Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

Hội ngộ… bất ngờ!

Tôi nhận được tin nhắn trên messenger từ một số… “lạ hoắc” với nội dung đại khái: Quế mới về VN được 2 ngày, muốn gặp thăm thầy, cho em xin số mobile của thầy…

Học trò của tôi có một người tên Phương Hồng Quế nên tôi chắc đó là cô ca sĩ từ trước 1975 chứ không phải là “dỏm”, muốn nhắn tin vì một mục đích gì đó. Quế học với tôi hết bộ sách 6 cuốn English for Today trước khi đi Mỹ vào tháng 3/1991, định cư tại Little Saigon với 2 người con.

 

Cuộc hội ngộ bất ngờ năm 2022

 

Cô ca sĩ này lại là vợ của một người bạn trong trại cải tạo. Bác sĩ Phạm Kỳ Nam, “Nam Đầu Bạc”, ra trại và gặp ca sĩ Phương Hồng Quế, người có biệt danh “TV Chi Bảo” của đài truyền hình số 9, trước ngày Sài Gòn đổi chủ năm 1975. Nam không đi Mỹ vì có mẹ và em ở Pháp và Đức.

Đám anh em quen nhau từ trong trại đến khi được “tự do” vẫn thường gặp nhau tại nhà của Quế trên đường Hai Bà Trưng, gần với chợ trời thuốc tây bên hông chợ Tân Định. Một số anh em ra chợ trời mua bán thuốc, kể cả việc đến tận nhà những người có “đồ Mỹ” cần bán để lấy tiền sử dụng vào việc sống lây lứt qua ngày!

Trong khi những người khác “hành nghề” mua bán thuốc ”chui” thì tôi lại phụ trách việc dạy Anh Văn cho Quế và những thành viên khác trong gia đình, ngoại trừ bố mẹ Quế không học vì đã lớn tuổi. Cũng vì thế nên tình thân với mọi người trong gia đình ngày càng gắn bó.

 

Trung thu ngày nào cho đám hậu duệ cải tạo tại nhà PHQ

 

Năm 1994, tôi có dịp về Little Saigon và thăm Quế cùng gia đình. Thầy trò gặp lại nhau buồn vui lẫn lộn. Cô lái xe lên San Francisco để đón thầy về nhà. Có một điều tôi thầm nhận xét là người ca sĩ này sống rất có tình trong đời thường. Hai đứa con, một trai một gái, sống trong tình yêu thương của mẹ dù thiếu bố đã qua đời tại Pháp.

 

PHQ cùng mẹ và hai con Duy Châu & Cát Phương tại Little Saigon năm 1994

 

Năm 2015, Quế âm thầm về thăm lại bạn bè tại Việt Nam, không rùm beng với các show trình diễn như các ca sĩ hải ngoại khác như Khánh Ly, Thanh Tuyền... Đó là một quyết định đúng đắn vì với thành tích chuyên trị nhạc lính trước 1975, “TV Chi Bảo” chắc chắn sẽ không được nhà nước… hoan nghênh!

 

Gặp PHQ tại Sài Gòn, năm 2015

 

Tái ngộ với Quế năm 2022 là một bất ngờ lớn đối với tôi. Cô từ đêm nhạc tại Thái Lan bay về Sài Gòn thăm người thân và bạn bè, ghé Việt Nam hoàn toàn có tính cách riêng tư chứ không phải là trình diễn ca nhạc.

Cô nói tại Bangkok bị ho nhưng cũng may chỉ hát lipsing nên buổi trình diễn vẫn tốt đẹp. Về đến quê nhà vẫn còn ho, chỉ sợ bị dính Covid… nhưng thôi kệ, dính hay không cũng là số cả.

 

Nam “Đầu Bạc” tại Sài Gòn

 

Câu đầu tiên khi gặp nhau là lời than “Trời… thầy ốm quá! Thầy có bịnh gì không?”. Tôi nói giờ thì chỉ còn vài năm nữa là tròn 80 nên còn sống ngày nào biết ngày đó.

Không như lần gặp năm xưa ở Cà Phê Ciao trên quận nhất, lần gặp này chỉ quanh quẩn ở quận Phú Nhuận, đi bộ vài phút là đến cà phê vì tôi đã giã từ xe gắn máy!

 

PHQ July 2015, Cafe Ciao, Sài Gòn

 

Chỉ ngồi nói chuyện chừng nửa tiếng trong khi trên xe vẫn còn bạn bè ngồi chờ. Thôi, gặp nhau lần này chắc là lần cuối. Tình thầy trò mấy chục năm nay như vậy là quá đủ. 

***

--> Read more..

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2022

Những suy tư vụn vặt

Cuộc sống trong cõi đời này hình như chỉ bao gồm 3 giai đoạn: sinh ra, lớn lên và tồn tại.

Chúng ta được sinh ra mà không có sự lựa chọn, chúng ta lớn lên theo ý chí của từng người và chúng ta tồn tại do kết quả của cả một đời!

Nguyên tắc là như vậy nhưng 3 giai đoạn đó còn tùy thuộc vào những gì chúng ta nhận được từ cuộc sống. Thế cho nên, những suy tư của mọi người xung quanh cũng đóng một vai trò quyết định giúp ta nhìn rõ cuộc đời. Đây là điều mà không phải ai cũng biết…

Dưới đây là những suy tư, tuy vụn vặt, nhưng lại có tác dụng thay đổi cách nhìn đời qua cái nhìn từ những người xung quanh.

Cũng vì thế, nên lắng nghe những gì họ nói để, biết đâu đó, áp dụng vào cuộc đời của chính mình!

 

Nếu như bạn mong đợi người đời sẽ tử tế với bạn chỉ vì bạn tử tế với họ, thì cũng giống như việc bạn trông chờ một con sư tử không ăn thịt mình chỉ vì mình không ăn thịt nó. Cuộc sống vốn dĩ không công bằng, hãy học cách thích ứng đi.

 

 

Chẳng sao cả nếu bạn cố, cố, và cố nữa, nhưng vẫn thất bại. Nhưng thật tệ hại nếu bạn cố rồi thất bại và không muốn cố lần nữa!

 

Cười nhiều lên một chút, với bạn bè, người thân, với những người mỉm cười với ta, và cả những người ta tình cờ gặp mặt, dù chẳng thân nhiều...

 

Nếu giọt nước rơi xuống hồ, nó sẽ biến mất. Nhưng nếu rơi xuống lá sen, nó sẽ tỏa sáng như một viên ngọc. Rơi giống nhau nhưng rơi xuống đâu mới là điều quan trọng....

 

Càng trưởng thành, bạn sẽ nhận ra rằng tranh luận đúng sai hơn thua với người khác đôi khi không còn quan trọng nữa. Quan trọng hơn cả là chỉ muốn bình yên!

 

Cuộc đời chỉ có một, vì thế hãy làm những gì khiến bạn hạnh phúc và ở bên người khiến bạn luôn mỉm cười.

 

Hãy can đảm để từ bỏ, từ bỏ những thứ không thuộc về mình, từ bỏ những thứ chẳng phải là của mình, đã là của mình thì sẽ là của mình, còn đã là của người khác thì cho dù bạn có giành giật, nó cũng không thuộc về bạn.

 

Người hạnh phúc không phải là người được sống trong hoàn cảnh thuận lợi nào... mà là một người có thái độ sống tốt trước bất kỳ hoàn cảnh nào!

 

Sự khác biệt giữa những người thành công và những người thất bại không phải là ở sức mạnh, kiến thức hay sự hiểu biết mà chính là ở ý chí.

 

Giống như hoa dại, hãy học cách sinh tồn trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, ngay cả khi người đời cho rằng bạn không thể.

 

Nếu bắt đầu thì có khả năng bạn sẽ nhận lấy thất bại, nhưng nếu không bắt đầu thì bạn đã thất bại rồi!

 

Thành công không phải là đích đến cuối cùng, thất bại cũng chẳng phải vực sâu thăm thẳm, đó chỉ là động lực để bạn vững vàng hơn trên con đường sắp bước tới.

 

Đời người nếu không nhìn về phía trước cũng không nhìn về phía sau, chỉ sống với hiện tại, sẽ chẳng có phiền não nào hết, có lúc chúng ta cảm thấy sống quá mệt mỏi chỉ là bởi vì suy nghĩ nhiều!

 

Không vấp ngã trước cuộc sống, điều đó là rất tốt. Nhưng vấp ngã rồi đứng dậy mà đi lên càng tốt hơn.

 

Có gì cũng được trừ có bệnh, không có gì cũng được trừ không có tiền, thiếu gì cũng được trừ thiếu sức khỏe. Sức khỏe không phải là tất cả nhưng không có sức khỏe sẽ chẳng có thứ gì!

 

Người bi quan luôn thấy khó khăn trong mọi cơ hội. Người lạc quan luôn nhìn được những cơ hội trong từng khó khăn.

 

Thời gian là miễn phí nhưng nó vô giá. Bạn không thể sở hữu nó, nhưng bạn có thể sử dụng nó. Bạn có thể dùng nó, nhưng bạn không thể giữ nó. Một khi bạn làm mất nó, bạn sẽ không thể nào có lại được nó!

 

Thành công không phải là đích đến cuối cùng, thất bại cũng chẳng phải vực sâu thăm thẳm, đó chỉ là động lực để bạn vững vàng hơn trên con đường sắp bước tới!

 

Trong cuộc sống đừng chờ đợi sự may mắn, mà hãy thực hiện và cũng đừng sợ sự thất bại, nếu bạn sợ, bạn sẽ chẳng làm được việc gì nên hồn đâu!

 

Đừng nói mà hãy làm. Đừng huyên thuyên mà hãy hành động. Đừng hứa mà hãy chứng minh!

 

Đại dương mênh mông sẽ không thể đánh chìm một con tàu nếu nước không tràn vào bên trong nó...

 

Cuộc sống như một trang sách, kẻ điên sẽ giở qua nhanh chóng. Người khôn ngoan thì vừa đọc, vừa suy nghĩ vì biết rằng mình chỉ được đọc một lần!

 

Đừng nên hỏi tại sao bạn sống mà nên hỏi ta phải sống thế nào mới hạnh phúc. Đừng cố tu để thoát khổ mà hãy tu học để làm mình ngày càng hạnh phúc hơn!

 ***

--> Read more..

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2022

Nhà tiên tri

Tôi thuộc típ người thực tế, có nghĩa là rất ít tin vào những chuyện gọi nôm na là… “phong thần”, chẳng hạn như bói toán, tử vi, tướng số…

Tuy nhiên, đối với những người có khả năng “tiên đoán trước những chuyện sẽ xảy ra” hình như có điều gí đó rất bí ẩn mà chúng ta, những người bình thường, luôn cảm thấy rất… khó giải thích!

Ở Việt Nam, có Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), đậu Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535) và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước “Trình Tuyền hầu” rồi thăng tới “Trình Quốc công” mà dân gian quen gọi ông là Trạng Trình.

 

Tượng đài Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585)

 

Ngoài văn tài, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm còn để lại cho chúng ta “Sấm Trạng Trình” hay sấm ký Nguyễn Bỉnh Khiêm là những lời được cho là có tính tiên tri của ông về các biến cố chính của dân tộc Việt Nam trong khoảng 500 năm (từ năm 1509 đến khoảng năm 2019).

Theo suy diễn, nhiều điểm được nêu trong sấm ký này đã trùng khớp với các sự kiện lịch sử, nhiều nội dung đã được giải mã. Chẳng hạn như ông đã giúp chúa Nguyễn cát cứ ở Thuận Hóa (“Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”) để phát triển sự nghiệp, giúp nhà Mạc chọn Cao Bằng cát cứ mấy đời (“Cao Bằng tuy thiểu, khả diên sổ thế”)…

Lại nữa, người ta luôn bị câu sấm truyền bất hủ của Nguyễn Bỉnh Khiêm về tình hình Việt Nam với 2 câu thơ đầy ám ảnh:

“Mười phần chết bảy còn ba.

Chết hai còn một mới ra Thái Bình “

 

Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

 

Ở Pháp, có bác sĩ kiêm nhà tiên tri tên Nostradamus, ông sinh ngày 14/12/1503 và mất ngày 2/7/1566. Ông là tác giả cuốn sách "Những lời tiên tri" (Les Prophecies), là một bộ sưu tập những lời tiên đoán của ông được xuất bản năm 1555.

Quyển sách là một tập hợp những bài “đoản thi”, gồm những câu thơ 4 chữ, được gọi là “tứ tuyệt”. Cứ mỗi nhóm có 100 câu về một thế kỷ để miêu tả những biến cố sẽ xảy đến cho thế giới từ giữa thế kỷ 16 cho đến ngày tận thế mà theo dự kiến của ông là vào năm 3797 Sau Công Nguyên.

Nostradamus tốt nghiệp tiến sĩ y khoa Đại học Montpellier vào năm 1529 và hành nghề “bào chế thuốc”. Theo luật thời đó, bào chế thuốc "thủ công" là một ngành nghề bị cấm và thậm chí còn bị vu khống. Ông tiếp tục công việc bào chế thuốc và nổi tiếng với việc bào chế ra "viên thuốc hoa hồng" được cho là có tác dụng chống lại căn bệnh dịch hạch.

 

Chân dung Nostradamus (1503-1566) do con trai Cesar vẽ

 

Những bài đoản thi trong quyển "Les Prophecies" của ông nhận được phản ứng trái ngược nhau. Một số người gọi ông là bộ hạ của Satan, kẻ bịp bợm, tên dở điên dở khùng. Nhưng giới quý tộc thượng lưu lại tấm tắc ca ngợi khả năng "thần linh ứng cảm" thể hiện trong những điều ông viết.

Họ lũ lượt đến nhờ ông cho họ những lời khuyên. Hoàng hậu Catherine de Médicis, vợ vua Henri II, chính là một trong những người sùng mộ Notradamus và phong cho ông chức "ngự y".

Có 4 lời tiên tri đáng chú ý của Nostradamus:

(1) Thiên thạch rơi xuống Trái đất: "Một ngọn lửa lớn từ trên trời rơi xuống trong 3 đêm. Ngay sau đó là một trận động đất", nhà tiên tri viết.

(2) Nạn đói hoành hành: "Mật ong đắt hơn sáp nến. Giá lúa mì cao ngất. Con người sẽ tìm kiếm thức ăn trong tuyệt vọng", Nostradamus dự đoán.

(3) Sự nóng lên toàn cầu: "Sức nóng của mặt trời khiến biển cả sục sôi. Một nửa số cá ở biển bị nấu chín", Nostradamus viết trong cuốn sách tiên tri. 

(4) Sự trỗi dậy của trí thông minh nhân tạo: "Trăng đêm rằm trên đỉnh núi cao. Nhà hiền triết thấy điều đó. Những đệ tử bất tử. Mắt hướng về phía nam. Tay ôm ngực, xác rực lửa", nhà tiên tri viết.

 

Nostradamus và tác phẩm Prophecies

 

Ở Bulgary có bà Baba Vanga (1911-1996), bị mù từ năm 12 tuổi nhưng đã có thể “nhìn thấy” tương lai. Hồi còn bé, Vanga rất thông minh, với đôi mắt xanh và mái tóc vàng óng. Khả năng của bà bắt đầu bộc lộ khi bà tự nghĩ ra và yêu thích trò chơi "chữa bệnh": bà kê đơn một vài thảo dược cho bạn bè mình, những người sẽ đóng vai bị ốm.

