Thời @ là một cái thời mà mọi chuyện đều có
thể xảy ra… dù ta có muốn hay không.
Cuộc sống hàng ngày đã “cập nhật hóa” mọi chuyện để biến những câu ca dao, tục ngữ ngày
nào trở thành quá đúng nếu ta chỉ cần sửa lại một một vài câu chữ cho “hợp tình, hợp cảnh”!
“Cái khó ló cái khôn” là một câu tục ngữ được sử dụng phổ biến thời xa xưa vì hầu như ai cũng đã nghe qua rất nhiều lần trong đời sống hàng ngày. Thế mà ngày nay được biến thành “Cái khó ló… cái ngu” chỉ vì người ta trót dại không hiểu được cái ngu của mình trong thời đại @!
Chỉ cần đổi chữ “ló” sang chữ “bó” ta lại có câu “Cái khó bó cái khôn” để biện mình cho sự thất bại của mình. Người xưa thâm thúy lắm, nghịch cảnh xảy ra và sẽ có hai trường hợp, hoặc “ló” hoặc “bó”, nhưng ở thời nay thì chỉ có một trường hợp duy nhất để giải thích sự thất bại, đó là “ngu” chứ không là gì khác!
Người ta thường tin rằng trên đời này mọi chuyện xảy ra có sự xếp đặt trước nên mới có câu “Nhất ẩm, nhất trác giai do tiền định”. Ngay cả giầy dép, quần áo cũng đều có size nên thời buổi này người ta lại tự khuyên nhau: “Đời có số… cố làm gì?”.
“Con
vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa thì quét lá đa”…
hóa ra cái chân lý đó từ ngàn xưa vẫn không có gì thay đổi. Thời nay thì làm gì
có vua nhưng “ông vua thời @” lại chính
là cái ông “quyền cao, chức trọng”
nên “quý tử” của ngài thế nào cũng được “chiếu cố”!
Người dân đen chỉ biết hy vọng “Bao giờ dân nổi can qua, con vua thất thế lại ra quét chùa”. Chỉ khi đó, giai cấp được mệnh danh là “dốt thiên thu, ngu thế kỷ” mới tàn lụi, nhưng thường thì họ cũng khéo xử thế lắm với châm ngôn “Được ăn cả, ngã… về hưu”.
Dân gian đã khéo léo khi mượn hình ảnh con ngựa đau để nói đến mối quan hệ giữa con người với nhau trong xã hội: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Nhưng đó chỉ là ngày xưa khi con người còn giữ được “nhân tính”… đến thời @ thì lại khác “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ… chạy!”.
Các cụ ngày khuyên con cháu một câu thật chí lý:
“Trăm năm bia đá cũng mòn,
Ngàn
năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.
Thời bây giờ, cũng nhắc đến “bia đá”, nhưng ở vế thứ hai “bia miệng” đã bị thay thế bằng “bia rượu” cho “hợp tình, hợp cảnh”:
“Trăm năm bia đá cũng mòn,
Ngàn
năm bia rượu vẫn còn trơ trơ”.
Lại có một version khác dành cho các vị “hảo ngọt”, thật “thấu tình, đạt lý”:
“Trăm năm bia đá cũng mòn,
Bia
chai cũng hết, chỉ còn bia... ôm”.
Về hôn nhân, có một câu ca dao vừa dí dỏm lại
vừa hữu lý:
“Cưới vợ phải cưới liền tay
Chớ để
lâu ngày thiên hạ dèm pha”
Ngày nay vì tình hình kinh tế khó khăn nên đổi thành:
“Cưới vợ thì cưới liền tay.
Chớ để lâu ngày… vật giá leo thang!”
Nếu không vì kinh tế thì cũng vì xã hội ngày nay “chụp giựt” nên lại có lời khuyên:
“Cưới vợ thì cưới liền tay.
Chớ để lâu ngày thành vợ người
ta!”
Hay lời khuyên con đến tuổi “cập kê” của một bà mẹ:
“Cưới vợ thì cưới liền tay
Chớ để
lâu ngày hàng xóm nó rinh!
Nó
rinh thì để cho rinh
Đáng
lẽ vợ mình, thành vợ người ta!”
Lấy được vợ cũng chưa hết chuyện vì người xưa đưa ra nhận xét cho những ông có ý định “lập phòng nhì”: “Một vợ nằm giường lèo, hai vợ nằm chèo queo”. Thời bây giờ lại có câu hỏi cắc cớ “thế thì ba vợ nằm ở đâu?”. Câu trả lời thật đơn giản từ các bà:
“Một vợ thì nằm giường lèo
Hai vợ
thì nằm chèo queo
Ba vợ thi ra chuồng heo mờ nằm!”
Có những câu thoạt nghe cứ tưởng như “triết lý cùn” nhưng ngẫm nghĩ lại mới
thấy thâm thúy làm sao:
– “Làm giàu không khó, nhưng khó ở chỗ… làm mãi mà không giàu”.
–
“Ngu không phải là cái tội, mà cái tội là… không biết mình ngu”.
–
“Đàn ông có tiền dễ hư, Đàn bà hư dễ có tiền”.
–
“Đừng tự hào vì mình nghèo mà giỏi,
Hãy tự hỏi sao mình giỏi mà vẫn
nghèo”.
Sống trong thời buổi “thật thà ăn cháo, bố láo ăn cơm” con người gần như “mất phương hướng”. Cái nguyên tắc “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” đã trở
nên lỗi thời và được sửa thành “Ăn
trông nồi, ngồi trông… phong bì” bởi vì, suy cho cùng, “Đồng chí không quí bằng… đồng tiền!”.
Chưa bao giờ người ta thấy thấm thía câu:
“Khi ngôn từ bất lực thì bạo lực sẽ lên ngôI”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét