Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

Trả lại cho Caesar…

Người Phương Tây thường nói “Cái gì của Caesar hãy trả lại cho Caesar...” với hàm ý mọi sự rồi sẽ cũng trở về với trật tự vốn có của nó.

 

Julius Caesar (100 - 44 Trước Công Nguyên)

 

Sau 3 năm, 1 tháng “lưu vong” về đền thờ Đức Thánh Trần tại số 86 Võ Thị Sáu, phường Tân Định... nửa khuya ngày 16/3/2022 lư hương tại tượng đã trở về vị trí trước đó tại công viên Mê Linh nhìn ra Sông Sài Gòn.

Theo báo Tuổi Trẻ “... việc cung thỉnh lư hương về an vị dưới tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo tại công viên Mê Linh đã hoàn tất, chuẩn bị cho lễ khánh thành “Dự án chỉnh trang công viên Mê Linh và công viên bến Bạch Đằng”. Đây là một dự án sửa chữa và tôn tạo khu vực này với tổng chi phí 32,5 tỷ đồng, tức khoảng 1,4 triệu đô la”.

 

Toàn cảnh Công viên Mê Linh và Bến Bạch Đằng

 

Trang Facebook Phuc Tien Tran Huu tường thuật: “Lúc 12 giờ khuya [hôm 16 Tháng Ba] sau khi chứng kiến lễ dâng hương, cúng kiến rất thành kính [tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo] với sự hiện diện của Chủ tịch thành phố Sài Gòn Phan Văn Mãi và nhiều viên chức khác cùng đại diện nhà thầu và các công nhân xây dựng.”

 

Lễ Khánh thành đặt lại lư hương dưới chânTượng Đức Thánh Trần

 

Về lư hương mới, Facebooker Mạc Van Trang (có tick xanh) xác nhận đúng là lư hương cũ được cẩu từ Đền thờ, có điều được làm sạch bóng chứ không cũ kỹ như một số người nghi ngờ (?). Lư hương nặng khoảng 2.000kg, bên trong chứa đầy cát trắng được lấy về từ Nha Trang.

 

Lư hương mới với cát trắng đem về từ Nha Trang

 

Vụ trả lại lư hương dưới chân tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo diễn ra chỉ sau ít ngày Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Khánh Hòa ngày 13/3/2022 để dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma sau 34 năm và chỉ đạo huyện đảo Trường Sa phải trở thành “trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước.”

Ông Phạm Minh Chính cũng là nhân vật hiếm hoi trong các lãnh đạo chóp bu của chính quyền dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, một sự kiện có liên quan đến “Trung Quốc xâm lược.”

 

Lư hương mới

 

Tượng Đức Thánh Trần do họa sĩ Phạm Thông (1943 – 2016) tạo tác, được xây dựng từ năm 1966 – 1967. Đây chính là tượng đài Trần Hưng Đạo đầu tiên trên cả nước. Bức tượng cao 6 mét, được thiết kế theo hình tượng lưu truyền trong sử sách.

 

Tượng Đức Thánh Trần

 

Chính quyền Thành phố cho cẩu lư hương với lý do “để ngăn cản người dân thành phố tụ tập đông người!”. Lư hương bị di dời vào ngày 17/2/2019 và đó cũng là ngày một số nhân sĩ trí thức sẽ đến đốt nhang tại tượng nhân ngày kỷ niệm chiến tranh biên giới với Trung Quốc 17/2/1979.

Cũng vào dịp này, trước khi lư hương bị cẩu đi, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, một tập hợp các trí thức yêu nước, có kế họach thắp nhang tưởng niệm niệm các liệt sĩ và đồng bào hy sinh trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược biên giới tại chân tượng Đức Thánh Trần.

 

Lư hương trước Tượng đài Trần Hưng Đạo đã được cẩu về an vị ở Đền thờ Đức thánh Trần

 

Sau khi bị công luận và cư dân mạng phản đối về biện pháp cho cẩu lư hương đi, bà Bí thư Quận 1 Trần Kim Yến được truyền thông trong nước dẫn lời là việc dời lư hương trước tượng Đức Thánh Trần là hết sức “bình thường” và “hợp lý” vì việc thờ phụng cần đặt ở đình, đền, chùa để trang nghiêm hơn.


Trả lời báo chí sáng 18-2, bí thư quận ủy quận 1, Trần Kim Yến, nói việc thờ phụng nên được đặt ở Đình, Đền, Chùa sẽ đúng hơn. Đó là việc hết sức bình thường

 

Trước đó, bà Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố phụ trách văn hóa xã hội Nguyễn Thị Thu đã ký quyết định dời lư hương vào ngày 15/1/2019. Một tháng sau, bà Thu bất ngờ qua đời!

 

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND Tp. HCM phụ trách văn hóa xã hội, qua đời ngày 20.2.2019

 

Cái chết của bà Thu có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên có liên quan đến yếu tố tâm linh rất khó giải thích. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có lý do để nhiều người đặt câu hỏi liệu có sự liên quan nào giữa cái chết của bà và quyết định di dời lư hương hay không?

 

Cựu Chủ tịch UBND Thành phố HCM, Nguyễn Thiện Nhân, và Tượng Đức Thánh Trần

 

Các cụ ta ngày xưa thường khuyên con cháu: “Chuyện tâm linh không phải là trò đùa”, nhất là đối với một anh hùng dân tộc đại thắng quân Nguyên và đã được Phong Thánh như Trần Hưng Đạo.

 ***

--> Read more..

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2022

Phiếm luận: Tự điển... tra ngược

Tôi có tham vọng làm một cuốn tự điển tiếng Việt từ hồi còn trẻ. Nhưng đến giờ, tuổi đã cao, “lực bất tòng tâm”, nên điều mong ước đó đành phải… “giữa đường gãy gánh”.

Lục đống bản thảo cũ còn sót lại, tôi bỗng nảy sinh ý định góp nhặt những gì đã làm để hình thành “một đoạn tự điển”... Thật bất ngờ, bản thảo tự điển còn sót lại nằm trong mục từ “Bất”, tôi xếp các từ bắt đầu bằng chữ “Bất” nhưng lại không theo mẫu tự như thường thấy trong các cuốn tự điển khác.

Như vậy có nghĩa là tự điển của tôi sẽ phải “tra ngược” từ vần X xuống vần A để mọi người khỏi lầm tưởng đến các tự điển “chính quy”. Tự điển “tra ngược” này có lẽ là tài liệu tham khảo có một không hai vì các định nghĩa về từ vựng mang tính cách tiếu lâm nhưng lại không bất cập!

“Việt Nam tân từ điển” của Thanh Nghị (Nhà xuất bản Thời Thế, Saigon) định nghĩa “Bất” chỉ vỏn vẹn một chữ “Không” nhưng có đến hàng chục danh từ ghép được tạo thành, từ “bất an”... cho đến “bất ý”. Như đã nói ở trên, chúng ta sẽ tra ngược từ “bất ý” đến “bất an”.

Thanh Nghị giải thích “bất ý” là tình trạng vô ý thức hay nói một cách khác là không cố ý, chẳng hạn như “Bất ý, tôi lại bỏ quên cây viết ở nhà...”.

Thời nay, có nhiều chuyện bất ý còn động trời hơn nhiều, có những quan chức còn bất ý quên cả nhiệm vụ của mình là lo cho dân, cho nước! 

 



“Bất tử” là không chết hay nói khác đi là sống mãi trong lòng người. Khi yêu nhau, chàng trai hay cô gái vẫn coi tình yêu của mình là bất tử... nhưng phải đợi thời gian mới minh chứng được “tuổi thọ” của tình yêu.

Họ có ở bên nhau cho đến khi “răng long, đầu bạc” hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, cả chủ quan lẫn khách quan! Sẽ là bất hạnh nếu một trong hai người phải lìa đời trong lúc tuổi xuân thì làm sao còn bất tử cho được.

Lại còn bất hạnh hơn nữa như dân Ukraine phải sống trong thảm cảnh chiến tranh cũng chỉ vì họ không chịu bất khuất trước thế lực của kẻ mạnh. Đối với kẻ thù, họ trở thành những kẻ bất trị, bất phục tùng trước mũi súng dù mọi chuyện bất trắc có thể xảy ra!

Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine trở nên bất diệt trước súng đạn của kẻ thù, dù ông có thể một ngày nào đó biến mất trên sân khấu chính trị cũng như ông trước đây đã rời khỏi sân khấu cuộc đời. Ông vẫn bất diệt với tinh thần yêu tổ quốc của dân Ukraine.

Một khi bất hòa xảy ra giữa hai cá nhân người ta có thể bất hợp tác, ở một quy mô lớn hơn, tình trạng bất tín nhiệm lại dẫn đến đổ máu. Ấy thế mà cũng có khi những phần tử bất trị đó lại có một phương thức bất thường bằng cách… bất tham chiến.

 



Ông Mahatma Gandhi ở Ấn Độ là một trường hợp bất hủ với cách đấu tranh bất bạo động với thực dân Anh bằng cách bất hợp tác để mang lại tự do cho dân tộc. Chính sách bất diệt đó đã trở nên bất bại để ngày nay thế giới có một nước Ấn tự do, bất khả xâm phạm. Hóa ra... bất chiến tự nhiên thành!

Trên đời này, không có chuyện gì là bất khả thi. Không có gì gọi là bất ngờ và cũng chẳng có gì gọi là bất phùng thời. Cái chân lý bất dịch đó vẫn luôn luôn bất biến vì nguyên lý bất di bất dịch.

Từ điển tra ngược hoàn toàn khác với từ điển tra xuôi của Thanh Nghị và rất nhiều từ điển khác. Hai loại từ điển đều có những điểm riêng hoàn toàn bất khả xâm phạm lẫn nhau dù có những bất đồng trong suy nghĩ.