Trong Thế chiến Thứ hai, Vanga được rất nhiều người tin vào những tiên tri của bà, một số đến gặp bà với hy vọng nhận được những lời gợi ý về thân nhân của họ còn sống hay không, hoặc tìm ra nơi mà họ sẽ chết. Năn 1942, vua Bulgary, Boris III, cũng đã đến gặp bà.

Bà được cho là người đã tiên đoán về thảm kịch nhà máy nguyên tử Chernobyl năm 1986 ở Ukraine, cái chết của Công nương Diana xứ Wales năm 1997 tại Pháp, sự tan rã của Liên bang Xô Viết năm 1991, sự kiện 11/9/2001 ở Mỹ và nước Anh rút khỏi Cộng đồng Châu Âu trong vụ Brexit năm 2019.

 

Nhà tiên tri Baba Vanga (1911-1996)

 

Những lời tiên tri của bà được đánh giá là đúng đến 85%! Người ta còn đang chờ đợi để kiểm chứng những lời tiên đoán cho tương lai như quỹ đạo trái đất sẽ thay đổi vào năm 2023, các phi hành gia đến sao Kim vào năm 2028, người Hồi giáo cai trị châu Âu vào năm 2043 và vũ trụ sẽ kết thúc vào năm 5079.

Nhà tiên tri mù cũng dự đoán rằng vào năm 2046, con người sẽ đạt tuổi thọ trên 100 nhờ công nghệ cấy ghép nội tạng; năm 2100, màn đêm sẽ biến mất và mặt trời nhân tạo sẽ chiếu sáng phần bên kia của Trái đất.

 

Tượng bà Baba Vanga

 

Chúng tôi chỉ xin đưa ra 3 trường hợp của các nhà tiên tri nổi tiếng - Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nostradamus, Vanga - và chắc chắn Đã và Đang còn rất nhiều người khác cũng làm công việc này dựa vào “khả năng thần bí” để tiên đoán những chuyện sẽ xảy ra!

Những lời tiên tri đó Đúng hay Sai hoàn toàn dựa theo ý kiến cá nhân của từng người đọc. Đây chỉ là một tài liệu để tham khảo.


 ***

--> Read more..

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

Cung Trầm Tưởng trong mắt người yêu thơ

Tôi có một bà cô họ nhưng tuổi chỉ hơn tôi vài năm. “Bà cô” có nick trên Facebook là Hương Kiều Loan (HKL), kể lại kỷ niệm với nhà thơ Cung Trầm Tưởng qua một bài viết ngắn tại: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=804688640756656&id=100036465834079):

“Ngày xa xưa ấy, tôi còn nhóc con, nhưng hân hạnh được ông đề tặng cho tập thơ nhạc "Tiễn em" dù ông chưa hề gặp mặt, chỉ xem cuốn album toàn chân dung của HKL do Nguyễn Kỳ chụp (Tâm Đạt mượn mang về, Tâm Đạt là em ruột của ca sĩ Tâm Vấn).

“Tâm Đạt, Trưng Vương, hơn tôi mấy lớp. Là nhóc tỳ nhưng thuở đó "chơi trèo " vì hoạt động văn nghệ, văn gừng trong khi các bạn TV cùng đệ của tôi phải gọi các TV hơn mấy lớp là sư tỷ. Hình như nhà thơ Cung Trầm Tưởng, rất thân với gia đình chị Tâm Vấn, hay lại nhà chơi. Nên cơ duyên mới xem cuốn album.

“Tập thơ nhạc được Tâm Đạt trao lại, tôi rất quý những cuốn sách được tác giả  ký tặng, nên để riêng trên một kệ sách, nếu không có biến cố 75, thì những cuốn sách quý đó vẫn còn! Tiếc thay!

“Lần chót nói chuyện với ông, tôi có nhắc đến tập thơ ông tặng ngày xưa, và nhắc vài kỷ niệm của ông và GS. NXV [Nguyễn Xuân Vinh] mà anh Vinh kể tôi nghe nhiều lần những kỷ niệm của hai người khi ở Pháp (họ có họ hàng).

“Nay hai nhân tài đã gặp nhau ở một thế giới khác. Xin thành kính phân ưu cùng gia đình nhà thơ Cung Trầm Tưởng.

 

Hương Kiều Loan: Dalat bên đống rơm 65

 

Cũng là một “nhóc tì” nhưng yêu văn-thơ-nhạc từ hồi còn học Trung học trên Ban Mê Thuột nên tôi chẳng khác gì “bà cô” ở Trưng Vương, Sài Gòn. Lúc đó, thật tình mà nói, tôi thích bài “Tiễn em” do nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ Cung Trầm Tưởng hơn là mảng văn thơ của ông. 

Ông tâm sự: “Tôi làm những bài thơ về Paris đó là có thật. Lẽ dĩ nhiên khi làm thơ thì mình cũng lý tưởng hóa nó một chút, tất cả về tóc vàng mắt xanh là có thật. Thời đó tôi học ở trường Pháp cứ bị mang tiếng là Tây con, đã sẵn có ngôn ngữ Pháp và văn hóa Pháp thấm nhuần trong người thành ra sang bên đó mình không bị lạ lẫm. Tôi gặp một số mối tình dù rằng không vĩnh viễn nhưng nó đánh giá những kỷ niệm đầu đời của mình”.

