Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Đọc lại Vũ Trọng Phụng: “Lục Xì”


Những người trẻ tuổi ngày nay khi đọc “Lục Xì” của Vũ Trọng Phụng thường thắc mắc về tựa đề của thiên phóng sự được viết từ năm 1937 tại Hà Nội. Đó cũng là điều dễ hiểu. Trong ngôn ngữ, có những từ ngữ đã đi vào quên lãng khiến những người đương thời cảm thấy khó hiểu khi được nghe đến.

Ngay hồi cuối thập niên 1930, một số độc giả cũng không khỏi thắc mắc về hai chữ “Lục Xì”. Như để giải thích về từ nguyên, ở Chương 2 của thiên phóng sự dài 12 Chương, Vũ Trọng Phụng đã trích dẫn lời bác sĩ Joyeux, Giám đốc ngạch Vệ sinh Thành phố Hà Nội. Ông Joyeux nói:  

“Lục xì là ở chữ Luck sir, một động từ hồng mao. Luck sir là khám bệnh. Hẳn trong số những ông thầy thuốc trông nom phúc đường từ xưa kia, đã có một ông hay bông đùa, hay dùng tiếng hồng mao trong khi đáng lẽ phải dùng tiếng Pháp. Tôi tưởng có do thế thì cái tiếng cái nhà lục xì (cai nha loock see) mới phổ cập trong dân chúng An Nam như thế” (sic)

Tôi không hoàn toàn đồng với tác giả về việc giải thích nguồn gốc của “Lục Xì” như trên. Vào thập niên 30s, trình độ “tiếng hồng mao” (tức tiếng Anh ngày nay) hãy còn sơ khai đối với người Việt. Tác giả giải thích “lục xì” có xuất xứ từ “Luck sir” ở phần trước, sau đó lại là “Loock see” ở phần sau. Nếu viết là “loock see” thì sai về chính tả. Phải chăng, “Lục Xì” xuất xứ từ “look (and) see” có nghĩa là khám bệnh?

"Lục Xì", sách tái bản của Nhà xuất bản Văn Học, 2004
    
Một từ ngữ nữa được dùng trong phóng sự là “phúc đường”, tác giả còn mở trong ngoặc bằng tiếng Pháp: “dispensaire”. Theo ngôn ngữ ngày nay, “phúc đường” chính là nhà thương làm phúc, nhà thương thí hay còn gọi là “cơ sở y tế phục vụ công cộng”. Nhưng “phúc đường” trong “Lục Xì” lại chính là nơi khám bệnh và điều trị cho gái mại dâm. “Ông vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng viết về nhà lục xì:
 
“Trước năm 1900, hình như nhà nước đặt nó ở phố Hàng Cân. Một đạo nghị định của quan Toàn quyền Paul Bert trong đó có nói rằng: ‘Bọn gái mại dâm xét ra có bệnh thì phải bắt giam tại nhà lục xì mãi cho đến khi nào họ khỏi bệnh’ đã ký từ năm 1886, nghĩa là ngay hai năm sau khi chính phủ Pháp ký cái điều ước Bảo hộ 1884 với triều đình Huế vậy.”

Kể từ năm 1902, nhà lục xì ở một tòa nhà khá lớn ở phố Hàng Lọng, gần với nghĩa địa Công giáo. Khi nền giáo dục phát triển, “phúc đường” phải dọn đi để nhường chỗ cho một trường học. Đến năm 1918, nhà thương này dọn tạm về một cái... đền ở sau Tòa Đốc Lý. Địa điểm này lại trở thành vườn trẻ thành phố.

Năm 1926, phúc đường dọn hẳn về “nhà lục xì” tại góc phố đối diện với Tòa án Hà Nội dù hầu hết những ông quan tòa phản đối kịch liệt. Lý do dễ hiểu là họ không muốn Thần Công Lý lại là “láng giềng” với cái nhà thương bị coi là “vật ô uế” kia. Tác giả phân tích:

“Thật rõ lôi thôi là cái sự ngứa ngáy xác thịt của loài người. Nó đã làm rầy rà biết bao nhiêu người, quan cai trị, quan thầy thuốc, nhân viên Sở Liêm Phóng sung vào ban cảnh sát xướng kỹ hay là đội con gái, những ông hội viên thành phố, để kết quả nên một tòa nhà công mà tư pháp giới cũng không tra. Nhà lục xì lập nên sau những cơn giông tố dữ dội”.

Ở đoạn văn này ta lại gặp những từ ngữ xưa: “cảnh sát xướng kỹ” hay còn gọi là “đội con gái”. Đó chỉ là lực lượng gồm 5 người trong cuộc chiến đấu với nạn mại dâm, bệnh lậu, bệnh giang mai, bệnh hoa liễu tại Hà Nội. Năm người này có nhiệm vụ “săn bắt” khoảng 5.000 “đĩ lậu” nhằm bảo vệ cho hơn một trăm “đĩ chính thức”, nghĩa là những người bán phấn buôn hương có “môn bài”, có đóng thuế với nhà nước.

Nhiệm vụ cụ thể của các “thầy đội con gái” là: (1) thực thi các luật lệ có liên quan đến nghề mại dâm một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; (2) bài trừ bọn gái “nhảy dù”, có nghĩa là “đi ngang về tắt”; (3) “phát giấy” hoặc “xé giấy” cho bọn gái thanh lâu; (4) khám xét các nhà “số đỏ”; và (5) giữ trật tự, điểm danh gái có bệnh trong phúc đường. Một quan chức người Pháp nhận xét về hiệu quả của “đội con gái”:

“Tôi nghiệm ra rằng cho đến năm 1930 này, chính sách dùng đến bây giờ không có kết quả gì hơn những năm trước. Vả lại, nếu ngân sách không trừ ra được những số tiền lớn thì phương pháp bài trừ bằng luật lệ nào cũng vô công hiệu. Ngoài ra, ở một xứ mà người dân có cái tâm thuật như xứ này, mà chỗ nào cũng chỉ thấy những hối lộ là hối lộ không xong thì thù hằn, ta phải cho rằng sự gì cũng sẽ xảy ra được”.

Để giải thích điều này, Vũ Trọng Phụng viết: 

“Do thế, cách đây mười lăm năm, người ta dắt đến Dispensaire một đứa gái độ mười ba, mười bốn tuổi bị cáo là mại dâm lậu thuế. Cuộc điều tra mở rồi thì ra viên thám tử người Nam ngạch đội con gái ấy sau khi chực hiếp dâm đứa bé mà không được, đã tưởng không còn gì hơn là bắt đứa gái ấy, giải nó về nhà lục xì để khỏi sợ bị nó kiện”.

Hành động “vu oan, giá họa” đó ngày nay được gọi bằng cái tên “lạm dụng quyền lực của viên chức nhà nước” đối với người dân thấp cổ bé họng. Khi một con bé khốn nạn phải bán thân nuôi miệng thì tức khắc nhà nước vồ lấy nó, rồi bắt nó đóng một thứ thuế mà có người kêu ca là… “vô nhân đạo”.

Rồi thì lại đến lượt anh cảnh sát người bản xứ hành hạ nạn nhân. Trong khi thừa hành công vụ, cảnh sát không những chỉ bảo đảm mọi điều đúng luật mà còn canh gác cả đến số tiền kiếm được trong nhà thanh lâu của các kỹ nữ. Mà gái thanh lâu là ai? Tác giả họ Vũ giải thích:

“Những gái quê thì hoặc đã chê chồng vì đã ăn phải bả tân thời, hoặc đã ra tỉnh làm con đòi, con sen mà không xong, hoặc đã đập trống ngực thình thình khi, ngồi ở vệ hè, đương đói khát mà lại được vài ba cậu “công tử bột” Hà thành nói vào tai những câu ân ái với thái độ săn sóc gian dối của thằng mất dạy bên cạnh một con “bò lạc”, vừa quê mùa lại vừa “chắc chắn” cả trăm phần trăm.
“Dù là thành thị, dù là gái quê, dù vì hư hỏng, dù tại đói khát, thì tất cả những gái ấy đều đã bị cái xảo quyệt của mụ chủ tiệm thuốc phiện, của thằng bồi săm, của thằng ma cô, của thằng phu xe đêm, chúng họp nhau lại thành một cái lưới nhện đáng sợ để làm việc cho ngót bốn trăm cái phòng cho thuê rải rác khắp Hà Nội này!

(hết trích)

Nhà văn – Nhà báo Vũ Trọng Phụng (1912 - 1939)

Khi bị bắt vào “lục xì”, ngoài việc được chữa bệnh và khám bệnh với chiếc “mỏ vịt” (spéculum), “học viên” còn có giờ “lên lớp” với sách học là những mẩu bìa trong có ghi tên những gái lục xì và vẽ hình dung những cái âm hộ có chấm bút chì xanh hoặc đỏ ghi lại dấu hiệu bệnh trạng của từng cô. Họ còn phải học thuộc lòng bài “Phong tình ca khúc” với những câu đại khái như sau:

“Nếu chỉ nghi hoặc, chớ cho vào cuộc,
Mà nguy kia tự buộc vào thân,
Lo xa chớ hám lợi gần,
Thấy ai chắc chắn muôn phần hãy hay.
Dầu khách chẳng mảy may chút bệnh,
Sạch như ly nhưng định chơi lâu,
Chớ nghe mà hại về sau,
Sướng ai, ai lại để sầu cho ta!”
“Đồng tiền khách bỏ ra có thế,
Cuộc mây mưa đủ lệ thì thôi!
Thoạt khi cuộc đã xong rồi,
Xà phòng với nước tìm nơi giội ùa...”

