Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

“Vua Bóng Đá” Pelé... băng hà!

“Tên tôi là Ronald Reagan, tôi là Tổng thống của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ,” người chủ Nhà Trắng nói với vị khách của mình. “Nhưng bạn không cần phải giới thiệu bản thân, vì mọi người đều biết Pelé là ai.”

Chính Tổng thống Hoa Kỳ đã đưa tay ra trước để bắt tay khi Pelé đến Washington giúp phổ biến bóng đá ở Bắc Mỹ. Đó là năm 1975, khi Pelé gia nhập đội bóng New York Cosmos của Giải bóng đá Bắc Mỹ.

 

Chân dung Pelé (1940-2022)

 

Mặc dù đã 34 tuổi và đã qua thời kỳ đỉnh cao của mình, nhưng Pelé đã giúp bóng đá trở nên nổi tiếng hơn ở Bắc Mỹ. Ông đã dẫn dắt Cosmos đến chức vô địch năm 1977 và ghi được 64 bàn thắng trong ba mùa giải.

Pelé kết thúc sự nghiệp của mình vào ngày 1/10/1977 tại Mỹ, trong một trận đấu biểu diễn giữa Cosmos và Santos trước đám đông khoảng 77.000 người ở New Jersey. Đặc biệt trong dịp này, ông đã chơi một nửa trận đấu với cả hai câu lạc bộ!

Trước đó, Pelé bắt tay với Vua Thụy Điển, Gustav VI Adolf, trong trận chung kết World Cup 1958 khi mới 17 tuổi. Pelé còn được Nữ hoàng Elizabeth II của Anh phong tước Hiệp Sĩ vào năm 1997.

 

Pelé bắt tay với Vua Thụy Điển, Gustav VI Adolf, trước trận chung kết World Cup 1958

 

Pelé tên thật là Edson Arantes do Nascimento sinh ngày 23/10/1940, ông ra mắt đội bóng địa phương Santos khi mới 15 tuổi và sau đó lần đầu tiên khoác áo đội tuyển quốc gia Brazil năm 16 tuổi. Pelé đã ghi 77 bàn sau 92 trận cho đội tuyển quốc gia, kỷ lục bị Neymar san bằng tại World Cup gần đây.

Ông đã cùng các đồng đội vô địch World Cup năm 1958 khi mới 17 tuổi, sau đó vô địch lần nữa vào năm 1962 và 1970. Siêu sao người Brazil đã ghi được 643 bàn thắng sau 659 lần ra sân cho câu lạc bộ Santos trong suốt 18 năm thi đấu của mình, giành tổng cộng 27 danh hiệu lớn nhỏ, trong đó có 6 chức vô địch quốc gia Brazil, 2 Copa Libertadores.

 

Cầu thủ Pelé, 17 tuổi, và chiếc cúp FIFA 1958 tại Thụy Diển, đánh dấu sự khởi nghiệp với đội tuyển Brazil

 

Sinh thời, "Vua Bóng Đá" khẳng định mình đã ghi 1.283 bàn trong sự nghiệp, bao gồm cả những trận chính thức và không chính thức. Dù đây là kỷ lục gây tranh cãi, nhưng không ai có thể phủ nhận tài năng và tầm ảnh hưởng của ông với nền bóng đá thế giới.

Pelé cũng đã từng tham gia chính trường Brazil với chức vụ Bộ trưởng Đặc biệt về Thể thao. Ngoài ra, ông là một doanh nhân giàu có, đồng thời là đại sứ của UNESCO và Liên Hiệp Quốc.

 

Pelé thực hiện cú sút “kiểu xe đạp chổng ngược” trong một trận đấu vào năm 1968

 

Riêng đối với Việt Nam, Pelé đã có ít nhiều gắn bó: Ông đã từng gặp thủ môm “lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng của đội túc cầu VNCH và chụp hình kỷ niệm. Chưa hết, nhân viên thân cận của Pelé là nột người Việt, cô Trang Theresa Tran.

 

Pelé chụp hình lưu niệm với thủ môn nổi tiếng “lưỡng thủ vạn năng” của đội tuyển VNCH, Phạm Văn Rạng

 

Công việc của Tran là Quản lý Thương hiệu, Hình ảnh cũng như quảng bá, sử dụng mạng xã hội và quan hệ công chúng từ năm 2010 khi cô được cử tới Câu lạc bộ New York Cosmos và bắt tay vào dự án khơi dậy thương hiệu đội bóng.

Khi đó Cosmos mới hồi sinh sau thời gian ngừng hoạt động và bổ nhiệm Pele làm đại sứ cũng như Chủ tịch danh dự. Sau khi kết thúc công việc ở Cosmos, Tran nhận lời làm quản lý riêng cho Pelé.

 

Trang Theresa Tran và “Vua Không Ngai” Pelé

 

Trong thời gian làm việc với Pelé, Tran nhớ nhất là kỳ World Cup 2014 và Olympic 2016, đều được tổ chức tại Brazil. Với tư cách là biểu tượng của thể thao xứ sở samba, Pele nhận được sự theo dõi sát sao và đây là vinh dự cũng như trách nhiệm của Tran trong việc phân phối và xử lý hình ảnh cho ông.

Tran sinh năm 1973 tại Sài Gòn và cùng gia đình tới nước Mỹ năm 1975. Cô tốt nghiệp chuyên ngành marketing và thương mại quốc tế ở Portland State University năm 1996, rồi trải qua công việc ở các tập đoàn lớn như Nike, BMW và hãng phim Miramax.

 

Trang Theresa Tran và Pelé (hình FIFA)

 

Hình ảnh Pelé trong chiếc áo thi đấu màu vàng chói lọi mang số 10 của đội tuyển Brazil vẫn còn sống mãi với người hâm mộ bóng đá khắp nơi. Màn ăn mừng bàn thắng đặc trưng của ông với một cú nhảy lên, nắm tay phải giơ cao qua đầu sẽ còn mãi trong trí nhớ của những người hâm mộ.

 

Pelé là ông “Vua Không Ngai” của túc cầu thế giới

 

"Vua Bóng Đá" vừa trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 82, rạng sáng ngày 30/12/2022, tại bệnh viện Albert Einstein ở Sao Paulo sau một thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư. Brazil công bố 3 ngày quốc tang để vinh danh Pelé.

 

Một trong những tấm hình cuối cùng của Pelé chụp với con gái trong bệnh viện

 

Pelé và Maradona là hai trong số những nhân vật kiệt xuất của lịch sử bóng đá. Năm 2020, huyền thoại người Brazil từng có phát ngôn gây xúc động sau sự ra đi của Maradona. Ông nói:

"Một ngày nào đó, tôi và Maradona sẽ cùng nhau chơi bóng trên thiên đường".

 

Brazil công bố 3 ngày quốc tang để vinh danh Pelé

 *** 

--> Read more..

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2022

Chiếc bóng trên tường

“Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương,

Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.

Ngọn đèn dầu nhắn đừng nghe trẻ,

Làn nước chi cho lụy đến nàng…”

 

Vua Lê Thái Tôn đã để lại cho hậu thế một bài thơ để nói về tâm trạng của người vợ trẻ có chồng đi chinh chiến. Nàng sống cùng đứa con khi chào đời vẫn chưa biết mặt cha nên tối đến thường thắp ngọn đèn dầu và chỉ vào bóng của mình trên tường và nói: “Cha con đến tối mới về…”

 



Khi chinh chiến tàn, chàng Trương trở về để được nhìn mặt đứa con nhưng định mệnh trớ trêu đã khiến đứa trẻ ngây thơ tin tưởng tuyệt đối là cha nó là chiếc bóng trên tường chứ không ai khác. Chuyện hiểu lầm do ghen tuông bắt đầu từ đó.

Người mẹ một lòng chung thủy với chồng hoàn toàn không biết chuyện ghen tuông bắt nguổn từ đó. Bản tính của chàng Trương, cũng như đa số những người chồng khác, tin vào lời con trẻ nên âm thầm ghen tuông về một bóng hình người đàn ông khác đêm nào cũng đến với vợ mình!

Trong cơn ghen mù quáng, chàng Trương đã lên tiếng trách móc vợ một cách thậm tệ khiến cho người vợ phải trầm mình xuống sông, từ giã cõi đời. Khi vợ đã chết, chàng ngồi ôm con trước ngọn đèn dầu. Đứa con hồn nhiên chỉ vào cái bóng trên vách và mừng rỡ thốt… “cha tôi đã về rồi đó!”

 



Truyện thuộc loại “cổ tích” với đầy đủ tình tiết éo le nhưng hoàn toàn hợp lý. Rất logic cho cả 3 nhân vật: người chồng, người vợ và đứa con. Ai cũng đều có lý chính đáng để giải thích cho hành động của mình. Chỉ người ngoài mới có một cái nhìn khách quan và dĩ nhiên, đó là một cái nhìn của xã hội chung quanh.

Cái nhìn của Vua Lê Thái Tôn đời trước và cả cái nhìn của nhạc sĩ Thầm Oánh sau này qua bản nhạc “Thiếu phụ Nam Xương” đều là những nhận xét khách quan của xã hội với những ca từ:

“Ai đời còn nhớ chăng xóm Nam Xương có một nàng

Lòng trinh muôn đời muôn kiếp mang xuống tuyền đài

Cam ức ôm hờn ôi đến bao tan!

 

“Con thơ nhiều đêm hoài kêu nhớ cha

Khi ánh đăng soi mờ bóng nhoà

Chỉ bóng tường dụ dỗ dối con thơ

Rằng đây chính cha đêm tối mới về cùng con.

 

Điệp khúc của bản nhạc lập đi lập lại lời con trẻ khi hai bố con ngồi trước bóng cùa ngọn đèn dầu trên vách: “Không không bố tôi đêm tối mới về…” và Thẩm Oánh diễn tả đoạn kết bài hát:

 

“Ôi đau thương, ôi ly tan, đau đớn cho nhau

Chua xót cho nhau chim thương lìa đàn

Ôi đau thương ôi nguy nan cuồng ghen sôi máu

Phũ phàng giày đạp nát tan”

 



Người chinh phu họ Trương của ngày xưa không tỉnh táo khiến mùa đoàn tụ trở thành mùa tang tóc. Nếu không tỉnh thức và sáng suốt, chúng ta cũng sẽ trở thành một chàng Trương của thời đại!

Chỉ có những chàng Trương của thời đại ngày nay mới có khả năng biến Mùa Vọng, hay còn gọi là Mùa của Hy vọng, trở thành một mùa “mất hy vọng và mất niềm tin”. Đó là điều mà tất cả chúng ta không ai mong muốn!

 



Chúng tôi cũng hoàn toàn không mong muốn điều đó và để tạo một không khí lạc quan, xin xem tiếp những hình ảnh dưới đây. Để có được những hình bóng các con thú trên tường, chúng ta chỉ cần sử dụng các ngón tay một cách khéo léo.

Cũng chỉ là những chiếc bóng trên tường, chúng ta có thể tạo thành những hình ảnh vui nhộn, thay vì bóng hình của vợ chàng Trương ngày xưa trên vách gây nhiều chuyện buồn không đáng có!

 

Chó Greyhound

 

Chó

 

Chim

 

Cua

 

 

Nai

 

Thỏ

 

Hươu cao cổ

 

Ngựa

 

Thiên nga 

*** 

--> Read more..

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

Lạy Chúa, con là người ngoại đạo!

Tôi là kẻ ngoại đạo, hiểu theo nghĩa thuần túy là kẻ chưa từng đến nhà thờ xem lễ, đọc kinh hay rửa tội. Trên danh nghĩa, tôi là một Phật tử nhưng cũng chẳng bao giờ đến chủa, chưa hề có pháp danh, dù trên giấy tờ ở mục tôn giáo vẫn ghi là Phật giáo!

Có lẽ tôi là một người theo đạo thờ cúng tổ tiên, vì trong nhà có một bàn thờ với hình ảnh những người thân trong gia đình đã khuất để vào các dịp giỗ tết thắp nhang tưởng nhớ. Bố mẹ tôi là Phật tử đã quy y, có pháp danh nhưng bố tôi là người rất ít đi chùa, ông có thể được gọi là một cư sĩ vì ham đọc sách nghiên cứu về Đạo Phật.

Khi còn nhỏ, đến tuổi đi học, tôi được gửi vào học “bán trú” tại trường Puginier ngoài Hà Nội năm 1952. Vì là bán trú nên buổi trưa ăn tại trường, rồi ở lại ngủ trưa để chiều vào lớp tiếp.

 

Trường Puginier, Hà Nội

 

Ngôi trường được mang tên Đức Cha người Pháp, Paul Puginier. Trường được thành lập qua sự giàn xếp với Đức Giám Mục Sài Gòn để dòng La San được mở trường tại Hà Nội từ năm 1897.

Lần đầu đến trường quả là thật đầy bỡ ngỡ. Là trường dòng nên mọi sinh hoạt đều mang hình thức tôn giáo, trước hết là việc đọc kinh. Trường có lệ đọc kinh trước mỗi buổi học, không những thế, trước bữa ăn trưa cũng phải đọc kinh.

Một đứa trẻ “ngoại đạo” như tôi làm gì biết được lời kinh nên chỉ mấp máy miệng chứ đâu có thuộc câu nào. Các sư huynh La San lại rất nghiêm khắc nên một cậu bé như tôi biết thân phận mình nên cứ bắt chiếc, ai sao mình vậy, giả vờ như… đọc kinh!

 

Sư huynh Lasan phụ trách tại trường Puginier

 

Học trò lại còn có cả những “đứa con lai”, cha Pháp mẹ Việt. Những bạn học thuộc nhóm “Tây lai” rất ngổ ngáo, vô kỷ luật, coi trời bằng vung. Chúng tôi, những trẻ người Việt, chỉ dám nói nhỏ với nhau: “Tây lai ăn khoai cả vỏ, ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột”! Chỉ thì thầm thôi chứ đâu dám nói lớn.

 

Học trò trường Puginier với Sư huynh La San

 

Cũng may, tôi chỉ học ở Puginier có một năm rồi theo gia đình từ phi trường Gia Lâm bay thẳng vào Đà Lạt năm 1953. Chúng tôi vào Nam trước đợt di cư của một triệu người miền Bắc năm 1954 vì bố tôi phục vụ trong Ngự Lâm Quân của vua Bảo Đại ở vùng Hoàng triều Cương thổ.

Đến năm Đệ Ngũ, một lần nữa gia đình tôi lại chuyển về Ban Mê Thuột theo bố cho đến hết năm Đệ Nhị. Vào tuổi mới lớn nên tôi bắt đầu mơ mộng, học thổi sáo rồi lại học thêm đàn. Tôi còn “sáng tác” một bài hát nhân dịp Noel với những ca từ rất chi là “người lớn”:

 

“Đêm nay đêm Noel

Chuông nhà thờ vang rền

Bàn tay em trong tay

Ta cùng nhau đi lễ.


Đi trong đêm Noel

Sương lạnh loang ánh đèn

Mình tung tăng bên nhau

Noel về có hay…

 

Bản nhạc viết theo điệu tango-habarena được kết thúc với điệp khúc:

 

“Đêm Noel quỳ trước thánh giá

Con kính xin mẹ từ bi

Cho nhân gian thôi hết hận biệt ly!

Con van lơn cầu xin trời cao

Cho nhân duyên vũng bền như ánh sao!

 

Nhà thờ xứ Ban Mê là hình ảnh gợi hứng cho nhạc phẩm đầu đời. Khi đó thật tình “chưa có một mối tình vắt vai” nhưng “chàng nhạc sĩ tương lai” đã tưởng tượng ra một mối tình… ngang trái, biệt ly. Thật đúng là một khúc nhạc tình dựa hơi “Chúa giáng sinh” dù “tác giả” chỉ là một kẻ ngoại đạo.

 

Nhà thờ Thị xã Ban Mê Thuột (Ành Reppel, 1960s)

 

Kể cũng hơi lạ, một kẻ ngoại đạo như tôi không hiểu tại sao lại gắn bó với Đức Chúa Trời như vậy. Chưa hết, khi về Sài Gòn dậy tại trường Sinh ngữ Quân đội, định mệnh run rủi khiến tôi lại thuê nhà ngay trong xóm đạo Tân Sa Châu ở khu Bùi Thị Xuân gần Lăng Cha Cả.

Xóm đạo nằm ngay bên cạnh nhà thờ Tân Sa Châu và người dân sinh sống tại đây đa số là người công giáo, quê ở Phát Diệm, họ từ Bắc di cư vào Nam năm 1954. Cuộc sống trong xóm đạo thật lạ, các gia đình thuờng tổ chức những buổi đọc kinh vào buổi tối.

Tiếng cầu kinh vang lên trong xóm khiến người ta có một cảm giác thánh thiện giữa một cuộc đời đầy bon chen vì miếng cơm, manh áo. Dĩ nhiên tôi không tham dự những buổi cầu nguyện nhưng các con tôi cũng có mặt trong số những tín đồ ngoan đạo đó. Lâu ngày, chúng còn thuộc cả kinh!

Trẻ con chơi với nhau nên rất dễ bị thu hút vào những hoạt động tâm linh, và nhất là sau buổi cầu nguyện lại được gia chủ thết đãi bằng những món giản dị như củ khoai, quả chuối. Bảo những buổi cầu nguyện có tính cách “dẫn dụ con nít” là không đúng vì bọn trẻ con đa số đều xuất thân trong những gia đình kính Chúa.

Hồi tôi còn đi học tập, con gái lớn của tôi đã từng nói với bạn bè trong xóm rằng nếu cầu nguyện mà bố được về sớm thì chắc cháu sẽ... “theo đạo” để bày tỏ lòng biết ơn với đấng bề trên.

Điều đó phải hiểu là xuất phát từ đức tin tuyệt đối. Sau này, khi đã trưởng thành, cháu trở thành một Phật tử “thuần thành” đến độ... ăn chay trường!

Cô con gái út của tôi, trước khi lập gia đình đã học giáo lý và chịu đầy đủ những quy định của đạo Công giáo vì người chồng tương lai thuộc gia đình “đạo gốc”. Về chuyện này, tôi không hề có ý kiến phản đối vì nghĩ rằng chọn lựa cho mình “đức tin” là quyền tự do tuyệt đối của mỗi người, dù đó là con hay cháu mình cũng không nên can thiệp.

Cũng có thể, chuyện ngày xưa sinh sống trong một xóm đạo đã vô tình ảnh hưởng đến suy nghĩ của cháu trong quyết định... theo đạo. Kinh nghiệm bản thân của tôi cũng cho thấy tín ngưỡng là một vấn đề tùy thuộc vào suy nghĩ của từng người.

 

Nhà thờ Tâm Sa Châu, Lăng Cha Cả, Sài Gòn

 

Hồi đi du học năm 1971 tôi cũng đã từng có một ấn tượng rất mạnh về việc những người Mỹ “ngoan đạo” tiếp cận những sĩ quan Việt Nam xa nhà. Họ được gọi là “sponsors”, cứ mỗi ngày Chủ Nhật lái xe đến tận nơi ở của các sinh viên trong căn cứ Lackland để mời gọi những người xa nhà đến các buổi lễ tại nhà thờ.

Cuối tuần đối với sinh viên có nhiều cách để “giải trí”: xuống San Antonio bát phố hay đi chơi xa đến tận bên giới Laredo gẩn Mexico để “tìm của lạ” từ các cô “gái Xì” mà ngày nay người Việt tại Mỹ gọi là “gái Mễ”. Sự lựa chọn cuối tuần còn có một cách “lành mạnh” là đi theo những người, được gọi là “ngoan đạo”, đến nhà thờ ngày Chủ Nhật.

Tôi cũng đã có vài lần tham dự những buổi nhóm họp ở nhà thờ và nghe “giảng đạo”. Hết buổi giảng, sponsors còn đưa đến những nơi nổi tiếng của địa phương hay về nhà thưởng thức những bữa ăn gia đình. Họ tự nguyện làm những điều đó, hoàn toàn không vụ lợi hoặc tính toán!

 

Hình chụp với “sponsors” đi nhà thờ ngày Chủ Nhật (San Antonio, Texas, 1971)

 

Trước khi chấm dứt tạp ghi nhân mùa Giáng sinh, mời các bạn thưởng thức bài hát “Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo” do Trần Thiện Thanh sáng tác qua giọng ca của Duy Quang:

 

“Lạy Chúa tôi con người không đạo

Nhưng tin có Chúa ở trên cao

Con nghe trong đêm Việt Nam tối tăm

Những mìn bom hoen dấu

Lạy Chúa trên cao Chúa ở nơi nào

 

“Lạy Chúa tôi tuy người không đạo

Nhưng yêu nhớ lắm nhạc chuông khuya

Khi con bơ vơ chắp tay nguyện cầu

Cho người thương còn xa mãi xa

Mà suốt đêm dài ánh sáng chưa qua...”

 

* Video bài hát:

https://www.youtube.com/watch?v=d5Fb58JbbX8

 

MERRY CHRISTMAS TO ALL!

 

***

--> Read more..

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2022

Hành trình gian truân của Chiếc Cúp Vàng

Những cầu thủ nổi tiếng thế giới như Franz Beckenbauer, Dino Zoff, Diego Maradona, Lothar Matthaus, Dunga, Didier Deschamps, Cafu, Fabio Cannavaro, Iker Casillas, Philipp Lahm, Hugo Lloris… có điểm gì chung ngoài chuyện đá bóng?

Họ đã từng nâng cao chiếc cúp bóng đá vô địch thế giới giữa tiếng reo hò của các cổ động viên túc cầu trên sân vận động. Đó là niềm vinh dự của các đội tuyển quốc gia lên ngôi vô địch được FIFA tổ chức cứ 4 năm một lần, kể từ năm 1930 tại Uruguay, ngoại trừ hai năm 1942 và 1956 bị gián đoạn vì chiến tranh.

 

Phiên bản mới của Cúp FIFA World Cup được trao từ năm 197 cho đến nay

 

Hành trình để có được giây phút vinh quang đó phải trả bằng mồ hôi, nước mắt và thậm chí còn phải đổ máu trên sân cỏ! Đó là điều mà mọi người yêu thích bóng đá có thể thấy rõ… nhưng bản thân chiếc cúp cầu thủ cầm trên tay cũng trải qua một cuộc phiêu lưu đầy gian truân mà rất ít người hâm mộ túc cầu biết đến.

Từ năm 1930, chiếc Cúp Vàng đã được trao cho đội vô địch qua nhiều thời kỳ. Tên gọi ban đầu của cúp là Chiến Thắng (Victory), nhưng sau đó được đổi tên để tôn vinh cựu chủ tịch của FIFA Jules Rimet, vào năm 1946. Nó được làm từ vàng mạ bạc nguyên chất, cúp mang biểu tượng Thần Nike, nữ thần chiến thắng trong thần thoại Hy Lạp.

Theo đơn đặt hàng của FIFA, chiếc cúp này được chế tác năm 1928 do một người thợ kim hoàn ở Paris tên là Abel Lafleur đúc bằng vàng, cao 35 cm, nặng 1,8 kg với chân đế bằng đá hoa cương nặng chừng 4 kg, và trị giá tổng cộng khoảng 10.000 đô la.

 

Jules Rimet giới thiệu Cúp Vàng với Paul Jude, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Uruguay, nước đầu tiên tổ chức World Cup năm 1930

 

Vào ngày 20/3/1966, bốn tháng trước khi khai mạc vòng chung kết World Cup 1966 tại Anh, chiếc cúp Jules Rimet đã bị lấy trộm trong một cuộc triển lãm tại Quảng trường Trung tâm Westminster.

Rất may cúp đã được tìm thấy chỉ 7 ngày sau đó trong tình trạng gói trong một tờ báo chôn dưới chân bờ rào một khu vườn ở ngoại ô Upper Norwood, phía nam Luân Đôn. Điều hi hữu, một chú chó tên là Pickles đã phát hiện ra chiếc cúp vàng.

 

 

David Corbett và chú chó Pickles tìm được chiếc cúp Jules Rimet bị đánh cắp năm 1966

 

Chiếc Cúp Vàng được triển lãm tại Westminster Central Hall, Luân Đôn, cùng lúc với một cuộc triển lãm tem bưu chính. Vào giờ ăn trưa ngày Chủ Nhật, những tên trộm đã lẻn vào cửa sau và nhanh chóng lấy đi bức tượng vàng!

Trong khi cảnh sát còn đang điều tra vụ trộm thì một hôm David Corbett dẫn chó đi dạo. Con chó, có tên Pickles, đánh hơi thấy ở hàng rào có gì lạ. Thế là Corbett phát hiện bức tượng vàng chôn dấu ở đó.

Chính quyền địa phương cũng đã thông báo ai phát hiện sẽ được trọng thưởng. Thế là Corbett nhận được 6.000 bảng Anh (tương đương gần 7.300 đô la), về phần chú chó Pickles được thưởng một năm cung cấp thức ăn miễn phí! Đáng tiếc một điều, chưa đầy một năm chú chó đã qua đời khi đuổi theo một con mèo!


Các phóng viên và chú chó Pickles tại gần nơi phát hiện Cúp Vàng

 

Trong thế chiến thứ hai, chiếc cúp lại có những cuộc phiêu lưu lạ lùng nhưng cũng không kém phần gian truân. Cúp đã được di chuyển từ kho lưu trữ an toàn tại ngân hàng về nằm dưới gầm giường của Ottorino Barassi, chủ tịch liên đoàn bóng đá Ý. Lý do của cuộc “tị nạn” là để tránh quân đội Quốc Xã Đức dòm ngó và tịch thu trong thời chiến tranh. 

Cúp lại được chuyển đến Uruguay sau kỳ World Cup 1950 rồi lại qua Đức năm 1954. Theo tài liệu “Chiếc Cúp Rimet: câu chuyện khó tin” của Ý, chiếc cúp vẫn còn “lạc vào tầm ngắm của những tên trộm”.

 

Nữ hoàng Anh trao cúp Jules Rimet cho thủ quân đội Anh, Bobby Moore, sau khi nước Anh vô địch World Cup năm 1966

 

Phóng viên ảnh Joe Coyle đã chụp được hình cúp trên đường sang Thụy Điển, có điều cúp lại cao hơn chiếc nguyên thủy tới 5 cm và bệ cũng trông khác cúp gốc. Tạp chí thể thao The Athletic đã thực hiện một cuộc điều tra qua những bức hình của Coyle và cũng thấy những điều đó có phần đúng.

Có thể vì một lý do nào đó, bệ của chiếc cúp đã bị thay đổi nhưng không thể khẳng định đây là một chiếc cúp “hoàn toàn mới”. Câu chuyện của Joe Coyle chắc chắn đã tạo cho chiếc cúp thêm phần bí ẩn.

 

Thủ quân đội Tây Đức, Franz Beckenbauer, nâng cao chiếc cúp phiên bản mới trong kỳ World Cup 1974

 

Đội tuyển bóng đá quốc gia Brazil giành chức vô địch lần thứ ba vào năm 1970, và theo quy ước của FIFA, họ có quyền giữ cúp vĩnh viễn chứ không phải trao cho đội vô địch của các quốc gia khác.

Tháng 12/1983 Cúp Vàng được lưu giữ tại Văn phòng Ủy ban Túc cầu ở Rio de Janeiro, thủ đô Brazil. Chiếc cúp đã bị một băng đảng vũ trang cướp đi, dù đã được để trong lồng kính chống đạn.  

Rất nhiều người tình nghi đã bị câu lưu nhưng Cúp Vàng đã không còn xuất hiện trước công chúng. Cũng vì lý do đó, chiếc cúp Jules Rimet phải được đặt làm lại cho World Cup.

 

Chủ tịch FIFA, Jules Rimet, “cha đẻ” của giải đấu bóng đá quốc tế

 

Cha đẻ của chiếc cúp mới là người Ý, Silvio Gazzaniga, đã học về nghệ thuật tại Milan. Ông làm việc tại Công ty Bertoni, chuyên gia công mề đay và cúp cho quân đội. Silvio cũng đã từng cộng tác với Ủy ban Thế vận Rome năm 1960 cho nên việc thiết kế một chiếc cúp cho túc cầu cũng nằm trong tầm tay.

Giorgio, con trai Silvio, nói với các phóng viên: “Cha tôi chuyên sáng tác cúp cho thể thao đã 20 năm. Chiếc cúp Jules Rimet là một ý tưởng nghệ thuật nhưng ông còn muốn sẽ sáng tạo một chiếc cúp cho thế kỷ thứ 20…”

Silvio khởi đầu công trình bằng một mẫu bằng plastic và gửi đến hội đồng giám khảo của FIFA, trong đó có rất nhiều chi tiết rất tỷ mỷ. Quan trọng nhất là quả địa cầu có hình dạng như một trái banh vì đây là giải túc cầu thế giới. Phần dưới chân đế là hai người nâng quả địa cầu, đại diện cho hai đội bóng. Chiếc cúp mẫu này hiện vẫn còn được trưng bày tại viện bảo tàng ở Milan.

 

Thủ quân đội Brazil, Dunga, nhận Cúp Vàng từ Phó Tổng thống Mỹ, Al Gore, sau khi đăng quang World Cup 1994

 

Chiếc Cúp Vàng đã trở thành một biểu tượng vô giá của môn túc cầu khiến cho nhiều kẻ tham lam tìm cách chiếm đoạt như đã nói ở phần trên. Cũng vì lý do đó, ngày càng có nhiều biện pháp an ninh để ngăn ngừa tội phạm.

 

Danh sách các nước vô địch World Cup từ năm 1930 đến nay

 

Ngày 20/1/2002, Cúp Vàng đã một lần ghé Việt Nam trên đường đến Nhật Bản - Hàn quốc, hai quốc gia Châu Á đầu tiên đăng cai World Cup. Nhà tài trợ cho FIFA khi đó là Coca-Cola đã tổ chức một hoạt động tiếp thị với sự tham gia của báo chí.

Với một lực lượng bảo vệ dày đặc, bản thân người viết bài này và một số ít phóng viên đã được ban tổ chức lễ đón cúp mời lên sân khấu chụp hình với chiếc cúp. Cảm giác khi đó thật “thiêng liêng”… vì tôi nghĩ “một người ngoại đạo túc cầu” như mình chẳng bao giờ có hân hạnh được ôm Cúp Vàng trong tay!

 

Tác giả và chiếc Cúp Vàng tại Sài Gòn năm 2002

 

***

--> Read more..

Popular posts