Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Viết tiếp về ông bạn già

(Tiếp theo “Ôi… cái văn chương”)

Tôi đọc 5 tập sách đánh máy, một đống bản thảo viết tay trên vở học trò, cộng thêm cuốn băng ghi âm những sáng tác của ông bạn già… Ông phải ghi lại những gì ông viết vào điện thoại vì bản thảo của ông đã lên đến vài ngàn trang giấy viết tay.

Tôi gợi ý sao ông không mở một account trên Facebook để có một cầu nối với con cháu và bạn bè? Ông bạn già thật tình nhìn nhận là mình đã “lạc hậu”, chẳng biết một tí gì về IT và giờ thì đã quá muộn để bắt đầu học…

Bản thảo ghi âm cũng có cái hay của nó. Giống như ta nghe “đọc truyện trong đêm” và nhất là lại được nghe chính giọng của tác giả. Nhưng cũng có cái phiền là khi muốn bình luận về những gì ông bạn già viết thì phải “mổ băng”… Theo thuật ngữ của các nhà báo, “mổ băng” có nghĩa là nghe lại từng đoạn ghi âm rồi đánh lại trên máy vi tính. Công việc có phần nhiêu khê hơn thủ thuật “copy and paste” trên máy vi tính mà ta hay dùng ngày nay.

Năm tập bản thảo đánh máy của ông bạn già

Sáng tác của ông bạn già và cũng là sui gia của tôi gồm hai mảng chính: cả văn lẫn thơ. Nghe và đọc văn của ông khiến tôi nghĩ đến Lê Xuyên của ngày nào. Lê Xuyên, theo một số nhà phê bình văn học, là một trong tứ đại văn hào của miền sông nước Nam bộ, ba người khi là Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam và Hồ Hữu Tường.

Khác với Lê Xuyên, ông lấy bút hiệu rất chân chất: Xóm Bến! Văn của ông không pha chút sex như Lê Xuyên trong “Chú Tư Cầu”, không nang tính cách của vùng Đông Nam Bộ như trong “Đò dọc” của Bình Nguyên Lộc mà cũng chẳng nghiêng về sưu tầm khảo cứu như Sơn Nam hay Hồ Hữu Tường.

Văn của ông Xóm Bến “rặc” chất Nam bộ với những… “mèn ơi, chịu hông, trớt quớt, biết chết liền, ngồi chò hỏ, ôm xà nẹo, rành sáu câu, lăng xăng như gà mắc đẻ, chắc như ba bó bỏ vô một giạ…”. Ngay cả thơ cũng… “y chang” như hơi thở chân chất của vùng sông nước Cửu Long:

“A! Lão làm vườn, viết được thơ?!
Quanh năm, cầm cuốc với cầm gờ
Tay kéo tay dằm, tay xới đất
Tay nào cầm viết, để làm thơ?...”
(Trích từ bài thơ “Tơ tầm nghiệp dĩ” 
trong tập “Ta bước vào ta – Tuổi bảy mươi”)

Cũng trong tập thơ vừa dẫn, ta bắt gặp lối “hành thơ” của ông đồ Trần Tế Xương của miền đồng bằng Bắc bộ “quanh năm buôn bán ở ven sông…” nhưng thơ của ông Xóm Bến lại rặc chất Nam bộ. Chẳng hạn như bài “Lẩn thẩn”:

“Rủ rỉ, rù rì ta với ta
Cãi cọ, dang ca một mình hà
Lẩm bẩn, lầm bầm người đâu tá?
Mình nói mình nghe… ta với ta.

Lẩn thẩn, lần thân với tuổi già
Con cháu chung nhà, như ở xa
Quẩn quanh lên xuống thang lầu vắng
Lủi củi, lui cui quạnh quẽ nhà.

Sân trước tiêu điều, dăm chậu cảnh
Hè sau lặng lẽ có ai mà
Chỉ muốn có người cùng chia sẻ
Cảm thông chia sẻ lúc tuổi già”

Bản thảo viết tay của ông bạn già

Viết riêng cho tôi, ông tâm sự:

“Ai biểu ta là sui gia
Mà lại còn là đồng tuế
Ngẫm lại…
Cổ lai nhân thế
Chẳng đã bảo rằng:
Sui gia ngày càng gần..
Họ hàng rồi sẽ rời xa…”

Thơ riêng cho tội

Tôi chợt nghĩ đến hiện tượng “một ngôi sao đang lên và sắp xuống”.

Xóm Bến tựa như một ánh sao lẻ loi xuất hiện một cách leo lét trên bầu trời đêm của văn học. Ánh sao đó mờ nhạt nhưng nếu có dịp đến gần ta bỗng thấy nó lóe lên một thứ ánh sáng cô đơn để rồi sau đó chợt tắt giữa muôn vàn vì sao trên trời.

Tôi nói như vậy không phải vì tác giả là ông bạn “đồng tuế” hay vì là “sui gia” với tôi. Tôi chỉ đơn giản chợt phát hiện ở ông một tâm hồn thơ văn bình dân nhưng giàu cảm xúc. Một tiếng nói cô đơn giữa một rừng người. Chỉ đơn giản vậy thôi!

***

* Hẹn các bạn một dịp khác sẽ tiếp tục viết về ông bạn già của tôi.


***
--> Read more..

Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Ôi... cái văn chương!


Ông bạn già “đồng tuế” và cũng là “sui gia” với tôi đã có lời than như trên mà tôi chọn là tiêu đề cho bài viết này. Ông tâm sự:

“… Cả mấy tháng nay Lão cứ chập chờn giấc ngủ, ăn thì cứ như một ngày ăn một bữa, ăn vội ăn vàng một chén cơm là đủ, là thôi. Mắc cái chứng gì đâu á! Có gì đâu, Lão bắt đầu mê viết. Mà cái viết của Lão cũng ngộ. Lão viết lung tung không có chủ đề gì ráo trọi. Nghĩ gì viết nấy, cứ lộn xộn. Nội dung chỉ quanh đi quẩn lại mấy cái chuyện đầu hồi tám hoánh, hồi Lão đâu chừng 5-6 tuổi ở dưới quê của Lão, một vùng quê xa lắc, nghèo xơ xác và buồn hiu…”

Kỷ niệm thời thơ ấu của ông bạn tôi thật đơn sơ, hồn nhiên như bao đứa trẻ khác : “… Vậy mà Lão cũng nhớ được, nhớ như in, như đang chơi đánh u, búng giây thun, bắn culi với mấy đứa cùng xóm…” .

***

Ông bạn tôi dẫn người đọc đến tuổi thành niên trên bước đường đời:

“Rồi dọc đường Lão đi, dài theo mấy chục năm cuộc đời Lão  - cho tới bây giờ - Lão viết mà như đang kể chuyện, không hoa hòe hoa sói, không văn chương trao chuốt. Câu văn, câu chữ cứ ừ è, như một ông lão đang ngồi với mấy đứa cháu – kể chuyện cho mấy đứa nghe vậy – nghe mà phát chán.

“Ai đời văn chương phải lưu loát, bay bổng, hàm xúc và mạch lạc, nhất là phải hư cấu một chút cho nó đậm đà hương vị. Đằng này, nó cứ y như là khúc cây còn đầy đủ cái u mầm, cái vỏ, nhánh nhóc, quăng lăn lóc ở ngoài hè – ai có lượm lên để săm soi – để coi bên trong, từ cái bên ngoài thô mộc xù xì đó có cái lõi nào tốt mà xài được không.

“Buồn ghê! Bất quá, có lúc nào đó, có một người nào đó, nà tự nhiên thiếu củi chụm, lượm vô, chẻ ra mới thấy. Á, khúc cây này cái lõi chắc quá, đỏ ao, phải biết vậy – cưa, đục, đẽo, bào, đóng bậy cái ghế ngồi cũng được lắm. Nhưng lỡ chẻ vụ ra rồi, đang thiếu củi nên chụm luôn cho rồi”.

Và ông kết luận: 

“Vậy đó, không đóng được đồ xài, thì làm củi chụm, cũng được việc”.

***

Ông bạn tôi ơi, văn chương là vậy đó! Cứ viết những gì mình nghĩ. Những gì mình sống. Những gì mình thấy được trong suốt cuộc hành trình cuộc đời. Tuổi càng cao thì càng có nhiều chuyện để viết. Mình không phải là nhà văn nhưng không ai cấm mình viết.

Xem ra viết là cách tốt nhất để giải tỏa những suy nghĩ của mình khi về già. Viết để con cháu chia sẻ những điều mình dấu kín trong lòng. Viết cũng để vài người bạn (chỉ cần vài người thôi) đọc và hiểu những gì mình nghĩ. Trong số đó có tôi nữa, ông bạn già!

***


Một số trò chơi tuổi thơ ngày xưa

Tuổi thơ hồn nhiên


Búng thung


Bắn bi


Tạt lon


Đá banh bàn


Bắn súng


Bắn đạn


Đánh vòng bánh xe


Nhảy lò cò


Nhảy dây


Nhảy cao


Nhảy thung


Chồng hoa, chồng nụ


Đánh chuyền


Rải gianh


Ô ăn quan


***
















--> Read more..

Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

Bãi biển Đà Nẵng nhìn từ khu Funama Resort

Furama Group đầu tư vào các resorts ở Đà Nẵng khá bài bản. Điển hình là cụm biệt thự Furama Villas trong đó được mang tên các khu như Pearl, Sapphire, Diamond và Ruby.

Mỗi căn biệt thự thường có 3 phòng ngủ, 2 tầng lầu và một hồ bơi với đầy đủ tiện nghi cho cả một gia đình sinh hoạt trong suốt thời gian du lịch tại Đà Nẵng. Việc đi lại trong khu resort do một hệ thống xe điện (buggy) nội bộ của Furama cung cấp miễn phí.

Hôm 25/6/2017 chúng tôi di chuyển từ tòa nhà Azura nhìn xuống cầu sông Hàn để đến Furama Villas ngay bờ biển để các cháu nội ngoại được dịp thỏa thê vui đùa với sóng biển vào sáng sớm cũng như chiều mát hoặc buổi trưa bên hồ bơi trong nhà.


Những ngày nghỉ hè thật thoải mái, nhất là các cháu vừa qua giai đoạn thi cử căng thẳng. Dưới đây là một số hình ảnh kỷ niệm về Đà Nẵng mùa hè 2017 và cũng là một kỷ niệm đoàn tụ của 3 thế hệ trong một đại gia đình.










































***
--> Read more..

Thứ Năm, 6 tháng 7, 2017

Đà Nẵng: Có một chiếc cầu lặng lẽ quay trong đêm trên sông Hàn

11g đêm Thứ Bảy, 24/06/2017: một kỷ niệm đáng nhớ.

Tôi đã từng đến Đà Nẵng nhiều lần nhưng đặc biệt lần này, được nhìn chiếc cầu trên sông Hàn đang từ từ quay và được ghi lại hình ảnh từ trên cao trong đêm là một kỷ niệm đẹp về thành phố biển miền Trung này.

Cầu sông Hàn được khởi công tháng 9/1998 và khánh thành vào tháng 3/2000. Đây là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công, và cũng là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt hơn nữa, phần lớn kinh phí xây dựng chiếc cầu từ nguồn đóng góp của nhân dân Đà Nẵng dưới thời ông Nguyễn Bá Thanh.

Cầu có chiều dài 488m, rộng 12,9m, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33m. Kết cấu cầu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực và 2 nhịp dây văng với tổng chiều dài 122,7m. Từ khi có cầu Sông Hàn, từ trung tâm thành phố chỉ mất 5 phút là đã sang đến Bán đảo Sơn Trà (Chà), rút ngắn một chặng đường vòng 15km.

Đà Nẵng có nhiều điểm nổi bật như Bán đảo Sơn Trà, tượng Phật bà trên chùa Linh Ứng, Bà Nà Hills rồi Cù Lao Chàm, bãi biển Mỹ Khê và đi xa chút nữa là Phố cổ Hội An, khu di tích Chàm tại Mỹ Sơn… nhưng có một sự kiện ngay trước mắt là chiếc cầu tự động quay trong đêm thì đa số du khách không hề biết đến.

Nhịp cầu quay trước đây có chức năng phục vụ giao thông đường thủy, để các tàu thuyền lớn có thể qua lại dọc theo sông Hàn qua cầu trong khoảng từ 1h – 4h sáng. Tuy nhiên, để phục vụ du khách tốt hơn, Đà Nẵng đã chính thức điều chỉnh giờ quay cầu Sông Hàn sớm hơn, từ 23h00 – 24h00 Thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần.

Đà Nẵng có cầu Rồng phun lửa và phun nước từ 21g vào những ngày cuối tuần thì chỉ vài giờ sau, đúng 23g, du khách sẽ thấy chiếc cầu trên sông Hàn từ từ quay ngang một góc 90 độ. Đa số không biết đến sự kiện này vì khi đó đã ngủ say sau một ngày đi chơi mệt mỏi!


Chúng tôi có may mắn ghi lại hình ảnh của chiếc cầu lặng lẽ quay trong đêm, các bạn sẽ thấy màu sắc thay đổi trên dây văng ngay chính giữa chiếc cầu. Hình chụp từ tầng thứ 27 của tòa nhà Azura.












***
--> Read more..

Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

Hội ngộ "Sài Gòn + Đà Lạt => Đà Nẵng" (2)

(Tiếp theo)

Lễ Hội Pháo Hoa Quốc Tế Đà Nẵng 2017 (Da Nang International Fireworks Competition 2017) kéo dài 2 tháng với 5 đêm bắn từ ngày 30/4, 20/5, 27/5, 03/6 và 24/6/2017. Đây là hoạt động được đánh giá là “sự kiện lễ hội lớn nhất Châu Á”, với sự tham gia của 8 đội dự thi đến từ nhiều quốc gia gồm Việt Nam, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Áo, Anh, Úc, Ý.

Với chủ đề cho cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế năm 2017: “Tỏa sáng Ngũ Hành Sơn”, Đà Nẵng đang ngày một đi đến gần danh hiệu “Thành phố Đáng sống nhất Việt Nam”. Năm 2009 là năm đầu tiên pháo hoa quốc tế được Đà Nẵng tổ chức mỗi năm một lần để người dân có dịp vui chơi bên cạnh những lễ hội như Vũ Điệu Đường Phố, Âm nhạc đường phố, Không gian ẩm thực ngũ hành, Lễ hội du lịch biển Đà Nẵng 2017...

Giá vé để vào khán đài năm nay có nhiều loại, từ 300.000 đến 1.000.000đ, nhưng người xem không nhất thiết phài mua vé vì sân khấu trình diễn là bầu trời đêm cho các màn pháo hoa ở tầm thấp và tầm cao. Rất nhiều người đã tụ tập trên cầu sông Hàn và nhiều địa điểm công cộng khác để chiêm ngưỡng pháo hoa. 


Tụ tập trên cầu sông Hàn để xem pháo hoa
(Hình cắt từ video clip)

Tụ tập trên cầu sông Hàn để xem pháo hoa
(Hình cắt từ video clip)

Tụ tập trên cầu sông Hàn để xem pháo hoa
(Hình cắt từ video clip)


***

Xem pháo hoa tại Đà Nẵng cũng là một lý do khác nữa cho cuộc hội ngộ Sài Gòn – Đà Lạt – Đà Nẵng vào đêm Thứ Bảy, 24/06/2027 của đại gia đình chúng tôi. Đêm chung kết chỉ còn 3 nước trình diễn và kết quả cuối cùng như sau:

1. Ý
2. Úc
3. Anh

***


Những tấm hình chụp pháo hoa là một kỷ niệm đẹp của một “nhiếp ảnh gia nghiệp dư” như tôi. Tuy chỉ chụp bằng iPhone nhưng nhờ vào địa điểm cao trên tòa nhà Azura nhìn xuống cầu sông Hàn nên tôi đã có những tấm hình rất đặc biệt cho đêm chung kết pháo hoa quốc tế. 



































***




--> Read more..

Popular posts