Thứ Ba, 25 tháng 4, 2023

“The Sympathizer”… lên phim!

 

Có thể nói, lịch sử văn học Việt Nam tại hải ngoại sẽ bước sang một trang sử mới khi một nhà văn người Mỹ gốc Việt nhận giải thưởng Pulitzer về tiểu thuyết giả tường năm 2016 và tác phẩm đó được chuyển thể thành phim ra mắt trên màn ảnh thế giới vào năm 2024.

Phim sẽ xuất hiện trên màn ảnh HBO và hiện giờ HBO chỉ mới phát hành một “trailer” ngắn, dựa theo tiểu thuyết “The Sympathizer” của nhà văn Viet Thanh Nguyen (tên thật là Nguyễn Thanh Việt).

 

Viet Thanh Nguyen và tác phẩm “The Sympathizer”

 

Riêng đối với độc giả người Việt, cả ở trong lẫn ngoài nước, không khỏi thắc mắc về sự khó khăn, phức tạp trong ngôn ngữ của một đứa trẻ người Việt tị nạn khi mới 4 tuổi đã đặt chân đến Hoa Kỳ vì biến cố tháng Tư, năm 1975.

Nguyễn Thanh Việt đã trở lại Việt Nam nhiều lần với mong mỏi cuốn tiểu thuyết hư cấu của anh sẽ được dịch sang tiếng Việt. Tác giả “The Sympathizer” đã có lần tâm sự:

… Tôi đã ký hợp đồng với Nhã Nam và bản dịch đang được tiến hành. Trong hợp đồng đó có một điều khoản là nếu chính quyền kiểm duyệt cuốn truyện, tôi sẽ lấy lại bản dịch. Tôi sẽ tìm cách khác để xuất bản. Đối với tôi, rõ ràng điều quan trọng là người Việt cần đọc tiểu thuyết này qua bản dịch không bị kiểm duyệt. Nếu cắt đi những phần chính quyền không hài lòng sẽ làm cuốn truyện trở nên vô nghĩa”

 

“The Sympathizer” đã từng lọt vào các sách mà Bill Gates khuyên đọc

 

Tháng 3/1975 bố anh (ông Nguyễn Ngọc Thanh - Joseph Thanh Nguyen) đang ở Sài Gòn lo công việc, họ có tiệm vàng khá nổi tiếng từ năm 1963, mang tên Kim Thịnh, tại Ban Mê Thuột (BMT). Nhà tôi ở cùng con đường với tiệm Kim Thịnh và đó cũng là lý do tôi đã viết nhiều bài về anh.

Việt còn quá nhỏ để nhớ lại những gì đã xảy ra trong suốt quãng đường dài từ BMT về Nha Trang hồi đó… nhưng theo lời kể của người anh trai, đó là một cuộc hành trình gian nan, khủng khiếp của quân và dân vùng cao nguyên chạy về vùng biển trước khi lên tầu để đến Hoa Kỳ.

“The Sympathizer” lấy bối cảnh Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 4/1975 nhưng nhân vật chính không lại không tên, không tuổi. Ngay tchương đầu tiên, người đọc chỉ biết anh ta qua danh xưng “tôi” vì anh hoạt động trong lĩnh vực tình báo của Hà Nội với cấp bậc Đại Úy:

“Tôi là một tên gián điệp, một kẻ nằm vùng, một con quỷ, một con người hai mặt. Có lẽ cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, tôi cũng là một con người có hai đầu óc… có thể nhìn vào bất cứ vấn đề gì từ hai phía…” (“I am a spy, a sleeper, a spook, a man of two faces. Perhaps not surprisingly, I am also a man of two minds, able to see any issue from both sides).

Cũng từ Chương 1, người đọc còn được làm quen với 2 người bạn khác của viên Đại úy “nằm vùng”. Cả ba người bạn đã gắn bó với nhau theo kiểu “cắt máu ăn thề”, một tích rất xưa “Kết nghĩa vườn đào” của Lưu Bị-Quan Văn Trường-Trương Phi trong Tam quốc chí. 

***

Phim “The Sympathizer” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên đã khởi quay từ tháng 09/2022. Mới đây, đoàn làm phim đã công bố dàn diễn viên chính gốc Việt, đóng cùng "Người Mặt Sắt" Robert Downey Jr.

Theo Hollywood Reporter, 5 diễn viên chính của “The Sympathizer” bao gồm: Hoa Xuande, Fred Nguyen Khan, Toan Le, Vy Le và Alan Trong. Họ là những diễn viên gốc Việt và cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm đóng phim, cũng như tham gia một số dự án truyền hình và điện ảnh tại Hollywood.

 

Dàn diễn viên chính gốc Việt được công bố (từ trái sang phải) - Hoa Xuande; Fred Nguyen Khan; Toan Le, Vy Le; Alan Tong

 

Trong khi đó, báo chí còn đồng loạt đưa tin ba gương mặt diễn viên nữ nổi bật nhất của dự án bao gồm Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Kiều Chinh và Sandra Oh cũng có mặt... Nhưng họ thực ra chỉ là ba diễn viên phụ trong phim nhưng tên tuổi của họ giúp bộ phim thêm phần hấp dẫn đối với người xem.

 

Tài tử Kiều Chinh trong vai mẹ của “Kẻ nằm vùng”

 

Vai “Kẻ nằm vùng” sẽ do diễn viên người Úc gốc Việt, Hoa Xuande, thủ diễn. Chắc chắn là phim lớn đầu tiên trong sự nghiệp của Hoa bởi đây là một nhân vật có số phận thăng trầm: từ một đứa con lai bị ghét bỏ, trở thành đại úy quân đội của cả hai miền Nam-Bắc, điệp viên hai mang, cuối cùng làm một thuyền nhân mang theo trọng trách hoạt động tại Mỹ.

Gương mặt nữ chính duy nhất do Vy Le thủ vai, cô là người con gái khiến “Kẻ nằm vùng” phải lao đao trong cuộc sống tình cảm... Tất cả họ đều không phải là những ngôi sao sáng chói, nhưng cũng không hoàn toàn là "tay ngang" vì đã có ít nhiều cơ hội cọ sát tại phim trường.

Điều đáng tiếc là phim không được quay tại Việt Nam vì lý do chắc mọi người có thể hiểu được: tình hình chính trị không cho phép dựng lại một câu chuyện (dù giả tưởng) về một nhân vật “gián điệp hai mang” trước và sau ngày 30/4/1975.

Bộ phim được bấm máy tại Mỹ và Thái Lan trong khoảng thời gian từ tháng 09/2022 đến 03/2023. Đoàn làm phim phải chọn Thái Lan, tuy ở cạnh Việt Nam, nhưng quả thật có rất nhiều “trục trặc” về ngoại cảnh.

Hơn nữa, đạo diễn phim, Park Chan Wook, lại là người Hàn Quốc nên có những cái vượt ra ngoài kinh nghiệm thực tế của bản thân mà chỉ những người đã từng lăn lộn với Sài Gòn mới thấy được hết.

 

Đạo diễn Park Chan-wook vừa giành được giải thưởng ở Cannes hồi tháng 6/2022

 

Người ta thấy vai trò của những người cố vấn phim trường rất quan trọng. Từ tên những con đường, những cửa hàng, tiệm ăn hay những hoạt cảnh đường phố đôi khi không thật, thậm chí có lúc lại trở nên xa lạ đối với những người đã từng “sống chết” với thành phố thân thương ngày nào!

 

Giầy lính nằm trên một con đường bên chiếc xe buýt màu sắc lạ lùng và cả những đèn giao thông lạ hoắc!

 

Hình ảnh một thanh niên mang giày “mốt”, trên mặt bịt... khẩu trang.giữa những nữ sinh Sài Gòn

 

Một cái bàn lạc lõng trong quán ăn

 

Đây là đường Tự Do trong phim

 

Một con đường ở trung tâm Sài Gòn... quá nhếc nhác với bao cát vây quanh

 

Làm gì có danh từ “Vật tư ành”... còn chiếc taxi lạ với số hiệu 803 (Taxi Sài Gòn có 4 số)

 

Dù sao đi nữa, nhà sản xuất phim tập hợp nhiều cái tên “không thể hoàn hảo hơn”, bao gồm HBO, A24, Rhombus Media kết hợp với Cinetic Media và Moho Film. Quái kiệt của nền điện ảnh Hàn Quốc Park Chan Wook vừa là nhà sản xuất (showrunner) vừa ngồi ghế đạo diễn.

Xét cho cùng, cũng như những khó khăn của cuốn tiểu thuyết lúc ban đầu, phim “The Sympathizer” đã có những “hạt sạn” như đã nói ở trên. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có quyền “tự hào” vì những đóng góp của phim về người Việt trong nền điện ảnh thế giới! 

***

* Xem “trailer” phim “The Sympathizer” tại:

https://youtu.be/wr7hBPhXrus

 

* Tham khảo thêm:

- ”The Sympathizer” (1): “Kẻ Nằm Vùng” hay “Cảm Tình Viên”?

https://chinhhoiuc.blogspot.com/2016/05/the-sympathizer-1-ke-nam-vung-hay-cam.html

- “The Sympathizer” (2): Những điều muốn nói…

https://chinhhoiuc.blogspot.com/2016/06/the-sympathizer-2-nhung-ieu-muon-noi.html

- “The Sympathizer” (3): Những nỗi niềm riêng

https://chinhhoiuc.blogspot.com/2016/07/the-sympathizer-3-nhung-noi-niem-rieng.html

- Bản dịch tiếng Việt “Kẻ nằm vùng” (The Sympathizer) của Lê Tùng Châu, 41th Black April, 2016:

https://khosachonline.com/download/5f3323443ddc807d1b08aaca 


***
--> Read more..

Thứ Hai, 17 tháng 4, 2023

Bonjour Vietnam!

 

Năm 2005, một hiện tượng (phải nói là “hi hữu”) đã xảy ra trong sinh hoạt ca nhạc của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Đó là bản nhạc “Bonjour Vietnam” xuất hiện rộng rãi trên Internet và được rất đông người Việt yêu thích.

Đầu tiên, người ta chú ý đến tác giả của nhạc phẩm là một người Pháp nhưng ca sĩ lại là một thiếu nữ người Việt sống tại Bỉ. Không bỏ lỡ cơ hội “ngàn năm một thưở”, Trung tâm Thúy Nga đã tổ chức nhiều đêm diễn tại hải ngoại và thu hút rất đông khán giả người Việt khắp nơi.

Tháng 5/2008, Chương trình Paris by Night 92 đã chính thức đưa hát bài "Hello Vietnam" bằng tiếng Pháp và Việt qua băng video lưu hành khắp thế giới của người Việt tỵ nạn.

Đến cuối năm 2008, bài hát này cũng đã được biểu diễn nhiều lần trong các chương trình âm nhạc của Đài truyền hình Việt Nam nhân dịp cô ca sĩ (sinh ngày 16/1/1987 tại Bỉ) lần đầu tiên được nhìn thấy quê hương. 

Cha cô đã từng là du học sinh tại Bỉ, trước khi ở lại làm bác sỹ… và mẹ cô làm y tá tại bệnh viện ở Long Thành, Đồng Nai. Cô em gái Lisa, sinh năm 1992, cũng học tập và lập nghiệp tại Bỉ nhưng tất cả các thành viên trong gia đình chưa từng về lại Việt Nam kể từ ngày 30/4/1975.

Sinh sống tại Bỉ, nhưng gia đình cô vẫn nói tiếng Việt, ăn những món ăn Việt và nhớ về những phong tục tập quán của người Việt. Chỉ có một điều là cô ít bạn bè người Việt. Người ca sĩ với mái tóc đen tuyền, phát âm tiếng Pháp “chuẩn” của Paris nhưng tiếng Việt cũng không kém phần hoàn thiện qua sự giáo dục của gia đình là… Phạm Quỳnh Anh!

 

Quỳnh Anh & “Bonjour Vietnam”

 

Với năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, năm 2002, Quỳnh Anh đã vượt qua hơn 1.000 thí sinh để giành giải nhất cuộc thi mang tên “Pour la Gloire” của đài truyền hình RTBF (Bỉ) khi mới 13 tuổi. Từ cuộc thi này, giọng ca gốc Việt may mắn gặp và cộng tác với nhạc sỹ tài năng người Pháp, Marc Lavoine.

“Bonjour Vietnam” được nhạc sỹ Marc Lavoine sáng tác và 2 năm sau, Guy Balbert dịch sang tiếng Anh với tựa đề “Hello Vietnam”. Bản nhạc đã trở thành một hiện tượng kỳ lạ về sự thành công mang tính cách… quốc tế.

Ca từ giản dị, ý nghĩa được truyền tải bằng giọng ca ngọt ngào, trong trẻo của cô gái gốc Việt đã khiến “Bonjour Vietnam” trở thành một trong những bài hát về Việt Nam vừa độc đáo lại vừa truyền cảm.

“Hãy kể tôi nghe về màu da, mái tóc và đôi bàn chân đã cưu mang tôi tự thuở chào đời.

Hãy kể tôi nghe về căn nhà, con đường, hãy kể tôi nghe những điều chưa biết

Về những phiên chợ nổi trên sông và những con thuyền tam bản bằng gỗ.

Tôi chỉ biết quê hương qua những hình ảnh của chiến tranh

Bạn hãy nói cho tôi biết chăng, về họ, tên mà tôi đã mang, về miền quê mà tôi ngày đêm luôn nhớ mong.

Lòng tôi mong biết đất nước tôi, đất nước đã có bao đời”

 

Phạm Quỳnh Anh

 

Cơ duyên đến với cô gái bé nhỏ khi cuối năm 2011, lần đầu tiên Quỳnh Anh được trở về Việt Nam. Giọng ca “Bonjour Vietnam” đã khoác lên mình tà áo dài truyền thống, chia sẻ trong sự bối rối, lạ lẫm và xúc động. Quỳnh Anh đã có lần tâm sự:

“... Tôi chỉ có thể xúc động khi nói về Việt Nam, cội nguồn của tôi, sự tha phương, nguồn gốc... Tôi có nhu cầu tìm lại quá khứ để hiểu hiện tại và tạo dựng tương lai. Điều làm tôi xúc động hơn cả là câu chuyện tôi kể, câu chuyện của tôi, đã nhờ những người khác mà sống lại. Quan trọng hơn nữa tôi được kết nối với họ thông qua bài hát này.

...

“Thế nhưng, khi đến sân bay, rồi ở Việt Nam những ngày này, tôi cảm thấy rất thân quen. Khi đi dạo trên phố Sài Gòn, nhìn vào ánh mắt của mọi người xung quanh, tôi cảm thấy thân thương đến ngạc nhiên vì mọi thứ đều có rất cảm giác quen thuộc.

“Tôi đã được đi ăn món Huế, ăn Phở Pasteur, vị của phở ngon và khác hơn nhiều so với phở Việt ở châu Âu. Tôi được nhìn ngắm phố xá đông đúc, chật ních xe cộ.

“Tôi được về thăm một ngôi trường cũ mà mẹ tôi từng học ở Long Thành rồi đi viếng mộ ông tôi. Trong tôi dấy lên cảm giác kỳ lạ vì thấy gắn bó. Tôi chụp rất nhiều hình về khoe với ba mẹ vì hơn 20 năm qua họ chưa về lại...

(hết trích)

 

Phạm Quỳnh Anh

 

Trong đêm diễn đầu tiên, Quỳnh Anh đã bật khóc vào giữa bài hát. Nỗi khao khát được trở về từ trong sâu thẳm khiến cô gái xúc động. Riêng nhạc sĩ Marc Lavoine ông đã thổ lộ trong một cuộc phỏng vấn với báo chí ngày 30/5/2006 tại Pháp:

“Tôi viết Bonjour Vietnam là vì nữ ca sĩ Quỳnh Anh. Khi gặp cô ấy, tôi đã thấy trong cô hình ảnh dịu dàng, ngây thơ của người phụ nữ châu Á, nhìn thấy nét đẹp của một nền văn hóa. Khi biết cô ấy là người gốc Việt, trong tôi gợi lên những hình ảnh của một quá khứ chiến tranh. Tôi nhớ những câu chuyện về những đứa trẻ nạn nhân của chiến tranh mà tôi từng được nghe, từng được đọc khi còn trẻ.

...

“Chuyện chiến tranh bây giờ đã thành quá khứ, nhưng cái bóng đen ấy vẫn cón ám ảnh nhiều người. Vẫn còn những bi thảm tiếp tục. Vẫn còn những chia phân trong hồn người…

“Tôi nhớ đến bộ phim chiến tranh “Apocalypse Now” của Francis Ford Coppola, tôi đã liên tưởng đến những đứa trẻ lang thang, nghèo khó mà tôi gặp gỡ trong lần đi thăm đất nước Campuchia. Đó cũng là một đất nước bị tàn phá vì chiến tranh. Tôi chỉ mất độ ba hoặc bốn ngày gì đó để hoàn tất bài hát, thời gian rất ngắn để tìm giai điệu và viết ca từ.

(hết trích)

 

Marc Lavoine

 

Hiện tại, Quỳnh Anh đã tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ, văn học Pháp và Latin tại Université Libre de Bruxelles (Bỉ). Bên cạnh âm nhạc, cô còn hoạt động trong ngành truyền thông tại quốc gia được mệnh danh là "Trái tim của Châu Âu".

Ngày nay, giọng ca gốc Việt khá im ắng trên các phương tiện truyền thông, hiếm hoi lắm mới xuất hiện trong những bài phỏng vấn nhỏ. Dù theo đuổi âm nhạc, nhưng Phạm Quỳnh Anh chưa tạo được tên tuổi vững chắc trong làng nhạc châu Âu, chỉ tỏa sáng và trở thành một hiện tượng với “Bonjour Vietnam”.

Phần lớn người Việt tại hải ngoại đều đã từng nghe ca khúc “Bonjour Vietnam” ít nhất một lần trên các phương tiện truyền thông như TV, mạng xã hội, các buổi nhạc hội và thậm chí cả khi ngồi máy bay về thăm quê cũ.

 

Phạm Quỳnh Anh

 

Dù bản nhạc chưa được hoàn chỉnh lắm (theo lời nhạc sĩ Marc Lavoine), nhưng khi Phạm Quỳnh Anh hát rất được khán giả ngưỡng mộ. Ít có bản nhạc gây ra tâm trạng phấn khích đối với người xa xứ với điệp khúc “Un jour, j’irai là bas” (Một ngày nào, tôi sẽ trở về nơi chốn đó) khiến người nghe phải mềm lòng.

Một ngày nào đó, “Bonjour Vietnam” sẽ là câu chào của người xa quê vì một lý do nào đó chưa thể trở về thăm đất mẹ. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, có những người trở về thường xuyên như... đi chợ!

Họ về rình rang như một đám rước theo kiểu “áo gấm về làng”, “vinh quy bái tổ”... Không phải vì nhớ quê mà vì sự khoa khoang, muốn cho mọi người thấy được sự sang trọng giàu có của mình tại xứ lạ, quê người.

Một lần nữa, ngày 30/4 lại trở về. “Bonjour Vietnam”, quê hương không còn trong khói lửa, không còn tiếng trực thăng vần vũ như trong chiến tranh ngày nào... nhưng hình như lòng người vẫn chưa yên! 

 

***

* Nguyên văn “Bonjour Vietnam” bằng tiếng Pháp:

“Racontes moi ce mot étrange et difficile à prononcer

Que je porte depuis que je suis né

Racontes moi le vieil empire et le trait de mes yeux bridés

Qui disent mieux que moi ce que tu n’oses me dire

Je ne sais de toi que des images de la guerre

Un film de Coppola et des helicopteres en colère.

Un jour j’irai là bas, un jour dire bonjour à mon âme.

Un jour j’irai là bas, pour te dire bonjour Vietnam

“Racontes moi ma couleur, mes cheveux et mes petits pieds

Qui me porte depuis que je suis née

Racontes moi ta maison, ta rue

Racontes moi cet inconnu

Les marchés flottants et des sampans de bois

Je ne connais de mon pays que des photos de la guerre

Un film de Coppola et des hélicopteres en colère.

Un jour j’irai là bas, un jour dire bonjour à mon âme

Un jour j’irai là bas, pour te dire bonjour Vietnam

“Les temples et les Boudhhas de pierre pour mes perès

Les femmes courbées dansc les rizières pour mes merès

Dand la prière, dans la lumierè revoir mes frères

Toucher mon âme, mes racines, ma terre

Un jour j’irai là bas, un jour dire bonjour à mon âme

Un jour j’irai là bas, pour te dire bonjour Việt Nam

Te dire bonjour... Vietnam.

Xem tại https://www.youtube.com/watch?v=uJ-t9PM4nbs

 

Phạm Quỳnh Anh

 

*Bản dịch lời Việt:

“Vẫy chào Việt Nam, kể cho tôi nghe cái tên khó gọi, khi nằm nôi thuở mới chào đời, kể về những triều đình xưa cũ...

Ðôi mắt xếch dấu vết một thời, nói rất nhiều những điều khó ngỏ, khi Việt Nam hình ảnh chiến tranh, những trực thăng lưng trời cuồng nộ, phim Coppola khói lửa ngút quanh

Một ngày nào tôi về chốn đó, chào thân mến linh hồn quê hương. Một ngày nào tôi về chốn đó, chỉ một câu Việt Nam yêu thương. Nói với tôi màu da, mái tóc, đôi chân nhỏ từ lúc sơ sinh, nói với tôi ngôi nhà thân thuộc, những hẻm đường, làng mạc bao tình. Phiên chợ nổi họp trên sông nước, thuyền tam bản trời đất lênh đênh. Sao chém giết vẫn hoài trí nhớ.

Những đoạn phim khói phủ trời xanh, những trực thăng lưng trời cuồng nộ. Quê mẹ tôi quặn thắt đoạn đành. Một ngày nào tôi về chốn đó, chào thân mến linh hồn quê hương. Một ngày nào tôi về chốn đó, chỉ một câu Việt Nam yêu thương.

Tôi sẽ về ngôi chùa lạy Phật, nguyện cầu thay cho người cha xa. Nhìn thiếu phụ khom lưng trên đất, gửi ân cần lời mẹ thiệt thà. Cùng nguyện cầu dưới vầng trăng tỏ, đêm anh em hội ngộ thiết tha. Dãi tấm lòng về nơi cố thổ, đất linh thiêng nguồn cội một nhà. Một ngày nào tôi về chốn đó, chào thân mến linh hồn quê hương. Một ngày nào tôi về chốn đó, chỉ một câu Việt Nam yêu thương. Một ngày nào tôi về chốn đó, chào Việt nam yêu dấu lạ thường.

* “Bonjour Vietnam” tiếng Việt và Anh xem tại:

https://www.youtube.com/watch?v=94y6svVU4so

 

***
--> Read more..

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2023

Nghệ sĩ… lẩm cẩm chuyện

 

“Nhà Bè nước chảy chia hai.

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”

 

Sông Đồng Nai chảy qua thành phố Biên Hòa, đến Nhà Bè thì có thêm phụ lưu là sông Sài Gòn, thế cho nên trong ca dao mới nhắc đến. Một lần nữa, đầu thập niên 60 người dân Sài Gòn lại nhắc đến Nhà Bè qua scandal của nhạc sĩ Phạm Duy với nữ diễn viên Khánh Ngọc: “ăn chè ở Nhà Bè”.

Nhạc sĩ Phạm Duy là chồng của danh ca Thái Hằng. Thái Hằng lại là chị của Phạm Đình Chương, và cũng là chị của Thái Thanh. Khánh Ngọc là vợ của Phạm Đình Chương cho nên Phạm Duy lại là anh rể của Phạm Đình Chương. Hóa ra, mối tình Phạm Duy-Khánh Ngọc là một chuyện loạn luân trong một đại gia đình nổi tiếng trong làng âm nhạc Sài Gòn.

