Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

Hậu World Cup 2018


Đây là bài viết cuối cùng về World Cup 2018. “Tàn dư” để lại sau một tháng (từ ngày 14/6 đến 15/7/2018) “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” (theo như cách nói thời thượng ở Việt Nam ngày nay)… là gì?

Về xã hội, một tháng bóng đá tại Việt Nam gây “thiệt hại kinh tế” từ “quy mô nhỏ”… đến “quy mô lớn”. Có những túi tiền bỗng dưng “lủng” vì phải chi đột xuất cho những ly cà phê “ngoài ý muốn” vì cá độ… Có những gia đình xào xáo, có những chiếc xe chạy thẳng vào tiệm cầm đồ rồi “sổ hồng, sổ đỏ” bị “giam cầm” chung số phận với “kèo trên”, “kèo dưới”.

Trang web của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV.com) đưa tin ngày 28/6/2018: “Chỉ vì trái bóng lăn mùa World Cup, không ít vụ án mạng như chồng giết vợ, nhảy cầu Chương Dương tự tử, đâm chủ nợ đã xảy ra...”. Khiếp thật!

Ở một quy mô lớn hơn, có tầm vóc “kinh tế vĩ mô”, con số thống kê (theo Zing.vn) thật khủng khiếp qua việc “Phá đường dây đánh bạc 2.000 tỷ mùa World Cup”. Tờ báo mạng đưa tin: “14 tổ công tác do Bộ Công An chủ trì đã đồng loạt bắt, khám xét khẩn cấp và triệu tập người liên quan đến đường dây tổ chức đánh bạc quy mô 2.000 tỷ đồng”.

Đợc biết, đó là đường dây M88, có tên miền www.m88xxx.com. Đây là trang cá độ, đánh bạc có máy chủ đặt tại Philippines với giao diện được thể hiện qua nhiều ngôn ngữ khác nhau, dĩ nhiên là có cả tiếng Việt. Theo Zing.vn, muốn tham gia đánh bạc, người chơi phải tạo tài khoản trên hệ thống rồi nộp tiền vào tài khoản ngân hàng với tiền USD hoặc VND.

Con số 2.000 tỷ đồng thật quá “ấn tượng” trong hoàn cảnh “nợ ngập đầu” của cả nước. Tiền này ở đâu ra? Hỏi tức là đã có câu trả lời. Chúng từ két sắt của các “đại gia” và các “cậu ấm, cô chiêu”… nhưng cũng không loại trừ từ những “quỹ đen của các quan tham”. (Trước World Cup đã lâu có trường hợp một Thứ trưởng đã bỏ ra hơn một triệu USD để cá độ bóng đá!)


Mọi sự việc luôn có hai mặt, tích cực và tiêu cực. Xét về phương diện thuần túy thể thao, World Cup tại Nga năm 2018 là một thành công của nước chủ nhà. Đã không xảy ra điều mà những nhà tổ chức cũng như FIFA lo lắng nhất: khủng bố.

Sự kiện đáng nhớ nhất là màn “khủng bố trên sân cỏ” của khán giả trong trận Chung kết Pháp-Croatia vào phút thứ 52. Hai khán giả xuống sân cỏ nhưng đã bị nhân viên an ninh kịp thời “áp giải” ra khỏi sân.

Chí ít họ cũng làm nên “giây phút lịch sử World Cup” trước mắt hàng tỷ khán giả truyền hình thế giới khi trận đấu phải tạm ngưng trong vài phút. Nhiều người lại còn cười, cho rằng đây là lối “khủng bố dễ thương”, không gây hại cho một ai giữa lúc trận đấu căng thẳng.

Hình chụp cận cảnh trên sân vận động Luzhniki cho thấy người “xâm nhập” có thể là chính nhân viên trong ban tổ chức đứng vòng quanh sân (?). Người ta thấy cả bảng tên nhận diện an ninh và nụ cười “toe toét” của cô này. Thật hi hữu!

“Khủng bố” trên sân cỏ

Người ta cũng nhắc đến hai chữ “fair play” trong trận vòng bảng giữa Nhật Bản và Senegal. Hai đội hòa nhau 2-2 nhưng Nhật được “xử” thắng vì không bị thẻ vàng. Khán giả Nhật sau mỗi trận đấu đều ở lại khán đài của họ để dọn dẹp rác. Họ còn dọn cả nhà vệ sinh và trước khi ra về còn để lại “thông điệp” bằng tiếng Nga “Spaciba” với hàm ý “Cám ơn”. Fair play đến thế là cùng!

Khán giả Nhật nhặt rác sau trận đấu

Nhiều người hâm mộ túc cầu lại có những ý kiến trái ngược về các trận đấu. Một số cho rằng hấp dẫn nhất là các trận Vòng Bảng của 32 quốc gia. Qua đó, khán giả có một cái nhìn tổng quát về bóng đá thế giới, họ thích “coi giò, coi cẳng” của các cầu thủ đến từ các châu lục.

World Cup năm nay cũng đánh dấu hiện tượng “đi xuống” của các “cường quốc túc cầu” như Brasil, Argentina, Urugay đồng thời cũng “nổi lên” những đội như Croatia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ít người có thể ngờ được Croatia đã hạ Argentina 3-0 hay Hàn Quốc thắng Đức với tỷ số 2-0. Thế cho nên, năm nay nhiều “ông lớn” sách va-li về nước ngay sau Vòng Bảng. Thể thao là vậy!

32 quốc gia thi đấu trong Vòng bảng

Dĩ nhiên trận cầu cuối cùng là “đỉnh điểm” của World Cup và cũng là trận có giá vé đắt nhất. Pháp gặp Croatia với kết quả 4-2 nghiêng về đội “Les Blues” và các chú “Gà trống Gaulois” lần thứ 2 đăng quang World Cup. Thế là kể từ năm nay, trên áo của tuyển Pháp có hai ngôi sao trắng.

Kể cũng lạ, Nike đã “chơi bạo”, sản xuất loạt áo này trước khi có trận Chung kết. Điều gì sẽ xảy ra khi Croatia thắng? Quả thật đội “cà rốt” chơi có phần hay hơn đội “con gà” (?). Có lẽ Pháp thắng là “có điềm báo trước”… vì trước đó một ngày họ đã ăn mừng Quốc khánh “Cắt tóc thui dê” (14/7). Dù sao đi nữa xin chúc mừng… “Allez Les Blues!”.

Hai sao trên áo của “con gà”, số 10 Mbappe, ngay trong ngày đăng quang

Về tiến bộ kỹ thuật trong Giải Túc cầu Thế giới lần này là áp dụng lần đầu tiên kể từ khi có World Cup năm 1930 một trọng tài nữa nhưng không vào sân cỏ. Đó là “ông” VAR (Video Assistant Referee), một trợ lý trọng tài bằng màn hình để trọng tài chính trên sân kiểm tra lại sự chính xác trong quyết định của mình.

World Cup năm nay có tổng cộng 29 trường hợp phạt đền, con số này cao hơn 4 năm trước tại Brasil tới 16 quả. Trong 29 quyết định phạt đền, trọng tài đã nhờ đến VAR cả thẩy 11 lần. Nhụ vậy là “trọng tài VAR” đã chứng tỏ sự xuất hiện của mình, tuy không trực tiếp trên sân nhưng cũng rất quan trọng.

Có một số khán giả và cầu thủ lại không đồng ý với việc áp dụng công nghệ VAR. Họ cho rằng VAR làm mất đi tính cách “sinh động, hào hứng” của bóng đá vì những phút “thời gian chết” trên sân cỏ! Đúng là “5 người, 10 ý” nhưng có lẽ phần đông khán giả ủng hộ… “ông trọng tài người máy này”.

VAR – Trợ lý trọng tài theo dõi trận đấu nhưng không hề có mặt trên sân cỏ

Tuy nhiên, VAR vẫn bị “tai tiếng” trong trận Chung kết cuối cùng giữa Pháp và Croatia. Pháp thắng Croatia 4-2 nhưng ngay trong hiệp 1 ở phút thứ 33 khung thành của Croatia bị vây hãm. Ivab Perisic của Croatia đội đầu phá banh ra cuối sân, trọng tài Nestor Pitana (người Argentina) thổi quả phát bóng lên cho Croatia.