Đó là “chuyện tình xa xứ”. Một chàng thanh niên người Việt du học Pháp, có người yêu “tóc vàng mắt xanh”… và những cuộc chia tay trên “Ga Lyon đèn vàng” đã trở thành một hình ảnh vừa lãng mạn lại vừa mới lạ với người thưởng thức.

“Tuyết rơi mỏng manh buồn

Ga Lyon đèn vàng

Cầm tay em muốn khóc

Nói chi cũng muộn màng…”

“Lên xe tiễn em đi

Chưa bao giờ buồn thế

Trời mùa Đông Paris

Suốt đời làm chia ly”

Xin nói thêm, “Ga Lyon đèn vàng” không phải là ở thành phố Lyon như nhiều người lầm tưởng. Mà đó chính là một trong sáu ga chính ở thủ đô Paris, với tên đầy đủ là “Paris-Gare-de-Lyon”.

Người con gái tóc vàng rời Paris tròn 3 tháng để về Marseille, là thành phố miền Nam nhìn ra Địa Trung Hải có nắng ấm, có biển muối mặn, tốt hơn cho sức khỏe của nàng. Như vậy, 3 tháng được được nhà thơ làm tròn thành “100 ngày xa cách”.

Trong bài viết “Luyến niệm một Thiên Đàng đã mất!”, Cung Trầm Tưởng viết về Paris:

“Riêng cá nhân tôi đã tìm được ở Paris một không gian nhân sinh thuận lợi - thứ đất lành chim đậu - cho tôi có cơ hội để phát triển đời sống trí tuệ của mình, sống một cuộc sống sung mãn, thanh thỏa, quảng giao, phóng khoáng, hòa nhã, ở đẹp với mọi người, nhờ đó mà gieo được những hạt mầm tốt cho việc hình thành con người tương lai của mình”.

 

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng (1932-2022)

 

Bài thơ “Tiễn em”, xuất hiện trong “Tình ca”, xuất bản năm 1959. Và đó cũng là một sự kết nối “nhuần nhuyễn” giữa ba nhân vật (nhà thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc sĩ Phạm Duy và họa sĩ Ngy Cao Uyên). Mỗi người đều có riêng nhận xét của mình về “Tình ca”:

- Cung Trầm Tưởng: “Tôi đã tìm được hồn nhạc ở Phạm Duy và nét vẽ ở Ngy Cao Uyên”

- Phạm Duy: “Tôi cảm mến thơ Cung Trầm Tưởng vì qua âm điệu mình đọc được chính cảnh ngộ của mình”

- Ngy Cao Uyên: “Tôi diễn tả thơ Tình Ca bằng một vài nét tượng trưng… như thế thì mới có vẻ “thơ”


Cung Trầm Tưởng khi còn ở Paris

 

Sự kết hợp “thơ-nhạc-họa” quả là một “bước đột phá trong sáng tác” vào thời đó. “Tình ca” có đến sáu bài trên tổng số 13 bài thơ của Cung Trầm Tưởng do Phạm Duy phổ nhạc, cộng thêm với những nét vẽ trừu tượng của Ngy Cao Uyên.

Cung Trầm Tưởng cũng nhìn nhận:

“Tôi đã có ý định thực hiện sự hợp tác tay ba này… nhưng điều khó khăn đầu là tìm được một hồn nhạc và một nét vẻ cảm mến thơ của mình… Ngoài là nhạc sĩ và họa sĩ, còn có một tâm hồn rất thi sĩ. Tôi chẳng cần biện minh hộ, cứ thưởng thức tác phẩm của họ là hiểu ngay… Ngoài ra, họ cũng từng sống những phút giờ như tôi, nghĩa là từng chờ đợi ở vườn Lục-Xâm, từng tiễn đưa ở một nhà ga…”

 

Cựu Trung Tá Không quân VNCH Cung Thức Cần (nhà thơ Cung Trầm Tưởng)

 

Pham Duy đã có lần tâm sự về chuyện phổ nhạc:

“Thoạt đầu tìm một thể nhạc, thích hợp và bài thơ rồi chia bài thơ thành từng đoạn. Phân tích âm điệu, tìm tòi nét nhạc; sau cùng ghép lại, sửa đổi cho sáng tác tròn trặn, nhạc và thơ song hành cùng nhau”.

Nguyễn Cao Uyên cho biết:

“Trong Tình Ca, tôi diễn tả thơ bằng một nét vẽ rất tượng trưng. Theo tôi, như thế thì mới có vẻ “thơ”… Tôi chỉ muốn tượng trưng Tình Ca bằng một trái tim thơ, thơ nhạc họa bằng một người đàn bà và một cái bút lông. Có thế thôi!”

 

Bộ ba Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy, Ngy Cao Uyên

 

Rõ ràng là phổ thơ và họa thơ là một kỹ thuật đòi hòi rất nhiều khó khăn và sự tinh tế. Để hài hòa, làm thơ phải sao cho cả nhạc sĩ lẫn họa sĩ đều có một sự rung cảm đồng điệu. Hóa ra, ngoài những người yêu thơ như chúng ta còn phải có sự đồng cảm của giới nghệ sĩ!