 

Phạm Duy

 

Phạm Duy dù biết Khánh Ngọc là em dâu của vợ mình nhưng không thể kìm lòng trước vẻ đẹp mê hoặc. Ngược lại, Khánh Ngọc dù biết Phạm Duy là anh rể của chồng nhưng cũng khó cưỡng lại sự tài hoa của “cây cổ thụ” trong làng âm nhạc. Vì vậy, cả hai đã nảy sinh mối tình vụng trộm.

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương có nghe phong phanh một số chuyện đồn thổi về mối quan hệ bất chính giữa hai người nhưng vì lòng yêu thương hết mực cho gia đình, vợ con nên bỏ ngoài tai mọi tin đồn. Nhưng sóng gió bất ngờ ập đến khi chị ông là Thái Hằng đã bắt tại trận cuộc hẹn hò giữa Khánh Ngọc và Phạm Duy tại Nhà Bè, Gia Định.

 

Phạm Đình Chương

 

Người ta kể lại, trong một đêm xui xẻo cho đôi tình nhân, Phạm Đình Chương và một vài người trong gia đình đã bám theo chiếc xe Studebaker chở Phạm Duy-Khánh Ngọc trên đường đi Nhà Bè. Do không kềm chế được cảm xúc nên Phạm Đình Chương đã cho chiếc xe Traction chặn đầu xe của Phạm Duy lại.

Cuộc bắt ghen bỗng chốc nổi đình đám, gây xôn xao dư luận, khiến báo chí tốn không ít giấy mực. "Ăn chè Nhà Bè" trở thành một đề tài hot nhất lúc bấy giờ vì mọi người dè bỉu, cho đó là mối tình loạn luân, không thể chấp nhận.

Ngay lập tức, sáng hôm sau, một loạt bài phóng sự đều tra nóng bỏng của các báo được phát hành, trong đó nổi bật nhất là tờ báo “lá cải” Sài Gòn Mới của bà Bút Trà. Vụ "ăn chè Nhà Bè" được tung ra với những hình ảnh rất "thời sự" của các thành viên trong gia đình Phạm Đình Chương.

Cho dù Phạm Duy đã cầu cứu đến Bộ Thông Tin xin các báo cho ngưng bài điều tra, phóng sự nhưng “hoạ vô đơn chí”, chuyện lớn càng giấu diếm lại càng như đổ “thêm dầu vào lửa”. Chẳng mấy chốc cả Sài Gòn đã loạn lên vì biến cố trong đại gia đình nổi tiếng về nghệ thuật.

 

Khánh Ngọc

 

Dù vẫn còn yêu vợ và thực lòng muốn thứ tha nhưng trước dư luận sục sôi, Phạm Đình Chương đành gạt nước mắt nộp đơn ly dị lên toà án và nhận quyền nuôi con thơ. Ông bỗng rơi vào hố sâu tuyệt vọng, mỗi bài báo như một nhát dao cứa vào tim người nhạc sĩ si tình.

Cũng trong khoảng thời gian này, ông tập trung cho sáng tác và cho ra đời những bản tình ca bất hủ để nói về cuộc tình đau thương, đầy nước mắt. Ca khúc “Nửa hồn thương đau” mà sau này trở thành bất hủ qua tiếng hát Thái Thanh đã trờ thành một tuyệt tác của một chuyện tình đau khổ.

 

"Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt

Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất

Và tiếng hát… Và nước mắt..."

 

Mối tình tay ba

 

Khánh Ngọc tên thật là Hàn Thị Lan Nam, sinh năm 1936 tại Hà Nội, là người mang hai dòng máu: Việt của mẹ và Hoa của cha. Khánh Ngọc theo học trường của người Tàu, đến trung học thì chuyển qua học trường Pháp. Năm 1951, Khánh Ngọc theo gia đình vào Nam và được học nhạc với nhiều nhạc sĩ nổi tiếng.

Năm 1952, Khánh Ngọc tham gia ban Gió Nam, ca đoàn gồm chị em Thái Thanh, Thái Hằng, nhạc sĩ Hoài Trung, Hoài Bắc và Phạm Duy. Sau này. Ban Gió Nam chính là tiền thân của Ban hợp ca Thăng Long.

 

Ban hợp ca Thăng Long

 

Từ những năm giữa thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960, ca sĩ Khánh Ngọc từng làm chao đảo nhiều văn nghệ sĩ tài danh và khán giả. Ngoài ra, bà còn là một trong những ngôi sao thuộc thế hệ đầu tiên sáng chói trong làng điện ảnh Sài Gòn trước cả Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Trang Thiên Kim, Kiều Chinh...

Về sau, bà sang Mỹ học điện ảnh và trau dồi thêm thanh nhạc. Trong thời gian ấy, tên tuổi của bà vẫn liên tục được báo chí nhắc đến. Bà lập gia đình mới rồi mở quán ăn tại Mỹ, từ bỏ con đường nghệ thuật. Khánh Ngọc qua đời vào tháng 5 năm 2021 tại Mỹ, hưởng thọ 85 tuổi.

Sau này, cuộc tình tay ba đã rẽ làm ba ngả. Phạm Duy rời phương trời cũ, tiếp tục sáng tác và có thêm nhiều mối tình dang dở. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng qua đời trong cô độc. Và nữ danh ca Khánh Ngọc, “ngọn núi lửa” rực cháy một thời với một vết thương sâu nặng mãi trong lòng.

Đối với Phạm Duy, nhiều nhà phê bình đã có nhận xét ông là một nhạc sĩ khi sáng tác  thì “tận tình”, khi vui chơi thì “tận hưởng” và khi nói năng thì thì “tận tục”! Những nhận xét đó được thể hiện qua những tựa đề các bài hát như Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe, “Sức mấy mà buồn” hay “Tôi còn yêu tôi cứ yêu”!

Nhà văn Duyên Anh đã có lần kể lại trong lúc đùa rỡn với bạn bè, Phạm Duy đã nói trong hơi men: “Ai ngu mới thích nghe nhạc của tôi. Chúng đã được làm trong cầu tiêu”! Có lẽ ông đã ám chĩ mình đã làm những bài “Tục Ca” trong… cầu tiêu.

Qua cái nhìn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Phạm Duy lại có những triết lý sâu sắc qua âm nhạc. Chẳng hạn như “Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi. Còn gì đâu nữa mà khóc với cười…”.

Công tâm mà nói, trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, Phạm Duy là một nhạc sĩ có nhiều tác phẩm để đời và mãi mãi còn trong lòng người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Người ta thường nói nghệ sĩ “Có tài, có tật” là vậy.

Năm 2005 Phạm Duy từ Mỹ về nước sống và quyết định ở luôn quê hương cho đến khi ông trời gọi về với tổ tiên. Phạm Duy vốn là một tay chơi, một “bố già” đanh đá sừng sỏ, một người nếu cần cũng mồm loa mép giải như ai và cũng có thể chơi cả đòn đầu đường xó chợ.

 

***

 

Dạo gần đây, chúng ta cũng thấy không ít các nghệ sĩ trong nước “có tài chẳng bao nhiêu” nhưng lại“sinh nhiều tật”. Họ vốn mang ảo tưởng phía sau lưng mình là một “vầng hào quang sáng chói” đến độ nghĩ mình là ông hoàng, bà chúa trong showbiz.

Ảo tưởng đó, có thể trong một phút bốc đồng, sẽ khiến khán giả vốn hâm mộ họ sẽ quay lưng 180 độ để trở thành anti-fan. Chẳng hạn như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng công bố dự án điện ảnh "Hào quang rực rỡ - The King" liệu có mang lại một bộ phim tiểu sử làm hài lòng công chúng?

Chuyện phim xoay quanh hành trình của Đàm Vĩnh Hưng, từ một thợ cắt tóc vô danh cho đến vị trí ngôi sao hàng đầu của ngành giải trí Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên có nhà sản xuất phim Việt làm phim tiểu sử về nhân vật nổi tiếng đương thời.

 

Đàm Vĩnh Hưng

 

Trong buổi giới thiệu phim, MC Trấn Thành khóc nức nở ngay trên sân khấu và nói: "Đời nghệ sĩ khó nuốt hơn quý vị nghĩ rất nhiều. Có rất nhiều thăng trầm. Hãy nếm bốn chữ "hào quang rực rỡ" đi rồi biết nó là cái gì". Một lần nữa, nước mắt và phát ngôn của Trấn Thành trong buổi lễ lại làm dậy sóng mạng xã hội.

Trước đó, anh cũng đã bị một khán giả tố "giành quyền mua vé bao rạp xem phim". Anh bị dư luận bêu riếu trên mạng xã hội, bị đay nghiến vì câu nói "Anh cần sự riêng tư" để giải thích chuyện “bao vé” xem phim của chính anh đến nỗi Trấn Thành bị cho rằng anh là "nghệ sĩ bị chửi nhiều nhất Việt Nam".

Tại họp báo giới thiệu phim của Đàm Vĩnh Hưng, anh tự gọi mình bằng biệt danh “Mr. Riêng Tư” khi đừng trên sân khầu phát biểu một câu “xanh rờn”: “Đời nghệ sĩ khó nuốt...”

"Đời nghệ sĩ khó nuốt thì đừng nuốt" là lời phản biện của một khán giả. Có người lại khuyên nghệ sĩ nếu thấy quá áp lực thì có thể nghỉ ngơi. Cũng có người hỏi đại ý: "Khi thành công thì ai sung sướng hộ, tiền ai tiêu hộ?".

Xuất hiện chỉ để góp vui, MC Trấn Thành lại phô diễn sở trường khóc nức nở khi đề cập khái niệm “hào quang rực rỡ” và tranh thủ bốc thơm ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng:

“Tôi có đẻ 10 kiếp cũng không bao giờ được như anh Đàm Vĩnh Hưng lúc này. Nhìn 25 bộ trang phục của anh Đàm Vĩnh Hưng trải qua 25 năm sự nghiệp ca hát được trưng bày tại đây, tôi thấy như một bảo tàng thời trang của nghệ sĩ. Nếu tôi nói anh Đàm Vĩnh Hưng đã nổi tiếng được "một phần tư" thế kỷ cũng không sai vì nhìn vào sự nghiệp của anh, chúng ta có thể thấy được lịch sử âm nhạc Việt Nam qua các giai đoạn”.

 

Trấn Thành

 

Về phần mình, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã hôn Trấn Thành ngay trên sân khấu với lời cam kết:

“Tôi xấu tính, tôi cộc cằn, nói chuyện hai câu thì chửi thề một chữ. Nhưng cái áo nghệ sĩ khống chế tôi nhiều quá nên mọi người chưa thấy. Trong phim này, mọi người sẽ được thấy những góc khuất của Đàm Vĩnh Hưng”.

 

Trấn Thành - Đàm Vĩnh Hưng hôn nhau trên sân khấu

 

Chúng ta hãy chờ xem đoạn kết của chuyện nghệ sĩ lẩm cẩm đền mức nào!

 

***
--> Read more..

Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2023

Tản mạn về các loại bánh


Trước tiên, người viết thấy cần cảnh báo bạn đọc (nói theo danh từ y khoa là “chống chỉ định”): Không nên đọc bài này khi bụng đói, vì sẽ có thể gây “phản ứng” tiết dịch vị trong bao tử.

Bài viết được trình bày qua hình thức từ vựng như trong tự điển, có nghĩa là các loại bánh được giới thiệu theo thứ tự của mẫu tự. Vì phạm vi giới hạn, chúng tôi chỉ xin đưa ra khoảng 30 loại bánh thường gặp, còn một số nữa có tính cách “đặc sản vùng miền” ít nổi tiếng và cũng vì thế ít được nói đến.


*** 

Đầu tiên phải nhắc đến bánh bèo có xuất xứ từ miền Trung nhưng cũng được ưa chuộng tại miền Nam. Những chiếc bánh làm bằng bột gạo, bé nhỏ, tròn trĩnh tựa như... lá của cây bèo. Bánh thường được phủ lên một lớp nhân đậu xanh, tôm chấy, mỡ hành… khi ăn chan nước mắm chứ không chấm. Người bình thường cũng có thể ăn cả chục cái !

 

Bánh bèo

 

Cũng có xuất xứ từ miền Trung là bánh bột lọc, thường làm bằng một hỗn hợp bột sắn dây và bột gạo rồi đem hấp. Nhân bánh chủ yếu là tôm, có thể thêm vào đó thịt heo xay, nấm và hành tây. Bánh bột lọc hơi dai và thường chấm với nước mắm nguyên chất chứ không pha. Dĩ nhiên phải có thêm ớt cho... đúng vị miền Trung!

 

Bánh bột lọc

 

Bánh bò là một loại bánh xốp làm từ bột gạo. Theo “Đại Nam quốc âm tự vị” của Paulus Huỳnh Tịnh Của, sở dĩ có tên "bánh bò" là vì nó… "giống cái vú con bò"! Những chiếc bánh thường có dạng tròn nhỏ với nhiều màu: trắng (không pha màu), vàng (từ đường thốt nốt), hồng hoặc tím (màu từ lá cẩm), xanh (từ lá dứa).

 

Bánh bò

 

Bánh bao là một loại bánh có xuất xứ từ ẩm thực Trung Hoa, làm bằng bột mì có nhân thịt, lạp xưởng, xá xíu, trứng muối và được hấp chín. Bánh bao thường được dùng trong bất cứ bữa ăn nào trong ngày nhưng thường được người ta dùng làm bữa sáng nhiều nhất tại một số nước Châu Á.

 

Bánh bao

 

Tương tự như bánh bao, bánh pía cũng có xuất xứ từ người Triều Châu,Trung Quốc. Tại Việt Nam, bánh pía là một trong những đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, có nguồn gốc từ bánh trung thu có nhân thịt heo và đậu xanh, loại bột bánh có nhiều lớp mỏng và nhân bánh có trộn mỡ.

 

Bánh pía

 

Bánh canh có nguồn gốc từ miền Đông Nam Bộ, sau đó phổ biến khắp Việt Nam. Bánh canh bao gồm nước dùng được nấu từ tôm, cá và giò heo thêm gia vị tùy theo từng loại bánh canh nhưng phổ biến nhất là bánh canh giò heo hoặc cá lóc. Sợi bánh canh có thể được làm từ bột gạo, bột mì, bột năng hoặc bột sắn.

 

Bánh canh

 

Ngày Tết không thể nào thiếu bánh chưng ở miền Bắc hoặc bánh tét ở miền Nam. Đây là loại bánh duy nhất có lịch sử lâu đời trong ẩm thực truyền thống Việt Nam, bánh chưng có vị trí đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng người Việt và nguồn gốc của nó về truyền thuyết liên quan đến Hoàng tử Lang Liêu vào đời vua Hùng thứ 6.

Theo “Lĩnh Nam Chích Quái”, Vua Hùng sau khi phá xong giặc Ân, trong nước thái bình, nên lo việc truyền ngôi cho con, mới hội họp hai mươi hai vị quan lang công tử lại mà bảo rằng: "Ai đem lễ vật hợp với ý của ta đến dâng cúng Tiên Vương cho tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho".

Các lang đua nhau đi tìm các vị trân kỳ, hoặc săn bắn, chài lưới, hoặc đổi chác, đều là của ngon vật lạ, nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Duy có lang thứ mười tám tên là Lang Liêu, nằm mơ thấy thần nhân bảo rằng:

"Trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là vật để nuôi sống con người và có thể ăn mãi không chán. Nếu giã gạo nếp gói thành hình tròn để tượng trưng cho Trời và lấy lá gói thành hình vuông để tượng trưng cho Đất, ở trong làm nhân ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý công ơn dưỡng dục của cha mẹ, như thế thì lòng cha sẽ vui, nhà ngươi chắc được ngôi quý".

Lang Liêu lựa những hạt nếp trắng tinh, đem vo sạch, rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông, bỏ nhân vào giữa, đem luộc chín tượng trưng cho Đất, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho nhuyễn, nhào thành hình tròn để tượng trưng cho Trời, gọi là bánh dầy.

Đúng kỳ hẹn, Vua hội họp các con lại để mang lễ vật đến cúng Tổ tiên. Vua nếm thử thì thấy bánh chưng, bánh dầy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm vật của các công tử khác không làm sao hơn được. Hùng Vương bèn truyền ngôi cho Lang Liêu!

 

Bánh chưng

 

Về sau, ở miền Nam và miền Trung cũng có bản sao của bánh chưng ở miền Bắc về nguyên liệu, cách nấu, chỉ khác về hình dáng và sử dụng lá chuối để gói thay vì lá dong gọi là bánh tét. Còn có bánh tét nhân chuối hay đậu đen được làm bán quanh năm chứ không riêng gì vào ngày Tết.

 

Bánh tét

 

Bánh cốm dĩ niên làm từ cốm, nhân đậu xanh dừa nạo và mứt bí hoặc mứt sen trần, thường dùng cho lễ ăn hỏi. Thạch Lam trong “Hà Nội ba sáu phố phường” viết:

“Bánh cốm chính là thứ bánh cưới, trao đi đổi lại trong những mùa thu, để chứng nhận cho cái sung sướng của cặp vợ chồng mới, và cái vui mừng của họ hàng. Vuông vắn như quyển sách vàng, bọc lá chuối xanh buộc lạt đỏ; cái dây lạt đỏ như sợi dây tơ hồng buộc chặt lấy những cái ái ân...”

 

Bánh cốm

 

Cũng Thạch Lam viết về bánh xu xê hay còn gọi là “phu thê” cũng được sử dụng như một lễ vật đựng trong các tráp ăn hỏi. Trong đám cưới người ta cũng dùng bánh này làm món tráng miệng:

“Cái tên kỳ khôi này ở đâu mà ra? Thứ bột vàng và trong như hổ phách ấy, dẻo và quánh dưới hàm răng, là một thứ bánh rất ngon. Dù sao, cũng là một thứ bột thẳng thắn, vì nó dễ cho ta đoán trước để mà thèm thuồng những cái ngon ngọt hơn ẩn náu bên trong. Qua cái màu vàng óng ánh ấy, màu trắng của sợi dừa và màu vàng nhạt của đậu thêm một sắc nóng ấm và thân mật”.

 

Bánh xu xê

 

Về bánh cuốn, trong “An Nam chí lược” sử gia Lê Tắc chú rằng "vào Tết Hàn thực, đem bánh cuốn tặng nhau". Bánh xuân thái cũng chính là tên gọi khác của bánh cuốn, vào thời Trần, người Việt ăn bánh cuốn và có tục đem bánh cuốn tặng nhau, chứ chưa có tục ăn bánh trôi bánh chay như thời Lê Nguyễn về sau.

Bánh cuốn ngày nay còn có biến thể là bánh ướt. Trong bánh cuốn có nhân bằng thịt nhưng bánh ướt tại miền Nam lại không có nhân. Gạo được xay mịn, hòa với nước, rồi đặt lên nồi hấp, căng vải mỏng trên miệng nồi. Mỗi lần cho một muôi bột nhỏ, xoa đều lên bề mặt miếng vải để lá bánh cuốn được mỏng, có thể thoa thêm chút mỡ để dễ lấy ra.

Sau khi bánh chín, dùng đũa to hoặc thanh tre gạt ra đĩa, lúc này có thể cuộn thêm nhân gồm một ít thịt vai nửa nạc nửa mỡ, tôm băm cùng mộc nhĩ, nấm hương đã xào chín với các gia vị như mắm, hạt tiêu... Rắc thêm hành khô phi thơm và dùng với nước chấm đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt.

 

Bánh cuốn

 

Bánh đa là một loại bánh cán mỏng như bánh phở, làm bằng bột gạo, cũng có thể chế biến thành món ăn có nước dùng, ví dụ như trong bánh đa cua. Bánh đa, hay ở miền Nam gọi là bánh tráng, có thể nướng và khi ăn cảm thấy bánh dòn rụm dưới chân răng. Bánh tráng còn được dùng để “gói” thức ăn như bánh tráng phơi sương, bánh tráng Trảng Bàng.

 

Bánh tráng

 

Dĩ nhiên bánh trung thu được ăn trong các dịp Tết Trung thu, gồm bánh nướng và bánh dẻo. Nhân bánh phong phú thường được làm từ đậu đỏ hoặc bột hạt sen được bao quanh bởi lớp vỏ mỏng và có thể chứa lòng đỏ từ trứng vịt muối.

Bánh nướng có vỏ làm từ bột mì, nước đường đun lẫn mạch nha, dầu ăn. Sau khi nặn bột đã ngào bao quanh nhân bánh, người làm bánh cho bánh vào khuôn ép rồi đem bánh nướng trong lò cho tới khi chín.

 

Bánh nướng

 

Bánh dẻo có vỏ và nhân đều đã được làm chín từ trước, ngoài ra cũng thường gặp bánh dẻo chay không nhân. Bột vỏ bánh được làm từ gạo nếp rang rây mịn, chút hương liệu như vani hay nước hoa bưởi, nước đường. Người làm bánh ngào bột, bao nhân và đem ép trong khuôn đã rắc chút bột chống dính.

 

Bánh dẻo

 

Bánh hỏi là một món ăn đặc sản tại miền Nam, bánh được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến công phu, tỉ mỉ. Bánh hỏi thường ăn chung với mỡ hành, thịt quay, thịt nướng, lòng heo... đây là món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi, lễ cúng ở đình, chùa của người dân và là một nét văn hóa ẩm thực của địa phương.

 

Bánh hỏi

 

Bánh mì có gốc từ bánh baguette, do người Pháp đưa vào miền Nam Việt Nam trong thế kỷ 20. Những thập kỉ sau, bánh mì lan ra khắp miền Trung và miền Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn, trong khi ở miền Bắc lại gọi là “bánh tây”.

Người Sài Gòn sau đó cải biên chiếc bánh baguette thành ổ bánh mì nhỏ, còn ruột bánh thì rỗng hơn để đưa được nhiều nhân. Tùy thuộc vào thành phần nhân, bánh mì có những tên gọi khác nhau. Ngoài ra, bánh mì còn ăn kèm với nhiều món ăn đa dạng, chẳng hạn như thịt bò kho, cá mòi hay xíu mại.

 

Bánh mì

 

Bánh xèo rất phổ biến tại miền Nam và người ta ăn bánh xèo chấm nước mắm chua ngọt. Tại miền Bắc, nhân bánh xèo ngoài các thành phần như các nơi khác còn thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi. Riêng tại miền Trung, bánh xèo được gọi là bánh khoái, cò hình dạng nhỏ hơn, ngoài rau sống, còn thêm quả vả chát, khế chua.

Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, rau diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế... Ở Cần Thơ có thêm lá chiết, ở Đồng Tháp thêm lá bằng lăng, ở Vĩnh Long có thêm lá xoài non, ở Bạc Liêu có thêm lá cách…

 

Bánh xèo

 

Như đã nói ở trên, còn rất nhiều các loại bánh như bánh xèo, bành ít, bánh da lợn, bánh tổ, bánh tiêu, bánh giò, bánh đúc, bánh trôi… Nhưng vì khuôn khổ bài viết có hạn nên chúng tôi tạm ngưng tại đây.

Tuy nhiên, cũng phải nói đến một thứ bánh… “không ăn được”! Loại bánh này không làm thỏa mãn nhu cầu thiết thực của bao tử nhưng lại có tác dụng khiến cho cặp mắt của con người cảm thấy những gì mình ao ước, kỳ vọng hầu như đạt được…

Đó chính là “bánh vẽ” với hình ảnh một món ăn lúc nào cũng hấp dẫn trong lúc đói lòng. Hiệu quả của món bánh này thật sâu đậm trước cặp mắt đói khát, thèm thuồng… nhưng rốt cuộc chỉ là… bánh vẽ, không hơn, không kém!

 

*** 

--> Read more..

Popular posts