Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

"Đèn Cù"… vừa tắt bóng!

“Khen ai khéo kết đèn cù

Voi giấy ngựa giấy tít mù vòng quanh

Bao giờ em bén duyên anh

Voi giấy ngựa giấy vòng quanh tít mù…”

 

Những câu ca dao về đèn cù nói trên rất quen thuộc tại Miền Bắc vào dịp Trung Thu vì trẻ con thường đẩy đèn đi rước nhờ có gắn bánh xe. Đèn cù còn được gọi là Đèn Ông Sư, xuất phát từ hình dáng với chiếc chao đèn có 6 cánh, trông tựa như chiếc mũ của các vị hòa thượng.

 

Trẻ em Miền Bắc và những chiếc đèn cù trong mùa Trung thu

 

Ở Miền Nam cũng thầy có loại đèn Trung Thu với 6 cạnh, được gọi là Đèn Kéo Quân. Nhờ trụ đèn nên khi đốt đèn, lửa sẽ làm nóng không khí bên trong bị giãn nở và những hình ảnh sẽ tự động quay!

 

Đèn kéo quân (hay còn gọi là đèn cù, đèn ông sư)

 

Trong lãnh vực văn học, có một chiếc đèn cù vừa “tắt” bóng. Đó là nhà văn, nhà báo Trần Đĩnh, người đã viết cuốn “Đèn cù”. Ông qua đời ngày 12/5/2022 tại Sài Gòn, hưởng thọ 93 tuổi.

Ông tên thật là Trần Kim Đĩnh vốn nổi tiếng tại Miền Bắc vì ông nguyên là nhà báo của các cơ quan báo chí của Đảng như Sự Thật, Nhân Dân. Tác phẩm “Đèn cù” được in ở hải ngoại năm 2014 và được lan truyền qua mạng internet.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC ngày 01/9/2014, Trần Đĩnh cho biết cuốn sách đã được viết ra để hưởng ứng lời kêu gọi của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nhằm “phá tan sự im lặng đáng sợ”.

Tác giả cũng nói ông quyết định hoàn tất cuốn sách 600 trang để gửi ra hải ngoại xuất bản, đó cũng là thời điểm Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông vào đầu tháng 5/2014 để gửi một thông điệp mang tính “cảnh báo”.

Cuốn sách có nhiều thông tin được cho là “nhạy cảm” nên sách của ông không thể xuất bản trong nước. Sau nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, cuối cùng đã được Nhà xuất bản Người Việt phát hành tại Hoa Kỳ vào đầu tháng 5/2014.

 

Tác phẩm Đèn Cù, Nhà xuất bản Người Việt Books

 

Trần Đĩnh không gọi “Đèn cù” là tiểu thuyết hay hồi ức hoặc hồi ký mà là “Truyện tôi” với lối kể chuyện chân thành và ông khẳng định trên BBC: “Đèn Cù là tiếng kêu đau của tôi... Như thế mà bạn còn có thể vẫn lý sự đúng sai sao? Liệu bạn có phải con người?”

Theo ông, Việt Nam chưa hề có độc lập kể từ khi thoát khỏi thực dân Pháp mà chỉ rơi vào sự nô dịch của các cường quốc khác theo một cách khác ngoài sức tưởng tượng và kinh nghiệm của dân tộc Việt.

Bài học này có giá trị thức tỉnh cả dân tộc phải cảnh giác với “ông láng giềng khổng lồ đểu cáng” Trung Quốc. Phải quyết tâm thoát bằng được khỏi sự nô dịch và quyết không quay trở lại con đường bị nô dịch như trước đây.

“Đèn cù” dàn trải qua 42 chương sách về rất nhiều chủ đề. Ngay ở chương đầu tiên, tác giả giải thích những thuật ngữ đặc biệt đối với độc giả, nhất là những người “lưu vong” thuộc thế hệ con cháu để hiểu rõ tình hình trong nước thời kỳ chống Pháp.

“ATêKa, an toàn khu là gì? Là căn cứ địa đầu não của Đảng cộng sản Đông Dương và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, nằm ở chân hai con đèo tên Re và So của dãy Núi Hồng chia đôi hai huyện Định Hoá tỉnh Thái Nguyên và Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang”.

Trần Đĩnh đến AtêKa để làm báo “Sự Thật” vào đầu năm 1949. Theo ông, tháng 12/1945, Đảng Cộng Sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán cùng với tờ báo tiếng nói của nó là tờ “Cờ Giải Phóng”. Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác (không cõng kèm chủ nghĩa Lê-nin) bèn ra đời cùng báo “Sự Thật”:

“Đây là một cuộc vận động trái khoáy ngược chiều cực kỳ hiếm mà lúc ấy tôi chưa biết: vừa giành chính quyền để nổi thì Đảng đã lập tức “thoái trào”, phải rút vào bí mật, giấu tiếng, ẩn danh như chưa từng bao giờ. Con ruồi đậu xuống má rồi bay đi ta còn hay thế nhưng nghịch lý tày trời này hầu như ít ai thấy.”

Toà soạn báo “Sự Thật” lúc ấy có vẻn vẹn “ba cây bút sắt”: (Hà) Xuân Trường (thư ký toà soạn), Quang Đạm, Thép Mới (tức Trường Chinh, làm từ thời báo “Cờ Giải Phóng”). Còn có thêm Phan Kế An, con trưởng cụ Phan Kế Toại, nguyên Khâm sai Đại thần và cũng là Bộ trưởng Nội vụ, người ký tên đóng dấu nổi vào thẻ nhà báo.

Trong thẻ này, Trần Đĩnh đã sửa 19 tuổi thành 23. Thép Mới nói người mang thẻ này được phép vượt qua bất cứ trạm kiểm soát nào. Trần Đĩnh nghĩ, nếu 19 tuổi thì có lẽ khó mà có “uy quyền vượt trạm” nên ông “ăn gian”, tự cho mình thành 23 tuổi!

Thử thách đầu tiên đối với Trần Đĩnh là lần tiếp xúc với Trường Chinh, Tổng bí thư và Chủ nhiệm báo. Trường Chinh tươi cười:

 – Vậy anh tre trẻ này là lính mới báo ta chứ?

– Vâng, tôi lên làm phóng viên báo Sự Thật.

 

Tác giả Trần Đĩnh (1930-2022)

 

Tháng 10/1949, nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa ra đời. Hơn hai tháng sau, Cụ Hồ bí mật len qua vùng địch ở Phục Hoà, Cao Bằng, đi Trung Quốc qua Thủy Khẩu. Chừng một tháng sau, Cụ về.

Theo Trần Đĩnh, Cụ sang “kiểm thảo” với Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai. Lưu Thiếu Kỳ nhận xét chính sách tiêu thổ kháng chiến của Việt Nam là không cần thiết và lãng phí. Những nơi có tính chiến lược thì dù là vùng hoang vắng, địch cũng xây cất để đồn trú, còn nơi không có tính chiến lược thì nhà cửa nguyên vẹn địch cũng không ở.

Mao đi Liên Xô ký kết hiệp ước đồng thời nhân dịp này nói trước với Stalin việc Hồ Chí Minh muốn được gặp. Bây giờ mới hiểu Mao đi riêng là để vạch ranh giới, hai nước lớn bàn chuyện với nhau là chính, sau đó nhân thể Trung Quốc sẽ thăm dò cho chuyện Việt Nam xin vào phe.

Stalin đã phân công Trung Quốc “phụ trách” Việt Nam. “Phụ trách” thì phải là Liên Xô chứ sao lại Trung Quốc? Trần Đĩnh khó chịu. nhưng đây là chuyện ở trên tầng chót vót đầy linh thiêng thần bí của Đệ Tam Quốc Tế. Lúc ấy làm sao hiểu nổi đây là món quà Stalin hối lộ Mao.

Đảng viên Cộng sản Việt Nam tìm ra chỗ để tự hào: được làm em của hai nước vĩ đại, Liên Xô “anh cả”, Trung Quốc “anh hai”. Cũng ngầm hiểu Việt Nam là “anh ba” vì có nước nào dám vũ trang đánh đế quốc đâu? Thế là ta có tên Đảng Lao động Việt Nam sau khi đã “thỉnh thị” Liên Xô.

Tờ báo Nhân Dân là tên mới của báo đảng. Sao không giữ tên “Sự Thật” như “Pravda” của Liên Xô? Có người giải thích “Sự Thật” là báo Cộng sản, còn “Nhân Dân” chỉ là báo của Đảng Lao động Việt Nam.

 

Tác phẩm Đèn Cù Nhà xuất bản Người Việt Books. Xuất bản tại Hoa Kỳ, 2014

 

Cải cách Ruộng đất được chuẩn bị vào giữa tháng 7 đến cuối tháng 9/1953 với các lớp chính huấn cho cả trí thức trong và ngoài đảng. Tố Hữu là “bí thư học ủy”, Cụ Hồ cách nhật, có khi liền ngày, đến xem lớp học hoặc liên hoan với học viên.

Lê Duẩn thường có mặt trong vai trò giảng viên. Duẩn nhấn mạnh trong bước cách mạng này, người cộng sản phải có lập trường giai cấp nông dân để hiểu được nguyện vọng nông dân mà kiên quyết lãnh đạo họ cải cách ruộng đất, lấy lại quyền lợi, làm một cuộc đổi đời.

Một tối kẻng thình lình gọi toàn thể học viên lên hội trường, mọi người bắt đầu nhớn nhác. Tố Hữu bước lên sân khấu, cằm đè lên hai tay bưng một vật gì ấp vào ngực. Tố Hữu nước mắt chan hòa trên mặt từ lúc nào. Trần Đĩnh viết:

“Trên phông mầu đỏ hiện lên chân dung đại nguyên soái Stalin. Bộ quân phục trắng lốp làm nổi bật hơn lên dải băng đen viền quanh rồi thắt nơ túm lại ở bên dưới... Trước mặt tôi, Cụ Hồ nức nở. Không ngừng đưa khăn tay mầu trắng lên lau nước mắt và nước mắt thì cứ chảy trên hai má Cụ đỏ bóng vì khóc, vì xúc động trong lễ truy điệu”.

t lâu sau, Tố Hữu có bài thơ khóc Stalin đăng lên báo, nhà thơ dàn trải tâm can:

“Thương cha, thương mẹ, thương chồng,

Thương mình có một còn thương ông thương mười”

Trong các bài tổng kết tư tưởng của từng người trong khóa chính huấn, bài nổi bật nhất là của Thế Lữ. Ông đã “tự kiểm thảo” khi tham gia Việt Nam Quốc dân đảng, Tự lực Văn đoàn. Lại còn lại làm thơ kêu gọi nhân dân ta, nhất là thanh niên, đi vào con đường thoát ly chính trị, lờ đi tiếng kêu cứu của đất nước.

Cải cách ruộng đất chính thức nổ pháo hiệu đầu tiên ở xã Dân Chủ, Đồng Bẩm, Thái Nguyên, trên Quốc lộ 1 lên Lạng Sơn. Đối tượng chính là bà Nguyễn Thị Năm, tức Cát Hanh Long. Bà là nhân sĩ tên tuổi trong Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ Nữ cũng như Trung ương Mặt trận Liên Việt, người thường cùng họp với Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt.

Nay bà trở thành địa chủ phản động, cường hào gian ác lợi dụng danh tiếng để phá hoại cách mạng và kháng chiến, có nhiều nợ máu với bần cố nông. Đặc biệt Công, con trai bà Nguyễn Thị Năm, là chính ủy trung đoàn pháo 105 li đang học ở Côn Minh, Trung Quốc, cũng bị gọi về, treo giò. Trần Đĩnh viết:

“Để có phát pháo mở đầu cuộc cải cách ruộng đất, Trường Chinh chỉ thị báo Nhân Dân tường thuật vụ đấu tố Nguyễn Thị Năm – Cát Hanh Long... Trường Chinh nói phân công tôi vì cần một bài báo viết nổi bật lên khung cảnh sôi sục, sinh động của cuộc đấu tố để ca ngợi sức mạnh của bần cố nông được phát động, còn tội ác thì tôi cứ theo tài liệu, cáo trạng của đội”.

Có lẽ để phối hợp với bài báo của Trần Đĩnh, CB (Bút danh của Bác Hồ) gửi đến bài “Địa chủ ác ghê” như sau:

“Thánh hiền dạy rằng: “Vi phú bất nhân”.

“Ai cũng biết rằng địa chủ thì ác: như bóc lột nhân dân, tô cao lãi nặng, chây lười thuế khóa – thế thôi. Nào ngờ có bọn địa chủ giết người không nháy mắt. Đây là một thí dụ:

“Mụ địa chủ Cát – Hanh – Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã kể các tội cụ thể và con số cụ thể”

(hết trích)

Trần Đĩnh kể lại chuyện của người phụ trách mua áo quan cho bà Nguyễn Thị Năm sau khi bị xử bắn:

“Mua được áo quan rẻ thì lại không cho bà ta vào lọt. Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô: “Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này?”. Nghe xương kêu răng rắc mà không dám chạy, sợ bị quy là thương địa chủ. Cuối cùng bà ta cũng vào lọt, nằm vẹo vọ như con rối gẫy vậy…”

 

Các Ủy ban Đấu tố được thành lập qua sự cố vấn của cán bộ Trung Quốc

 

Mãi sau này tôi mới biết người em trai út của Trần Đĩnh là anh Trần Kim Giang, người ngày xưa đã cùng làm báo Vietnam Investment Review (VIR) với tôi. Anh là một nhà báo kín tiếng, trầm lặng trong công việc cũng như trong sinh hoạt ngoài xã hội. Anh đã qua đời cách đây vài năm vì bệnh tim mạch.

Có thể hiểu trong gia đình của ông Trần Đĩnh có “cái gien” làm báo nhưng lại mang “cái nghiệp” đầy biến động và khắc nghiệt! Người trong gia đình ông mô tả đám ma của ông tại Sài Gòn:

“Đám ma được cử hành một cách lặng lẽ và nhanh chóng với khoảng 20 vòng hoa viếng và được di quan đi thiêu tại Đa Phước. Vợ ông đã qua đời từ hơn 10 năm về trước. Gia đình ông chỉ còn lại một người con gái và 2 đứa cháu ngoại, người chồng chết cách đây đã lâu...”

 

Con gái và 2 cháu ngoại nhà văn, nhà báo Trần Đĩnh (Ảnh của gia đình)

 

Tác phẩm “Đèn cù” nhà báo Trần Đĩnh, dù chỉ được phát hành tại hải ngoại, nhưng đã gây một tiếng vang lớn. Tham khảo “Đèn cù” tại https://www.vinadia.org/den-cu-tran-dinh/.

Wikipedia viết về Trần Đĩnh: (https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_%C4%90%C4%A9nh):

“Khi Đảng Cộng sản Việt Nam đưa vấn đề chọn lựa tư tưởng Mao để chống xét lại, tức là chống lại chủ trương sống chung hoà bình do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ là Nikita Khrushchev đưa ra, theo Trần Đĩnh, ông đã ủng hộ lập trường của Khruschev và chống tư tưởng Mao, nên bị ghép vào tội "chống đảng". Mặc dù không bị bắt như anh ruột ông là Trần Châu, hay như những người khác như Hoàng Minh Chính, Vũ Thư Hiên, hoặc phải sống lưu vong như Nguyễn Minh Cần..., ông phải đi cải tạo lao động. Sau đó tuy ông được làm báo trở lại nhưng có nhiều hạn chế như:

1) Không được ký tên Trần Đĩnh,

2) Chỉ viết về nông nghiệp, cụ thể là lúa, bèo, phân bón, lợn gà. Không được viết anh hùng, chiến sĩ thi đua và cấp ủy cao. Bởi lẽ không đủ tư cách tiếp cận các vị.

3) Không được gần thanh niên, "bởi lẽ sẽ đầu độc họ”.

“Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976 Trần Đĩnh bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.

“Trần Đĩnh tuyên bố mình là một người yêu chuộng tự do dân chủ, ủng hộ những nhà bất đồng chính kiến với chính phủ tại Việt Nam như Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Đan Quế, Trần Độ, Dương Thu Hương, Hà Sĩ Phu...

(hết trích)

 

Di ảnh của nhà văn, nhà báo Trần Đĩnh (Ảnh của gia đình)

 

* Tác phẩm

- Trong hồi ký “Đèn cù”, Trần Đĩnh tự nhận mình chấp bút hồi ký “Bất khuất” của Nguyễn Đức Thuận, viết năm 1965, kể chuyện Nguyễn Đức Thuận, một người tù Côn Đảo tranh đấu trong tù, được đưa từ Nam ra ngoài Bắc. Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Hoàng Tùng chủ trương dùng câu chuyện Nguyễn Đức Thuận để tuyên truyền cho người dân miền Bắc ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang tại miền Nam.

Trần Đĩnh tuyên bố tác phẩm của mình đề cập nhiều chi tiết được cho là có tính 'thâm cung bí sử' về nội bộ Đảng Cộng sản, trong đó có nhiều thông tin liên quan các 'góc khuất' về nhân cách, đời tư của nhiều lãnh tụ, từ Hồ Chí Minh, tới Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ.

- Ngoài sáng tác, Trần Đĩnh còn là một dịch giả với những tác phẩm như “Linh Sơn” của Cao Hành Kiện, “Ngầm” của Murakami Haruki, bộ ba “Thiên niên kỷ” của Stieg Larsson...

 

Lễ tang Trần Đĩnh (Ảnh của gia đình)

 ***

--> Read more..

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

Chào mừng SEA Games 31... theo kiểu Việt Nam!

Không biết hình tấm ‎Bandroll dưới đây có bị Photoshop hay không?

Hình chắc chắn chụp tại Thủ đô Hà Nội, có tới 4 lỗi tiếng Anh và cả tiếng Việt:

1. “Đông Lam Á”: thay vì “Đông Nam Á”
2. “Welcom”: thay vì “Welcome”
3. “May 21ts”: thay vì “May 21st”
4. “Tomay 23st”: thay vì “To May 23rd”

* Riêng dòng chữ “Việt Nam 2021” là ĐÚNG vì phải đợi đến 2022 Việt Nam mới đăng cai tổ chức vì tình hình dịch bệnh!

Hy vọng đây chỉ là hình đã bị Photoshop. Nếu không sẽ bị mọi người, trong cũng như ngoài nước... “cười thúi mũi”!



***






***



--> Read more..

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

Mẹ tôi

Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam trước 1975, có một bài hát đã từng đi sâu vào lòng người mỗi khi ca tụng Mẹ. Nhạc sĩ Y Vân đã trải hết lòng mình qua ca khúc Lòng Mẹ với những câu:


“Lòng Mẹ bao la như biển Thái Ɓình rạt rào,

Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào,

Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.

Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ уêu.

 

“Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu.

Tình Mẹ уêu mến như làn gió đùa mặt hồ.

Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ.

Ɲắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ...”


(Mời nghe Lòng Mẹ qua tiếng hát Thái Thanh https://www.youtube.com/watch?v=Y2A1UqCU_TI)

 

Gia đình tôi vốn theo truyền thống của một số người miền Bắc nên dùng chữ Cậu thay cho Cha và Mợ thay cho Mẹ. Đến khi vào miền Nam, năm 1953 trước cuộc di cư chính thức mãi tới 1 năm sau, thói quen vẫn không thay đổi trong cách xưng hô với Cha Mẹ. 

Cũng như bao bà mẹ Việt Nam khác, Mẹ tôi chỉ là một người phụ nữ bình thường của thời tiền chiến. Sinh trưởng tại miền Bắc nên răng nhuộm đen theo “mốt”, đầu tóc thường vấn khăn, có đi đâu ra ngoài khi tiếp xúc với xã hội thì thêm một chuỗi hạt ngọc xanh lam trên cổ.

 

Mẹ tôi, một phụ nữ miền Bắc thời tiền chiến. Hình chụp tại Hà Nội

 

Bố tôi là một “quân nhân chuyên nghiệp”, xuất thân từ trường Thiếu sinh quân (Enfant de Troupe), rồi trải qua cả hai nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa. Một lý lịch tương đối “phức tạp” đối với Chính quyền Cách mạng nhưng cũng may, khi đó ông đã về hưu nên không bị “dính” vào chuyện Cải tạo!

 

Hình Bố Mẹ tôi chụp tại Hà Nội

 

Phải nói Mẹ tôi đúng là điển hình của phụ nữ miền Bắc với thói quen ăn trầu, mà bà thường gọi là “ăn giu”. Không đơn giản như chuyện hút thuốc ở đàn ông, việc ăn trầu của các bà rất “nhiêu khê” với các “phụ tùng” như lá trầu không, cau tươi hoặc khô, vôi trắng hoặc hồng...

Tất cả những thứ đó được đựng trong một cái mà Mẹ tôi gọi là “cơi trầu” kèm với một bình vôi nhỏ có nắp được gắn thêm một thanh nhọn gọi là “chìa vôi” để “têm trầu”. Ăn trầu phải nhả bã nên lại phải có “ống nhổ” để đựng.

Đã có lần tôi tò mò hỏi Mẹ rằng ăn trầu có gì vui? Bà trả lời, cũng tương tự như đàn ông hút thuốc, người nhai trầu cảm thấy cay cay và sau đó lại thấy hơi... say say!

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương chỉ trong 4 câu thơ trong bài Mời Trầu có thể tóm lược việc ăn trầu nhưng cũng không kém phần trách móc, dí dỏm:

 

“Quả cau nho nhỏ, miếng trầu ôi,

Này của Xuân Hương đã quệt rồi.

Có phải duyên nhau thì thắm lại,

Đừng xanh như lá bạc như vôi.”

 

“Bộ đồ nghề” ăn trầu của Mẹ tôi!

 

Công việc hàng ngày của Mẹ chỉ quanh quẩn bên đàn con 6 đứa nhưng chỉ còn giữ được 3 vì ông anh trưởng đã mất tại Mỹ, em trai tôi đã mất tại Hà Nội lúc 3 tuổi và thêm một lần Mẹ lại khóc cho cô con gái út ở Ban Mê Thuột khi mới ra đời!

Mãi cho đến khi gia đình theo bố vào Đà Lạt cùng đoàn Ngự lâm quân của Vua Bảo Đại mẹ tôi mới bắt đầu có một sạp nhỏ buôn bán mũ mỉ, loại mũ phớt (feutre) dành cho đàn ông rất thịnh hành trên xứ lạnh. Hồi đó chưa có Chợ Đà Lạt với tầng lầu đồ sộ như ngày nay mà chỉ mới có “Chợ Cây” tạm thời.

Việc buôn bán mặt hàng “mũ feutre” trên xứ lạnh phải nói là “một ý tưởng kinh doanh độc đáo” vì Đà Lạt chưa khai thác mảng kinh doanh này. Mũ được chở từ một cơ sở sản xuất ở tận Sài Gòn, khách mua hàng là các ông kéo tới mua rất đông.

 

Mặt hàng kinh doanh của Mẹ tôi - Mũ nỉ hay còn gọi là Mũ Feutre dành cho các ông

 

Tôi còn nhớ ngày xưa mẹ tôi rất tin vào việc bói Kiều, một hình thức giải quyết những thắc mắc, hồ nghi qua bói toán dựa vào Truyện Kiều. Đặc biệt, ngày đầu năm là dịp để bói Kiều với khởi đầu là lời khấn vái thành kính:

 

“Lạy vua Từ Hải

Lạy vãi Giác Duyên

Lạy tiên Thuý Kiều”

 

Miệng lâm râm khấn, tay cầm Truyện Kiều với ước nguyện điều mong mỏi. Hai ngón tay cái mở Truyện Kiều một cách ngẫu nhiên, ngón tay nằm ở dòng nào thì 4 câu Kiều trong truyện tương ứng với quẻ bói.

 

Truyện Thúy Kiều – Nguyễn Du

 

Một thú tiêu khiển có phần độc đáo của Mẹ tôi là... đánh chắn, một trò chơi bài nổi tiếng ở miền Bắc! Ngay từ hồi còn bé, Mẹ đã có nhiệm vụ chia bài cho các cụ chơi, bài chắn có tổng cộng 120 cây xếp theo hàng “Văn, Vạn, Sách” được chia thành 4 tựu và 1 tựu làm “nọc” để trên đĩa.

Người thắng cuộc là người có “bài ù” và không vi phạm luật, sau khi ù người chơi phải xướng các cước có trên bài để tính điểm. Việc xướng “bài ù” cũng rất nhiêu khê với các thật ngữ như “Thông, Tôm, Lèo...”. Xướng sai có thể bị “ù chèo đò” có nghĩa là... không ăn tiền!

Đúng là theo truyền thống gia đình, thoạt đầu tôi cũng giữ chân chia bài rồi sau này, khi “hội chắn thiếu chân” lại còn được ngồi cầm bài để chơi với bố mẹ và những người thân, hoàn toàn chỉ có tính cách giải trí chứ không ăn thua về tiền bạc.

 

Bộ bài Chắn

 

Ôi... những kỷ niệm về Mẹ bỗng nhiên cứ ùa về! Tôi bỗng thấy mình quá nhỏ bé bên mẹ dù đến nay trên đầu đã hai thứ tóc!


 *** 

--> Read more..

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

Chùm nho uất hận - John Steinbeck

“Trong con mắt của người nghèo đói có sự giận dữ ngày một nặng nề... trong tâm hồn của con người, chùm nho uất hận đong đầy, ngày một gia tăng để trở thành một thứ rượu cũ”

(In the eyes of the hungry there is a growing wrath, in the souls of the people the grapes of wrath are filling and growing heavy, growing heavy for the vintage)

John Steinbeck

 

Nhà văn John Steinbeck (1902 - 1968)

 

Đó là một câu hiếm hoi mà John Steinbeck (1902 - 1968) đề cập đến trong cuốn “The Grapes of Wrath” với chủ đề phản ánh những biến đổi sâu sắc trong cuộc sống nông thôn cũng như trong tâm hổn nước Mỹ và người Mỹ.

Theo Steinbeck, trái nho thật ngon ngọt nhưng cũng còn được dùng để tạo ra một hình tượng mỉa mai, cay đắng. Người di dân ước được ăn những trái nho tuyệt vời khi đến California, nhưng những trái nho đó đã biến thành “Chùm nho uất hận” khi bọn trẻ di dân ăn phải nho xanh và bị... tiêu chảy!

Hồi đó, khoảng những năm đầu thế kỷ 20, nước Mỹ chịu ảnh huởng nặng nề của thời đại công nghiệp hóa và ý niệm “American Dream” chưa được hình thành. John Steinbeck đã dõi theo bước chân di cư của những người nông dân tiểu bang nghèo đói Oklahoma, thuờng được gọi một cách miệt thị là “Okies”.

Đích đến của dân “Okies” là “vùng đất hứa” California ở tận Bờ Tây xa lắc xa lơ. Steinbeck đã tận mắt chứng kiến nỗi gian nan khốn khổ của người dân khi bị buộc phải rời bỏ quê hương, ruộng đồng tại Miền Đông “đất cày lên sỏi đá” để mưu cầu một tương lai tốt đẹp hơn.

 

Tác phẩm “The Grapes of Wrath”

 

Nhân vật chính trong truyện là Tom Joad và gia đình gồm 12 người rời Oklahoma trên một chiếc xe tải “cổ lỗ sĩ” mua lại với giá hơn 70 đô trong số tiền gia đình gom góp 200 đô! Xe tải bị hỏng hóc liên tục trên Xa lộ 66, dài 2448 dặm, chạy dài từ Đông sang Tây. Trong “Chùm nho uất hận” Steinbeck gọi đó là “con đường cái”.

 

“Xa lộ 66” là “Con đường cái” theo cách gọi của John Steinbeck

 

Tom Joad là người mới ra tù vì tội giết người vì tự vệ với mức án 7 năm, nhưng được thả sớm trước thời hạn. Khi gia đình chưa ra khỏi tiểu bang Oklahoma thì ông nội đã chết vì già yếu, họ phải chôn ngay bên đường với mảnh giấy giải thích “nhà nghèo không có tiền mai táng”.

Bà nội cũng mất vì tuổi già khi vừa đặt chân đến California, mẹ Tom nói với các con: “Bà nội sẽ được chôn cất ở một nơi xinh tươi xanh tốt”.

California khi đó đã có hơn 300.000 dân di cư nhưng nhưng hoàn toàn không phải là “thiên đường trong mơ” đối với họ. Những người di dân phải tìm kế mưu sinh, chính bản thân Tom chỉ tìm được việc làm thuê 5 ngày trong suốt một tháng khi mới đến đây. Chúng ta hãy nghe Steinbeck kể lại:

“Có hôm đẹp trời, một ông chủ ăn mặc lịch sự lái xe đến trại tìm người hái quả, một anh thanh niên, bạn mới quen của Tom Joad hỏi ông chủ:

- Ông trả chúng tôi bao nhiêu?

Ông ta nói mập mờ:

- Khoảng vài chục xu.

- Ông phải nói rõ ông mướn chúng tôi bao nhiêu? Nếu không, ông không có quyền mướn người!

(hết trích)

Di dân chen chúc như một đàn kiến vỡ tổ để tìm những công việc hèn mọn qua ngày tại vùng đất mới trước những chủ đồn điền, một loại “địa chủ” như tại Việt Nam ngày nào. Yêu cầu hợp tình, hợp lý của các nông dân về chế độ thù lao khiến ông chủ tức giận. Ông quyết định gọi cảnh sát đến can thiệp.

Di dân phải tự bảo vệ lẫn nhau trong khi các chủ đồn điền có cả một lực lượng cảnh sát hậu thuẫn. Ngoài ra còn có các lực lượng chính quyền có thể đến các nơi tập trung để dỡ bỏ những điểm dừng chân của các “Okies” nghèo đói.

Gia đình Tom đến ở tạm tại một trại của chính phủ thuộc Bộ canh nông. Sở định cư có lập một số trại có điện nước, có tiêu chuẩn vệ sinh, tự quản không có cảnh sát an ninh ăn hiếp di dân. Họ rất thích không khí tại đây song lại không tìm được việc làm nên phải dời trại.

Tom và gia đình tìm được việc hái đào (peach) tại trại Hooper Ranch với mức lương rẻ mạt. “Cũng liều nhắm mắt đưa chân” để có tiền độ nhật. Bốn người trong gia đình nhận việc với hy vọng trong vài tháng sẽ kiếm được tiền thuê nhà.

Không khí tại trang trại trồng đào thiếu tự do thoải mái như ở trại của chính phủ vì có an ninh kềm kẹp, trong khi số người di dân đến xin việc ngày một đông, chủ trại được thể bóc lột nhân công tận xương tủy.

Một buổi tối Tom lạc bước đến một căn lều và tình cờ gặp lại bạn cũ, ông thầy giảng đạo (preacher) Casy xuất hiện ngay từ đầu truyện. Tối ấy, Casy bàn chuyện đình công vì chủ hạ lương xuống còn một nửa, chưa đủ ăn cho một miệng người.

Cảnh sát biết tin bèn tìm đến, mọi người bỏ chạy, Tom và Casy lần xuống một con lạch, một tên cảnh sát hung dữ dùng gậy đập chết Casy. Tom giựt cây gậy đập chết tên này để trả thù cho bạn rồi thoát được về nhà, chàng bị đánh ở mặt, sưng một bên má.

Sáng hôm sau, gia đình phải rời trại vì Tom đang bị lùng bắt. Gia đình phải tìm đến làm việc tại một đồn điền trồng bông gòn. Thu nhập có phần đỡ hơn nhưng Tom phải trốn ngoài đồng, ban ngày chui vào ống cống, đêm ngủ ở vườn nho. Tối nào bà mẹ cũng đem đồ ăn tiếp tế vì chàng hiện bị truy nã.

Thế rồi một hôm đứa con gái nhỏ trong gia đình vô tình nói với bọn trẻ hàng xóm rằng anh nó đã giết người và hiện phải trốn. Bà mẹ sợ quá, tối ấy bà đưa cho chàng bảy đô la và nói chàng phải đi ngay vì sợ bị bắt. Tom từ biệt mẹ với câu nói:

 

“Con sẽ ở khắp mọi nơi chỗ nào mà mẹ muốn tìm. Chỗ nào tranh đấu cho người nghèo đói có ăn, con sẽ có mặt! Chỗ nào có cảnh sát đánh người, con sẽ đến nơi. Chỗ nào có tiếng trẻ em nghèo đói được nhìn thấy bữa ăn, người dân ăn miếng bánh họ làm ra và ở trong căn nhà họ dựng lên, con sẽ đến đó...”

“Chùm nho uất hận” đi tới đoạn kết với chuyện Rose, em gái của Tom, mới sanh con. Cô và gia đình phải dọn đến một nhà kho và truyện kết thúc khi Rose lấy sữa của chính mình để cứu sống một người đàn ông bị kiệt sức. Steinbeck đã lấy hình ảnh bức tranh “Roman Charity” của Rubin để đưa vào đoạn kết,

 

Bức tranh của Rubin, “Roman Charity”, được tác gỉa lấy cảm hứng cho cảnh cuối tác phẩm

 

Người ta thường nói đến “American Dream” nhưng nước Mỹ không phải là thiên đường khi nhìn cuộc sống sung túc và nền kinh tế phồn thịnh của nó. Những của cải vật chất ấy không phải tự trên trời rơi xuống mà là do những con người cần cù đã đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt, bao nhiêu xương máu để tạo nên một nền kinh tế thịnh vượng.

Cuộc “đại suy thoái” (The Great Depression) lan tỏa đến các miền quê. Nơi mà ngày xưa những công việc đủ nuôi sống cả làng nay chỉ cần một người điều khiển một chiếc máy cầy khiến mức thu nhập của nông dân giảm khoảng 50%. Đến tháng 11/1932, cứ năm người Mỹ thì có một người thất nghiệp, do đó họ phải đi từ nơi này đến nơi khác để tìm việc làm.

John Steinbeck cho rằng khi tài sản tập trung trong tay một thiểu số, thế nào cũng sẽ bị lấy đi, khi đa số người dân nghèo đói thì họ sẽ dùng vũ lực để chiếm lấy cái mà họ cần (When a majority of the people are hungry and cold they will take by force what they need).

Bạo lực của vũ khí không thể đè bẹp đám đông nếu như người ta không lưu tâm tới nguyên nhân sự uất hận. Có thể đây là một thắng lợi của “văn chương vô sản” mang một chút gì đó của cuộc đấu tranh của giới vô sản.

Nhưng giá trị tả chân hiện thực của cuốn truyện đã phản ảnh tiếng nói của lớp người bị đẩy vào bước đường cùng. Tổng thống Roosevelt và phu nhân đã từng khen truyện trung thực, vô tư. Năm 1940, phu nhân tổng thống đi thăm các trại di dân và tuyên bố “John Steinbeck không nói ngoa chút nào”!

Cuốn tiểu thuyết được viết trong 5 tháng, nhưng trước đó Steinbeck đã bỏ ra nhiều năm thu thập dữ kiện. Năm 1938 ông đi thăm các trại di cư ở Visalia và Nipomo, mấy ngàn gia đình đói khát bệnh tật, nhiều người chết vì đói, tỉnh và tiểu bang không giúp gì họ vì cho đó là những người... “ngoại tỉnh”.

Mặt khác, chủ các đồn điền lớn ngày càng thịnh vượng, họ có máy đóng hộp những trái đào, lê, táo dành để bán những năm sau. Chủ đồn điền nhỏ phải bán rẻ đất đai cho chủ lớn vì không có máy đóng hộp. Tài sản do đó ngày càng tập trung trong tay một số ít người, đó là đặc điểm của nền kinh tế tư bản.

“The Grapes Of Wrath” không chỉ là một tác phẩm văn chương mà còn là một tài liệu lịch sử có giá trị về xã hội-kinh tế của thời khủng hoảng với đầy đủ dữ kiện chân thực và sống động nhất.

Tuy nhiên, những người bị đụng chạm đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ vì những quyền lợi riêng tư của họ. Việc kết tội cuốn truyện tuyên truyền cho Cộng sản là không đúng vì bênh vực cho những người nghèo đói không phải là độc quyền của Cộng sản, Đó chỉ là... chụp mũ.

***

Ấn bản đầu tiên “The Grapes Of Wrath” được Nhà xuất bản Viking cho ra đời ngày 14/4/1939 gồm 619 trang có giá 2,75 đô la. 50.000 bản trong đợt đầu được bán hết khi cuốn sách trở thành sách bán chạy trong năm 1939.

Tháng 2/1940, cuốn sách đã được tái bản 11 lần, và có tới 428.900 bản đã được bán ra và được dịch ra trên 30 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. “The Grapes Of Wrath” được xuất hiện qua những tựa đề bản dịch khác nhau:

- “Chùm nho uất hận” do Võ Lang dịch, Nhà xuất bản Khai Trí, Sài Gòn 1972.

- “Chùm nho phẫn nộ”, Phạm Thủy Ba dịch, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Hà Nội

- “Chùm nho thịnh nộ”, Phạm Văn dịch, Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty cổ phần sách Tao Đàn 2020.

 

Những bản dịch tiếng Việt của “The Grape of Wrath”

 

“The Grapes Of Wrath” được coi như tác phẩm hay nhất của John Steinbeck và cũng có dư luận coi nó như tác phẩm hay nhất của nền văn chương Mỹ nên đã nhận Giải Pulitzer 1940.

Năm 1940 truyện đã được hãng 20th Century Fox mua bản quyền và chuyển thành phim cùng tên với giá 70.000 đô la. Phim được đề cử 7 giải Oscars, tài tử Henry Fonda trong vai Tom Joad được đề cử nhưng không trúng giải! Cuối cùng, phim chỉ được hai giải: Giải đạo diễn John Ford và Giải diễn xuất phụ cho Jane Darwell trong vai mẹ Tom.

 

Tài tử Henry Fonda trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết “The Grape of Wrath” của John Steinbeck

 

Mặc dù không nói lên được nhiều như tác phẩm gốc nhưng cuốn phim cũng đủ làm sống lại một giai đoạn đen tối của xã hội Mỹ thời khủng hoảng, được thể hiện bằng phong cách tả chân nỗi nhục nhằn, cay đắng của đám di dân đi tìm đất hứa nhưng bị kỳ thị, khinh miệt, chà đạp và bóc lột tận xương tuỷ.

Năm 1962, Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã đánh giá khi Steinbeck đoạt giải Nobel văn học qua nhận xét: “Sáng tác thông qua chủ nghĩa hiện thực, giàu tưởng tượng, biểu hiện sự hài hước, giàu lòng cảm thông và sự quan sát nhạy bén đối với xã hội...”

 

Cảnh trong phim: Chiếc xe di dân của gia đình Tom

 

Dẫu biết rằng “mọi sự so sánh đều khập khiễng” nhưng người đọc vẫn nhìn thấy rõ những nét tương đồng giữa “Chùm nho uất hận” của John Steinbeck và chuyện “đi kinh tế mới” tại Miền Nam sau ngày 30/4/1975.

Trong khi tại Mỹ, di dân đổ xô về California để tìm một lối thoát cho cuộc mưu sinh thì tại Việt Nam xuất hiện “vùng kinh tế mới” để giải quyết vấn đề “giãn dân”, đồng thời thực hiện chủ trương đưa những thành phần “không được hoan nghênh” ra khỏi các đô thị, đặc biệt là Sài Gòn.

Cả hai sự kiện đều mang lại sự bất ổn cho cuộc sống của những người dân “thấp cổ bé họng”!

 

Những người đi ra vùng kinh tế mới tại Việt Nam

 

* Tham khảo thêm: “Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Kinh tế mới” tại:

https://chinhhoiuc.blogspot.com/.../buon-vui-thoi-ieu...

 

***

--> Read more..

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

Cô Út về quê

Chỉ vài tháng trước ngày 30/4/1975, con gái út của chúng tôi ra chào đời. Số phận “hẩm hiu” nên không được làm “Cháu Ngoan Bác Hồ”… Ngược lại, cháu đã trải qua một giai đoạn “điêu linh” đáng nhớ!

Gia đình vẫn sống vất vưởng, cố bám lấy Sài Gòn trong khi bố đi học tập. Còn nhớ có lần đi Trảng Lớn (Tây Ninh), thăm bố, khi về hỏi có gì vui? Câu trả lời của cháu thật hồn nhiên: “Được ăn mỳ... cải tạo!”.

Ba năm sau ra trại cải tạo, tôi về Đà Lạt vì theo Giấy ra trại để “xum họp” với bố mẹ, thay vì vợ con ở Sài Gòn. Mặc dù tôi vẫn có tên trong Sổ gia đình trước ngày “giải phóng” nhưng vì hậu quả của chính sách giãn dân tại “Hòn Ngọc Viễn Đông” nên cứ về đó xem sao. 

Để chia bớt gánh nặng của 4 miệng ăn như “tàu há mồm” của các con, chúng tôi quyết định cô gái út sẽ theo bố lên xứ hoa đào. Thế là có út, có biệt danh “Xúi Quẩy”, theo bố về Đà Lạt nhưng địa phương lại không nhận vì lý do... vợ con ở Sài Gòn!

Ngày mới lên Đà Lạt, “Xúi Quẩy” thấy đồ đạc trong nhà ông bà nội còn nhiều nên mới nhận xét giá như ở Sài Gòn thì... tha hồ bán! Bà nội mới tò mò hỏi: “Sao ở nhà lại gọi con là Xúi Quẩy?”. Và câu trả lời của cháu thật gọn: “Xúi quẩy là bán đồ đó bà!”.   

Tuổi thơ của cháu là vậy... Thật hồn nhiên, bất chấp sự đời để cùng 3 anh chị vượt qua gian khổ khi người mẹ vẫn còn may mắn được tiếp tục làm việc tại Bệnh viện Sài Gòn! Gái út cùng với các anh chị vẫn còn được đến trường để hướng tới tương lai... mù mịt!

Út học cũng thuộc loại “nhàng nhàng” trong lớp nhưng khi bước vào đời, một tương lai rộng mở chào đón cô bé bằng những nỗ lực của bản thân. Duyên may cho đến giờ này cháu chỉ làm việc duy nhất cho Total, một hãng dầu khí của Pháp.

Sự gắn bó chung thủy đó đã mang lại một phần thưởng lớn lao nhất trong sự nghiệp của cháu. Từ một cô kế toán khiêm tốn của Total, Út đã bước sang vai trò đại diện của hãng tận ngoài Đà Nẵng.

Thế rồi “phất” lên “như diều gặp gió” để trở thành nhân viên chủ chốt trong Total Đông Nam Á với nhiệm kỳ 3 năm tại Singapore, tiếp đến là đến Paris, trụ sở chính của hãng tại Pháp.

Hoàn toàn không có ý “mèo khen mèo dài đuôi” nhưng tôi phải khâm phục ý chí tiến thân của cháu, và dĩ nhiên cộng thêm những yếu tố may mắn trong rất nhiều trường hợp.

Cô Út có vóc người nhỏ bé nhưng lại tiềm ẩn một nỗ lực không nhỏ qua nhiều giai đoạn của cuộc đời. Giờ thì Út đã có hai con, đứa con trai lớn hiện học tại Úc, con gái theo mẹ học tại Pháp và chồng thì qua lại giữa Việt Nam và nước ngoài vì còn cơ sở kinh doanh trong nước.

Mùa dịch kéo dài đã gần 2 năm nên gia đình cháu phải chịu cảnh “chia năm xẻ bảy” và mãi cho đến gần đây nhất hai mẹ con mới có dịp... “mạo hiểm về thăm quê”. Hai gia đình, bên nội cũng như bên ngoại, mừng hơn bắt được của vì được nhìn thấy con cháu về thăm nhà.

Trong suốt thời gian ở nhà, Cô Út chỉ quanh quẩn bên bà mẹ già yếu còn con gái thì được ba chở đi khắp phố phường để thấy Sài Gòn của ngày hôm nay, vừa lo phòng dịch bệnh nhưng cũng không quên “mưu sinh, thoát hiểm”.

Chuyện “Cô Út về quê” của tôi cũng chẳng khác gì nhân vật trong bài hát “Cô Thắm về làng” như các bạn đã từng nghe:

“Ô kìa ai như Cô Thắm

Con bác Năm ở xa mới về

Dáng người xinh sao xinh quá

Trông ngẩn ngơ đám trai làng ta...”

 

***


Hai mẹ con trên chuyến bay Paris - Saigon


Hạ cánh an toàn tại Tân Sơn Nhất, 23'4/2022


Trở về mái nhà xưa


Đường xưa lối cũ


Soạn hành lý, sắp xếp quà


Quà cho người thân


Cô Út và chông, bà nội bên cháu trong bữa ăn đoàn tụ bên nội


Cô Út bên mẹ


Ngày lên đường về Pháp


Bịn rịn


Yêu thương


Không biết bao giờ mới gặp lại


Transit ở Bangkok trên đường về Paris


Ngồi ở phi trường Bangkok có nhớ Sài Gòn?


Tiếp tục cuộc hành trình về Pháp


Một chuyến về quê... đáng nhớ!

***
















--> Read more..

Popular posts