Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

Nhân một lời bình luận trên Facebook

Nguyễn Thanh Việt (*), tác giả cuốn tiểu thuyết đoạt giải thưởng Pulitzer năm 2016, “The Sympathizer”, đã có một bài viết trên báo “The Atlantic” với nhan đề “Kissinger: The View From Vietnam” (http://www.theatlantic.com/international/archive/2016/11/kissinger-vietnam-nguyen/507851/).

Bài viết của tác giả có thể tóm gọn qua tiêu đề phụ:

“One of the saddest ironies of my own history is that the United States might have achieved its goals in Southeast Asia without ever going to war”,

tạm dịch:

“Một trong những điều mỉa mai nhất trong lịch sử đời tôi là nước Mỹ lẽ ra đã có thể đạt được mục đích ở Đông Nam Á mà không cần tham chiến”!

Với quan điểm của một người Việt tỵ nạn đến Mỹ khi mới 5 tuổi, Nguyễn Thanh Việt nhắc lại chuyện tranh luận giữa Bernie Sanders và Hillary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, trong đó có chuyện đề cập đến cựu Bộ trưởng ngoại giao Henry Kissenger.

Rõ ràng là bà Clinton ủng hộ Kissinger còn ông Sanders chống đối kịch liệt, trong số người chống đối đó có cả tác giả bài viết nói trên. Dưới thời Tổng thống Richard Nixon, Kissinger là cố vấn an ninh quốc gia, đồng thời là Bộ trưởng Ngoại giao, đã phạm phải sai lầm “có hệ thống”: thả bom Cambodia.

Từ năm 1969 đến 1973 nước Mỹ đã thả tổng cộng 540.000 tấn bom, gây thương vong cho từ 150.000 đến 500.000 người Cambodia. Mục đích của những trận oanh tạc này là để ngăn chặn bộ đội Bắc Việt xâm nhập Việt Nam.

Theo Sanders, đó là quyết định biến Kissinger thành một trong những “Bộ trưởng ngoại giao có sức hủy diệt nhất” trong lịch sử Hoa Kỳ. Ngược lại, Bà Clinton cho rằng Kissinger đã là người mở ra một cánh cửa mới trong ngoại giao với Trung Quốc.

Sau cuộc tranh luận Clinton-Sanders, Nguyễn Thanh Việt xác định, bà Clinton đã mất phiếu bầu của tác giả. Không phải chỉ vì Clinton đã ủng hộ Kissinger mà còn vì bà đã tuyên bố “Nước Mỹ vĩ đại vì nước Mỹ tốt đẹp” (America is great because America is good). Tác giả viết:

“Là một người tỵ nạn đến từ Việt Nam, một đất nước đã bị nước Mỹ thả bom, đặt mìn và rải chất độc màu da cam trong nhiều năm, tôi hoài nghi về sự tốt đẹp của nước Mỹ”.


Bài báo của Nguyễn Thanh Việt đã được post trên FB Viet Thanh Nguyen và tôi có một lời bình luận:

“Tôi thành thật đưa ra một ý thứ hai (second thought): người Mỹ đã phạm sai lầm tại Việt Nam trong quá khứ nhưng nếu không có những sai lầm đó, anh sẽ không bao giờ được hưởng sự tự do và đặc quyền tại nước Mỹ kể từ thời thơ ấu”

Nguyễn Thanh Việt trả lời:

“Tôi đã nghĩ về điều đó. Tôi xin trích dẫn những dòng tôi viết trong “The Sympathizer”: Tôi là “một trong những trường hợp kém may mắn, những người không thể nào không tự hỏi mình có cần sự từ thiện của người Mỹ chỉ vì tôi là những người đầu tiên được hưởng sự giúp đỡ của người Mỹ”. Nói ngắn gọn, có thể thụ hưởng sản phẩm của một mối liên lạc lừa phỉnh hay một hoàn cảnh khủng khiếp (thí dụ như khi ta là một đứa trẻ bị hãm hiếp) -- điều đó không thể bào chữa cho mối liên lạc hay hoàn cảnh”.

Trao đổi qua Facebook

***

Chú thích:

(*) Tham khảo thêm về tác giả Nguyễn Thanh Việt và tác phẩm “The Sympathizer” tại:

-- The Sympathizer (1): “Kẻ Nằm Vùng” hay “Cảm Tình Viên”? http://chinhhoiuc.blogspot.com/2016/05/the-sympathizer-1-ke-nam-vung-hay-cam.html

-- The Sympathizer (2): Những điều muốn nói

-- “The Sympathizer” (3): Những nỗi niềm riêng


***
--> Read more..

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

SUPERMOON

Lời nói đầu:

“Sau 1975 đã có rất nhiều “hiện tượng ngôn ngữ” kỳ lạ trong tiếng Việt. Người ta nói “siêu sạch”, “siêu sao” hay “siêu thịt”, “siêu nạc”… và gần đây nhất: “siêu trăng”, dịch từ “supermoon”. Đối với những người quan tâm đến ngôn ngữ, thuật ngữ “siêu trăng” có điều gì đó không ổn.

"Superman" dịch là "siêu nhân": rất chính xác. Ta không thể nào nói "siêu người" vì đó là một danh từ ghép bởi "siêu" (gốc tiếng Hán) và "người" (gốc tiếng Việt), nghe vừa ngô nghê, vừa chỏi tai. Vậy "Supermoon" cũng không thể nào dịch là "siêu trăng" như một số người đặt tên cho hiện tượng này!

***

“Supermoon” là hiện tượng trăng sáng nhất và to nhất. Cách đây gần 70 năm, chính xác là ngày 26/1/1948, mặt trăng nhìn từ trái đất rất tròn, rất to. Hiện tượng này được lập lại vào ngày Thứ Hai, 14/11/2016 vừa qua. Các nhà khoa học dự báo “supermoon” sẽ trở lại vào 18 năm sau, cụ thể là vào ngày 25/11/2034. 


“Supermoon” chụp trên một ngọn đồi tại Shadow Mountain Sports Complex, Sparks, Nevada, Hoa Kỳ ngày 14/11/2016.


Trăng xuất hiện trên bầu trời Toronto, Canada, ngày 14/11/2016


Trăng mọc tại Glastonbury, Anh Quốc (hình chụp ngày 13/11/2016)


“Supermoon” trên bầu tời Frankfurt, Đức, tối ngày 14/11/2016.
Hình chụp từ Ngân hàng Commerzbank


Trăng mọc sau điện Propylaia, trên đồi Acropolis, Hy Lạp, đêm 14/11/2016



“Supermoon” chiếu sáng 1 trong 7 bức tượng tại Quảng trường tại Nice, Pháp (ngày 14/11/2016)


Tại Kazakhstan, “supermoon”  xuất hiện bên phi thuyền Soyuz MS-03 nằm chờ được phóng lên không gian tại sân bay vũ trụ Baikonur (ảnh chụp ngày 14/11/2016)


Trăng trên ngọn tháp Galata Tower, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (ngày 14/11/2016)


“Supermoon” trên Hải cảng Victoria, Hồng Kông, đêm 14/11/2016


Hình chụp “supermoon” tại Bắc Kinh, Trung Quốc, đêm 14/11/2016


Đêm 14/11/2016, mặt trăng được chụp tại Ohinawa, Nhật Bản.  


Cuối cùng là trăng tại Việt Nam với cảnh Đại Nội ở Huế. Hình rất đẹp nhưng nếu quan sát kỹ ta thấy ngay vầng trăng trên Đại Nội đã không in bóng xuống nước. Hóa ra đây chỉ là tấm hình đã được lắp ghép qua kỹ thuật photoshop. Thật đáng tiếc!


***
--> Read more..

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2016

“Sorry America”

Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, 2016, báo Chicago Tribune có bài bình luận về tân Tổng thống Trump với tiêu đề

“Donald Trump won. Let the uneducated have their day”
(Donald Trump thắng. Hãy để cho những kẻ vô học có ngày của họ)

Theo tôi, đây là một headline chỉ trích Trump rất mạnh mẽ, nói lên quan điểm của tờ báo. Trên mục Column, bình luận gia Garrison Keillor đã viết ngay từ đoạn mở đầu:

“… những kẻ thất học đã thắng và kẻ có vấn đề về tư cách và ít học sẽ làm Tổng thống… Chúng ta quá mệt mỏi khi nghĩ về cuộc bầu cử này, hàng triệu người đang làm những công việc cào cỏ, dọn dẹp nhà để xe đang có một niềm vui lớn. Những người trí thức cấp tiến chỉ là rác rưởi. Những người được gọi là Trumpers đang vui mừng, họ dương biểu ngữ, nhạo báng các phương tiện truyền thông, t
ấn công những người chống đối…”

(http://www.chicagotribune.com/news/opinion/commentary/ct-donald-trump-wins-uneducated-voters-20161109-story.html)


Người ta có cảm giác nước Mỹ đang bị chia rẽ trầm trọng. Đó không phải là cuộc cách mạng nếu so với Cuộc cách mạng Pháp năm 1789.

Ngày 11/9/2001 nước Mỹ bị tấn công khủng bố bởi người nước ngoài… Ngày 9/11/2016 nước Mỹ biết đâu lại tan rã vì người dân trong nước.


Tôi nghĩ, hai ngày này – 11/9 và 9/11 - có một sự trùng hợp kỳ lạ mà định mệnh đã an bài. Nếu quả là đã an bài, chúng ta chỉ còn biết nói:

“Sorry America!”.


***
--> Read more..

Popular posts