Ta hãy nghe tác giả mô tả một lần khám tại “Lục Xì” với cái mỏ vịt: 

“Những ngày khám bệnh, từ sáng sớm, khi bọn gái trở dậy là tức khắc họ rửa âm hộ của họ bằng nước ấm có pha phèn. Rửa xong rồi, một thị trong bọn ấy lấy hai tay ấn vào bụng cô ả có bệnh để cho nước trong đường tiểu tiện (?) chảy ra hết. Đoạn sẽ lấy một góc mùi soa hay một ống giấy bản nhét vào tử cung hoặc đường tiểu tiện, mãi cho đến lúc sắp lên bàn khám bệnh”.

Các nhà chuyên trách đã cắt đặt gái mại dâm thời đó theo thứ tự: (1) Gái đĩ có giấy (soumises); (2) Gái đĩ lậu (insoumises); (3) Cô đầu (chanteuses);  (4) Gái nhảy ở các tiệm khiêu vũ; và (5) “Con gái” nghĩa là các “me tây”.

Khách làng chơi vào thời đó chủ yếu là ai? Đó là khoảng 900 binh lính quân đội viễn chinh Pháp tại Hà Nội, họ là những người không mang theo gia đình nên không thể nào “tiết dục” mà người Pháp gọi là “refoulement freudien” (tiết chế dâm dục theo Freud).

Bên cạnh đó là một lực lượng gồm 16 “mụ giầu” tức “Tù Bà” hay ngày nay gọi là “Má Mì”, họ cai quản 185 gái điếm “có môn bài”. Trong khi đó, con số gái thanh lâu ở Hà Nội thời đó có thể lên đến 5.000 cô.

Hoạt động mãi dâm còn ảnh hưởng gián tiếp đến gần 40 ông “chủ săm” tức chủ “nhà nghỉ” hay “nhà chứa”… cộng thêm hơn 100 “bồi săm” tức nhân viên phục vụ tại đây. Chưa hết, còn có hơn 600 ông chủ tiệm thuốc phiện chính thức hoặc không có môn bài cũng nằm trong tầm ảnh hưởng của mãi dâm.

Đó chính là vòng chân rết của “tứ đổ tường” dưới thời Pháp thuộc. Vũ Trọng Phụng tin rằng toàn bộ lực lượng đó có đủ sức gây “bạo loạn” tại Hà Thành hoa lệ. Trước những phê phán của xã hội về phóng sự của mình đăng trên báo Tương Lai năm 1937, nhà văn trẻ qua đời ở tuổi 27, tâm sự:

“Viết thiên phóng sự Lục xì tôi không phải chỉ là một nhà văn, nhưng còn là một nhà báo. Nhà báo thì phải nói sự thật cho mọi người biết. Nếu một việc đã có thực thì bổn phận của tôi chỉ là thông báo cho mọi người biết, chứ không phải là lo sợ rằng cái việc làm phận sự ấy lợi hại cho ai”.

Thẻ nhà báo của Vũ Trọng Phụng (cấp tại Hà Nội, 1938)

Sáu mươi năm sau (1997),nhà văn-nhà giáo Hoàng Thiếu Sơn đã nhận xét về “Lục Xì” của nhà văn-nhà báo Vũ Trọng Phụng như sau:

“Lục xì là một phóng sự có giá trị khoa học lớn, trong lịch sử văn học của ta… đã ở một vị trí độc nhất vô nhị trong văn học về mặt y học và pháp lý; đã có vị bác sĩ nào, bậc lương y nào, nhà luật học nào nêu lên được vấn đề như thế, phân tích tình hình như thế và về nhiều mặt góp ý kiến xác đáng như thế với người có trách nhiệm trong xã hội?”   

Và ông kết luận:

“Cuốn phóng sự này nên đọc như một cuốn sách khoa học hơn là cuốn sách văn chương. Nói như thế không phải là gạt nó ra khỏi di sản văn học của dân tộc, mà để tự hào đúng mức là ta cũng có một tác phẩm thuộc về văn chương khoa học chứ không phải chỉ toàn là sách văn chương. Vũ Trọng Phụng đã để lại cho ta một mẫu mực về văn chương phục vụ xã hội và khoa học với cuốn Lục xì”.

Tem kỷ niệm 100 năm ngày sinh Vũ Trọng Phụng, phát hành năm 2012

***

* Tham khảo thêm về Vũ Trọng Phụng trên Blog “Hồi ức một đời người” qua các tác phẩm:

-           “Số Đỏ”: http://chinhhoiuc.blogspot.com/.../oc-lai-vu-trong-phung...

-           “Giông Tố”: http://chinhhoiuc.blogspot.com/.../oc-lai-vu-trong-phung...

***

1 nhận xét:

  1. Vô lý! Giữa thời buổi thịnh hành của tiếng Pháp sao lại có tiếng Anh?

    Trả lờiXóa

Popular posts