Người ủng hộ đội Pháp phản đối vì cho rằng bóng đã đụng tay Perisic. Sau khi nghe nhắc nhở của VAR qua earphone, trọng tài xem lại hình ảnh và thấy Perisic kẹp hai tay sát mình khi bóng trúng cánh tay anh. Ông Pitana đã thay đổi ý kiến ban đầu về một quả phát bóng cho Croatia, thay vào đó là quả phạt đền cho Pháp.

Đối với những người hiểu chuyện, trường hợp này lỗi không ở VAR mà chính là “lỗi nhận định” của cá nhân trọng tài Pitana! Nếu không có quả phạt đền “định mệnh” đó, cục diện trận đấu có thể thay đổi theo một chiều hướng khác. Biết đâu chừng Croatia lại đem Cúp Vàng về cho đất nước đã từng bị chiến tranh tàn phá!

Trọng tài dừng trận đấu để tham khảo hình ảnh của VAR

Cuối cùng phải dành ít dòng cho đội bóng “cà rốt” với màu áo mang biểu tượng “cravate carô màu đỏ-trắng”. Rất ít người biết chiếc cà-vạt mà chúng ta dùng ngày nay có xuất xứ từ Croatia từ thế kỷ thứ 17.

Hồi đó, những chàng trai Croatia được các cô gái tặng chiếc khăn quấn cổ hình ca-rô đỏ trước khi ra trận. Chiếc khăn sau này trở thành khăn quàng cổ cho các hiệp sỹ Châu âu và người ta gọi nó là “Khăn Hrvat” hay là “Khăn Croate”. Người Pháp có thành ngữ "à la Croate" được đổi thành "la cravate" của giới quý tộc ngay từ đầu thế kỷ thứ 18.

Người Croatia tự hào về chiếc khăn này của họ, năm 2008, nhà nước đã chính thức lấy ngày 18/10 là "Ngày Cravate". Bóng đá Nam Tư thời Tito đã là một thách thức cho bất cứ “cường quốc bóng đá” nào. Các câu lạc bộ "Sao đỏ Belgrad", "Hajduk Split" hay "Dynamo Zagreb" đã từng tung hoành ở châu Âu.

Đội tuyển quốc gia Croatia tại World Cup 2018

Tại World Cup 2018, Tổng thống Kolinda Grabar-Kitarovic của Croatia đã để lại ấn tượng đậm nét khi mặc áo truyền thống của đội tuyển và cỗ vũ rất nhiệt tình cho đội nhà trên khán đài cùng các cổ động viên.

Có người lại nhận xét: Croatia ra sân với 12 chứ không phải 11 cầu thủ. Cầu thủ thứ 12 này mang tên Kolinda Grabar-Kitarovic và bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong thể thao.

Tổng thống Croatia: cầu thủ thứ 12

Riêng đội tuyển Croatia đã có một nghĩa cử cao đẹp khi dành hết số tiền thưởng cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại nước nhà. Số tiền họ nhận được là 28 triệu USD, cộng thêm 1,5 triệu USD tiền hỗ trợ chi phí chuẩn bị do FIFA cấp trước giải đấu.

Sau khi trận Chung kết thúc, hình ảnh hai Tổng thống Croatia và Pháp trong buổi lễ trao Cúp trong cơn mưa tầm tã đã trở thành một kỷ niệm đẹp được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội.

Một số người thậm chí còn khẳng định: Người chiến thắng trong trận đấu giữa Pháp và Croatia chính là Tổng thống Kolinda Grabar-Kitarovic. Một chiến thắng không cần tỷ số hay Cúp vàng.

Chiến thắng đó chính là việc giành trọn trái tim của người hâm mộ túc cầu trên khắp thế giới, không chỉ trên cương vị lãnh đạo một quốc gia mà còn là hình ảnh của một người yêu bóng đá với tinh thần thể thao thật sự.

Hai vị Tổng thống Pháp & Croatia, Emmanuel Macron & Kolinda Grabar-Kitarovic, trong cơn mưa tầm tã tại buổi lễ trao giải World Cup 2018

***

Hẹn gặp lại các bạn tại World Cup kỳ thứ 22… tại Qatar, năm 2022.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts