Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Trần Lệ Xuân: “Đệ Nhất Phu Nhân” hay “Bà Rồng”?

“Đệ Nhất Phu Nhân” là cụm từ trong tựa đề cuốn tiểu thuyết hư cấu mang tên “Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân” của Hoàng Trọng Miên. Đây là một truyện dài đăng báo nhiều kỳ tại Sài Gòn, được viết vào năm 1965, hai năm sau khi nền Đệ nhất Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm sụp đổ. Cuốn sách này được Nhà xuất bản Đà Nẵng tái bản năm 2010.

Nhân vật chính của tiểu thuyết dựa vào chuyện đời của bà Trần Lệ Xuân, phu nhân ông Ngô Đình Nhu, em trai và cũng là Cố vấn của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông Diệm là người độc thân nên trong những lần tiếp quốc khách có phu nhân đi kèm, bà Nhu đứng ra đảm nhiệm chức vụ “Đệ Nhất Phu Nhân” để tiếp đón phu nhân các nước.

Bà Trần Lệ Xuân cũng là dân biểu Quốc hội, Chủ tịch phong trào Phụ nữ Liên đới. Bà chính là người đã đưa ra “Luật Gia Đình” cấm người đàn ông lấy hai vợ (ban hành tháng 5/1958), Luật bảo vệ luân lý, thuần phong mỹ tục (tháng 6/1962) dẫn đến việc Sài Gòn đóng cửa các vũ trường phục vụ việc ăn chơi, nhảy nhót.

Chiếc áo dài cổ hở do bà đề xướng, vào thời đó được gọi là “áo dài bà Nhu”, cũng là một dấu ấn mà bà để lại đến ngày hôm nay. Là một phụ nữ tài giỏi, xông xáo, dám nói, dám làm nhưng bà cũng có những phát biểu gây sốc khiến không ít người bất bình.

Có người thậm chí còn nói, bà cũng là một trong những “tác nhân góp sức”, “đổ dầu vào lửa” khiến nền Đệ nhất Cộng hòa của ông anh rể sụp đổ vào ngày 1/11/1963 sau sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 11/6/1963 để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo (1).

“Đệ Nhất Phu Nhân” với chiếc áo dài hở cổ

Trở lại cuốn tiểu thuyết hư cấu của Hoàng Trọng Miên được viết dưới thời Đệ nhị Cộng hòa của các tướng lãnh đã lật đổ Tổng thống Diệm. Đó là thời điểm “tố” hai anh em người đã bị giết trong chiếc thiết vận xa M113 nên người đọc hiểu ngay loại “tiểu thuyết feuilleton” rất ăn khách trong báo chí Sài Gòn thời đó khi mà "Ủy ban Điều tra tội ác và tài sản nhà Ngô" đang ở vào thời kỳ sôi nổi nhất.

Ở một khía cạnh khác, cuốn tiểu thuyết này đã được in lại theo cách nhìn chính trị đối nghịch. Nhà xuất bản Đà Nẵng trong “Lời Nói Đầu”, năm 2010, viết:

“Tác giả đã dựa vào sự kiện có thực để tiểu thuyết hoá cuộc đời của Trần Lệ Xuân, một người đàn bà đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong chế độ Diệm, từ thời Lệ Xuân còn là cô gái lãng mạn, sống trong gia đình có những sinh hoạt phóng túng thuộc giới gọi là đài các thượng lưu của xã hội cũ, chịu ảnh hưởng đậm đà của văn hoá Pháp, một thứ văn hoá đã được thực dân nhào nặn cho hợp yêu cầu thống trị ở các thuộc địa, đến lúc làm dâu họ Ngô rồi trải qua các biến cố lịch sử đưa đẩy mà thành Đệ nhất phu nhân…”

“Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân” xuất bản năm 2010


Truyện của Hoàng Trọng Miên khá đầy đặn với 26 Chương, trải dài từ Chương 1, “Bước đầu chinh phục”, đến chương cuối, “Cuộc đời lưu vong”. Đặc điểm của các Chương là không theo trình tự thời gian mà có thể từ Chương 2, “Rừng Sác tử lộ”, kể lại cuộc binh biến của “thảo khấu” Bình Xuyên năm 1954 rồi lại nhảy qua Chương 4 với lai lịch họ ngoại hoàng tộc của bà Nhu.

