Thứ Hai, 22 tháng 1, 2024

Phiếm luận về… điếu thuốc

Bà Thụy An (1916-1989), nhà văn nữ duy nhất trong vụ án “gián điệp”, “phản động” Nhân Văn - Giai Phẩm tại Hà Nội. Bà đã từng nói:

“Thế giới chỉ cần vài trăm người đàn ông đàn bà QUẢ CẢM. Thực hành QUẢ CẢM đó là những người dám tin vào CHÂN LÝ, dám diễn đạt CHÂN LÝ trong cuộc sống. Những người không run sợ trước CÁI CHẾT, hơn nữa còn chào mừng CÁI CHẾT…”

 

Bà Thụy An, người đứng giữa trong số 5 bị cáo Nhân văn-Giai phẩm

 

Sau năm 1975, bà vào Nam sinh sống để hy vọng được đoàn tụ với các con tại nước ngoài. Thật trớ trêu, khi còn học trung học ở Ban Mê Thuột tôi có một thời gian làm học trò của con bà và sau ngày “đổi đời” 30/4 tôi lại là người phụ trách hướng dẫn bà học tiếng Anh!

Ở Sài Gòn, bà sống một cuộc đời trầm lặng trong một căn nhà nhỏ gần chợ Bà Chiểu, ít người lui tới viếng thăm. Trong một lần tâm sự, bà nói với tôi, đại khái như sau:

“Tôi thường có một bao thuốc lá để đốt lên mỗi khi cần suy nghĩ trong việc viết lách. Tôi không hút thuốc… chỉ nhìn khói thuốc bốc lên từ cái gạt tàn để ý tưởng bay bổng theo những làn khói thuốc…”

 

Chân dung nhà văn Thụy An (1916-1989)

 

Nếu khói thuốc là nguồn cảm hứng sáng tác đối với bà Thụy An trên bàn làm việc thì với nhả thơ “lữ khách” Hồ Dzếnh (1916–1991) trong một buổi chiều bỗng chạnh lòng chợt nhớ đến quê nhà… Ông châm điếu thuốc và để lại cho hậu thế bài thơ ngũ ngôn “Chiều”, còn có tên “Màu cây trong khói” khi đăng trên báo Người Mới.

Bài thơ kết thúc với hai câu kết đã đi vào thi ca:

“… Nhớ nhà châm điếu thuốc

Khói huyền bay lên cây...”

 

Bài thơ “Chiều” - Hồ Dzếnh

 

Thơ thường đi với nhạc nên nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (1915–1995) đã biến lời thơ thành bản nhạc cùng tên. Bài thơ được phổ nhạc gần như giữ nguyên phần lời và “Chiều” của Dương Thiệu Tước cũng là một trong những ca khúc tango tiêu biểu nhất của nền tân nhạc Việt Nam.

 

Bản nhạc “Chiều” của Dương Thiệu Tước

 

Tóm lại, cái hay của “Chiều” là sự kết nối giữa “thơ hay”“nhạc hay”. Lời thơ của Hồ Dzếnh song hành cùng tiết tấu nhạc của Dương Thiệu Tước đã trở thành “một cặp bài trùng” khiến trái tim người thưởng ngoạn phải xúc động.

 

Chân dung nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (1915–1995)

 

Rõ ràng Hồ Dzếnh là một người nghiện thuốc lá nhưng không biết ông có nghiện đến độ “hết điếu này lại châm tiếp điếu khác” như người Phương Tây thường gọi là “chain smoker”?

Ở một bài thơ khác, “Ngập ngừng” trong tập thơ “Quê ngoại” được xuất bản năm 1943, Hồ Dzếnh trong tâm trạng của một người đang yêu ông đã thốt lên những lời ray rứt khi người yêu không đến: 

“Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!

Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân

Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần...

Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế?”

 

Có người đã dịch những câu trên sang tiếng Anh một cách tuyệt vời:

 

“Promise me but please don’t show up!

Let my heart wander dejected

Glance at hand, my smoke extinguished...

I whisper: God, why miss so much?”

 

Bài thơ “Ngập ngừng” cũng đã giao duyên cùng âm nhạc. Bài thơ này đã được đến 3 nhạc sĩ phổ nhạc thành 3 bài hát khá nổi tiếng: (1) Trần Thiện Thanh phổ thành “Chuyện hẹn hò”; (2) Anh Bằng thành bài “Anh cứ hẹn”, và (3) Hoàng Thanh Tâm thành bài hát mang cùng tên.

 

Chân dung nhà thơ Hồ Dzếnh (1916–1991)

 

Thi sĩ Hà Huyền Chi làm thơ chết vì yêu… nhưng càng yêu thì thuốc lá tiếp tục đốt phổi gan ngũ tạng, rồi khi vào nhà thương vì bệnh tim, “nhà thơ mũ đỏ nhảy dù” bảo thèm thèm thở khói nicotine…

Hà Huyền Chi bị stroke, y sĩ khuyên ông bỏ thuốc nhưng ông bỏ ngoài tai: “Ông y sĩ nói là việc của ổng, còn tôi làm là việc của tôi!”.

Bài thơ "Vì ta hoa nở” là tâm sự của Hà Huyền Chi:

“Ta nằm trong bệnh viện

Ðêm trăng soi nhớ nhà

Trăng đầy rồi trăng khuyết

Tương tư nụ quỳnh hoa

“Nửa khuya thèm khói thuốc

Lên xuống sáu từng lầu

Nơi hàng hiên giá buốt...

 

***

 

Người ta thường quan niệm nam giới phải biết “hít thở khói thuốc lá ra vô” mới có bản lĩnh, có khí phách nam nhi! Những người nghiện thuốc lại còn bảo chúng ta nên suy ngẫm về cuộc sống này quá ngắn ngủi… chẳng nên kiêng kem làm gì... cho phí uổng tuổi xuân.

 

Nhà văn hài hước người Mỹ, Mark Twain (1835-1910), đã từng nửa đùa nửa thật: “Bỏ hút thuốc là điều dễ làm nhất trên thế giới. Tôi biết thế vì tôi đã làm điều đó cả ngàn lần rồi…” (It’s easy to quit smoking. I’ve done It a thousand times)!

 

Mark Twain lại còn bồi thêm: "Nếu hút thuốc bị cấm ở trên thiên đàng, tôi chả thèm đến đó" (If smoking is not allowed in heaven, I shall not go there).

 

Chân dung Mark Twain (1835-1910)

 

Ở vào tuổi 98, nhà văn, diễn viên và đồng thời là ca sĩ người Mỹ, George Burns là một trong số ít nghệ sĩ có sự nghiệp thành công kéo dài với điếu xì-gà lúc nào cũng gắn trên môi. Ông tuyên bố một câu “xanh dờn”:

"Nếu tôi nghe lời khuyên của bác sĩ mà kiêng thuốc lá, tôi đâu có sống dai để đi dự đám tang tiễn đưa ông ấy đâu” (If I had taken my doctor's advice and quit smoking when he advised me to, I wouldn't have lived to go to his funeral).

 

Chân dung George Burns (1961-1996)

 

Thế đấy!

Kiêng hay không kiêng hút thuốc còn tùy “chính kiến” của từng người. Nhưng có lẽ, đối với đa số văn nghệ sĩ thì hình như điếu thuốc vẫn không rời tay họ!


 *** 

2 nhận xét:

Popular posts