Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

Một nén hương lòng cho những người đã khuất

Đối với tôi, 2024 là một năm… đầy tang tóc.

Ngoài cái tang lớn khi bà xã tôi qua đời… còn có những cái tang nhỏ đối với những người bạn già mỗi sáng thường gặp nhau vào cữ cà phê, dù đôi khi không ngồi chung bàn!

Chỉ mới mấy tháng đầu năm đã phải chứng kiến hai “người bạn” giã từ chỗ ngồi quen thuộc bên tách cà phê mà không một lời… vĩnh biệt. Thứ nhất là một cặp vợ chồng,  sáng sáng ông chồng vẫn chở theo bà vợ tới quán.

 



Qua một vài lần trò chuyện tôi được biết ông chồng nhỏ tuổi hơn mình… Tôi thường khen ông vẫn mạnh khỏe và đủ sức lái xe chở bà đến quán. Bà vợ lại nói thêm, “… ông nhà tôi có đủ thứ bệnh nhưng sáng nào cũng cố đi xe để ngồi cà phê nhìn người qua lại cho đỡ buồn!”.

 



Có dạo bàn chân ông sưng phù lên thấy rõ nhưng ông vẫn tỉnh bơ, vẫn không bỏ cữ cà phê nào. Thế rồi ông ra đi mà không ai hay biết… cũng may, bà xã ông có lần ghé quán báo tin ông mất! 

 



Người thứ hai ra đi là một “ông lão” con chở tới quán. Ông lớn tuổi hơn tôi nên con phải dìu ông tới tận bàn. Việc đầu tiên ông giở tờ Tuổi Trẻ mang theo để lướt qua tin tức hàng ngày chứ không dùng điện thoại.

 



Dạo sau này ông lại có một cây gậy để chống mỗi khi di chuyển. Những khi có dịp ngồi chung bàn tôi thường phải ghé sát để nghe ông nói vì giọng ông thều thào, nghe tiếng còn tiếng mất.

 




Tôi thường về nhà trước ông vì ông phải chờ con đến đón… Mỗi lần chia tay, chúng tôi chỉ giơ tay chào…





Hai người bạn già nay đã trở thành… người thiên cổ.

Quán cà phê vẫn còn đó, chỗ ngồi vẫn còn đó… nhưng tôi vẫn cảm thấy một sự mất mát, trống vắng không tên.

Rồi mọi người lần lượt sẽ ra đi khi chuyến tàu đến.

Người đã đi thì không thể giữ lại, ai cũng phải chết, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

 

*** 

--> Read more..

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2024

TÀI KHOẢN VÔ GIÁ !!!

Có một ngân hàng, mỗi buổi sáng, cung cấp vào tài khoản của bạn 86.400 USD. Số dư trong tài khoản không được phép chuyển từ ngày này qua ngày khác! Mỗi buổi chiều, ngân hàng sẽ hủy bỏ hết số dư còn lại mà bạn đã không dùng hết trong ngày!

Bạn sẽ phải làm gì?

Sử dụng hết số tiền đó, dĩ nhiên! Mỗi người trong chúng ta đều có một ngân hàng như vậy!!! Tên ngân hàng là THỜI-GIAN.

 

Bức họa “Thời Gian” của Salvador Dalí (1931)

 

Mỗi buổi sáng, ngân hàng này cung cấp cho bạn 86.400 giây. Vào mỗi buổi tối, ngân hàng sẽ xóa bỏ, coi như bạn mất, thời gian mà bạn không đầu tư được vào các mục đích tốt!

Ngân hàng không cho phép bạn được để lại số dư trong tài khoản! Cũng không cho phép bạn bội chi!!!

Mỗi ngày, ngân hàng lại mở một tài khoản mới cho bạn. Mỗi tối nó lại hủy hết những gì còn lại trong ngày!

Nếu bạn không dùng được hết thời gian mà bạn có trong ngày, người bị mất chính là bạn!

Không có chuyện quay lại ngày hôm qua! Không có chuyện tiêu trước cho "ngày mai"!!!. Bạn phải sống bằng những gì bạn có trong tài khoản ngày hôm nay!

Hãy đầu tư vào đấy bằng cách nào đó, để bạn có thể nhận được nhiều sức khỏe, hạnh phúc, và thành công nhất!!!

 



Đồng hồ vẫn đang chạy. Hãy cố thực hiện thật nhiều trong ngày hôm nay !!!

Để biết được giá trị của MỘT NĂM, hãy hỏi một học sinh bị ở lại một lớp! 

Để biết được giá trị của MỘT THÁNG, hãy hỏi một người mẹ sinh con thiếu tháng! 

Để biết được giá trị của MỘT TUẦN, hãy hỏi biên tập viên của một tuần báo!

Để biết được giá trị của MỘT GIỜ, hãy hỏi những người yêu nhau đang mong chờ được gặp nhau!

Để biết được giá trị của MỘT PHÚT, hãy hỏi một người bị lỡ chuyến tàu!

Để biết được giá trị của MỘT GIÂY, hãy hỏi một người vừa thoát khỏi một tai nạn!

Để biết được giá trị của MỘT PHẦN NGÀN GIÂY, hãy hỏi người vừa nhận được huy chương bạc trong kỳ thi Olympic!

 



Hãy quý trọng từng giây phút mà bạn có!  Và hãy nên quý thời gian hơn nữa!

Bởi vì bạn đang chia sẻ thời gian đó với ai đấy thật đặc biệt đối với bạn, đủ đặc biệt để có thể chia sẻ thời gian của bạn. Và hãy nhớ rằng thời gian chẳng chờ đợi ai cả!!!

Ngày hôm qua đã là lịch sử! Ngày mai là một bí ẩn! Hôm nay là quà tặng! Cũng vì vậy mà nó được gọi theo tiếng Anh là PRESENT! (có nghĩa là HIỆN-TẠI, mà cũng có nghĩa là QUÀ TẶNG).

 



Bạn bè thật sự là một loại nữ trang quý hiếm! Họ khiến bạn mỉm cười và khuyến khích bạn thành công!!! Họ lắng nghe bạn, họ chia sẻ với bạn những lời khen tặng, và họ luôn muốn mở trái tim ra với chúng ta!!!

 



Hãy gởi những lời này đến với ai mà bạn xem như BẠN MÌNH! Và nếu những dòng này lại trở về với bạn, bạn ắt biết rằng bạn đang có một vòng tròn… bạn hữu!!!

 



* Bài viết sưu tầm từ một bản tiếng Anh nhưng không rõ tên tác giả.

* Hình ảnh đi kèm được sưu tầm trên mạng.


 *** 

--> Read more..

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2024

Phài chăng “thế giới tâm linh” là có thật?

Tôi không nghĩ đến “thế giới tâm linh”… cho đến ngày bà xã của mình qua đời. Người ta thường quan niệm khi trong gia đình có người thân mất đi, người ta thường nằm mơ thấy người quá cố hiện về… nhưng tôi thì khác.

Căn phòng của tôi rất gần với bàn thờ người quá cố, chỉ cần mở cửa là thấy ngay hình ảnh của người thân… ấy thế mà tôi chưa hề gặp lại trong mơ. Có thể là vì trong thời gian bệnh tật kéo dài để trở thành một “người thực vật” nên việc giao tiếp đã trở nên xa cách, không mật thiết như ngày xưa.

 

Hũ tro cốt của người quá cố

 

Có người lại giải thích theo Phật giáo, người mất đi mà không hiện về thì có thể là đã “siêu thoát”, không bận bịu gì đến thế giới của người sống! Và đó là điều đáng mừng cho người đã lìa trần.

Còn nhớ ngày di quan đến Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa có đến hơn 10 xe tang tập trung chờ được thiêu. Người ta phải bắc loa thông báo kèm theo bảng điện tử để thân nhân tiện theo dõi.

 

Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa

 

Cũng vì vậy tang quyến phải chờ đợi mỏi mòn đến phiên mình được đem quan tài vào hỏa táng. Nhưng rồi cũng đến lượt gia đình tôi được đưa quan tài vào lò thiêu với thủ tục thật nhanh và gọn.

 

Quan tài từ từ xuống lò thiêu

 

Vì số thứ tự để nhận tro cốt còn quá xa nên gia đình quyết định chỉ để lại hai cháu để nhận hũ tro cốt. Theo lời kể lại của các cháu, trên sân lò thiêu đã gần về chiều thì bỗng thấy một con bướm trắng đậu trên tay. Theo phản ứng tự nhiên, cháu xua tay đuổi bướm.

Thật kỳ lạ, lát sau cũng con bướm đó bay trở lại và đậu đúng chỗ đã đậu trước đó. Hai chị em nói với nhau, nửa đùa nửa thật… “không biết chừng là me… đã được siêu thoát!”. Lại còn nói đùa… “nếu đúng như thế, me cho chúng con biết chừng nào mới nhận được tro cốt của me?”.

Ngay sau đó, tiếng loa phòng thanh thông báo: “Mời thân nhân của bà TTG, số thứ tự… đến nhận tro cốt!”. Một thoáng rùng mình vì sự việc xảy đến vừa bất ngờ pha lẫn kinh ngạc, hai cháu đến nhận hũ tro cốt của mẹ.

 

Một con bướm trắng đậu trên cánh tay...

 

Phải chăng có sự “thần giao cách cảm” giữa những người còn sống và những người đã khuất? Từ đó tôi thắc mắc: Như vậy có chăng một “thế giới tâm linh”?

Không phải thế giới đó chỉ hiện hữu trong xã hội Phương Đông mà còn diễn ra ở Phương Tây. Tôi muốn nói đến “lời nguyền” mà điển hình là dòng họ Kennedy đã phải gánh chịu.

“Lời nguyền của dòng họ Kennedy” không những cướp đi mạng sống của Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ, John Fitzgerald Kennedy, Sr. (1917), qua vụ ám sát năm 1963 và tiếp đó, em trai ông, Thượng nghị sĩ Robert Francis Kennedy, Sr. (1925) bị ám sát năm 1969.

 

Tổng thống thứ 35 Hoa Kỳ, John F. Kennedy, sinh năm 1917, bị ám sát năm 1963

 

Thượng nghị sỹ Robert F. Kennedy, sinh năm 1925, bị ám sát năm 1968

 

Tai họa vẫn tiếp tục xảy đến với các hậu duệ dòng họ “danh gia, thế phiệt” Kennedy, nổi tiếng nhưng lại cũng gặp rất nhiều bất hạnh. Dòng họ đó còn gặp những biến cố từ đau buồn đến chết người.

1973: Edward Kennedy, Jr. (con trai của Edward Kennedy) mất chân phải vì bệnh ung thư xương. Joseph P. Kennedy II, con trai của Robert và Ethel, gây tai nạn khi lái xe tại Cape Cod khiến một người ngồi trong xe, Pam Kelley, bị bại liệt hoàn toàn.

1983: Robert F. Kennedy, Jr. bị bắt giữ tại tiểu bang South Dakota vì tội tàng trữ heroin.

Một năm sau, David A. Kennedy, con trai của Robert, chết vì dùng Demerol và Cocaine quá liều ở một khách sạn tại Palm Beach, Florida.

1986: Patrick J. Kennedy, con trai của Thượng nghị sĩ Ted Kennedy, bắt đầu điều trị cai nghiện cocaine.

1997: Michael Kennedy, con trai của Robert, chết trong một tai nạn trượt tuyết tại Aspen, tiểu bang Colorado.

1999: John F. Kennedy, Jr., cùng với vợ Carolyn Bessette Kennedy, và chị vợ Lauren Bessette, tử nạn khi chiếc máy bay riêng do Kennedy điều khiển rơi xuống biển trong một chiều đầy sương mù trên chuyến bay từ New York đến đảo Martha's Vinyard.

2012: Mary Richardson Kennedy (vợ của Robert F. Kennedy) treo cổ tự sát tại nhà riêng ở Bedford, Westchester, New York.

 

Gia tộc Kennedy, năm 1931. John F. Kennedy, thứ hai bên trái và Robert F. Kennedy bên phải

 

Những biến cố bi đát xảy đến cho dòng họ Kennedy khiến người ta tin là có một “thế giới tâm linh” về một “lời nguyền nào đó đã chi phối cả một dòng tộc.

Và có lẽ cũng ở thế giới đó, điềm báo của một con bướm trắng đã bay về đậu hai lần trên tay của con gái tôi đã cho biết người qua đời đã được hỏa táng.

 

***

 

* Tham khào thêm bài viết “Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí” tại: http://chinhhoiuc.blogspot.com/2020/04/phuoc-bat-trung-lai-hoa-vo-on-chi.html 

 

***

--> Read more..

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2024

“Những vấp ngã của tuổi già!”… hồi thứ hai

Tôi post bài viết “Những vấp ngã của tuổi già!” trên Facebook ngày 16/3/2024 và đã được hơn 300 bạn vào đọc. Đó là một con số đáng kể đối với tôi, một người có tương đối ít friends vì quả thật số bạn của tôi trên Facebook không nhiều.

Thật không ngờ, bài viết này lại vừa xuất hiện trên email của các đồng nghiệp ngày xưa tại trường Sinh ngữ Quân đội do anh KK tung lên (đúng ra là viết nguyên tên nhưng vì lý do tế nhị nên tôi đành viết tắt là KK).

Một số anh em khác như ĐV, GN, KĐ góp phần bình luận. Xin ghi lại để các bạn tiện theo dõi sau khi anh KK có vài dòng giới thiệu như sau:

“Các Bạn Cựu Giảng Viên Trường Sinh Ngữ Quân Đội thân mến,

“Các Bạn đọc bài này, của người bạn đồng nghiệp NNC, cựu Giảng Viên Trường Sinh Ngữ Quân Đội, của chúng ta chưa?


Người đầu tiên góp ý là anh DV ở Hoa Kỳ với những lời lẽ như sau:

“Cảm ơn bạn K. đã cho đọc bài viết của đồng nghiệp NNC.

"C. mới 78, tôi đã 85, KK đến 87. Không biết ai trong chúng ta sẽ lên chuyến tàu chót. Nhưng còn sống thì cứ cố mà sống … để xem thế sự thăng trầm ra sao”.



Trụ sở chính của trường SNQĐ trong Bộ Tổng tham mưu (1970)



Anh NLG ở Úc có lời khen khiến người viết bài phải… phổng mũi:

“C. ơi,

“Bạn là người chồng chung thủy, người cha mẫu mực. Các con của bạn hẳn rất hãnh diện khi có được một đấng sinh thành như bạn.


Vốn tính tiếu lâm, lúc nào cũng pha trò, anh ĐVK… “thả bom”:

“Lo con bò chắng giăng làm gì các thầy ơi. Ông í nói thế chứ còn khỏe chán, chỉ có cái diet kỹ quá nên nhẹ cân thôi. Còn cafe Sơn, còn bánh mì Thúy là còn NNC. Sáng nào cũng cười toe với mấy cô phục vụ. Có một cô tên Vy.

“Tui xạo cho tui chết liền đi. Các thầy hỏi ông í xem có phải không?



Toàn cảnh của trường SNQĐ mới tại Tân Sơn Nhất. Tòa nhà bên phải là các lớp học dành cho quân nhân.


Cuối cùng, anh KK “bồi” tiếp với bằng cả một đoạn văn thơ dài lê thê:

“Các bạn thân thương Đ., K., G. ơi,

“Mừng quá, chỉ có dịp tung ra theo kiểu “Je sème à tout vent” của tự điển Le Petit Larousse, bài viết “Những Vấp Ngã Của Tuổi Già” của “CNN” NNC nhà mình, mà được các bạn Đ., K., “G. ở mãi tận “Miệt Dưới - The Down Under” Australia, Nam Bán Cầu, tạm bỏ ra vài phút đang “hibernating” trong mùa đông và tuổi già, để hồi đáp, chứng tỏ các bạn còn khỏe mạnh, vẫn “manger, jouer” bình thường, và như bạn Đ. lẩy thơ Cao Bá Quát: “sống để xem thế sự thăng trầm” ra sao, và bạn K. cho câu kết, kiểu Cao Bá Quát: “Lo chi cho mệt một đời” trong bài “Tiêu Sầu Tửu.”

“Bạn Đ. nói đúng, đa số chúng ta đã may mắn thọ vượt qúa cái tuổi “Thất thập cổ lai hi” ngày xưa, “không biết ai sẽ lên chuyến tàu chót trước?” Nói theo nhà văn Hoàng Hải Thủy thì:

“Chưa biết thẳng nào trước với sau,

Thẳng nào đi trước, thằng nào sau.

Đi sau đi trước cùng đi cả,


“Sau hay trước cũng đi tàu suốt

Đã không tránh được đi sau trước,

Cần quái gì lo chuyện trước sau!”



Huy hiệu Trường SNQĐ


“Ở cái tuổi hoàng hôn “gần đất xa trời” của chúng ta, thì như bài thơ của Mặc Thu:


“Sân ga một đám đứng chờ tàu,

Toàn bạn già xưa biết mặt nhau,

Tàu chật có người lên được trước,

Chậm chân, kẻ đợi chuyến tàu sau,


“Một đi là chẳng quay đầu lại,

Áo trắng trên người phủ kín thân

Ra đi giống thuở ai vừa đến,

Tàu suốt trăm năm chỉ một lần.


“Sân ga thấp thoáng bóng người già,

Họ sẵn sàng về cõi thật xa

Hình như trong đám trông chờ ấy

Có bạn thân tình, có cả ta”


Thanks Giving Party của cựu giảng viên tại Mỹ (2015)


“Thôi thi, cám ơn Trời-Phật- Chúa, đã cho chúng ta sống đến cái tuổi “già khú đế” này, chúng ta nên biết ơn, ngồi rung đùi ngâm nga, hai câu thơ của Bùi Giáng:


“Ta cứ ngỡ xuống Trần Gian chơi chốc lát,

Nào ngờ ở mãi tận hôm nay!”


… miễn sao tinh thần và thân xác còn minh mẫn và khỏe mạnh, như câu ngạn ngữ La Tinh: “Mens sana in corpore sano - A sound mind in a sound body,” và đừng bị biến thái như những câu thơ nhái thi sĩ Bùi Giáng sau đây:


“Ta cứ ngỡ xuống trần gian chơi một chập,

Nào ngờ… bầm dập đến hôm nay!”


“Ta cứ ngỡ xuống trần gian chơi chốc lát,

Nào ngờ… bi đát đến hôm nay!”


“Ta cứ ngỡ xuống trần gian chơi một chốc,

Nào ngờ… lăn lóc đến hôm nay!”


“Ta cứ ngỡ xuống trần gian chơi một đỗi,

Nào ngờ ra… nông nỗi đến hôm nay,”


… và cho các anh “Dziệt Kiều… trâu già ham gặm cỏ non” dzìa Dziệt Nam cưới dzợ trẻ:


“Ta cứ ngỡ xuống trẩn gian chơi một tí,

Nào ngờ… bồ nhí trói ta luôn!”


Họp mặt cựu giảng viên tại Việt Nam (2015)


Tôi vốn bản tính “kiệm lời” nhưng cũng phải tham gia “diễn đàn” của các “bô lão” với những lời như sau:

“Cùng các bạn đồng nghiệp ngày xưa,

“Trước hết, xin cám ơn các bạn về những dòng "tâm sự... lòng thòng" sau khi đọc những vấp ngã của tuổi già... Thật ra chữ "vấp ngã" tôi dùng trong bài viết chỉ mới... "một chiều". Đó là những vấp ngã "vật lý"... còn những vấp ngã "tâm lý" đã bị "cố tình" không nói đến vì ngại "vạch áo cho người xem lưng". Vấp ngã đó đã bị bỏ qua vì nó… trần trụi quá!!!

"Thôi thì cũng đành "tạm dấu" vì bây giờ lúc này đồng hồ đã chỉ 6:36... đã quá giờ đi bộ ra cà phê sáng một mình. Hẹn các bạn vào một dịp khác sẽ tâm sự nhiều hơn về những "vấp ngã tâm lý của tuồi già"!

"Thân,



Chuẩn úy NNC mới về trường (1969)


Không biết đến bao giờ tôi mới dám viết về những vấp ngã tâm lý hay chỉ biết ôm những vấp ngã đó để lên chuyến tàu suốt trăm năm mới có một lần… “Aller sans Retour”?


* Xem thêm “Aller sans Retour” do ca sĩ Juliette trình bày tại:
https://www.youtube.com/watch?v=7CVk4rcDXjQ


* Tham khảo thêm “Những vấp ngã của tuổi già!” tại:
https://chinhhoiuc.blogspot.com/2024/03/nhung-vap-nga-cua-tuoi-gia.html


***
--> Read more..

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2024

Chào Mừng Cá Tháng Tư (Poisson d'Avril - April Fool's Day)

 "Nhân ngày Mùng 1 Tháng 4

Bà con xả stress… chẳng từ một ai

Quanh năm tháng rộng, ngày dài

Mua vui cũng được một vài trống canh.

 

“Cá tháng Tư, Cá tháng Tư!

Cùng nhau thả cá cho bù tuổi xuân

Mặc cho con tạo xoay vần

Xạo ke cứ thả, trời gần trời xa!

 

***










***


--> Read more..

Popular posts