 



Chúng ta cần gì trong giai đoạn hiện tại?

Phải chăng đó là một cuộc sống ung dung tự tại để mọi người không cảm thấy bất an, bất kể trong lãnh vực nào. 

 *** 

--> Read more..

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2022

Thái Bá Tân và nước Nga

Tôi đã viết về “nhà thơ năm chữ” Thái Bá Tân từ năm 2012, bây giờ lại phải quay về nhà thơ xứ Nghệ 73 tuổi này một lần nữa vì lý do thời sự.



Thái Bá Tân, Moscow, 1967



Nhà thơ tiền chiến Vũ Đình Liên cũng sở trường về thơ ngũ ngôn, nổi bất nhất là bài “Ông đồ” với những câu thơ mang đậm chất hoài niệm:


“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua...”

...

“Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?





Tượng đồng, Thái Bá Tân



Nhà thơ thời nay Thái Bá Tân không mang tính thơ thẩn hay hoài cổ như Vũ Đình Liên, thơ ông mang tính thời sự, dân dã và pha chút phản kháng như trong bài “Tự bạch”:



“Nói thật với các bác

Điều vẫn giấu xưa nay.

Sẽ khối anh nhảy cẫng,

Mắng thế nọ thế này.



“Nhảy cẫng thì nhảy cẫng.

Việc họ làm cứ làm.

Tôi chưa hề, thú thật,

Tự hào người Việt Nam.




Người đọc những dòng trên rất dễ ngộ nhận để xếp vào loại thơ “phản động”. Thật ra, Thái Bá Tân thuộc loại “con cưng của chế độ”, ông được đi du học tại Liên Xô, từ năm 1967 đến 1974 tại Khoa ngoại ngữ, Đại học Matscova.




Tượng đá, Thái Bá Tân



Với một thời gian dài ở Nga, ông đã viết một bài thơ mang tựa đề “Liên bang Nga” với 4 câu mở đầu:



“Đất nước Nga vĩ đại

Có lịch sử bắt đầu

Từ nước Nga - Kiev

Ở miền trung châu Âu...




Bài thơ dài về nước Nga thuộc loại “lịch sử diễn ca”, đi từ thế kỷ thứ 14 với thủ đô Moscow:



“Đầu thế kỷ mười bốn,

Trung tâm của nước Nga

Hình thành và phát triển

Là thành Matxcơva...




Sang đến thế kỷ thứ 18, nước Nga đã trở thành một cường quốc trên bản đồ thế giới sau khi thắng Napoleon của Pháp rồi đến Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ :



“Đến thế kỷ mười tám,

Nga là nước hùng cường.

Từ Ba Lan vươn tới

Bờ biển Thái Bình Dương.

...

“Nga, cường quốc quân sự,

Thắng Napôlêông,

Thắng Thụy Điển phía Bắc,

Đế quốc Thổ phía Đông.




Cuộc cách mạng Bôn-sê-vích năm 1918 được kể lại dưới ngòi bút của nhà thơ:



“Ngày Mười Bảy tháng Bảy,

Vào khoảng một giờ đêm,

Năm Một Chín Một Tám,

Giữa không gian êm dềm,



“Những người Bôn-sê-vich

Xông vào nhà Nga Hoàng,

Tập hợp mọi người lại.

Và trong sự ngỡ ngàng,



“Họ đọc lệnh cách mạng

Bắt mặc nhanh áo quần,

Xuống tầng hầm xử bắn,

Đền tội cho nhân dân.



“Trong nhà ngài lúc ấy

Chỉ có mười một người.

Cách mạng đã giết hết,

Không bỏ sót một người.



“Gồm Nga hoàng, hoàng hậu

Cùng với năm người con

Và bốn người đầy tớ,

Chỉ chừa con chó con.



“Vị vua một đế quốc

Hùng mạnh ở châu Âu

Bị dí súng, liên tục

Bắn nhiều phát vào đầu.



“Nữ hoàng, vì phụ nữ

Và các con của ngài,

Được ưu ái, chỉ nhận

Một phát đạn vào tai.



“Cả mười một xác chết

Được thiêu rồi chôn chung

Trong cái hố đào vội

Bên rìa khu rừng tùng.






Sau Thế chiến Thứ nhất, xuất hiện Cách mạng Tháng Mười ở Nga theo lý tưởng Cộng sản và là đối trọng với Hoa Kỳ thuộc phe Tư bản.



“Sau Thế chiến Thứ nhất,

Dẫu thắng trận, nước Nga

Suy yếu, tạo điều kiện

Cách mạng tháng Mười Nga

...

“Từng một thời hùng mạnh,

Mười lăm nước cộng hòa,

Liên Xô là đối trọng

Với Xứ sở Cờ Hoa.




Nước Nga ngày nay tiếp tục là đối trọng với khối Nato thuộc phe dân chủ Âu châu và chuyện gì phải đến thì ngày nay đã đến:



“Nước Nga, vẫn như trước,

Thời đang còn Liên Xô,

Tiếp tục làm đối trọng

Với Mỹ và Nato.



“Hơn thế, còn chiếm đất

Của Ucraina

Và một phần không nhỏ

Của nước Gruzia.







Thái Bá Tân còn đề cập đến vấn đề kinh tế và ông còn “cả gan” đem Việt Nam so sánh với nước Nga:



“Tính bình quân thu nhập

Chẳng hơn ta bao nhiêu.

Tức là cũng như trước,

Người dân Nga vẫn nghèo.




Phân tích lý do, ông tìm ra một trong những nhược điểm của người Nga khiến cho đất nước bị tụt hậu:



“Chủ yếu vì uống rượu,

Tuổi thọ đàn ông Nga

Thấp loại nhất thế giới.

Chỉ sáu hai, sáu ba.

...

“Trong khi đó, phụ nữ

Tuổi thọ là bảy lăm

Như phần lớn nước khác,

Trong đó có Việt Nam.



Người Nga thích uống rượu, nhất là món “vodka”. Rượu Vodka đã trở thành một nền văn hóa đặc thù, đó là “đặc sản” của Nga không riêng gì đối với giới mày râu vì phụ nữ Nga uống Vodka không thua gì cánh đàn ông. Đây cũng nguyên do khiến bia chỉ là một thức uống giải khát.



“Uống rượu là “văn hóa”,

“Văn hóa” xấu ở Nga.

Cứ gặp nhau là uống,

Nhất là rượu vodka.



“Quá khả năng chịu đựng

Của cơ thể con người.

Số người chết vì rượu

Mỗi năm nửa triệu người.





Côn Minh, Trung Quốc



Dưới thời Piốt Đại đế còn có vụ đánh thuế nặng những người để râu được Thái Bá Tân kể lại qua đoạn thơ ngũ ngôn:



“Thời Piôt Đại đế,

Đàn ông Nga để râu

Là bị đánh thuế nặng.

Nghiểm túc, không đùa đâu.



“Vì theo vị Đại đế,

Người Nga trông “tối tăm”

Do để râu quá rậm,

Che hết mặt, hết cằm.



“Vậy thì phải cạo sạch,

Sáng sủa, hợp vệ sinh.

Nên ngài ban lệnh ấy

Cho thần dân nước mình.





Seoul, Hàn Quốc



Lại còn “sai lầm lớn” trong vụ Nga “bán đất” Alska cho Mỹ vào năm 1867 với giá 7,2 triệu đô la:



“Vào thế kỷ mười chín,

Vùng đất Alaska

Là trung tâm buôn bán

Sầm uất của nước Nga.



“Thế mà bán cho Mỹ.

Hai xu một mẫu Anh.

Tổng cộng hơn bảy triệu.

Vùng đất này tốt lành



“Trở thành bang lớn nhất

Của xứ sở Cờ Hoa.

Hơn thế, rất giàu có.

Kể cũng buồn cho Nga.





Hoa Kỳ - Tượng đài chiến tranh VN



Thập niên 80-90 người Việt thường dùng thuật ngữ “Nga ngố” để chỉ người Nga. Thuật ngữ này trở nên “hot” vì sự xuất hiện của “cái anh Nga Ngố” Peter Dgplv trên các trang mạng xã hội.


Peter là một Tiktoker người Nga nổi tiếng với nhiều clip học tiếng Việt hài hước. Mục đích ban đầu của Peter đơn giản là lưu lại những kiến thức hài hước, thú vị khi học tiếng Việt và những điều thú vị ở người Việt Nam.


Thái Bá Tân lại nhìn hiện tượng “Nga ngố” qua một sự kiện thể thao 1908 tại Luân Đôn:



Năm Một Chín Không Tám,

Đội Olympic Nga

Đến trễ... hai tuần lễ

Nên không kịp tham gia



“Thế vận hội năm ấy

Ở Luân Đôn, nước Anh.

Vì sao, vì đơn giản

Mấy ông Nga hiền lành



“Vẫn dùng theo lịch cũ,

Không thèm dùng lịch Tây.

Cho nên cứ thoải mái

Đến trễ mười bốn ngày.



“Thế thì đúng “ngố” thật,

Ban tổ chức lắc đầu.

Chữ “Nga ngố” từ đấy

Lan rộng toàn châu Âu





Nhật Bản, Tokyo



Ngày nay, rất ít người Việt còn nhắc đến “Nga ngố”... Nhưng chuyện chiến tranh giữa Nga và Ukraine đã và đang xảy ra chưa biết kết thúc thế nào khiến nhiều người lại nghĩ đến hai chữ... “Nga ngố” ngày nào!