Hoàng Trọng Miên dẫn người đọc trở về quá khứ bằng rất nhiều tư liệu lịch sử từ thời kỳ bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp tại Hà Nội cho đến những giai đoạn cuối của nền Đệ nhất Cộng hòa. Tên của các nhân vật lịch sử hầu hết được giữ nguyên nhưng cũng có ngoại lệ đặc biệt: nhân vật Trần Lệ Xuân ngoài đời trở thành Lệ trong truyện.

Tuy nhiên cũng phải nói, bút pháp của Hoàng Trọng Miên rất “tàn nhẫn và cay độc” đối với nhân vật Lệ theo thể loại tiểu thuyết đăng trên báo nhằm thu hút người đọc bình dân, thích những đoạn tả tình theo kiểu báo “lá cải”. Chúng tôi xin trích một đoạn trong chương cuối cùng:

“Tham vọng uy quyền đã đưa nàng lên địa vị tột đỉnh của một đệ nhất phu nhân, nhưng đồng thời cũng lôi cuốn nàng theo con đường phiêu lưu, trái ngược bản chất của người đàn bà. Chủ trương đem dục tình phục vụ cho chính trị mà Lệ đã thi hành, dần dà biến đổi cả con người Lệ thành một khí cụ, một phương tiện quái dị. Những chính khách, tướng lãnh, nhân vật ngoại quốc và trong nước, bao nhiêu người đã bị Lệ lôi cuốn vào vòng luyến ái của chính trị, đã góp sức củng cố cho địa vị cầm quyền của nhà chồng ở miền Nam Việt Nam, những người tình mà Lệ đã ôm ấp không phải vì yêu đương, họ đã nghĩ thế nào về nàng? Và, trong sự luyến ái phi yêu đương ấy, Lệ đã ý thức tự biến mình thành một món đồ chơi chuyền tay trong chính trường!”

Bà Trần Lệ Xuân trên bìa báo Time


Từ “Đệ Nhất Phu Nhân” bà Nhu có thêm danh hiệu “Bà Rồng”, xuất xứ từ tên gọi trong cuốn sách thuộc loại biên khảo của nữ tác giả người Mỹ, Monique Brinson Denery, với tên sách “Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madame Nhu”, phát hành tháng 5/2013.

Sách được Mai Sơn dịch sang tiếng Việt với tiêu đề “Madam Nhu Trần Lệ Xuân - quyền lực Bà Rồng”, Công ty Sách Phương Nam liên kết với Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn ấn hành tại Sài Gòn tháng 2/2016.

Quả thật cái tên “Bà Rồng” rất xa lạ đối với độc giả người Việt, cả về từ vựng lẫn ý nghĩa. Không thể nào tìm được “Bà Rồng” trong tự điển tiếng Việt nhưng có lẽ vì muốn “trung thực” trong dịch thuật nên Mai Sơn đã phải dùng từ ngữ này.

Xin nói một chút về các truyện dịch. Tại miền Nam vào năm 1970, nhật báo Chính Luận đã đăng “The Godfather” với tựa đề “Cha Đỡ Đầu” do nhà văn Trọng Tấu dịch từ bản tiếng Pháp. Bản dịch của Trọng Tấu chỉ xuất hiện trên Chính Luận trong vài tháng rồi ngưng nửa chừng, có lẽ vì không hấp dẫn người đọc với lối hành văn quá chân phương.

Phải đợi đến năm 1972, cũng cuốn sách đó lại mang tên “Bố Già” do Ngọc Thứ Lang dịch từ bản gốc tiếng Anh mới bắt đầu thu hút sự chú ý của người đọc. Rõ ràng là công việc dịch thuật đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển ngữ một tác phẩm từ tiếng nước ngoài.

Cuốn sách của Denery được dịch sang tiếng Việt với tựa “Madam Nhu Trần Lệ Xuân - quyền lực Bà Rồng” có phần hơi khiên cưỡng. Tựa đề của cuốn sách trong bản dịch tiếng Việt với mấy chữ “quyền lực Bà Rồng” có thể làm người đọc hình dung ra hình ảnh của một “con rồng cái” mặt sắt đen xì, dữ tợn và hung ác. Thiết nghĩ, đó là một dạng của “cultural shock” giữa Đông và Tây, cụ thể là giữa từ ngữ “Dragon Lady” được hiểu là “Bà Rồng” trong tiếng Việt.

Tác giả Demery và Tác phẩm


Ngay từ những dòng đầu cuốn sách, Denery đã viết về tiếng tăm của “Bà Rồng” qua một nhận xét khá sâu sắc và tinh tế: “Năm 1963, ở đỉnh cao danh vọng của bà, tờ New York Times gọi vị Đệ Nhất Phu Nhân miền Nam Việt Nam ba mươi chín tuổi này là người đàn bà “quyền lực nhất” ở châu Á và so sánh bà với Lucrezia Borgia”.

Dòng họ Borgia vốn nổi tiếng trong chính trường nước Ý thời Phục hưng mà Niccolò Machiavelli (1469-1527) nhà ngoại giao, nhà triết học chính trị đã có những phân tích cặn kẽ để trở thành một học thuyết mang tên chính ông qua cuốn “Quân Vương” (The Prince) .

Lý do bà Nhu được so sánh với Lucrezia Borgia vì cả hai đều là những nhân vật nữ đóng vai trò chính trị, cả hai đều được sắp đặt cho các cuộc hôn nhân tượng trưng cho sự tính toán theo kiểu các quân vương xưa và ngày nay người ta gọi là “femme fatale”. Một thuật ngữ ám chỉ những nhân vật có nhan sắc tham gia hoạt động chính trị và thường khiến những tình nhân của họ gặp kết cuộc bi thảm, chẳng hạn như Bao Tự ở Phương Đông hay Mata Hari ở Phương Tây.

Nguyên tác của Demery gồm 16 Chương, khởi đầu là “Paris, 2005”, thay lời tự sự của tác giả. Kể từ Chương 2, “Những nấm mồ bị bỏ quên”, đến Chương 8, “Người đàn ông kỳ lạ ở Đông Nam Á”, dẫn dắt người đọc đến những khúc quanh trong cuộc đời bà Nhu. Chương 9 là một bước ngoặt quan trọng khi gia đình họ Ngô bước vào Dinh Độc Lập vào tháng 4/1965. Demery viết:

“Bà Nhu đã dấn thân vào một khoảng trống chính trị tạo ra bởi vị Thủ tướng lạnh nhạt suốt ngày cạo giấy [ám chỉ ông Diệm khi mới về nước do lời mời của Bảo Đại] và người em trai thậm thụt của ông [ám chỉ ông Nhu]. Cả hai anh em đều không có khả năng thiên bẩm, không có óc kịch nghệ, và có lẽ không có bụng dạ nào để chiến đấu nữa. Bà Nhu có cả ba – có chỗ thừa thãi là đằng khác”.


Người đọc cảm nhận được quyền lực của “Bà Rồng” ngay từ khi đó qua những “thủ đoạn chính trị” của bà. Đó là vụ thảo khấu Bình Xuyên gây áp lực với chính quyền mới. Bà đã âm thầm tiến hành những việc nhỏ nhặt như làm “băng rôn, khẩu hiệu” hay những việc lớn như tập họp lực lượng những người di cư Công giáo mới đến Sài Gòn từ miềm Bắc. Bà nói với họ: “Đừng làm gì trong lúc này, nhưng khi đến lúc, các anh sẽ nghe và làm chính xác những điều tôi nói”.

Đích thân bà Nhu lên kế hoạch cho một cuộc biểu tình đại quy mô để ủng hộ ông Diệm ngày 21/9/1954. Trước đám đông khoảng 4.000 người bà đã chứng tỏ mình là một kịch sĩ có tài trên sân khấu chính trị. Bà đã gào to giữa đám Bình Xuyên theo Pháp: “Các anh là loại cảnh sát gì? Các anh tính làm gì những người nghèo khổ, vô phương tự vệ này?...”

“Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền Lực Bà Rồng” (Mai Sơn dịch)


Vụ Phật giáo năm 1963 khiến chính phủ Ngô Đình Diệm chịu nhiều áp lực cả ở trong lẫn ngoài nước. Hoa Kỳ dọa sẽ cắt viện trợ nếu ông Diệm không mở rộng chính quyền và trực tiếp đối thoại với các thành phần tranh đấu. Họ muốn ông hành xử như “một người lãnh đạo dân chủ” hơn là “một nhà độc tài”.

Theo lập luận của ông Diệm, ông không thể dàn xếp bằng cách nhượng bộ với Phật giáo và cả Hoa Kỳ. Ông nói với báo chí trong và ngoài nước: “Nếu bây giờ chúng tôi nhượng bộ với các Phật tử, Hoa Kỳ sẽ đòi hỏi thêm… Họ chỉ muốn đưa quân vào Việt Nam thay vì tăng cường cho quân đội của chúng tôi”.

Sáng ngày 11/6/1963 phóng viên Malcolm Browne thuộc Associated Press (AP) đã ghi lại hình ảnh hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chính phủ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt. Bức hình khiến cả thế giới phải sửng sốt và triều đại họ Ngô bước vào một bước ngoặt lịch sử (2).

Ngay ngày hôm sau, nhân danh Phong trào Liên đới Phụ Nữ, bà Nhu lên tiếng cáo buộc các Phật tử đã bị lợi dụng và kiểm soát bởi Cộng sản… lái theo hướng tạo ra tình trạng vô trật tự để biến quốc gia theo chủ nghĩa trung lập. Chính bà tuyên bố những vụ tự thiêu chỉ là “những bữa tiệc nướng (barbecue) ngoài trời”. Tác giả Demery viết, “Chỉ với một câu nói đó, bà Nhu đã định đoạt số phận mình”.

Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu (Ành: Malcolm Browne)


Có một điểm chung giữa hai tác phẩm “Đệ Nhất Phu Nhân”“Bà Rồng” là đều khai thác khía cạnh tình ái của nhân vật Trần Lệ Xuân. Bút pháp của Hoàng Trọng Miên có phần cay độc hơn và cũng gợi tình hơn khi nói đến những cuộc tình của Lệ. Đó là điều dễ hiểu vì tác phẩm viết theo loại tiểu thuyết feuilleton, khai thác những chuyện “phòng the” để câu khách.

Người đọc biết chi tiết được hư cấu nhưng vẫn thấy thích trong giai đoạn sụp đổ của nền Đệ nhất Cộng hòa. Trong Chương 12 với tiêu đề “Những người tình võ biền” Hoàng Trọng Miên viết về tướng Nguyễn Văn Hinh, Tham mưu trưởng chỉ huy Quân đội Quốc gia lúc ông Diệm mới về nước chấp chính với chức vụ Thủ tướng:

“Lệ nhận thức, chỉ có lực lượng quân sự mới có thể lật đổ được uy quyền của họ nhà chồng hiện nay, và đã tính trước, giao du thân mật với tướng Nguyễn Văn Hinh đang làm tham mưu trưởng chỉ huy quân đội quốc gia, có thể trở nên một kẻ đối thủ lợi hại do ảnh hưởng của Pháp. Các vị tá hiện có binh sĩ trong tay bảo vệ cho Sài Gòn, Lệ cũng đã gây cảm tình riêng lôi cuốn họ ủng hộ anh chồng nàng”.

Lệ đã dùng ảnh hưởng riêng của mình để lôi kéo tướng Nguyễn Văn Hinh. Có lần nàng thỏ thẻ đề nghị tướng Hinh giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ của anh chồng, song không lay chuyển được người quân nhân bướng bĩnh, vẫn tỏ thái độ chống đối họ Ngô.

Bà Trần Lệ Xuân và ông Ngô Đình Nhu


Cũng viết về tướng Hinh, giọng văn của Demery có phần dè dặt hơn khi đề cập đến ông tướng Hinh chỉ qua một chữ tắt: H. “Thậm chí dường như bà đã nếm mùi vị tình yêu ít nhiều qua vài cuộc ngoại tình. Trong nhật ký bà viết về ba người đàn ông chỉ bằng tên viết tắt của họ: L, K và H… Nhưng H. có vẻ là gần gũi nhất, với những gì bà mô tả như là động lực và cách ve vãn khác thường…”

L. chính là Đại tá Edward Landsdale, phục vụ ngành Tình báo trong Quân đội Hoa Kỳ, ông được gởi sang Việt Nam năm 1954 sau khi thành công trong các chiến dịch chống nổi loạn tại nước ngoài. Có người còn suy luận, Landsdale chính là nhân vật Pyle trong tiểu thuyết “The Quiet American” (Người Mỹ trầm lặng) của nhà văn Anh, Graham Greene. Nếu đúng như vậy thì mối tình giữa Lệ và Landsdale chính là chuyện tình giữa Pyle và cô gái Việt mang tên Phượng!

Hoàng Trọng Miên cho rằng, trong số tướng tá bị Lệ lôi cuốn, Đại tá Landsdale cũng như các người tình võ biền của Lệ, “đều tự lấy làm hãnh diện được Đệ nhất Phu nhân để ý đến và thoả mãn xác thịt đòi hỏi vô cùng của người đàn bà hoả diệm sơn”.

Trả lời phỏng vấn của BBC, dịch giả Mai Sơn bày tỏ cảm nhận của ông về "Bà Rồng" khi chuyển ngữ tác phẩm “Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madame Nhu” của Demery:

“Đấy là một nhân vật bản lĩnh, có học thức, tư chất làm chính trị, quyết đoán và sắt thép. Bà là người phát động phong trào nữ quyền thời chế độ miền Nam, bảo vệ giá trị hôn nhân - gia đình, cũng như không tàn bạo đến độ đàn áp Phật giáo như có một thời gian người ta tuyên truyền”.

“Đệ Nhất Phu Nhân” hay “Bà Rồng”?


Chúng ta đã nhìn chân dung bà Nhu theo những phác họa của hai nhà văn Hoàng Trọng Miên và Monique Brinson Denery. Phần cuối bài này sẽ đưa ra một cái nhìn thứ ba từ phía luật sư Trương Phú Thứ. Trong cuộc phỏng vấn của BBC, ông Thứ từ Seattle, Hoa Kỳ, cho biết:

“Gia đình tôi biết gia đình của bà Nhu từ khi tôi còn bé, ở Việt Nam. Hồi ông bà ở Dinh Độc Lập thì tôi mới mười mấy tuổi đầu, nhưng bà vẫn còn nhớ. Tôi rời Việt Nam năm 1975. Sau này ra ngoại quốc tôi liên lạc lại, bà ấy mời tôi qua chơi. Tôi cũng may mắn được bà Nhu quý mến và cho phép dịch cuốn sách của bà”.

Cuốn hồi ký của bà Nhu viết bằng tiếng Pháp mà luật sư Thứ được bà ủy thác cho đến nay vẫn chưa thấy xuất hiện sau khi bà qua đời năm 2011 tại Ý. Vị luật sư này rõ ràng là không thích cuốn sách của Demery, ông chỉ trích:

“Tôi có xem qua quyển sách này, không có gì gọi là tư liệu hay lịch sử. Từ đầu đến cuối chỉ là những sao chép vụng về chẳng có một giá trị nào dù rất nhỏ nhoi. Vào Google đánh chữ Bà Ngô Đình Nhu thì có đến gần 4 triệu tài liệu và bài viết nói về bà Nhu được đăng tải rải rác trên nhiều mạng lưới vi tính từ nhiều quan điểm khác nhau đã được bà Demery vơ vét làm của riêng mình rồi nặn óc sáng chế ra một cái tựa sách nghe ra cũng độc mồm độc miệng…”

Theo luật sự Thứ, tác giả Demery sẽ biện minh như thế nào khi gán ghép cho “Bà Rồng” một giai thoại như sau: “Khi ông anh rể, Tổng thống Ngô Đình Diệm, tỏ vẻ không được hài lòng vì cái áo dài hở cổ của bà Nhu. Nhưng bà em dâu đã xấc xược trả lời ông anh chồng: “Cái cổ tôi hở ra chứ không phải cổ của ông. Vậy thì ông câm mồm đi”!

Luật sư Thức bình luận, “đọc những dòng chữ bặm trợn này thì ai cũng có thể lượng giá được khả năng viết lách của tác giả và giá trị của quyển sách”. Về bản dịch, ông nhận xét: “Gần đây có một quyển sách viết về bà Nhu của bà Demery được dịch sang tiếng Việt Nam với một loại chữ nghĩa văn thể rất kệch cỡm: “Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng”.

Trong cuốn sách, bà Demery xác nhận có hẹn gặp bà Nhu hai lần nhưng cả hai lần bà Nhu đều thất hẹn. Mặc dù bà Nhu sống đời ẩn dật tự giam hãm mình trong một căn phòng nhỏ nhưng bà Nhu cũng có những chọn lựa và suy tính trong các giao tiếp rất hiếm hoi.

Bà Demery hẹn gặp bà Nhu ở nhà thờ Saint Leon là nơi bà Nhu đi lễ hàng ngày. Thế nhưng đến ngày giờ hẹn thì bà Nhu lại không đến. Lần sau thì bà Nhu hẹn gặp tại nhà, bà Demery đến đúng hẹn nhưng bà Nhu lại không mở cửa. Bà Nhu cũng chẳng mặn mà gì với những gặp gỡ này và cố tình hủy bỏ cuộc hẹn. Luật sư Trương Phú Thứ kết luận: 


“Vậy thì ngoài những sao chép trên các mạng lưới vi tính và chưa một lần được gặp bà Nhu thì bà Demery lấy gì và biết gì để viết về cả một cuộc đời cay đắng nghiệt ngã của bà Nhu?”.
Bà Nhu và con gái, Ngô Đình Lệ Thủy


***
Vài dòng tiểu sử của Đệ nhất Phu nhân Trần Lệ Xuân:

· Sinh ngày 22/08/1924 tại Hà Nội

· Cha bà là luật sư Trần Văn Chương (1898 – 1986) từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thời kỳ Đế quốc Việt Nam, rồi bộ trưởng Bộ Kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa thời Đệ nhất trước khi được bổ nhiệm là đại sứ tại Mỹ.

· Mẹ của bà tên Thân Thị Nam Trân (1910-1986) - con gái Thượng thư Bộ Binh Thân Trọng Huề.

· Tốt nghiệp tú tài trường Albert Sarraut, Hà Nội

· Kết hôn với ông Ngô Đình Nhu năm 1943

· Sống lưu vong từ năm 1963 sau khi có đảo chính ở miền Nam Việt Nam

· Qua đời ngày 24/04/2011 tại Rome, Ý, hưởng thọ 87 tuổi.

· Các con:

1. Ngô Đình Lệ Thủy, đã tử nạn trong một tai nạn ô tô vào tháng 4/1967 ở Longjumeau, Pháp

2. Ngô Đình Trác, tốt nghiệp kỹ sư canh nông, có vợ người Ý, có 4 con

3. Ngô Đình Quỳnh, tốt nghiệp ESSEC (Trường Kinh tế và Thương mại Pháp), hiện làm cho một công ty Mỹ tại Bruxelles, Bỉ.

4. Ngô Đình Lệ Quyên, tiến sĩ Luật Đại học Roma, có chồng người Ý, con trai 7 tuổi (2007) mang họ mẹ trên giấy tờ là Ngô Đình Sơn. Mất vì tai nạn giao thông tại Roma ngày 16/4/2012.

***

Chú thích:

(1) Tham khảo thêm: “Bàn về… “Nghề Cai Trị” (3) tại http://chinhhoiuc.blogspot.com/2014/06/ban-ve-nghe-cai-tri-3.html

(2) Tham khảo thêm: “Malcolm Browne & bộ ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu”
http://chinhhoiuc.blogspot.com/2013/11/malcolm-browne-bo-anh-hoa-thuong-thich.html

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts