Còn nhớ, ngày xưa ở vào tuổi học
trò, tôi cùng các bạn đồng trang lứa có một thú vui không tốn tiền
nhưng lại rất hấp dẫn trong những giờ rảnh rỗi. Đá dế, đối với học
trò con trai, là một cái thú thể hiện tính năng động của tuổi cắp
sách đến trường.
Có rất nhiều loại dế theo cách gọi tên, chẳng hạn như dế lửa, dế than, dế trũi, dế mèn, dế cơm, dế chó... nhưng trong chuyện đá dế chỉ có hai loại chính là dế lửa và dế than.
Đi bắt dế về đá là cả một công
trình của tuổi học trò những lúc rảnh rỗi vì đòi hỏi sự kiên nhẫn
trong thời gian chờ được thấy kết quả qua công sức bỏ ra.
Dế thường nằm sâu trong hang, dấu trong
bụi cỏ, bờ đê hoặc ẩn mình dưới các lớp gạch đá. Hồi xưa khi còn
ở Đà Lạt bọn trẻ chúng tôi thường lật các hòn gạch để tìm hang
dế, có khi phải dùng nước đổ vào hang để khi bị ngộp nước dế sẽ
tìm cách thoát ra khỏi hang.
Công sức bỏ ra là vậy nhưng khi xuất hiện con dế mái bao công trình bỗng trở thành... “mây khói” vì các “nàng dế” đâu có biết... “đánh đấm”, bắt về để làm gì? Dế mái có cánh màu đen, bóng mượt không như dế trống trên cánh có những đường gân và đặc biệt dế mái không biết gáy.
Bắt được dế đem về nhà là giai đoạn
chăm sóc, nuôi ăn cho khỏe để sẵn sàng “nghinh
chiến” với đối thủ. Thức ăn thường là cỏ non, vài cọng giá hoặc
rau... Lại còn phải làm một cái que nhỏ, trên đầu que gắn vài sợi
tóc để kích thích tính hiếu động của dế. Khi đã bị kích thích dế
sẽ cất tiếng gáy, sẵn sàng “vào trận”.
Một trận đá dế chỉ khoảng vài phút nhưng đòi hỏi chủ dế phải đầu tư nhiều công sức chăm lo, săn sóc cho “gà” của mình trước khi… lâm trận. Võ đài được hình thành ở bất cứ nơi đâu thuận tiện: một mảnh đất trống, một cái hộp cũ… với khán giả là bạn bè cùng trường, cùng xóm.
Dế được chủ nuôi nhốt trong “lồng”, thường là một hộp diêm,
phía trên có đục vài lỗ để “võ
sĩ” có không khí hít thở trước giờ lâm trận. Đã có trường hợp
cả lớp đang chăm chú nghe thầy giảng bài bỗng có tiếng gáy “sang sảng” của một chú dế sung
sức muốn “lấy uy” mà không cần
đợi đến giờ ra chơi!
Ngày xưa, dế là một nguồn vui đối
với tuổi học trò nhưng ngày nay đó lại là nguồn cung cấp thực phẩm
đáng kể với một số người cho nên tại nhiều nơi đã có những trại
nuôi dế, chẳng hạn như ở tỉnh Quảng Nam có Ba Hưng, trại nuôi luôn đáp ứng
nhu cầu của khách hàng, giao hàng tận nơi, giá cả cập nhật và hợp lý.
Lớn nhất Việt Nam còn có nông trại và
nhà máy Cricket One ở Bình Phước,
chuyên sản xuất dế, tận dụng từ chân đến phân dế, nâng cấp món ăn chơi vùng quê
thành ngành công nghiệp thực phẩm mới.
Con dế nhỏ bé là thế nhưng có tầm ảnh
hưởng cả trong việc giáo dục.
Tài liệu giáo khoa ở trường cũng có một tác phẩm
với nhan đề “Dế mèn phiêu lưu ký”
của nhà văn Tô Hoài (1920-2014), viết từ năm 1941.
Trong truyện, với giọng văn tự sự, Tô Hoài đã kể lại cuộc phiêu lưu của Dế Mèn, khởi đầu từ giai đoạn sống độc lập từ bé rồi sau này trở thành vật giải trí cho trẻ con:
“Tôi sống độc lập từ thủa bé. Ấy là tục lệ lâu đời trong họ nhà dế chúng tôi. Vả lại, mẹ thường bảo chúng tôi rằng: “Phải như thế để các con biết kiếm ăn một mình cho quen đi. Con cái mà cứ nhong nhong ăn bám vào bố mẹ thì chỉ sinh ra tính ỷ lại, xấu lắm, rồi ra đời không làm nên trò trống gì đâu”.
Kể từ đó, cuộc đời của Dế Mèn đã trải qua không
ít những cuộc phiêu lưu bất ngờ, gặp gỡ các bạn mới như bác xiến
tóc, anh dế trũi, võ sĩ bọ ngựa, châu chấu voi, chuồn chuồn và thậm chí cà các bạn
kiến “tí
hon”.
Kể từ khi “ra riêng”, cuộc đời “giang hồ” của Dế Mèn khởi đầu bằng lần gặp gỡ với Dế Choắt, người gày gò và dài lêu nghêu mà cánh chỉ ngắn ngủn đến giữa lưng, hở cả hai mạng sườn. Ðã vậy tính nết lại “ăn sổi, ở thì”, đào một cái hang nông sát mặt đất, không biết đào sâu rồi khoét ra nhiều ngách.
Cũng vì cái tính “coi trời bằng vung” nên Dế Mén đã gây nên sự hiều lầm từ
chị Cốc qua lời chọc ghẹo mà chị cứ ngỡ là xuất phát từ Dế
Choắt. Bài học xử thế đầu tiên Dế Mèn học được qua lời sám hối:
“Nào tôi đâu biết cơ sự lại ra nông nỗi này! Tôi hối lắm. Tôi hối hận lắm! Anh mà chết là chỉ tại cái tội ngông cuồng dại dột của tôi. Tôi biết làm thế nào bây giờ?
“Tôi không ngờ Dế Choắt nói với tôi một câu thế này: “Thôi, tôi ốm yếu quá rồi, chết cũng được. Nhưng trước khi nhắm mắt, tôi khuyên anh: ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy.
(hết trích)
Cuộc phiêu lưu của Dế Mèn trở thành “cao trào” khi bị giam trong hang
chuột của lão Chim Trả. Hắn muốn Dế Mèn trở thành “người trông nhà” trong một cái hang
đã bị lấp kín bằng cách suốt ngày ca hát để mọi người nghĩ là
nhà đã có chủ trong những lúc bận đi săn mồi hằng ngày.
May mắn có em Dế Trũi phát hiện tình trạng Dế Mèn bị “cầm tù” trong hang. Thế rồi cùng bác Xiến Tóc và bạn Châu Chấu Voi ra sức phá tảng đá chặn cửa hang để giải thoát cho Dế Mèn. Cuộc phiêu lưu chấm dứt ở đoạn cuối cùng, Tô Hoài viết:
“Tôi và Trũi trở lại quê hương định nghỉ ngơi ít ngày và tôi có ý muốn đưa mẹ tôi đi chơi đây đó giối già một phen.
“Trên đường về, tới đâu, tôi và Trũi cũng được đón mời. Ông Ếch Cốm cùng cả xóm ra tận đầu đường tiếp rước. Ðám cá ngoài quãng sông cũng bơi vào xin lỗi về việc cũ. Tôi thưa rằng nói về chuyện cũ thì ngày ấy chúng tôi cũng mang lỗi chẳng khác gì các bạn. Chỉ có hôm nay chúng ta đều khác trước rồi.
“Ở đâu cũng tưng bừng rộn rịch. Về tới quê hương, cảnh vật có đổi khác ít nhiều. Bao nhiêu năm xa cách! Vì câu chuyện của chúng tôi đã được các nhà truyền tin kiến đem đến từ lâu nên nghe biết tôi và Trũi trở về, cả vùng bờ nước đi đón.
(hết trích)
“Dế
Mèn phiêu lưu ký” miêu tả cuộc phiêu lưu hấp dẫn của một chú Dế
Mèn trong thế
giới loài vật và cả loài người. Những vấn đề nóng hổi: Cái Thiện và Cái Ác,
Chiến Tranh và Hòa Bình, Lí Tưởng và Lẽ Sống được Tô Hoài thể hiện một cách
nhẹ nhàng, tinh tế mà sâu sắc.
Dế Mèn đã trải qua những cuộc phiêu lưu, vượt qua cơ man nào là rủi ro và biến cố, nhưng từng bước Mèn vươn lên tự điều chỉnh, tự nhận thức để trở thành con người giàu lí tưởng và ham hiểu biết với bản lĩnh kiên cường của một trai tráng đầu đội trời chân đập đất.
“Dế mèn phiêu lưu ký” được chuyển ngữ thành “Diary of a Cricket” (Bản Tiếng Anh - Tạ Huy Long Minh Họa)
***
* Tham khảo thêm:
- “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài:
https://truyenfull.vn/de-men-phieu-luu-ky/
- “Hội Những Người Thích Chơi Đá Dế” trên Facebook: https://www.facebook.com/groups/449738121858604/posts/2551539261678469/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét