Thứ Năm, 16 tháng 6, 2022

Có những sai sót… có thể tha thứ (!)

Xin đừng vội phản ứng với tựa đề của bài viết này… cho đến khi bạn đọc hết những tâm sự của tôi chắc cũng chưa muộn.

Ngày xưa Voltaire đã từng nói, “Hãy yêu sự thật, nhưng hãy tha thứ cho lầm lỗi” (Love truth, but pardon error), cái khó là sự tha thứ đó còn tùy thuộc vào những trường hợp có mang tính “bất khả kháng” hay không.

Cũng xin đi thẳng vào vấn đề. Tôi không dám nói đến những lỗi lầm lớn trong xã hội, mà chì giới hạn thiết thực đến những lỗi trong các bài viết của tôi mà bạn đọc thường thấy. Chắc các bạn cũng để ý, có những lỗi chính tả hay nói theo ngôn ngữ bây giờ là “lỗi của người đánh máy”!

Một khi tuổi đã cao, những lỗi đó ngày một nhiều. Nếu không chịu khó đọc lại từng câu sau khi viết sẽ thấy đầy những lỗi chính tả ngoài ý muốn của người xử dụng bàn phím trên laptop hay trên smartphone. Những lỗi thông thường nhất là các dấu trong tiếng Việt.

Cụ thể là dấu sắc (phải dùng phím “số 1” bên góc trái) trong khi dấu huyền (lại dùng phím “số 2” ngay bên cạnh “số 1”). Chẳng hạn như để gõ chữ “má”, theo Unicode phải viết “ma” rồi mới gõ thêm phím “số 1” để thành ”má”. Gõ lộn sang phìm “số 2”, “má” sẽ biến thành “mà”!

Dấu hỏi, dấu ngã cũng tương tự. Muốn có chữ “cũ” phải gõ chữ “cu” rồi dùng phím “số 4” để có “cũ”, bấm lộn sang “số 3” thì lại thành “củ”. Chữ “ă”, chữ “â” chỉ khác nhau khi thêm phím “số 8” hay phím “số 6”. Bản thân tiếng Việt đã rắc rối với các dấu Sắc, Nặng, Huyền, Hỏi, Ngã... khi dùng bàn phím lại còn rắc rối hơn thế nữa! 

Một số dấu hiệu thông thường cũng là một trở ngại xuất hiện ở người già khi xử dụng máy tính. Để có các dấu đóng và mở ngoặc đơn hay ngoặc kép cũng phải dùng phím số, hoặc dấu hỏi “?” hay dấu chấm than “!” cũng phải quay về với phím số.

 



Biết bao nhiêu là quy tắc khiến người lớn tuổi cảm thấy “nhức đầu” khi xử dụng! Hồi còn trẻ, sao không thấy những lỗi này xuất hiện, nhưng đến khi về già thì “má” và “mà” cứ bị lẫn lộn. Gõ xong một câu, “ông già” phải đọc lại ngay chứ nếu để xong một đoạn hay hết bài sẽ bỏ sót nhiều lỗi và người đọc sẽ cảm thấy khó chịu khi gặp phải những lỗi “ngớ ngẩn” này.

Bản thân tôi đã đề ra một nguyên tắc: khi viết xong một bài để post trên laptop phải lập tức đọc lại trên smartphone. Chữ thể hiện trên 2 phương tiện này vẫn là một nhưng khi đọc trên smartphone ta có thể phát hiện lỗi trên laptop. Chi bằng, để “an toàn” phải check lại trên cả hai màn hình.

Đối với “các cụ”, màn hình trên laptop vẫn lớn hơn trên smartphone nhưng vì mắt kém nên phải nối màn hình sang màn ảnh của TV để mắt có thể nhìn hình ảnh to hơn. Khổ nỗi, khi có 2 màn hình mắt lại làm việc nhiều hơn để theo dõi bàn phím trên laptop đồng thời kiểm tra kết quả trên màn hình TV!

 



Hóa ra người già làm việc bằng 2 người trẻ mà kết quả vẫn chưa đạt được ý muốn. Kể ra những rắc rối hoàn toàn không ngụy biện mà chỉ để thấy người có tuổi sẽ gặp khó khăn gấp bội so với các bạn trẻ trên máy tính.

Thế cho nên, ”có những sai sót… có thể tha thứ”. Chỉ mong người đọc thông cảm, bỏ qua những sai sót đó đối với “các bậc cao niên” nhưng vẫn còn ham viết!


 *** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts