“Nhà khoa học huyền thoại Stephen Hawking từ trần vào tuổi 76, một thành viên trong gia đình tuyên bố vào sáng ngày Thứ Tư, 14/3/2018”.
Hawking bên các bạn đồng nghiệp tại
Hội nghị “Lý thuyết Dây 2001”,
Viện Nghiên cứu Cơ bản Tata, Ấn Độ
Cuộc đời của Stephen William Hawking (8/1/1942 – 14/3/2018) có thể
gói gọn trong hai chữ “Phi Thường”.
Ông đi khắp nơi trên trái đất này bằng chiếc xe lăn với một vóc dáng tật nguyền,
hậu quả của một căn bệnh vừa quái ác và vừa hiếm có trên thế gian. Căn bệnh này
được gọi là “neurological disease” hay môm na là “bệnh teo cơ ALS” (amyotrophic
lateral sclerosis).
Hawking đã có một tuổi trẻ bình thường như mọi người. Ông đã từng
tham gia đua thuyền tại Đại học Oxford, một hoạt động chỉ dành cho những sinh
viên có đủ tố chất của một vận động viên. Chỉ đến năm 21 tuổi mọi sự đã hoàn
toàn thay đổi. Khởi đầu là tình trạng thường xuyên bị choáng cộng với một lần
té cầu thang và tiếng nói của ông sau đó trở nên lắp bắp, khó nghe. Các bác sĩ
chẩn đoán ông mắc một chứng bệnh về thần kinh vận động và họ tiên đoán ông chỉ
còn sống được 2 năm!
Đang từ một thanh niên tràn trề nhựa sống, Hawking trở thành một
con người trầm uất. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân với Jane Wilde năm 1964 đã khiến
Hawking thay đổi hẳn cách nhìn về cuộc đời: ông trở nên hứng thú hơn trước một
tương lai tốt đẹp phía trước. Sau này, Hawking thú nhận, tình yêu là lý do để
ông tồn tại.
Stephen Hawking và con gái, Lucy
Hawking, tại buổi thuyết trình
nhân dịp kỉ niệm NASA 50 tuổi
Bà Hawking có lần nhận xét về cá tính của chồng mình: “Có người sẽ gọi đó là tính cương quyết, người
khác gọi là sự ngoan cố của Hawking. Tôi thì vẫn gọi nó bằng cả hai tên cùng một
lúc hoặc từng lúc một". Cũng vì những đức tính đó, cộng thêm với căn bệnh
quái ác, đã khiến có một khoảng cách giữa Hawking và một số bạn đồng nghiệp.
Vào cuối những năm 1980, Hawking trở nên ngày càng gần gũi với một
trong số các y tá của ông, Elaine Mason. Cuối cùng, Hawking quyết định ly thân
với Jane Wilde vào tháng 2/1990. Trong năm đó, Hawking nhận một cô gái Việt Nam
sống ở Làng trẻ em SOS tên là Nguyễn Thị Thu Nhàn làm con nuôi, và họ từng sang
Việt Nam năm 1997 để thăm Nhàn (2).
Hawking và Jane chính thức ly dị vào mùa xuân năm 1995, sau đó tới
tháng 9, Hawking kết hôn với Elaine. Ông tuyên bố: "Thật tuyệt vời — Tôi đã cưới người phụ nữ tôi yêu."
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói
chuyện với Stephen Hawking tại Phòng Xanh của Nhà Trắng trước buổi lễ giới thiệu
ông và 15 người khác được trao Huân chương Tự do của Tổng thống vào ngày 12/8/2009
Hawking đã kéo dài cuộc sống trên chiếc xe lăn được thiết kế đặc
biệt với một máy vi tính "Equalizer" có chức năng chuyển thể từ giọng
nói sang chữ viết. Tuy vậy, ông vẫn đạt được những thành tựu khoa học mà tất cả
những người bình thường khác phải mơ ước.
Trong "Định luật thứ
hai của cơ học hố đen" (*) ông khẳng định rằng chân trời sự kiện của hố
đen không bao giờ có thể thu nhỏ hơn. Cùng với các đồng sự, ông đưa ra 4 định
luật của “cơ học lỗ đen”, vạch ra một sự tương đồng với động lực học cổ điển. Tiểu
luận có tên "Những Hố đen"
của ông được giải thưởng Quỹ Nghiên cứu Lực Hấp dẫn tháng 1/1971.
Hawking đã một lần thực hiện một chuyến bay không trọng lượng
trong tàu "Vomit Comet”. Ông cũng là người từ lâu ủng hộ Đảng Lao động
(Anh), bày tỏ sự ủng hộ với ứng cử viên Dân chủ Al Gore trong cuộc bầu cử Tổng
thống Hoa Kỳ năm 2000 và gọi Cuộc tấn công Iraq 2003 là một "tội ác chiến tranh".
Ông tẩy chay một cuộc hội thảo ở Israel vì lo ngại về chính sách của
Israel đối với người Palestine. Hawking duy trì một chiến dịch lâu dài để vận động
giải trừ vũ khí hạt nhân và ủng hộ nghiên cứu tế bào gốc, hệ thống y tế toàn cầu
và cổ súy hành động ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Hawking thực hiện một chuyến bay
không trọng lượng trong tàu Vomit Comet
Cuộc đời của “thiên tài khoa
học trong một thân thể tật nguyền” đã trải qua những năm tháng vinh quang
trên chiếc xe lăn. Năm 2002, trong một cuộc bầu chọn trên toàn vương quốc Anh
và Bắc Ailen, BBC đưa ông vào danh sách 100 người Anh vĩ đại nhất trong lịch sử.
Hawking cũng nhận Huy chương Copley từ Hội Hoàng gia (2006), nhận
huân chương dân sự cao nhất của Hoa Kỳ do Tổng thống Obama trao tặng năm 2009
và Giải thưởng Vật lý Cơ bản Nga năm 2012.
Lúc sinh thời, Hawking đã từng nói: “I’m not afraid of death, but I’m in no hurry to die. I have so much I want
to do first” (Tôi không sợ cái chết nhưng tôi cũng không vội vã gì để chết.
Tôi có nhiều điều để làm trước tiên). Chỉ với một chiếc xe lăn, Hawking đã cùng
chúng ta khám phá vũ trụ bao la. Đó là chuyện “thần thoại” của thế kỷ 21.
Stephen Hawking là một tấm gương sáng về nghị lực của một người đã
vượt lên số phận. Chúng ta chúc ông an nghỉ sau 76 năm làm người, một con người
hữu ích cho cả nhân loại.
P/S:
1. Stephen Hawking sinh ngày 08/01/1944. Đó cũng là ngày mất của Galileo Galilei, một nhà thiên văn học, vật lý học, toán học và triết học người Ý, một nhân vật đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng khoa học của nhân loại.
2. Stephen Hawking mất ngày 14/03/2018. Đó cũng là ngày sinh của Albert Einstein, nhà vật lý vĩ đại người Đức, cha đẻ của thuyết tương đối tổng quát.
***
Chú thích:
(1) Lỗ đen (Hố đen hoặc Hốc đen – Black Hole) là một vùng trong
không-thời gian mà trường hấp dẫn ngăn cản mọi thứ, bao gồm cả ánh sáng cũng
không thể thoát ra. Thuyết tương đối rộng tiên đoán một lượng vật chất với khối
lượng đủ lớn nằm trong phạm vi đủ nhỏ sẽ làm biến dạng không thời gian để trở thành
lỗ đen. Xung quanh lỗ đen là một mặt xác định bởi phương trình toán học gọi là
chân trời sự kiện, mà tại đó khi vật chất vượt qua nó sẽ không thể thoát ra
ngoài lỗ đen được.
Lỗ đen gọi là "đen" bởi vì nó hấp thụ mọi bức xạ và vật
chất hút qua chân trời sự kiện, giống như một vật đen tuyệt đối trong nhiệt động
lực học; nó cũng không phải là một loại "lỗ" hay "hố" nào
mà là vùng không thời gian không để cho một thứ gì thoát ra. Lý thuyết trường
lượng tử trong không thời gian cong tiên đoán tại chân trời sự kiện lỗ đen có
phát ra bức xạ giống như vật đen có nhiệt độ nhất định phát ra bức xạ nhiệt.
Nhiệt độ này tỉ lệ nghịch với khối lượng của lỗ đen, khiến cho rất khó quan sát
được bức xạ này đối với các lỗ đen có khối lượng cao hay trung bình.
Tham khảo tiếng Việt: https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%97_%C4%91en hoặc tiếng Anh: https://en.wikipedia.org/wiki/Black_hole
(2) Tham khảo về chuyện Hawking có người con nuôi tại Việt Nam: http://unescovietnam.vn/vnf/index.php?option=com_content&view=article&id=541:stephen-hawking-thng--khong-to-nen-v-tr&catid=115:tin-tc-s-kin&Itemid=330
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét