Thứ Ba, 30 tháng 7, 2024

Nghi vấn quanh bài thơ Đừng Tưởng của Bùi Giáng

Thi sĩ Bùi Giáng mất chiều ngày 7/10/1998, trong một cơn tai biến mạch máu tại bệnh viện Chợ Rẫy sau những năm tháng mà ông gọi là “sống điên rồ lừng lẫy…” hay “chết đi sống lại vẻ vang”.

 

Tượng trên mộ Bùi Giáng

 

Những người yêu thơ rất thích bài thơ Đừng Tưởng… từng được “coi như là” của nhà thơ “lúc điên, lúc tỉnh” Bùi Giáng:


“Đừng tưởng cứ núi là cao.

Cứ sông là chảy, cứ ao là tù.

Đừng tưởng cứ dưới là ngu.

Cứ trên là sáng, cứ tu là hiền.

 

“Đừng tưởng cứ đẹp là tiên.

Cứ nhiều là được, cứ tiền là xong.

Đừng tưởng không nói là câm.

Không nghe là điếc, không trông là mù.

 

“Đừng tưởng cứ trọc là sư.

Cứ vâng là chịu, cứ ừ là ngoan.

Đừng tưởng có của đã sang.

Cứ im lặng tưởng là vàng nguyên cây.

 

“Đừng tưởng cứ uống là say.

Cứ chân là bước, cứ tay là sờ.

Đừng tưởng cứ đợi là chờ.

Cứ âm là nhạc, cứ thơ là vần.

 

“Đừng tưởng cứ mới là tân.

Cứ hứa là chắc, cứ ân là tình.

Đừng tưởng cứ thấp là khinh.

Cứ chùa là tĩnh, cứ đình là to.

 

“Đừng tưởng cứ quyết là nên.

Cứ mạnh là thắng, cứ mềm là thua.

Đừng tưởng cứ lớn là khôn,

Cứ bé là dại, cứ hôn… là chồng !

 

“Đừng tưởng giàu hết cô đơn.

Cao sang hết ốm, tham gian hết nghèo.

Đừng tưởng cứ gió là mưa.

Bao nhiêu khô khát trong trưa nắng hè.

 

“Đừng tưởng cứ hạ là ve,

Sân trường vắng quá ai khe khẽ buồn…

Đừng tưởng thu lá sẽ tuôn,

Bao nhiêu khao khát con đường tình yêu…

 

“Đừng tưởng cứ thích là yêu,

Nhiều khi nhầm tưởng bao điều chẳng hay…

Đừng tưởng trong lưỡi có đường,

Nói lời ngon ngọt mười phương chết người.

 

“Đừng tưởng cứ chọc là cười,

Nhiều khi nói móc biết cười làm sao ?

Đừng tưởng khó nhọc gian lao,

Vượt qua thử thách tự hào lắm thay !

 

“Đừng tưởng cứ giỏi là hay,

Nhiều khi thất bại đắng cay muôn phần.

Đừng tưởng nắng gió êm đềm,

Là đời tươi sáng hóa ra đường cùng.

 

“Đừng tưởng góp sức là chung,

chỉ là lợi dụng lòng tin của người.

Đừng tưởng cứ tiến là lên,

Cứ lui là xuống, cứ yên là nằm.

 

“Đừng tưởng rằm sẽ có trăng,

Trời giăng mây xám mà lên đỉnh đầu.

Đừng tưởng cứ khóc là sầu,

Nhiều khi nhỏ lệ mà vui trong lòng.

 

“Đừng tưởng cứ nghèo là hèn,

Cứ sang là trọng, cứ tiền là xong.

Đừng tưởng quan chức là rồng,

Đừng tưởng dân chúng là không biết gì.

 

“Đời người lúc thịnh, lúc suy,

Lúc khỏe, lúc yếu, lúc đi, lúc dừng.

Bên nhau chua ngọt đã từng,

Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau.

 

“Ở đời nhân nghĩa làm đầu,

Thủy chung sau trước, tình sâu, nghĩa bền.

Ai ơi, nhớ lấy đừng quên…

 


 

Sau khi Tuổi Trẻ ngày 12/5/2016 đăng hồi ký của nghệ sĩ Kim Cương về mối tình kỳ dị mà thi sĩ Bùi Giáng dành cho bà, trong đó có bài thơ Đừng Tưởng ký tên ông… nhiều người đọc thắc mắc và cho rằng bài thơ không phải là của Bùi Giáng.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ chiều 12/5/2016, nghệ sĩ Kim Cương cho biết một người bạn gửi cho bà bài thơ này, ký tên Bùi Giáng sau khi thi sĩ mất. Sau đó bà cũng tìm hiểu thêm thông tin trên mạng, thấy nhiều nguồn ký tên Bùi Giáng dưới bài thơ. Bà tâm đắc với bài thơ nhưng không xác minh thêm độ xác thực của thông tin.

Kim Cương biết Bùi Giáng lúc khoảng 19 tuổi khi còn theo đoàn cải lương của bà Bảy Nam. Thật ra, ông chú ý đến KC trong một đám cưới của đôi bạn Hạnh - Thùy. Sau đám cưới, một hôm Thùy bảo KC: "Có một ông giáo sư Đại học Văn khoa, đi học ở Đức về, ái mộ chị lắm, muốn đến nhà thăm chị". KC trả lời: "Ừ, thì mời ổng tới".

Hóa ra là Bùi Giáng, lúc ấy đang dạy học, cũng áo quần tươm tất chứ chưa có "điên điên" như sau này. Bùi Giáng lui tới, mời KC lên xe đạp ông chở đi chơi, rồi lại cầu hôn... Bởi sau vài lần tiếp xúc, bà thấy ở ông toát lên cái gì đó "kỳ kỳ", bất bình thường, nên bà sợ.

Đeo đuổi mãi không được, Bùi Giáng thở dài nói: "Thôi, chắc cô không ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô (Bùi Giáng lớn hơn KC mười mấy tuổi), vậy cô hứa với tôi là sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé. Nó trẻ, lại đẹp trai, học giỏi".

Kim Cương ngần ngừ: "Thưa anh, chuyện tình cảm đâu có nói trước được. Tôi không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào gặp nhau hẵng tính...". Ý bà muốn hoãn binh. Nhưng Bùi Giáng đã đùng đùng dắt cháu tới.

Trời ơi, hóa ra đó là thằng nhỏ mới... 8 tuổi. KC hết hồn. Thôi rồi, ổng đúng là không bình thường!

 

“Kính thưa công chúa Kim Cương,

Trẫm từ vô tận ven đường ngồi đây.

Tờ thư rất mực móng dày,

Làm sao định nghĩa đêm ngày yêu nhau?

(Kính thưa)

 

Kỳ nữ Kim Cương và Bùi Giáng

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Hoài (người giữ gìn di cảo của Bùi Giáng) cho biết trước đây đã có vài người hỏi ông “Đừng Tưởng có phải là thơ của Bùi Giáng?”.

Câu trả lời của ông là… “không chắc”, vì Bùi Giáng để lại quá nhiều thơ và đã có nhiều trường hợp gán tên ông vào những bài thơ không phải do ông sáng tác từ thời ông còn sống.

Theo ý kiến cá nhân của ông Thanh Hoài, Đừng Tưởng khó có thể là thơ của Bùi Giáng vì ngôn ngữ đời thường của bài này không giống với ngôn ngữ nhiều tầng và ý nghĩa ẩn dụ của thơ ông.

 

Bùi Giáng qua nét vẽ của Trần Vĩnh Thế

 

Sau khi đọc hết bài thơ mang ý nghĩa Đừng Tưởng, người đọc có cảm giác đây là một bải thơ mang tính “triết lý phản biện” về những chuyện bình thường của người đời. Những điều mà người ta cứ nghĩ là “thường tình” lại có một luồng tư tưởng “mới lạ pha chút khôi hài” theo kiểu… “thấy vậy nhưng lại không phải vậy”.

Đó cũng là một lý do mà người yêu thơ đặt vấn đề về “bản quyền tác giả”: Phải chăng tác giả là nhà thơ Bùi Giáng, người nổi tiếng với những vần thơ “lúc điên, khi tỉnh” ngoài nghệ thuật dùng chữ nghĩa thâm trầm, đôi khi lại rất “thoát tục” nhưng có lúc lại “bình dị” như cuộc sống của ông!

"Mưa Nguồn” là tập thơ đầu tay của Bùi Giáng được in năm 1962, gồm nhiều bài làm từ 1948. Lời thơ bí ẩn, tươi thắm và tha thiết, mở đầu cho cả một tập thơ: Chẳng hạn như trong bài thơ “Chào Nguyên Xuân”, Bùi Giáng đã dùng hai chữ “miên trường” một cách bí ẩn, nếu không muốn nói là… lập dị:

 

“Xin chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trước miên trường phía sau

Tóc xanh dù có phai màu

Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng”

 

Xuân không mùa, Xuân là duy nhất, là tuyệt đối cho nên ông gọi là “nguyên xuân”, có thể hiểu là “Mùa Xuân Nguyên Thủy” và cũng có thể hiểu là “Mùa Xuân Viên Mãn”… hoặc là cả hai! Mùa xuân đó kéo dài từ thủa hồng hoang cho đến muôn muôn đời.

 

“Thưa rằng ly biệt mai sau

Là trùng ngộ giữa hương màu nguyên xuân”

 

Bùi Giáng là một thi sĩ dùng chữ cầu kỳ cộng thêm “nghệ thuật đảo ngữ” một cách xuất thần như trong “Bài ca quần đảo”:

 

“Người viết mãi một màu xanh cho cỏ,

Người viết hoài một màu cỏ cho xuân”

 

Tập thơ “Mưa Nguồn” (1962)

 

Bài thơ Đừng Tưởng mang tính triết lí cao được tác giả Hà Sỹ Liêm cho là thuộc bản quyền của mình khi lên tiếng về việc ai là tác giả thật sự khi có nhiều ý kiến cho rằng đây là bài thơ đứng tên Bùi Giáng.

Bài thơ lục bát Đừng Tưởng được đăng trên Báo Gia đình & Xã hội vào ngày 29/3/2016 với tên tác giả là Hà Sỹ Liêm. Ông Liêm đã cung cấp bản viết tay mà ông nói là bản nháp gốc bài thơ và Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả.

 

Giấy chứng nhận bản quyền do ông Hà Sỹ Liêm cung cấp

 

Với việc chứng minh như vậy, tác giả Hà Sỹ Liêm khẳng định, bài thơ này được ông sáng tác vào năm 1992 khi 29 tuổi đang sống tại Pháp và do bị mất bản thảo cho đến nay vẫn chưa tìm thấy lại được. Sau đó, vô tình nhìn thấy bài thơ của mình trên mạng, nhận ra đó là bài thơ mình sáng tác, ông đã xin Giấy chứng nhận vào ngày 5/10/2015.

 

Tác giả Hà Sỹ Liêm

 

Người ta chú ý đến một nhân vật khác là Trần Văn Sỹ (thời điểm 2008 là cán bộ ngành thông tin và truyền thông), ông đã sáng tác khá nhiều thơ, nhạc, vẽ tranh… Trong đó có nhiều bài thơ đăng trên báo An ninh Thế giới, Tạp chí Phụ nữ

Ông Trần Văn Sỹ bày tỏ, ông ít sáng tác nhưng những bài thơ của ông mang tính chiêm nghiệm và đầy triết lí. Ông đã gửi lời bình luận ngay dưới bài viết của Hà Sỹ Liêm với nội dung:

“Thực ra có nhiều bài thơ Đừng Tưởng.... Vấn đề là những câu trong bài thơ Đừng Tưởng của tác giả Sỹ Liêm là những câu nào, có phải là những câu thơ gây sốt trên mạng thời gian qua hay không.

“Từ 2009, tôi có viết một bài cũng đề là Đừng Tưởng, bạn bè đọc chơi rồi tung lên mạng, nay thấy những câu ấy phần nhiều cũng được người ta bảo là của nhà thơ Bùi Giáng, song người nhà thơ Bùi Giáng không nói gì, nên tôi không nêu ý kiến của mình.

“Nay thấy có người là tác giả của bài thơ Đừng Tưởng, song tôi chưa biết là những câu thơ như thế nào. Rất mong tác giả Sỹ Liêm cho đăng nguyên văn bài thơ của ông đã sáng tác nói trên để tránh nhầm lẫn”.

(hết trích)


Ông Sỹ cũng đã gửi thêm cho ông Hà Sỹ Liêm những câu sau đây mà ông khẳng định chưa ai có thể thấy ở đâu cả, vì nó do ông ngẫu hứng sáng tác nhân sự kiện bị đạo thơ này:

 

“Đừng tưởng giỏi lừa là tài

Giỏi giấu là kín, giỏi bài là an

Đừng tưởng thơ của dân gian

Thì dễ ắn cắp để làm của ta

 

“Đừng tưởng người xử hiền hòa

Mà người chẳng thể vùi ta xuống bùn

Đừng tưởng ta nói nhơn nhơn

Người im không nói ta hơn được người

 

“Đừng tưởng lừa được triệu người

Chỉ một người biết mà đời ta yên

Đừng tưởng…

 

Sau sự kiện bị “đạo thơ” này, ông Trần Văn Sỹ cho biết tới đây có thể ông sẽ xuất bản các sáng tác lâu nay của mình để… “sau này đỡ phải đi bắt trộm”.

 

Tác giả Trần Văn Sỹ

 

Chỉ tiếc một điều, thi sĩ Bùi Giáng tài hoa của chúng ta không còn hiện diện trên cõi đời này để lên tiếng giữa những tranh cãi về quyền tác giả của một bài thơ!

Chúng tôi kết thúc bài viết “những nghi vấn quanh một bài thơ…” với những lời thơ dựa theo tinh thần… đừng tưởng:

 

“Đừng tưởng nằm xuống là yên

Thế gian từ tạ về miền hư vô

Ngờ đâu từ giã cõi đời

Xuôi tay, nhắm mắt… khó rời trần gian!”

 

Mộ phần Bùi Giáng

 

***

 

Tham khảo thêm:


“Xuân trong thơ Bùi Giáng”

http://chinhhoiuc.blogspot.com/.../xuan-trong-tho-bui...


“Bùi Giáng – thơ Tiên hay thơ Điên (1)?”

http://chinhhoiuc.blogspot.com/.../bui-giang-tho-tien-hay...

 

“Bùi Giáng – thơ Tiên hay thơ Điên (2)?”

http://chinhhoiuc.blogspot.com/.../bui-giang-tho-tien-hay...

 

*** 

--> Read more..

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2024

Hiệp định Genève nhìn từ các phía

Vào ngày 26/4/1954, 9 quốc gia (Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Cộng, Pháp, Lào, Campuchia, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Quốc gia Việt Nam) đã nhóm họp tại Genève (Thuỵ Sĩ) để bàn về việc khôi phục hòa bình tại Triều Tiên và Đông Dương.

Hội nghị tái nhóm vào ngày 8/5/1954 và đã trở thành cuộc “mặc cả”“đi đêm” giữa Việt Minh và thực dân Pháp. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Minh đòi chia đôi Việt Nam kể từ vĩ tuyến 13 (ngang với Tuy Hòa). Nhưng trước sức ép của Liên Xô và Trung Cộng, Việt Minh chấp thuận đề nghị dời lên vĩ tuyến 17, thuộc tỉnh Quảng Trị.

 

Phòng họp về Hiệp định Genève

 

Đại diện phía Quốc Gia Việt Nam luôn luôn phản đối việc chia cắt đất nước. Bác sĩ Trần Văn Đỗ đã ra một bản tuyên ngôn với những lời lẽ gay gắt:

“Chúng tôi long trọng phản đối việc ký kết hấp tấp thỏa hiệp ngưng chiến do hai cơ quan Tư Lệnh Tối Cao Pháp và Việt Minh… yêu cầu Hội nghị ghi nhận một cách chính thức rằng Việt Nam long trọng phản đối cách ký kết Hiệp Định cùng những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của nhân dân Việt Nam”.

Sở dĩ phái đoàn Quốc Gia Việt Nam phải chống đối kịch liệt việc chia cắt đất nước, vì thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, đất nước cũng bị chia đôi bởi giòng sông Gianh và là một vết nhơ trong lịch sử Việt Nam.

Sông Gianh (còn gọi là Linh Giang) dài khoảng 160 km, cắt qua Quốc lộ 1 ở tây bắc. Sông Gianh là ranh giới thời Trịnh–Nguyễn phân tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài (1570-1786). Cuộc xung đột vũ trang kéo dài gần nửa thế kỷ (từ 1627 đến1672).

 

Sông Gianh, đoạn qua Tuyên Hóa, Quảng Bình

Sông Bến Hải, nằm ở vĩ tuyến 17, dài chừng 100 km với nơi rộng nhất khoảng 200 m, thuộc huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, được Hiệp định Genève chọn làm ranh giới giữa hai miền Nam Bắc với chiếc cầu Hiền Lương (183 m) bắc ngang.

 

Cầu Hiền Lương bắc ngang sông Bến Hải là ranh giới giữa 2 miền Nam-Bắc

Đúng 12 giờ đêm ngày 20/7/1954, Hiệp Định vẫn chưa được ký nên đồng hồ trong phòng họp ngưng chạy cho đến khi bản Hiệp Định ra đời. Trên thực tế, Pháp và Việt Minh đã phải vội vã ký kết vào lúc 3 giờ 50 sáng ngày 21/7/1954, nhưng Hiệp định vẫn đề ngày 20/7/1954 với chữ ký của đại diện Pháp và Việt Minh.

Nội dung Hiệp Định có những điểm chính như sau: Hai bên có 300 ngày để di chuyển nhân sự, hai năm sau (ngày 20/7/1956) sẽ tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước, Ủy Ban Quốc Tế Giám Sát việc thi hành gồm 3 quốc gia: Ấn Độ, Ba Lan và Canada.

Hiệp định Genève cũng cấm phá hủy cơ sở trước khi rút quân, cấm trả thù hoặc ngược đãi những người đã cộng tác với đối phương, cấm đưa thêm quân đội, vũ khí hoặc lập căn cứ quân sự ở vùng đối phương.

Hiệp Định cũng ấn định một thời gian chuyển tiếp để dân chúng hai miền được quyền tự do lựa chọn đi theo chính phủ Cộng Sản hay Quốc Gia. Phía Quốc Gia có thời hạn tập trung dân chúng 80 ngày tại Hà Nội, 100 ngày ở Hải Dương và 300 ngày tại Hải Phòng để xuôi Nam.

Tại Miền Nam, những người muốn theo Việt Minh để ra Bắc có thể tập trung tại Hàm Tân 80 ngày, Bình Định 100 ngày và Cà Mâu 300 ngày để di chuyển về Miền Bắc. Người dân Miền Nam di cư về Bắc rất ít, chủ yếu là thân nhân bộ đội tập kết ra Bắc.

 

Sau Hiệp định, gần 1 triệu người đã rời miền Bắc di cư vào Nam

Tổng kết tính đến ngày di tản cuối cùng vào tháng 3 năm 1955, đã có khoảng gần 1 triệu người theo “Con Đường Đến Tự Do” (Passage to Freedom) từ Bắc vào Nam. Đa số là người theo đạo Công Giáo… nhưng khi thời gian di cư chấm dứt, nhiều người vẫn tiếp tục vượt biên bằng thuyền bè hoặc bơi qua sông Bến Hải.

 

Chương trình “Passage to Freedom” (Con đường đến Tự Do) do Pháp và Hoa Kỳ tổ chức để đưa người vào Nam

Lập trường của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do, giới tuyến quân sự không được coi là “biên giới quốc gia” và chỉ tồn tại cho đến khi hoàn thành Tổng tuyển cử để thành lập Chính phủ Liên hiệp.

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị ở thế tương đối “bị động” do sự thiếu thông tin từ việc phải đặt căn cứ ở vùng rừng núi, không kiểm soát được các thành phố lớn và thiếu một hệ thống tình báo chiến lược có hiệu quả.

Phía Việt Nam cũng tỏ ra thiếu kinh nghiệm, cũng vì thiếu thông tin nên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã không đánh giá được hết ý đồ của các nước lớn trong đó có vai trò của Trung Quốc, tham vọng của Anh và Hoa Kỳ cũng như không nắm được hết những mâu thuẫn giữa những nước lớn với nhau.

Tại Hội nghị, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng đã dành toàn bộ bài phát biểu đầu tiên cho việc đòi đại diện các lực lượng kháng chiến Pathet Lào và Campuchia (Khmer Issarak) phải được tham dự như các thành viên bình đẳng. Tuy nhiên, các nước phương Tây bác bỏ đề nghị này vì vấn đề tại Lào-Campuchia là một vấn đề khác.

Lập trường ban đầu của Trung Quốc giống với Việt Nam là giải quyết cùng một lúc vấn đề ở ba nước Đông Dương. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5, sau khi Việt Nam chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc chuyển sang ủng hộ quan điểm của các nước phương Tây.

Cả Pháp lẫn Việt Nam đều xác định Điện Biên Phủ là trận chiến quyết định vị thế hai bên trước khi bước vào bàn đàm phán. Chính phủ chủ chiến ở Pháp gặp nhiều sức ép trong nội bộ, vị thế Đảng Cộng sản Pháp trong Quốc hội được nâng cao và giải pháp Bảo Đại không phát huy tác dụng.

Pháp muốn có một lối thoát trong danh dự khỏi cuộc chiến cũng như bảo vệ các lợi ích còn sót lại tại Đông Dương. Ban đầu phái đoàn Pháp tham dự Hội nghị giữ lập trường khá cứng rắn: đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để xoa dịu dư luận và để chính phủ của Thủ tướng Laniel tránh bị mất tín nhiệm, đồng thời tranh thủ thời gian cứu nguy cho quân đội Pháp ở Đông Dương.

Phía Pháp chủ trương chỉ giải quyết vấn đề quân sự theo kiểu Triều Tiên, nghĩa là ngừng bắn và giải giáp tại chỗ những lực lượng không chính quy mà không có giải pháp chính trị.

Sau một thời gian giữ lập trường cứng rắn thì Pháp gánh chịu thất bại lớn ở trận Điện Biên Phủ, nội các của thủ tướng Laniel bị nhân dân Pháp lên án, buộc phải từ chức ngày 12/6/1954.

Phe chủ chiến ở Pháp bị đánh đổ, ngày 18/6, khi nhậm chức, Mendès France tuyên bố sẽ từ chức nếu trong vòng một tháng không đạt được ngừng bắn ở Đông Dương. Pháp muốn rút khỏi chiến tranh Đông Dương trong danh dự đồng thời duy trì những lợi ích kinh tế và ảnh hưởng văn hoá tại Lào, Campuchia và Miền Nam Việt Nam.

Pháp không chấp nhận phương án vĩ tuyến 13 của Việt Nam với lý do chính quyền Bảo Đại vẫn cần phải có Huế, đồng thời Pháp vẫn cần Đường 9 để tiếp tế cho Lào từ Biển Đông, mất Tây Nguyên thì sớm hay muộn Việt Nam Dân chủ Cộng hóa cũng sẽ chiếm Nam Việt Nam.

Pháp đề xuất vĩ tuyến 18 để ép Việt Nam phải từ bỏ vùng kháng chiến ở khu vực miền Trung gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, những địa bàn có lực lượng Việt Minh rất mạnh cả về chính trị lẫn quân sự.

Ngày 4/6/1954, trước khi Hiệp định Genève được ký kết 6 tuần, Thủ tướng Pháp đã ký tắt dự thảo Hiệp ước Matignon với Thủ tướng Quốc gia Việt Nam. Bản dự thảo dự kiến công nhận Quốc gia Việt Nam hoàn toàn độc lập khỏi Chính phủ Pháp và là thành viên của khối Liên hiệp Pháp.

Mặt khác, Hiệp ước Matignon mới chỉ được ký tắt dưới dạng ghi nhớ giữa 2 Thủ tướng chứ không phải nguyên thủ cao nhất của 2 bên là Tổng thống Pháp René Coty và Quốc trưởng Bảo Đại, nên nó vẫn chưa có hiệu lực pháp lý.

Bảo Đại đã đến Pháp từ tháng 4 và dự định rằng vấn đề chữ ký chính thức sẽ được giải quyết trong 2-3 tuần, nhưng dự định này đã tắt ngấm khi Hiệp định Geneve diễn tiến quá nhanh. Sau khi Hiệp định Genève được ký, Hiệp ước Matignon đã trở nên không còn hiệu lực. Đại diện phái đoàn Quốc gia Việt Nam ra một tuyên bố riêng:

"Việc ký hiệp định giữa Pháp và Việt Minh có những điều khoản gây nguy hại nặng nề cho tương lai chính trị của Quốc gia Việt Nam. Hiệp định đã nhường cho Việt Minh những vùng mà quân đội quốc gia còn đóng quân và tước mất của Việt Nam quyền tổ chức phòng thủ. Bộ Tư lệnh Pháp đã tự ấn định ngày tổ chức tuyển cử mà không có sự thỏa thuận với phái đoàn quốc gia Việt Nam... Chính phủ Quốc gia Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận rằng Chính phủ tự dành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện Thống nhất, Độc lập, và Tự do cho xứ sở."

Tuy vậy, lời phản kháng và đề nghị của đại diện Quốc gia Việt Nam đã không được Hội nghị bàn tới. Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ từ Genève tuyên bố với báo chí:

"Từ khi đến Genève, phái đoàn không bao giờ được Pháp hỏi về ý kiến về điều kiện đình chiến, đường phân ranh và thời hạn Tổng tuyển cử. Tất cả nhưng vấn đề đó đều được thảo luận ngoài Hội nghị, thành ra phái đoàn Việt Nam không làm thế nào bầy tỏ được quan điểm của mình".

Tuy lên tiếng phản đối, nhưng sau khi hiệp định được ký kết, Chính phủ và quân đội Quốc gia Việt Nam vẫn cùng quân Pháp tập kết về phía nam vĩ tuyến 17, bởi họ vẫn là thành viên của Liên hiệp Pháp.

Ngày 28/4/1954, Ủy ban Bảo vệ Bắc Việt Nam của Quốc gia Việt Nam tìm cách kêu gọi dân chúng di cư vào Nam. Một kế hoạch di cư được đặt ra và một Uỷ ban di cư được thành lập. Ngày 30/7/1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm phát biểu cổ vũ dân chúng miền Bắc di cư với khẩu hiệu “Chúa đã vào Nam”.

Sau đó, hậu thân của Quốc gia Việt Nam là Việt Nam Cộng hòa, với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ đã từ chối tổ chức tuyển cử thống nhất Việt Nam, trái với Tuyên bố chung của Hiệp định.

Chính phủ Hoàng gia Campuchia mong muốn hoàn toàn độc lập, đồng thời chấm dứt chiến tranh trên lãnh thổ Campuchia. Lực lượng Khmer Issarak phải giải giáp, đổi lại Chính phủ Campuchia chấp nhận một cuộc tổng tuyển cử tự do được bầu ra.

Lập trường của Chính phủ Hoàng gia Lào tương tự Chính phủ Campuchia. Lào mong muốn hoàn toàn độc lập và chấm dứt chiến tranh trên lãnh thổ Lào. Lực lượng quân sự Pathet Lào phải tập kết về hai tỉnh Phongsaly và Xamneua dưới sự giám sát quốc tế, đổi lại Chính phủ Lào chấp nhận một cuộc tổng tuyển cử tự do bầu ra Chính phủ mới trong đó những thành viên Pathet Lào có thể tham gia với tư cách là ứng cử viên hoặc cử tri.

Nước Anh không muốn dính líu vào cuộc tái xâm lược của Pháp ở Đông Dương cùng với Mỹ nhưng cũng không muốn gây tổn hại đến quan hệ đồng minh với Mỹ. Anh kiên trì khuyên Mỹ trì hoãn những hành động quân sự tại Đông Dương bao gồm việc thành lập khối SEATO cho đến khi "lực lượng cộng sản đưa ra giải pháp hoà bình" được Mỹ chấp thuận do đó không phải lựa chọn ủng hộ hay không ủng hộ Mỹ.

Ngoài ra, Anh chủ trương ủng hộ Pháp thương lượng trên thế mạnh. Đồng thời Anh cũng đề nghị các nước thân Anh tham gia Hội nghị loại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khỏi Hội nghị. Tuy nhiên đề xuất của Anh bị Liên Xô bác bỏ do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là bên tham chiến trực tiếp với Pháp.

Ngay trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc một tháng, Hoa Kỳ đã yêu cầu Pháp bằng mọi cách không được thất bại do lo ngại phong trào Cộng sản sẽ lan rộng khắp Đông Nam Á.

Phái đoàn Hoa Kỳ từ chối ký Hiệp định Genève nhưng ra tuyên bố nước này "sẽ coi mọi sự tái diễn của các hành động bạo lực vi phạm Hiệp định là điều đáng lo ngại và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế".

Trong tuyên bố của mình, đối với sự chia cắt Việt Nam trái nguyện vọng của hai miền Nam - Bắc, chính phủ Mỹ cũng nêu rõ quan điểm "tiếp tục cố gắng đạt được sự thống nhất thông qua những cuộc tuyển cử tự do được giám sát bởi Liên Hợp Quốc để bảo đảm chúng diễn ra công bằng".

Kết thúc Hội nghị Genève, trưởng phái đoàn Chính phủ Mỹ tuyên bố ghi nhận và cam kết tôn trọng quyết định của các bên tham gia Hội nghị Genève. Nhưng liền sau đó, chính Tổng thống Mỹ lại tuyên bố: "Hoa Kỳ không tham dự vào những quyết định của Hội nghị Genève và không bị ràng buộc vào những quyết định ấy".

Cũng như Tổng thống của mình, thượng nghị sĩ (4 năm sau trở thành Tổng thống) John F. Kennedy tuyên bố: "Nó (Quốc gia Việt Nam) là con đẻ của chúng ta. Chúng ta không thể từ bỏ nó".

Mục tiêu của Liên Xô là ngăn chặn nguy cơ chiến tranh vượt ra khỏi phạm vi Đông Dương khiến phương Tây đoàn kết lại ủng hộ Mỹ. Liên Xô cũng muốn ngăn ngừa việc quốc hội Pháp thông qua kế hoạch thành lập Cộng đồng Phòng thủ châu Âu. Đồng thời Liên Xô muốn tạo dựng hình ảnh là người bảo vệ hoà bình thế giới và nâng đỡ vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Liên Xô chỉ quan tâm tới các vấn đề ở châu Âu còn các vấn đề ở Châu Á - Thái Bình Dương, Liên Xô phó thác toàn bộ cho Trung Quốc. Do giữ được độc lập và tự chủ trong đường lối đối ngoại nên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã biết cách hóa giải quan điểm này của Liên Xô.

Hội nghị Genève là cơ hội quan trọng để đưa Trung Quốc thành một thế lực chính tại châu Á. Lúc này, do Trung Quốc vừa bước ra khỏi Chiến tranh Triều Tiên với nhiều tổn thất, đồng thời, Mao Trạch Đông cũng đang chuẩn bị thực hiện Đại Nhảy Vọt nên cần nhiều nguồn lực.

Trung Quốc lúc này không muốn chiến tranh ở Đông Dương tiếp diễn để không phải chi viện cho các nước Đông Dương. Về mặt chính trị, Trung Quốc cũng muốn nhân cơ hội này để nâng cao vị thế và tranh thủ sự ủng hộ của các nước phương Tây.

Để thực hiện mục đích của mình, Trung Quốc đã cử một phái đoàn rất lớn gồm 200 người là những chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau do Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Chu Ân Lai đứng đầu.

Bên cạnh đó, vào lúc này Trung Quốc chưa có bom nguyên tử hay phương tiện để tấn công Hoa Kỳ nên nước này cũng lo ngại việc chiến tranh tiếp diễn sẽ khiến Hoa Kỳ sử dụng bom nguyên tử ở Việt Nam, thậm chí là cả ở Trung Quốc.

Trước đó, Trung Quốc đã biết Hoa Kỳ có kế hoạch tấn công đảo Hải Nam để hỗ trợ Đài Loan. Tuy nhiên, thông tin này sau đó được phía Hoa Kỳ xác nhận là sẽ không thực hiện vì Hoa Kỳ không muốn tiếp tục đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.

Trung Quốc thoả hiệp với các nước phương Tây trong giải pháp phân chia lãnh thổ bất lợi đối với lực lượng bản xứ chống Pháp tại các nước này. Để kêu gọi sự ủng hộ của Liên Xô đối với các lập trường của Trung Quốc, phái đoàn Trung Quốc đã cố tình cung cấp thông tin sai lệch về tình hình chiến trường Điện Biên Phủ khiến cho Liên Xô không tin rằng Việt Nam sẽ thắng trận và lên các phương án đàm phán không có lợi cho Việt Nam.

Mục tiêu cao nhất của Trung Quốc là mong muốn các bên ký kết một hiệp định về Đông Dương để tránh mọi sự can thiệp của Mỹ. Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc Chu Ân Lai ra tuyên bố:

"Ba nước Đông Dương sẽ không tham gia vào bất cứ khối liên minh quân sự nào và không một nước ngoài nào được phép thành lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của họ." Tuyên bố của Trung Quốc kết thúc bằng câu "Chúng ta hãy hết sức tin tưởng và tiếp tục đấu tranh để bảo vệ hoà bình thế giới."

Trong cuộc đàm phán giữa các bên, Trung Quốc giờ đây lại giữ vai trò thúc đẩy phía Việt Nam nhân nhượng, đặc biệt từ ngày 10/7/1954, Trung Quốc ngày càng thúc ép Việt Nam chịu thiệt thòi, họ cho rằng điều kiện đưa ra nên giản đơn, rõ ràng để dễ đi đến hiệp thương, không nên làm phức tạp để tránh Hoa Kỳ có lý do phá hoại.

Ngày 23/6, trong cuộc tiếp xúc với phái đoàn Pháp, Chu Ân Lai thể hiện lập trường không có lợi cho Việt Nam trên bàn đàm phán, như cho Pháp biết quân tình nguyện Việt Nam sẽ rút khỏi Lào và Campuchia, Trung Quốc sẵn sàng công nhận Chính phủ Vientiane và Chính phủ Phnom Penh.

Phía Việt Nam đã phải chấp nhận nhượng bộ rất nhiều nhưng có hai điều khoản phía Việt Nam cương quyết phải có đó là Tổng tuyển cử và giới tuyến quân sự tạm thời không được coi là biên giới quốc gia.

 

Hình nộm Charles de Gaulle và Hồ Chí Minh bị treo cổ của sinh viên biểu tình tại Sài Gòn, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Hiệp định Genève vào tháng 7/1964


Nhân kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Genève 20/7/1954, chúng ta cần nhìn lại lập trường của các bên liên quan để thấy rằng “bàn cờ chính trị” luôn dựa theo chính kiến riêng của từng quốc gia tham dự. 

Có điều câu nói “mạnh được, yếu thua” vẫn là cốt lõi của vần đề!

 

*** 

--> Read more..

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2024

Duyên văn nghệ!

Sáng nay ngồi cà phê quen nhưng lại có… chuyện lạ!

Trước mắt bỗng xuất hiện một chàng khoảng U-70, chở phía sau là một nàng đeo sau lưng một chiếc đàn guitar.

Xe dừng lại, chàng chuyển cái “amplifier” xuống đường còn nàng thì tháo đàn ra khỏi bao.

Thì ra đây là một cặp đi hát dạo… Trong khi chàng lên dây đàn thì nàng mở cốp xe, lấy ra những tập sách để chuẩn bị cho một buổi tiếp thị… chớp nhoáng!

Giọng hát chàng thật ấm áp cất lên còn nàng thì tiến đến những bàn có khách đang mải chuyện trò hoặc dán mắt vào điện thoại.

Lúc nàng đến bàn tôi khi đó mới biết những quyền sách là những tập nhạc tuyển dày khoảng gần 200 trang với những bài hát quen thuộc trước năm 1975, một thời để nhớ!

Tôi chọn mua một tuyển tập mang tên “Cát Bụi” có hình Trịnh Công Sơn ngoài bìa. Mục lục đầu tuyển tập có tới 180 bài hát của các nhạc sĩ một thời được ưa thích.

Thật quý để có được một tuyển tập với giá 100.000 đồng… mặc dù giờ đây tôi không còn chơi nhạc, bỏ hẳn guitar… nhưng cái quý là có được một tuyển tập đề giữ làm kỷ niệm!

Phải coi đây là một “mối duyên văn nghệ” khi đã bước vào tuổi gần đất xa trời. Ăn uống giờ đây chẳng được bao nhiêu nhưng với món quà văn nghệ này mới thật là… vô giá!


 ***




















***


















 

--> Read more..

Popular posts