 

Thi sĩ Cung Trầm Tưởng, nhạc sĩ Phạm Duy và họa sĩ Ngy Cao Uyên năm 1959

 

Đã có quá nhiều bài viết về Cung Trầm Tưởng kể từ khi ông qua đời ngày 9/10/2022 ở Minnesota, Hoa Kỳ, hưởng thọ 90 tuổi.

Tôi chỉ xin viết về những cảm xúc của người hâm mộ thơ ông, trong đó có những kẻ, dù chỉ là những người hồi xưa chỉ là “nhóc con” như tôi tại xứ Ban Mê hay “bà cô” học sinh Trưng Vương, Sài Gòn!

 

Tập thơ-nhạc-họa “Tình ca”

 ***

--> Read more..

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2022

Món nợ văn chương với nhà thơ Du Tử Lê

Nhà văn Mai Thảo đã chọn Du Tử Lê (1942-2019) là một trong “Bảy vì sao Bắc đẩu” của nửa sau thế kỷ 20 trong thi ca miền Nam. Ông nói, nhà thơ họ Lê xứng đáng ngồi cùng Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên.

Du Tử Lê, tên thật là Lê Cự Phách, cũng là người cuối cùng trong bẩy “vì sao băng” đã trở về với cát bụi ngày 07/10/2019 tại Hoa Kỳ với nguyện ước lúc còn sinh thời:

“Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

Đời lưu vong không cả một nấm mồ

Vùi đất lạ thịt xương e khó rã

Hồn không đi sao trở lại quê nhà”

 

Du Tử Lê (1942-2019)

 

Ngày 17/4/1975, Du Tử Lê cùng với Mai Thảo và Phạm Duy bị kết án tử hình vắng mặt trên đài phát thanh của Mặt trận giải phóng Miền Nam vì có thái độ chống cộng quyết liệt. Sau sự kiện 30/4/1975, anh sang tỵ nạn bên Hoa Kỳ.

Khi anh trở về Việt Nam giao lưu với độc giả năm 2014, thì tuyển tập thơ của anh đã được xuất bản trong nước. Lúc đó, dư luận người Việt tại hải ngoại có nhiều chỉ trích và tranh cãi về anh. Nhiều người nhận định anh có xu hướng hòa hợp và hòa giải bằng việc giới thiệu các bài thơ của các thi sĩ trong nước…

 

Cáo phó

 

Riêng đối với tôi, có “một món nợ văn chương” qua bài anh viết giới thiệu cuốn sách đầu tiên tôi xuất bản tại Hoa Kỳ. Trong đó, Du Tử Lê có nhắc đến Pleiku, nơi anh gặp gỡ cô giáo người Huế mà sau này là người vợ của anh… và dĩ nhiên có cả cao nguyên đất đỏ xứ Ban Mê của tôi:

“Nếu trong quá khứ, tôi từng ghi nhận rằng “Vũ Hữu Định, người đội vương miện cho Pleiku” thì, hôm nay, tôi nghĩ, tôi không thể không viết xuống: “Nguyễn Ngọc Chính, người tháp linh hồn cho Ban Mê”.

Đó là đoạn trích trong Lời Giới Thiệu cuốn sách “Hồi ức Ban Mê”, xuất bản vào tháng 9/2014 tai Califonia, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường Trung học Ban Mê Thuột. Tôi vẫn coi đây là “món nợ không trả được” vì anh đã ra đi bất ngờ, nhẹ nhàng, thanh thản trong giấc ngủ.

 

“Hồi ức Ban Mê”

 

Chị Phan Hạnh Tuyền, một cô gái Huế và cũng là vợ nhà thơ, viết trên Facebook: “Anh ra đi khoảng 8 giờ tối Thứ Hai, ngày 7 Tháng Mười, 2019, tại nhà riêng ở Garden Grove, California trong giấc ngủ tại căn phòng của anh ở tuổi 77 với 77 tác phẩm…”

Con gái anh, Orchid Lâm Quỳnh, cũng viết về bố Du Tử Lê: “Bố tôi ở nhà và ông Du Tử Lê ngoài đường là hai người khác hẳn nhau, khác đến nổi, khó tin những bài thơ của ông Du Tử Lê là do Bố tôi… làm!? Sao chữ nghĩa hay ho, những câu thơ cao siêu và huyền bí đến thế, có thể đi ra từ một người hồn nhiên, ngây ngô, dại khờ và trẻ thơ đến như vậy”.

 

Bài giới thiệu của Du Tử Lê trên “Hồi ức Ban Mê”

 

Dưới đây là “món nợ” mà anh Du Tử Lê đã “dành” cho tôi qua Lời Giới Thiệu cuốn sách “Hồi ức Ban Mê”:

“Hồi Ức Ban Mê”, tác phẩm như một Ấn-chứng-văn-chương-Nguyễn-Ngọc-Chính

“Nhiều người quan niệm, một khi đã là nhà văn, y có thể cùng lúc, đánh ra nhiều đường gươm văn chương lấp lánh - - Tựa những cao thủ thuần thục “thập bát ban võ nghệ”. Sự thực, không phải vậy.

“Tôi muốn nói, không phải nhà văn nào, cũng có khả năng hóa thân từ hiện thực tới siêu thực, từ truyện ký qua nghiên cứu văn học... Lịch sử văn học Việt cho thấy, không ít nhà văn từng chứng tỏ khả năng “phân thân” của mình. Nhưng, số người thành công, trên thực tế, lại chẳng bao nhiêu. Nếu không muốn nói là, chính sự ôm đồm kia, đã khiến nhiều nhà văn tự hủy mình trong nhà tù “ảo tưởng” đó.

“Có nhiều nguyên nhân lý giải cho thất bại vừa nói.

“Theo tôi, một trong những nguyên nhân dẫn tới thất bại, là sự thiếu vắng những rung động ngây ngấy, hay những ngọn lửa đam mê cháy bỏng - - Tựa ngọn hải đăng dẫn đường cho những con tầu phiêu du về bến.

“Trong số rất ít những nhà văn đánh ra, cùng lúc, nhiều đường gươm văn chương lấp lánh, thành công, hôm nay, theo tôi có Nguyễn Ngọc Chính.

“Họ Nguyễn không chỉ thành công khi hồi ức nhà văn của ông, mở vào thế giới tuổi thơ, tuổi học trò, tình nghĩa, huyết thống... khiến người đọc không khỏi bùi ngùi, cảm động - - Hay hồi ức về nơi chốn ông đã sống với, đã dừng lại, đã đi qua... (Mà,) họ Nguyễn còn thành công ở cả lãnh vực ông gọi là du ký - - Như “Du ký xứ... Miệt Dưới”, “Một tháng ở Melbourne” ... Hoặc những hồi ức râm ran nỗi ngậm ngùi, liu điu thất thổ... khi ông viết “Không chốn dung thân”!...

“Theo tôi, trong số những đường gươm văn chương lấp lánh, đánh ra, của Nguyễn Ngọc Chính, còn có những soi sáng từ góc nhìn nhân bản (rất nhân bản), khi ông đề cập tới những sự kiện văn học của trên nửa thế kỷ văn chương Việt Nam. Cụ thể, qua vụ án văn học “Nhân Văn-Giai Phẩm” (mà,) bi kịch tiêu biểu, là nhà văn Thụy An; tới hành trình văn chương hư ảo và, đời riêng gập ghềnh nắng, xót, của một Nguyễn Thị Hoàng, xuyên qua tác phẩm “Vòng tay học trò”...

“Vẫn theo tôi, họ Nguyễn còn thành công ở cả những ghi nhận đời thường, khi trái tim nhà văn của ông mở vào những biểu tượng như: “Ngôn ngữ Saigon xưa: Lính tráng”, hay, “Cà phê Saigon Xưa & Nay”, “Những cái tên bình dị về Núi & Đèo”...

“Tóm lại, nếu chúng ta cần tìm một nhà văn có khả năng thực sự đến được cùng lúc, nhiều lãnh vực của cuộc đời ố, kỵ, của định mệnh bất nhân, (thì,) người đó, không ai khác hơn Nguyễn Ngọc Chính.

“Nếu trong quá khứ, tôi từng ghi nhận rằng “Vũ Hữu Định, người đội vương miện cho Pleiku” thì, hôm nay, tôi nghĩ, tôi không thể không viết xuống: “Nguyễn Ngọc Chính, người tháp linh hồn cho Ban Mê”.

“Và tôi, chính là một trong những người cảm-thụ được phần “linh hồn” tháp cho Ban Mê đó, của họ Nguyễn vậy.

Du Tử Lê,

(Calif. Sept. 2014)

 

Du Tử Lê (Tranh của họa sĩ Lê Sa Long)

 

Tôi không phải là thi sĩ như anh nhưng với tất cả tấm lòng của một người em kém anh 4 tuổi, xin tặng anh những “câu thơ lạc vận” may ra có được phần nào gọi là “trả nợ” những điều anh đã viết về tôi:


“Tôi còn nợ anh một món quà văn nghệ

Kiếp này không trả được, xin hẹn kiếp sau

Cũng như anh, tôi chỉ mong khi chết

Đem tôi ra biển lớn mới toại lòng!

Tại đó mình gặp nhau cho thỏa chí

Nề hà gì, câu tử biệt sinh ly!


***

 

--> Read more..

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2022

Ca dao, tục ngữ thời @

Thời @ là một cái thời mà mọi chuyện đều có thể xảy ra… dù ta có muốn hay không.

Cuộc sống hàng ngày đã “cập nhật hóa” mọi chuyện để biến những câu ca dao, tục ngữ ngày nào trở thành quá đúng nếu ta chỉ cần sửa lại một một vài câu chữ cho “hợp tình, hợp cảnh”!




“Cái khó ló cái khôn” là một câu tục ngữ được sử dụng phổ biến thời xa xưa vì hầu như ai cũng đã nghe qua rất nhiều lần trong đời sống hàng ngày. Thế mà ngày nay được biến thành “Cái khó ló… cái ngu” chỉ vì người ta trót dại không hiểu được cái ngu của mình trong thời đại @!

Chỉ cần đổi chữ “ló” sang chữ “bó” ta lại có câu “Cái khó bó cái khôn” để biện mình cho sự thất bại của mình. Người xưa thâm thúy lắm, nghịch cảnh xảy ra và sẽ có hai trường hợp, hoặc “ló” hoặc “bó”, nhưng ở thời nay thì chỉ có một trường hợp duy nhất để giải thích sự thất bại, đó là “ngu” chứ không là gì khác!





 Ai cũng hiểu người xưa đã dạy “Thất bại là mẹ thành công” nhưng oái oăm thay, thời @ có một số người thất bại chỉ gói trọn trong câu “Thất bại vì… ngại thành công”. Đó là câu an ủi cho người sợ “thành công” sẽ ảnh hưởng tới mình, cũng tựa như thành công trong kinh doanh sẽ hứa hẹn một sự “vặt lông” của các cơ quan thuế nhà nước!

Người ta thường tin rằng trên đời này mọi chuyện xảy ra có sự xếp đặt trước nên mới có câu “Nhất ẩm, nhất trác giai do tiền định”. Ngay cả giầy dép, quần áo cũng đều có size nên thời buổi này người ta lại tự khuyên nhau: “Đời có số… cố làm gì?”.



“Con vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa thì quét lá đa”… hóa ra cái chân lý đó từ ngàn xưa vẫn không có gì thay đổi. Thời nay thì làm gì có vua nhưng “ông vua thời @” lại chính là cái ông “quyền cao, chức trọng” nên “quý tử” của ngài thế nào cũng được “chiếu cố”!

Người dân đen chỉ biết hy vọng “Bao giờ dân nổi can qua, con vua thất thế lại ra quét chùa”. Chỉ khi đó, giai cấp được mệnh danh là “dốt thiên thu, ngu thế kỷ” mới tàn lụi, nhưng thường thì họ cũng khéo xử thế lắm với châm ngôn “Được ăn cả, ngã… về hưu”. 




Dân gian đã khéo léo khi mượn hình ảnh con ngựa đau để nói đến mối quan hệ giữa con người với nhau trong xã hội: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Nhưng đó chỉ là ngày xưa khi con người còn giữ được “nhân tính”… đến thời @ thì lại khác “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ… chạy!”.

Các cụ ngày khuyên con cháu một câu thật chí lý:

“Trăm năm bia đá cũng mòn,

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.


Thời bây giờ, cũng nhắc đến “bia đá”, nhưng ở vế thứ hai “bia miệng” đã bị thay thế bằng “bia rượu” cho “hợp tình, hợp cảnh”:

“Trăm năm bia đá cũng mòn,

Ngàn năm bia rượu vẫn còn trơ trơ”.


Lại có một version khác dành cho các vị “hảo ngọt”, thật “thấu tình, đạt lý”:

“Trăm năm bia đá cũng mòn,

Bia chai cũng hết, chỉ còn bia... ôm”.



 

Về hôn nhân, có một câu ca dao vừa dí dỏm lại vừa hữu lý:

“Cưới vợ phải cưới liền tay

Chớ để lâu ngày thiên hạ dèm pha”


Ngày nay vì tình hình kinh tế khó khăn nên đổi thành:

“Cưới vợ thì cưới liền tay.

 Chớ để lâu ngày… vật giá leo thang!”


Nếu không vì kinh tế thì cũng vì xã hội ngày nay “chụp giựt” nên lại có lời khuyên:

“Cưới vợ thì cưới liền tay.

 Chớ để lâu ngày thành vợ người ta!”


Hay lời khuyên con đến tuổi “cập kê” của một bà mẹ:

“Cưới vợ thì cưới liền tay

Chớ để lâu ngày hàng xóm nó rinh!

Nó rinh thì để cho rinh

Đáng lẽ vợ mình, thành vợ người ta!”


Lấy được vợ cũng chưa hết chuyện vì người xưa đưa ra nhận xét cho những ông có ý định “lập phòng nhì”: “Một vợ nằm giường lèo, hai vợ nằm chèo queo”. Thời bây giờ lại có câu hỏi cắc cớ “thế thì ba vợ nằm ở đâu?”. Câu trả lời thật đơn giản từ các bà:

“Một vợ thì nằm giường lèo

Hai vợ thì nằm chèo queo

Ba vợ thi ra chuồng heo mờ nằm!” 



 

Có những câu thoạt nghe cứ tưởng như “triết lý cùn” nhưng ngẫm nghĩ lại mới thấy thâm thúy làm sao:

– “Làm giàu không khó, nhưng khó ở chỗ… làm mãi mà không giàu”.

– “Ngu không phải là cái tội, mà cái tội là… không biết mình ngu”.

– “Đàn ông có tiền dễ hư, Đàn bà hư dễ có tiền”.

– “Đừng tự hào vì mình nghèo mà giỏi,

   Hãy tự hỏi sao mình giỏi mà vẫn nghèo”.

 

 

Sống trong thời buổi “thật thà ăn cháo, bố láo ăn cơm” con người gần như “mất phương hướng”. Cái nguyên tắc “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” đã trở nên lỗi thời và được sửa thành “Ăn trông nồi, ngồi trông… phong bì” bởi vì, suy cho cùng, “Đồng chí không quí bằng… đồng tiền!”.

Chưa bao giờ người ta thấy thấm thía câu:

“Khi ngôn từ bất lực thì bạo lực sẽ lên ngôI”.

 



 ***

--> Read more..

Popular posts