Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Singapore: Đảo quốc Sư tử (1)

Tôi đã đến đảo quốc Singapore nhiều lần vào các năm 1995, 1996 và lần này, năm 2013, trong chuyến du hành về phía Nam Bán Cầu. Một khoảng thời gian cách biệt giữa thập niên 1990s và 2000s cho thấy sự phát triển không ngừng của một quốc gia nhỏ bé, nhưng lại là “bé hạt tiêu”, trong khu vực Đông Nam Á. Nhân chuyến thăm Singapore lần này tôi mới có bài du ký tổng hợp về các chuyến đến Singapore trong thời gian vừa qua.

Quốc kỳ Singapore

Tên Singapore xuất phát từ Singapura trong tiếng Malaysia (hay tiếng Malay), vốn được lấy từ nguồn gốc của chữ Phạn là singa (sư tử) và pura (thành phố). Từ đó Singapore được biết với cái tên Thành phố Sư Tử. Tên gọi này bắt nguồn từ một vị hoàng tử tên là Sang Nila Utama. Theo truyền thuyết, vị hoàng tử này nhìn thấy một con sư tử là sinh vật sống đầu tiên trên hòn đảo và do đó đặt tên cho hòn đảo là Thành phố Sư Tử (Singapura). Tuy nhiên, singa không phải là loại sư tử ta thường thấy mà là sư tử biển (merlion) nên ta thấy biểu tượng singa tại Singapore thay vì phun lửa lại phun nước.

Biểu tượng của Singapore: Sư tử biển Merlion

Năm 1819, Thomas Stamford Raffles, một viên chức của Công ty East India (Anh), đã kí một thỏa thuận với vua của Johor. Raffles biến Singapore thành một trạm thông thương buôn bán và nơi định cư, sau này đã nhanh chóng phát triển và hội tụ di dân từ nhiều chủng tộc khác nhau. Singapore đã trở thành thuộc địa của Anh năm 1867. Sau một chuỗi các hoạt động mở mang lãnh thổ, người Anh nhanh chóng đưa Singapore trở thành một trung tâm tập trung và phân phối dựa vào vị trí quan trọng của nó trên con đường biển nối giữa châu Âu và Trung Quốc.

Tượng Thomas Stamford Raffles, người đầu tiên khám phá ra Singapore,
được dựng tại nơi ông đặt bước chân đầu tiên

Singapore vốn là một làng chài của người Mã Lai, sang thế kỷ 19 thì bị người Anh chiếm làm thuộc địa. Quân đội Nhật Bản chiếm đóng Singapore trong Thế chiến thứ hai, sang thời kỳ hậu thuộc địa, Singapore gia nhập Liên bang Mã Lai vào tháng 6/1963. Tuy nhiên, vì những bất đồng về quan điểm chính trị với chính phủ liên bang, ngày 7/8/1965 Singapore lại tách ra khỏi Malaysia và 2 ngày sau đó, 9/8/1965, Singapore trở thành một quốc gia độc lập với diện tích chỉ vỏn vẹn 712 km2. 

Khi Singapore độc lập, quốc gia son trẻ này phải đối diện với một số thử thách: tài nguyên thiên nhiên hầu như không có, xã hội phân hóa vì các chủng tộc, chính trị bất ổn và kinh tế yếu kém. Bằng cách thu hút vốn đầu tư nước ngoài và kế hoạch công nhiệp hóa của chính phủ, Singapore đã tự tạo một nền kinh tế dựa vào thương nghiệp và gia công xuất khẩu hàng điện tử trong thời Lý Quang Diệu, vị thủ tướng đầu tiên của Singapore từ năm 1959.

Ngày nay, Singapore cùng Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông đã trở thành những con cọp của châu Á sánh vai cùng con rồng Nhật Bản. Trong đó, Singapore - Hồng Kông là hai trung tâm tài chính của thế giới và Đại Hàn - Đài Loan trở thành những quốc gia hàng đầu thế giới trong ngành công nghệ thông tin. 

Hơn 90% trong số 5 triệu dân cư Singapore sống trong các khu chung cư xây dựng sẵn của Ban Phát triển Nhà ở và gần một nửa dân cư sử dụng phương tiện giao thông công cộng hàng ngày. Chính nhờ các phương tiện giao thông công cộng này cùng với sự chủ động của chính phủ trong các vấn đề môi trường đã làm cho sự ô nhiễm môi trường ở Singapore chỉ còn lại ở vùng công nghiệp nặng ở đảo Jurong.

  
Tôi đến Singapore lần đầu tiên năm 1995 trên đường bay sang Sydney, Úc. Đây là chuyến viếng thăm ngắn ngày, thời gian ghé lại không nhiều nên chỉ thấy Singapore một cách thoáng qua. Điều đặc biệt gây ấn tượng nhất là phi trường quốc tế Changi, được xếp vào loại một trong những phi trường tốt nhất thế giới. Sân bay rộng đến 1.500 hecta, nằm cách trung tâm thương mại Singapore khoảng 20 km và có số nhân viên lên đến 13.000 người.

Phi trường Changi là 1 trong 3 sân bay 5 sao trên thế giới theo đánh giá và nghiên cứu của Skytrax (2 sân bay kia là Sân bay Incheon ở Seoul-Incheon và Sân bay Hồng Kông), cả 3 sân bay này luôn nằm trong top 3 sân bay tốt nhất thế giới theo đánh giá và khảo sát của nhiều tổ chức kinh tế, du lịch, hàng không trên thế giới. Hàng năm vị trí dẫn đầu luôn được xem là sự phân tranh riêng của 3 sân bay này.

Năm 2006, sân bay Changi soán ngôi sân bay Hồng Kông để đoạt danh hiệu Sân bay tốt nhất thế giới do hành khách bầu chọn thông qua Skytrax. Năm 2007, sân bay này tiếp tục ở vị trí dẫn đầu trong danh sách các sân bay tốt nhất thế giới theo nghiên cứu khảo sát của Skytrax và nhiều cơ quan, tổ chức khác trên thế giới. Ngoài ra, sân bay Changi còn đạt danh hiệu Sân bay mua sắm tốt nhất cũng trong năm 2009.

Sân bay Changi có 2 terminals được nối bằng hệ thống di chuyển bằng băng chuyền. Một nhà ga thứ 3 (T3) đã được xây dựng và đã hoàn thành vào tháng 02/2008 và một nhà ga cho các hãng hàng không giá rẻ (Budget Terminal) đã được xây và mở cửa tháng 3/2006. Công suất của sân bay này (tính đến 2009) là 73 triệu khách/năm. Changi có thế đón máy bay khổng lồ Airbus A380 mà hãng Singapore Airlines đưa vào sử dụng cuối năm 2006. Hiện tại, Chính phủ Singapore đang có kế hoạch xây dựng thêm nhà ga T4 cho sân bay Changi.

Phi trường Quốc tế Changi

Bên cạnh nhiều cửa hàng miễn thuế (Duty Free Shop – DFS) và các cửa hàng ăn uống, sân bay Changi còn có sáu khu vườn mở. Hành khách có thể vào thăm các khu vườn này và mỗi vườn có một nhóm thực vật khác nhau như xương rồng, tre, hướng dương, dương xỉ, và phong lan. Có nhiều trung tâm thương mại nằm xung quanh sân bay Changi.

Khu vực quá cảnh quốc tế của các nhà ga số 1 và số 2 cung cấp dịch vụ Internet và các trò chơi, các khu giải trí, có các phòng cầu nguyện, phòng tắm, các thẩm mỹ viện, phòng tập thể dục thể thao, bể bơi và cả một khách sạn. Có nhiều khu vực để khách ngồi chờ và một vài trong số đó còn có cả khu vui chơi dành cho trẻ em hoặc có ti vi với chương trình thời sự hoặc phim ảnh.

An ninh sân bay được quản lý bởi Airport Police Division trực thuộc Lực lượng Cảnh sát Singapore. Kể từ khi vụ không tặc và tên của sân bay là mục tiêu khủng bố của Jemaah Islamiyah, an ninh sân bay được từng bước thiết lập một cách chặt chẽ. Khách du lịch “bụi” đến Changi thường nói nếu phải quá cảnh Singapore để đến một nơi khác vào ban đêm cứ thoải mái ngủ tại phi trường vì đã có cảnh sát canh gác dùm!   

Cẩn thận hơn thì cứ nằm trên ghế, chân gác lên hành lý. Thực ra thì chỉ những khách đến từ những nước có lực lượng an ninh phi trường lỏng lẻo mới có nỗi lo mất hành lý, chẳng hạn như ở Việt Nam. Ở Changi thì khác, người ta có vẻ “sợ” những hành lý vô chủ vì biết đâu có chứa ma túy hay bom? Vô tình dính vào những món “quốc cấm” này là mệt lắn vì luật lệ Singapore rất nghiêm khắc. Có người còn than đất nước này là “military state”, tạm dịch là nước “quân phiệt” với kỷ luật “sắt” của nhà binh!

Những cửa hàng miễn thuế tại Changi làm ăn khấm khá, thậm chí người Singapore còn nói DFS tại phi trường còn kinh doanh hiệu quả hơn các trung tâm thương mại ngoài phố như Suntec, Raffles đến những trung tâm san sát nhau trên đại lộ Orchard như Lucky Plaza, Orchard Plaza, Tang Plaza...

Trên đại lộ Orchard (1995)

Tuy nhiên, tôi lại nghĩ khác. Hành khách khi đến một phi trường thường không chú ý đến các cửa hàng DFS vì chỉ mong thoát ra khỏi sân bay càng sớm càng tốt để về nơi mà mình muốn đến. Những người đáp chuyến bay rời khỏi phi trường thì ngược lại, họ có thì giờ dạo quanh DFS nhưng vấn đề là họ thường mua sắm ngoài phố trước khi về nên khi đến phi trường chỉ dạo chơi tại các DFS hơn là mua sắm.

Trở lại Singapore năm 1996 tôi mới có dịp tìm hiểu về Orchard Road một cách kỹ càng hơn. Người ta thường mệnh danh đường Orchard  là thiên đường mua sắm đối với phái nữ nhưng có lẽ cánh đàn ông phải gọi đó là địa ngục vì nhiều lý do. Đối với tôi, dù rất yêu phụ nữ, nội việc theo chân các bà các cô đi shopping là cả một cực hình. Sao mà họ lại có sức dẻo dai qua những bước chân lướt hết cửa hàng này đến boutique nọ... họ đâu còn là phái yếu nữa nhỉ?

Nhưng điều đáng nói hơn cả là động tác “cà thẻ” tại quầy tính tiền, mà thẻ lại là của phái mạnh chứ đâu phải của phái yếu. Qủa là vô phúc cho những chàng khi lọt vào “thiên đường” của các nàng trên suốt con phố Orchard, đại lộ bỗng trở thành con đường dẫn đến “địa ngục” với cánh đàn ông.  

Nằm ở trung tâm thương mại lớn nhất Singapore, Orchard ngày cũng như đêm, lúc nào cũng nhộn nhịp với một loạt khu mua sắm hấp dẫn và đặc biệt không ngừng cập nhật khuynh hướng thời trang của thế giới. Sách hướng dẫn du lịch nói: “Nếu bạn là tín đồ mua sắm và ưa chuộng hàng hiệu chính gốc, đây đích thực là điểm đến mà bạn không thể bỏ qua tại Singapore”.

Forum the Shopping Mall là một khu mua sắm sầm uất với một loạt cửa hàng quần áo thời trang. Bạn có thể tìm thấy ở đây rất nhiều sản phẩm của các nhãn hiệu nổi tiếng như D&G, CK (Calvin Klein), DKNY và Emporio Armani. Bên cạnh đó còn là một điểm đến quan trọng với các bà các cô: dịch vụ chăm sóc sắc đẹp cao cấp.

Bạn có thể mất trọn một ngày để có thể đi hết các cửa hàng ở Ngee Ann City, khu trung tâm từng đoạt danh hiệu Trung tâm mua sắm lý tưởng. Ngoài tòa nhà lớn Takashimaya với một loạt các cửa hàng thời trang Channel, Louis Vuitton, Bossini, Mango, còn có hơn 100 cửa hàng chuyên bán dụng cụ thể thao, đồ điện tử, trang sức. Đáng chú ý đối với những người thích đồ rẻ: ở tầng B2 của Takashimaya thường có khuyến mãi hàng loạt các mặt hàng như túi xách, quần áo... quanh năm.

Orchard Road

Thật tình tôi không thích mua sắm nên tìm đến Boat Quay. Cách đây khoảng 1 thế kỷ, Cầu Cảng Boat Quay là nơi diễn ra những hoạt động thương mại nhộn nhịp và đây cũng là nơi khởi đầu của vai trò thương mại toàn cầu mà Singapore ngày nay nắm giữ.

Nằm bên bờ sông Singapore, Boat Quay ngày nay trở thành một địa điểm lui tới của người địa phương, dân xa xứ và một số ít du khách. Sách du lịch có hướng dẫn dân du lịch “bụi” là hãy tìm đến những chỗ có ít du khách nếu muốn tìm hiểu một đất nước. Năm 1996 tôi đến Singapore qua một chương trình “HP Meeting” của Hewlett Packard và trong danh sách hướng dẫn các địa điểm cần đến của HP có Boat Quay.    

Boat Quay (1996)

Cầu cảng Boat Quay là một trong những địa điểm ăn uống ngoài trời tốt nhất tại Singapore. Đa số người Singapore có gốc từ người Hán nên ở Boat Quay có cảm giác như đang ở Chợ Lớn. Điều khác biệt tại đây có cảnh sông nước hữu tình chứ không bó rọ trong từng dãy nhà phố như Chợ Lớn. Hơn nữa, người Hoa ở đây nói tiếng Quan Thoại chứ không như Chợ Lớn hoặc Hồng Kông dùng tiếng Quảng Đông.

Ngoài các quán ăn Tầu mang sắc thái Singapore, Boat Quay còn có những nhà hàng sang trọng chen lẫn những quán rượu, quán cafe dọc theo mé sông tựa như bờ kè dọc theo kênh Nhiêu Lộc ở Việt Nam ngày nay. Sông Singapore hoàn toàn không bốc mùi như kênh Nhiêu Lộc, ngồi bên bờ sông nhìn sang phía bên kia là đường chân trời với những tòa nhà chọc trời mới cảm thấy thú vị khi được hưởng những giây phút thanh thản ở một nơi tuy lạ nhưng lại thật quen...

 Boat Quay

(Còn tiếp)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 9: Thời hội nhập)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

      

1 nhận xét:

Popular posts