***



* Tham khảo thêm: “Thái Bá Tân và những vần thơ năm chữ”

https://chinhhoiuc.blogspot.com/.../thai-ba-tan-va-nhung...


***
--> Read more..

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2022

“D Day” sẽ thành “Ngày N”!

 

Vòng quay lịch sử đang chuyển động

“The Longest Day” một lần nữa sẽ trở về

Những cái tên Hitler, Gestapo... lần lượt đã cáo chung

Và “Ngày N” sẽ đến nơi chân trời rộng mở.

 

Hoa hướng dương sẽ tưng bừng nở

Để chào mừng một đất nước đẹp như thơ

Chào phụ nữ tay ôm vũ khí

Cùng người tình chiến đấu bên nhau.

 

Xác chiến xa gục ngã dưới cái chai...

“Molotop Cocktail” bùng lên cùng ngọn lửa!

Vì cuộc sống, vì tự do

Vì cơm no, vì áo ấm

 

Người người chung một lý tưởng âm thầm.

Và “Ngày N” đang bừng lên phía trước

Bỏ lại sau lưng những đổ nát, tai ương

Có nghĩa gì đâu những mạng sống vô thường

 

Xin nằm xuống vì đời con, đời cháu.

Cả thế giới xót xa và ủng hộ

Cả những người sống ở tít trời xa

Không cùng tiếng nói vẫn đến chung nhà

 

Để góp sức cùng nhau vì việc lớn!

“Ngày N” sẽ tới

Để ngày vui sẽ đến

Ngày Ukraine sẽ không còn

Bóng quân thù rình rập khắp mọi nơi.

 

Ukaine! Ukraine vẫn sống!

Trong lòng người với hai chữ “Bình An”

Ukraine ! Ukraine rạng rỡ!

Đang vẫy chào trên mảnh đất nở hoa!

 

***


The Longest Day, (D Day)... ngày chấm dứt Đệ Nhị Thế Chiến, 6.6.1944


Bản đồ chiến sự Nga - Ukraine











***

--> Read more..

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2022

Sợi tóc của nhà văn Thạch Lam

Có thể nói, một trong những truyện ngắn hay nhất của Thạch Lam là “Sợi tóc”. Điều đặc biệt, trong suốt truyện người đọc chỉ thấy tác giả nhắc đến hai chữ “sợi tóc” duy nhất một lần, mà lại ở tận đoạn cuối:

“Chỉ một sợi tóc nhỏ, một chút gì đó, chia địa giới của hai bên... Tôi có tiếc đã không lấy hay không, hay bằng lòng mình vì đã chống giữ lại cái ý xấu?”

 

Nhà văn Thạch Lam (1910-1942)

 

Sợi tóc của Thạch Lam chỉ là một hình tượng hoàn toàn có tính cách trừu tượng để ám chỉ cái ranh giới mong manh giữ Tốt và Xấu, hay nói rộng ra giữa Thiện và Ác. Câu chuyện xảy ra giữa Thành, một người sành sỏi nhưng lại không được khá giả cho lắm… và người anh họ tên Bân, giàu có nhưng lại keo kiệt!

Hai anh em đến hiệu Chabot ở phố Tràng Tiền để mua đồng hồ. Thành chọn cho Bân một cái đồng hồ đeo tay hiệu Movado rất... “thời thượng”. Bân mân mê cầm lên ngắm nghía, xem chừng cũng muốn mua lắm. Nhưng cái tính hà tiện của anh lại thắng cái thích nên anh ta trả lại với lời phân trần:

- Đẹp thì đẹp thật, nhưng mà đắt quá, anh ạ. Thôi, chúng ta lại các hiệu khác mà mua thì hơn.

Vào một hiệu khác ở Hàng Ngang, sau khi mặc cả ráo riết từng hào, Bân bằng lòng mua một cái đồng hồ không mấy ai biết tiếng nên cũng rất rẻ! Lúc trả tiền, Thành thấy Bân móc ra một cái ví da lớn đựng đầy tiền, anh ta đếm giấy bạc rất thong thả và rất cẩn thận khi trả tiền.

 

Chân dung nhà văn Thạch Lam

 

Để ăn mừng mua được đồng hồ mới, Bân đãi Thành một chầu ăn khao. Vốn không ưa cái tính bủn xỉn của Bân nên Thành gọi các món sang trọng, đắt tiền… “cho bõ ghét”. Bân lại còn rủ Thành xuống khu “chị em ta” tại Vạn Thái vì hắn “tâm sự” đã lâu rồi không... xả xui.

Thật tình Thành không thấy hứng thú khi phải đi chơi với một anh có nhiều tiền nhưng lại keo kiệt. Dù nghèo nhưng bản thân Thánh lại khinh Bân vì hắn vừa hà tiện lại vừa ngốc nghếch. Thành định bụng ở chơi xóm cô đầu qua quýt rồi sẽ về sớm.

Trước khi nằm bên bàn đèn hút thuốc phiện tại nhà cô đầu, cả hai cởi áo treo lên mắc. Lát sau, Bân cùng một cô gái đưa nhau vào trong buồng để… “tâm sự”. Vốn tính cẩn thận, Bân đem cả cái áo trong có ví tiền đầy tiền vào giường.

 

Thạch Lam qua nét vẽ của họa sĩ Đinh Cường

 

Ở ngoài một mình cũng chán nên lúc sau Thành sửa soạn ra về. Đến khi lấy áo treo trên mắc Thành mới nhận ra rằng cái áo anh ta đang cầm trên tay không phải là áo của mình!

Thì ra lúc mang áo vào giường nằm, Bân đã mang nhầm áo. Cả hai cùng mặc thứ hàng len giống màu nên rất dễ lầm! Thành thấy cái ví tiền ở túi thò ra ngoài, mấy tờ giấy bạc gấp trong ngăn ví hiện ra rất rõ rệt...

Anh chợt nghĩ, lấy vài tờ thật dễ dàng, chọn lúc mọi người vô ý, Thành sẽ đổi lấy áo ở đầu giường Bân... Mai dậy Bân biết mất chắc chẳng bao giờ dám nghi ngờ cho mình.

Tất cả những cách xếp đặt ấy diễn qua rất nhanh trong trí Thành. Chỉ một thoáng thôi, anh tưởng trước được sự việc xảy ra như thế. Êm thấm và yên lặng, trôi chảy và dễ dàng. Chẳng có gì để sợ!

 

Tác phẩm “Sợi tóc”

 

Thạch Lam viết đoạn kết “Sợi tóc” đầy bất ngờ, có điều không biết đoạn kết đó “có hậu” hay không:

“Tôi đi vào phía giường Bân nằm. Tôi cúi xuống, tì vào thành giường - cố ý tì vào chỗ vắt cái áo - nhìn vào trong, qua màn.

- Anh ở lại nhé - tôi mỉm cười - tri kỷ hết đêm nay cho nó sướng...

“Cô nhân tình khúc khích trong chăn. Và Bân ngửa đầu trông lên, tay với vào tấm màn:

- Mai nhé.

- Oui, à demain.

“Nhưng tôi chưa quay ra. Tôi vẫn cứ tì mình trên thành giường, lưỡng lự, một lát bấy giờ sao lâu thế. Rồi, không biết tại sao, bỗng nhiên:

- Áo anh đây này, đây là áo của tôi.

Và nói thêm bằng tiếng Pháp:

- Anh đếm lại tiền đi. Và để cẩn thận vào trong ấy.

Bân nhỏm nửa người dậy, cầm lấy áo:

- Merci, được rồi.

“Tôi bước một bước lùi ra. Thế là hết. Bây giờ thì không sao đụng đến ví được nữa. Tôi bần thần ngơ ngẩn, mặc lấy chiếc áo của tôi, và đội mũ... Vừa gài khuy, tôi vừa nói mấy câu bông đùa vô vị với cô ả đứng ở chân giường sắp tiễn tôi về. Tôi trùng trình uống nước và hút thuốc, muốn cái thời khắc này cứ kéo dài ra mãi.

(hết trích)

Ngày hôm sau Thành cứ tưởng chừng như mọi chuyện đêm qua đã xảy ra trong giấc mộng! Anh thật ngạc nhiên khi thấy mình vẫn còn là người lương thiện dù cuộc sống hiện tại của anh không lấy gì gọi là dư giả. Anh nhớ lại mình cũng chẳng hề nghĩ đến những chữ như Danh dự, Thánh thiện, Ngay thẳng... như người đời thường nói đến.

Lằn ranh giữa hai thái cực tương phản Thiện & Ác, Cao thượng & Hèn mọn chỉ mong manh như một “Sợi Tóc”... Và đó là sợi tóc của Thạch Lam!

“Sợi tóc” là một tác phẩm không cốt truyện màu mè. Đó là lối viết quen thuộc của Thạch Lam. Ông khai thác những khía cạnh, tuy không bất ngờ nhưng lại đi sâu vào tâm thức qua từng nhân vật.

Nhà thơ Huy Cận đã nhận xét về Thạch Lam:

“Những truyện ngắn của Thạch Lam là hay không phải vì chúng ta có thể xếp các loại truyện ấy vào dòng văn học hiện thực. Những truyện ấy hay vì nó truyền đến cho người xem một cách cảm nhận cuộc đời, một lối cảm xúc xót xa trìu mến trước những cảnh đời nghèo túng, đôi khi tủi cực, đôi lúc hắt hiu.”

 

***

* Tiểu sử tác giả:

Thạch Lam (1910-1942), tên thật là Nguyễn Tường Vinh, em ruột của Nhất Linh và Hoàng Đạo trong nhóm Tự Lực văn đoàn. Ngoài bút danh Thạch Lam, ông còn có các bút danh là Việt Sinh, Thiện Sỹ.

Sau khi đỗ Tú tài, Thạch Lam thôi học để làm báo với hai anh. Buổi đầu, ông gia nhập Tự Lực văn đoàn do anh là Nguyễn Tường Tam sáng lập, rồi được phân công lo việc biên tập tuần báo Phong hóa và tờ Ngày nay của bút nhóm này. Đến tháng 2 năm 1935, thì ông được giao làm Chủ bút tờ Ngày nay.

Theo những gì mà người thân của Thạch Lam kể lại, mặc dù cao tới 1m70, vượt trội hơn khá nhiều chiều cao trung bình của người Việt thời đó, nhưng sức khỏe của Thạch Lam lại rất không tương xứng với chiều cao. Có thể nói, ông thuộc dạng thể chất yếu.

Một tuổi thơ nhọc nhằn cộng với cuộc sống lao lực vì miếng cơm manh áo đã làm Thạch Lam sớm mắc căn bệnh lao phổi, một căn bệnh nan y thời bấy giờ. Ông mất ngày 27/6/1942 tại Hà Nội, hưởng dương 32 tuổi, khi đang còn trong độ tuổi rực rỡ trên văn đàn.

* Tác phẩm:

- Gió đầu mùa (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Đời nay, 1937)

- Nắng trong vườn (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Đời nay, 1938)

- Ngày mới (truyện dài, Nhà xuất bản Đời nay, 1939)

- Theo giòng (bình luận văn học, Nhà xuất bản Đời nay, 1941)

- Sợi tóc (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Đời nay, 1942)

- Một thứ quà của lúa non: Cốm (Nhà xuất bản Đời nay, 1943)

- Hà Nội băm sáu phố phường (Tùy bút, Nhà xuất bản Đời nay, 1943)

 

Tác phẩm của Thạch Lam

***


--> Read more..

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2022

Chuyện kể từ Ukraine

Bà Valentina Bajada, 56 tuổi, là người sống tại một ngôi làng ở phía tây Ukraine nơi mà cách đây 3 năm bà đã trở vế quê cha đất tổ để tiếp tục công việc kinh doanh của người mẹ quá cố.

Bajada bị kẹt lại tại thủ đô Kiev trong thời gian bệnh dịch Covid-19 hoành hành. Trước đó, năm 1989, bà đã cùng con nhỏ đào thoát khỏi Liên bang Xô Viết để đến định cư New York tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn.


Valentina Bajada rời Liên bang Xô Viết năm 1989



Tuy nhiên, định mệnh đã run rủi khiến bà phải trải qua những biến cố ngay tại quê hương Ukraine kể từ ngày Thứ Năm, 24/2/2022. Bà đã trải qua những ngày kinh hoàng khi người Nga tấn công vào Ukraine, những trải nghiệm đó mang dáng dấp của những gì mà bà mẹ của Bajada đã từng trái qua.

Mẹ và bà ngoại của bà đã sống sót dưới chế độ Quốc Xã của Gestapo năm 1943. Mẹ bà đã bị Gestapo bắt giữ và lực lượng cảnh sát Đức tính đem bà ra xử bắn chỉ vì... vi phạm lệnh giới nghiêm. Khi đó, bà đang đi mót khoai tây ngoài đồng để nuôi con và trở về nhà vào ban đêm.

Chỉ có một may mắn duy nhất cứu bà khỏi việc bị xử bắn: bà có thể nói tiếng Đức trôi chảy để giải thích và tự cứu mình. Bajada cứ tưởng trong thời yên bình của bà những chuyện như vậy sẽ không thể nào xảy ra.


***

Thứ Năm, ngày 24/2/2022, Bajada đang cố chụp một tấm hình trong đó có hàng trăm binh sĩ Nga với súng máy cầm tay. Bất ngờ, một người lính chĩa súng vào bà và ra lệnh: “Cấm chụp hình”. Bà nhớ lại:

“Tôi nghĩ mình có thể bị bắn vào lúc đó nên vội vàng bước đi. Thà được sống sót còn hơn có một tấm hình chẳng có gì quý giá hơn mạng sống!”


Một cửa hàng tại Kiev bị pháo kích ngày 24/2/2022



Thứ Sáu, ngày 25/2/2022, Bajada được tiếp tế 2 gói đường, 1 ký bột mì, cộng thêm một chai rượu cognac. Hoàn toàn không có bánh mì, không đồ hộp và cũng chẳng có bất kỳ một loại rau củ hay quả nào.

“Cách tôi khoảng hơn một cây số, quân Nga đã cho nổ tung một tòa nhà 16 tầng. Chúng tôi đã có thể nghe được tiếng nổ từ xa vọng về!”

“Ngày Thứ Sáu không thấy trẻ con chơi đùa trong công viên. Nơi đây không một bóng người. Cả một thành phố vắng lặng, không một ai đi dạo, người ta không ai ra đường.

“Dân chúng tụ tập tại những đường hầm xe điện ngầm để tránh pháo kích nhưng cuối cùng cũng phải trở về nhà của mình. Trú ẩn trong đường hầm chẳng có gì để ăn, thậm chí đi vệ sinh cũng là cả một vấn đề.

“Chúng tôi thật tình chẳng biết những gì đang xảy ra ngay lúc này ở bên ngoài. Cũng may có YouTube trên điện thoại nên có thể xem tin tức và các show truyền hình ở tận... nước Mỹ xa xôi!



Người dân Ukraine lánh nạn trong đường xe điện ngầm tại Kiev


Thứ Bảy, ngày 26/2/2022, có một vụ nổ lớn lúc 8g30 sáng. Hình như đó là tiếng nổ của hỏa tiễn. Tiếp theo đó là hàng loạt những tiếng nổ khác chứ không phải chỉ là một tên lửa.

Có rất nhiều người tình nguyện tại Ukraine, họ trực tiếp tham gia cuộc chiến. Họ cũng phân phát vũ khí cho những người khác. Việc giao vũ khí rất “đắt hàng”, có thể nói là... “đắt như tôm tươi” (just like hot dogs)!

Mọi người có vẻ sợ hãi khi phải mở miệng. Họ còn sợ khi ra ngoài đường phố. Hầu như ai cũng cũng sợ vì trong số những người ở bên cạnh mình chẳng biết “họ là ai”? Thế cho nên, khi vô ý nói điều gì cũng có thể bị bắt đi!

Ngay cả chính phủ Ukraine cũng khuyên dân chúng hạn chế liên lạc bằng điện thoại vì các cuộc điện đàm có thể bị theo dõi. Ngay cả việc nhận những gói quà, cầm iPhone lên hoặc thậm chí nhặt đồ chơi của trẻ con cũng được nhắc nhở là chúng có thể phát nổ.

Người dân không biết phải làm gì cho đúng trong khi lương thực chỉ đủ dùng trong 3 hoặc 4 ngày. Ngày Thứ Bảy có khoảng vài trăm người vào các siêu thị. Tiệm thuốc Tây đều đóng cửa, ngân hàng cũng vậy còn máy rút tiền ATM thì rỗng tuếch!

Lệnh giới nghiêm được ban hành và có hiệu lực từ 5 giờ chiều ngày Thứ Bảy. Mọi người chỉ biết ngồi tại chỗ và hy vọng mọi chuyện sẽ chóng qua. Nhưng đó chỉ là hy vọng mà thôi.


Hai người Mỹ chuẩn bị được di tản khỏi Kiev


Bajada nói: “Tôi sẽ tiếp tục kể với các bạn một khi được về lại New York. Tôi còn nhớ câu bà ngoại nói trước khi qua đời: Người Đức đến và lấy đi những gì họ cần. Nhưng bây giờ, khi người Nga đến, họ lấy đi tất cả mọi thứ!"



***

* Tài liệu tham khảo “West Village resident stuck in Ukraine as Russians invade” trên báo New York Post: https://nypost.com/.../west-village-woman-stuck-in.../


***
--> Read more..

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2022

Hình ảnh chiến tranh Nga - Ukraine

Vào lúc 5g sáng (giờ địa phương) ngày 24/2/2022, quân đội Nga đã thực hiện những cuộc không kích, bắn tên lửa và đổ quân vào 7 thành phố của Ukraine, trong đó có Kiev, Kharkiv, Kramatorsk, Mariupol, Odessa, Dnipro và Zaporizhzia.

Theo tin New York Post & Newsweek, đã có 40 người Ukraine thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Phía Nga có 6 phi cơ và 1 trực thăng bị bắn rơi. Ngoài ra còn có 4 xe tăng bị phá hủy và 50 binh sĩ bị thiệt mạng.

Dưới đây là ảnh phóng sự cuộc chiến tranh giữa 2 nước trong những ngày đầu của cuộc chiến. 

***

Bảy thành phố của Kiev là mục tirêu các cuộc không khích của không quân Nga ngày 24/2.2022


Khói lửa bùng phát tại Kiev khi Nga tấn công Ukraine vào lúc 5g sáng (giờ địa phương)


Kiev chìm trong khói lửa khi Nga tấn công Ukraine


Một nạn nhân Ukraine của vụ không kích ngày 24.2.2022


Một phụ nữ bị thương trong vụ không kích của Nga vào Ukraine


Một người dân Ukraine bị thương trong cuộc tấn công của Nga


Người Ukraine tránh phào kích tại đường hầm xe điện ngầm


Một căn nhà dân trúng đạn pháo kích


Binh sĩ Ukraine trong cảnh đổ nát tại Kiev


Ngày 25/2/2022 - Binh sĩ Ukraine phòng thủ tại Kiev


Ngày 25/2/2022 - Xác một chiếc phi cơ đâm xuống khu dân cư tại Kiev.


Người dân Ukraine tại biên giới với Ba Lan

***

--> Read more..

Popular posts