Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

Phóng Sinh, Cô Hồn và Vàng Mã!

Đây là một truyện hư cấu được ghi lại sau một giấc mơ. Người viết hoàn toàn không chịu trách nhiệm về độ chính xác của câu chuyện cũng như sự suy diễn của người đọc trong thời buổi Tháng 7 mà dân gian thường gọi là Tháng Cô Hồn!

Trong giấc mơ, bỗng hiện lên một đoạn văn mà tôi đọc rất rõ từng chữ, từng dấu chấm phẩy, từng dấu chấm câu và ngay cả từng ngoặc kép:

“Lũ cá đang nằm trong những bịch nylon còn lũ chim chen chúc trong lồng trước sự hiện diện của một lũ chúng sinh, trong đó có cả những người tu hành. Họ lâm râm cầu khấn trong một nghi thức Phóng Sinh để cầu Phước cho mình và cho cả những người thân trong gia đình.

 

Phóng sinh cá

 

“Rồi những con chim, con cá được trả về môi trường sống sau khi đã bị những kẻ “chuyên nghiệp” lùa vào lồng, vào chậu để được Phóng Sinh bởi những kẻ bỏ tiền ra mua lại mạng sống của chúng. Ở đâu đó trên giòng sông hay trên bầu trời cũng lại có những kẻ sẵn sàng “cứu vớt chúng một lần nữa” để tiếp tục kiếp Luân Hồi của việc Phóng Sinh!

 

Chim phóng sinh

 

“Trước cửa nhà của một số người có những chiếc bàn nhỏ trên đó hương hoa, gạo muối, tiền giấy và thậm chí cả một con gà luộc. Họ xì xụp khấn vái những “cô hồn đã chết nhưng vẫn còn vất vưởng trên cõi hồng trần”. Trong khi đó, “những cô hồn sống” chầu chực xung quanh để... “cướp”. Thậm chí chưa cúng xong, bàn thờ đã bị cướp!

“Số người trách “cô hồn sống” thì ít nếu so với những lời chê bai những kẻ bày ra “chuyện trái tai, gai mắt”. Người sống cũng khổ nên ta vẫn thông cảm với sự thiếu thốn phải làm những chuyện “chẳng đặng đừng” nhưng người giàu có bày chi những cảnh “gợi lòng tham”?

 

Cô hồn sống... chầu chực

 

“Không ai muốn làm “cô hồn” mà thậm chí còn bị gọi mỉa mai là “cô hồn sống”! Đức Phật cũng chưa hề cổ súy việc Phóng Sinh hay Đốt Vàng Mã theo cách như hiện nay. Thả chim phóng sinh nhiều khi lại gây nên Nghiệp Sát. Cá vừa thả xuống bên này sông thì đã có ở bên kia sông những người dùng vợt để bắt!

“Phóng Sinh là lòng nhân từ cao cả nên nó phải được thực hiện bởi một tấm lòng bất vụ lợi. Phóng sinh để cầu sống lâu, để giải trừ bệnh tật… vô tình đã mắc vào chuyện khởi phát lòng tham. Làm sao đi đúng tinh thần nhân văn cao cả của Phật giáo? Hiện nay, nét đẹp văn hóa này đang bị biến tướng thành hủ tục, mê tín dị đoan?

“Đó là chưa kể đã có những vụ cháy nhà do đốt vàng mã cúng Rằm tháng Bảy, tiễn ông Công ông Táo chầu trời ngay trước nhà khiến nhiều người thiệt mạng. Điều lành chưa thấy đâu mà chuyện dữ đã ập đến một cách “quả báo nhãn tiền”.

 

Dùng tiền thật… đốt tiền giả

 

“Theo con số thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi năm có hơn 20 triệu gia đình ở Việt Nam thường xuyên mua sắm, đốt vàng mã. Mỗi dịp Lễ, Tết, trung bình một gia đình chi vài chục ngàn đến vài trăm ngàn, thậm chí vài triệu, vài chục triệu để mua vàng mã. Ước tính, mỗi năm người dân Việt Nam chi khoảng 5.800 tỷ đồng để mua vàng mã, tương đương với 60.000 tấn vàng mã!

“Cũng với số tiền này, nếu đem san sẻ với những người tàn tật, những người nghèo… thì đã có hàng ngàn, hàng vạn người đã kéo dài được sự sống, không phải gửi thân xác vào cõi hư vô vì không có tiền chữa bệnh. Đó là Lòng Từ Thiện Tại Tâm, từ thiện bất vụ lợi!

 

Phóng sinh có đem lại Phúc đức?

 *** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts