sons of Maxwell”
(Hình ảnh cắt từ video clip “United Breaks Guitars”)

Cuộc đàm phán kéo dài 9 tháng nhưng không đi đến kết quả thỏa đáng và Carroll viết ca khúc "United Breaks Guitars" với những ca từ như: "I should have flown with someone else, or gone by car, 'cause United breaks guitars” (Tôi nên bay với ai đó, hoặc đi bằng xe hơi vì United đã làm gãy cây đàn)… hay những câu như "They say that you're changing and I hope you do, 'Cause if you don't then who would fly with you?" (Người ta nói rằng bạn đang thay đổi và tôi hy vọng bạn làm điều đó, vì nếu không thì ai sẽ bay cùng bạn?).

Hình ảnh cắt từ video clip “United Breaks Guitars”

Bài hát này thoạt đầu thu hút 150.000 lượt xem ngay trong ngày đầu tiên, 17/8/2009. "United Breaks Guitars" nhận được 6 triệu lượt người truy cập vào tháng 8/2009 và đến tháng 8/2015 đạt 15 triệu người xem.

 Hình ảnh cắt từ video clip “United Breaks Guitars”

United sau đó thương lượng trở lại và Dave Carroll trả lời là số tiền bồi thường cứ gửi thắng cho các tổ chức từ thiện. Quyền lực “mềm”, thông qua YouTube, chỉ trong vòng 4 ngày sau khi bài hát xuất hiện trên YouTube đã khiến hãng hàng không này mất đi 10% giá trị cổ phiếu, tương đương với 180 triệu USD. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của United (UAL) mở cửa ở mức 3,31 USD vào ngày 6/7/2009, giảm xuống mức thấp trong ngày: 3,07 đô la (-7,25%) vào ngày 10/7/2009.

Hình ảnh cắt từ video clip “United Breaks Guitars”

Câu chuyện "United Breaks Guitars" đã chứng minh trên thế giới phẳng ngày nay có một thứ quyền lực “mền” nhưng tầm ảnh hưởng của nó “cứng” như bất kỳ một thứ vũ khí nào được áp dụng trong cả kinh doanh lẫn chính trị. 

Việt Nam cũng đã ý thức được sức mạnh của YouTube nên các quan chức đã có những đề xuất điều chỉnh nhưng xem ra một khi đã vào vùng phủ sóng của Internet, dù muốn dù không, phải chấp nhận thứ quyền lực vô hình đó.

***

Mời các bạn xem video clip "United Breaks Guitars" của Dave Carroll và ban nhạc “Sons of Maxwell”:
  

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts